Chàng trai viết câu chuyện thanh xuân
Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019. Mới đây, Trung lại tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam ( 30 Under 30 năm 2020).
Hoàng Hoa Trung giới thiệu chương trình hành động của câu lạc bộ. Ảnh: NVCC.
Thiện nguyện – một phần của cuộc sống
Bạn bè thường thường gọi chàng trai sinh năm 1990 này là “Trung đồng nát” vì anh luôn thu gom các phế phẩm để biến thành đồ dùng hữu ích hoặc có thể mang lại doanh thu. Số tiền kiếm được, anh nghĩ ngay đến việc mang đi làm thiện nguyện và giúp đỡ trẻ em miền núi.
Ở tuổi 18, những chàng trai, cô gái nuôi cho mình ước mơ bay cao, bay xa, Trung cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ khác, cách anh chọn là “bay” đến với các hoạt động tình nguyện. Gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao.. là một trong những việc mà Trung cùng nhóm “Tình nguyện Niềm tin” do anh làm trưởng nhóm đã làm trong suốt hơn mười năm qua.
Năm 2014, Trung và các bạn trẻ đã thực hiện “Dự án Nuôi Em”. Bằng hình thức kết nối các nhà hảo tâm để trực tiếp nhận nuôi cơm trưa cho học sinh vùng cao, với giá 8.500 đồng/em/bữa. Đến nay, Hoàng Hoa Trung đã kết nối được 12.000 nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẵn sàng ủng hộ kinh phí thực hiện dự án.
Các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi. Không những thế, họ còn biết địa chỉ, số điện thoại của thầy cô giáo, trưởng thôn – bản… để thường xuyên gặp gỡ trao đổi tháo gỡ khó khăn.
Cũng nhờ “Dự án Nuôi Em”, hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, giúp giảm đáng kể tỉ lệ học sinh bỏ học.
Tuổi trẻ, khi người ta có quyền được nghĩ và tham vọng với những mục tiêu của riêng mình thì Hoàng Hoa Trung dành tất cả đam mê cho các hoạt động thiện nguyện.
Trung chia sẻ: “Thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất. Công tác thiện nguyện nhiều khi rất khó khăn, vất vả nhưng với Trung và các bạn, điều đó cũng cho mình nhận lại được niềm vui khi sống có ích. Và Trung đã bắt đầu những câu chuyện của mình như thế”.
Giải thưởng Tình nguyện quốc gia
Hoàng Hoa Trung tại lễ vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đo tiêu biểu. Ảnh: NVCC.
“Dự án Ánh sáng núi rừng” với mục tiêu xoá 20 điểm trường tranh tre, nứa lá cũng là mục tiêu của Trung và nhóm tình nguyện. Những ngày nắng như đổ lửa, hay những hôm mưa rét lạnh căm căm, cả nhóm vẫn miệt mài đi xin đồ gốm bị lỗi về bán.
Rồi những lúc đạp xe bán bảo hiểm, bán áo phông và vận động quyên góp 400 triệu đồng suốt nhiều tháng thực hiện dự án là những kỉ niệm Trung không bao giờ quên.
Đặc biệt, Trung nhớ nhất trong dự án này chính là xây dựng điểm trường Nậm Vì (Điện Biên). Hoàng Hoa Trung nhớ lại: “Lúc đó, điều kiện phòng học ở đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Trường học chỉ có 3 gian nhà tranh tre tuềnh toàng, xiêu vẹo. Có gian vách tường bị thủng, học sinh có thể chui từ bên ngoài vào để xem bên trong các thầy cô dạy chữ. Còn bàn ghế thì được đóng từ những thân gỗ tạp gồ ghề, cái cao cái thấp”.
Điểm trường Nậm Vì trước kia chỉ được dựng bằng tre, nứa. Cứ hết kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải lại lấy tre nứa và bạt để gia cố lại lớp học. Có năm mưa bão, thầy trò vừa chạy ra ngoài thì căn nhà đổ sập.
Khi điểm trường được nhóm tình nguyện dựng xong, thầy cô cùng học sinh trong trường nhìn nhau cười thật tươi. Cả đoàn thiện nguyện cũng bật khóc vì hạnh phúc. Đối với Trung, đó là điều mình nhận lại được từ những hoạt động này và công sức là vô giá. Mỗi năm Dự án có mục tiêu xây dựng 1 – 2 điểm trường dành cho trẻ em bản cao. Tính đến năm 2017, nhóm đã xây dựng thành công 7 điểm trường trên bản.
Tiếp đó là dự án “Dũng sỹ bạt”. Đây là hoạt động xin bạt cũ, banner backdrop đã qua sử dụng đưa lên vùng cao để che chắn các điểm trường còn đang được dựng lên từ tranh, vách nứa.
Dự án hoạt động từ tháng 2 – 5/2018, nhóm đã thu gom được gần 2.000 m2 bạt để che phủ 10 điểm trường tránh nắng, mưa. Nhờ những tấm bạt cũ này đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương vùng khó khăn.
Những việc làm tưởng như nhỏ nhặt, hàng loạt các dự án ý nghĩa cho trẻ em vùng cao đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua, các bạn trẻ ấy bằng niềm tin và tình yêu thương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích về một nhóm tình nguyện có thể xây dựng những ngôi trường.
Riêng năm 2019, Trung và nhóm đã xây dựng được 15 điểm trường trên tổng số 25 điểm trường trong toàn thời gian thực hiện Dự án. Với những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, Hoàng Hoa Trung và nhóm Tình nguyện Niềm tin đã 3 lần được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn TNCS HCM.
Hoàng Hoa Trung hy vọng, những dự án của nhóm thực hiện sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các mạnh thường quân. Điều này nhằm giúp thêm nhiều học sinh ở vùng khó khăn yên tâm học tập.
Ngọc Trang
Theo Giáo dục thời đại
Gặp thầy giáo tiếng Anh đứng sau những bữa ăn miễn phí cho trẻ em nghèo ở Sài Gòn: "Làm từ thiện cũng như làm dâu trăm họ"
"Bếp sẻ chia" là một nhóm các bạn trẻ cùng nhau nấu nướng, chia sẻ những bữa ăn đến các mái ấm, với người sáng lập là một thầy giáo tiếng Anh 27 tuổi - anh Khương Phạm.
Phạm Tâm Tuấn Khương là cái tên không quá xa lạ trong cộng đồng hoạt động xã hội tại TP.HCM.
Chàng trai 27 tuổi là người sáng lập nhóm Bếp sẻ chia (The Sharing Kitchen), cùng những người bạn của mình, mang đến hàng ngàn bữa ăn ngon cho người khó khăn. Ngoài ra, anh còn theo đuổi những dự án xây dựng bếp ăn, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch cho trẻ em vùng cao.
Tuấn Khương - Chàng trai 27 tuổi sáng lập nhóm Bếp sẻ chia (The Sharing Kitchen).
Bếp sẻ chia - Lan tỏa yêu thương qua những món ăn
Chỉ với 600 ngàn đồng từ những ngày đầu thành lập, anh Khương đã kêu gọi mạnh thường quân để có kinh phí mua nguyên vật liệu, sửa sang mái ấm, các thành viên trong nhóm chung tay nấu nướng và hỗ trợ các hoạt động khác.
Những món ăn ngon lành, nóng sốt được Khương và tình nguyện viên bày ra làm các em nhỏ ở mái ấm trầm trồ, thích thú. Hầu hết các em ở mái ấm Sơn Kỳ, Lạc Quan, Hoa Huệ (đều nằm tại Q12, TP.HCM) là trẻ mồ côi, người dân tộc thiểu số, vì thế, mỗi lần các anh chị Bếp sẻ chia đến nấu ăn, các em rất vui vẻ và phấn khích.
Em Hậu (mái ấm Sơn Kỳ) gửi lời đến các anh chị Bếp sẻ chia: " Các món ăn hôm nay rất là ngon. Em cảm ơn anh chị Bếp sẻ chia đã nấu cho chúng em một bữa thật no, thật ngon và nhiều như vậy".
Làm từ thiện một cách sáng tạo nhưng vẫn trong khuôn khổ
Cơ duyên anh tiếp xúc với các hoạt động cộng đồng như thế nào?
Từ nhỏ, mình đã cảm thấy mình có một chút tố chất lãnh đạo nhưng không biết phát triển nó như thế nào. Sau này mình có tham gia một vài tổ chức từ thiện và tự đúc kết những kinh nghiệm riêng cho bản thân.
Mình nhận ra mình có thể sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, tuy nhiên, lần đầu tiên kêu gọi mình không nhận được gì cả (cười). Từ những hoạt động mình tự đúc kết kiến thức, có kinh nghiệm để hình thành nên sứ mệnh riêng của Bếp sẻ chia, làm sao để làm từ thiện một cách lâu dài và bền vững nhất.
Thời gian đầu, mình kêu gọi tài trợ nhưng nhận được rất nhiều sự từ chối. Mình vẫn không bỏ cuộc mà tự nhìn nhận lỗi sai của mình như thế nào.
Từ đó, mình tự học cách viết dự án, đăng ký học về cách lãnh đạo, những điều này không ai dạy mình hết, mình đều phải tự học cả. Và kết quả là hai lần mình được gọi tên nhận tài trợ từ Lãnh Sự Quán Úc và 1 trong 8 lãnh đạo trẻ Việt Nam tham dự YSEALI Go NGO.
Cơ duyên anh thành lập Bếp sẻ chia như thế nào?
Nhắc đến cơ duyên thành lập Bếp sẻ chia làm mình nhớ đến câu chuyện khá buồn này. Khi nhận được số tiền quyên góp đầu tiên để quyên góp cho một bà lão bán hàng rong già yếu, không được về quê, mình đã dùng một phần mua nhu yếu phẩm, thuốc men, quần áo để giúp đỡ người đó.
Tuy nhiên, bà lại không chịu về quê như lời nhờ giúp ban đầu mình cảm thấy rất có lỗi vì đã không tìm hiểu kĩ nhân vật. Cuối cùng, mình dùng 600 ngàn còn lại để thành lập Bếp sẻ chia, một phần vì muốn chuộc lại lỗi lầm.
Những bạn trẻ là thành viên của Bếp
Tại sao anh lại chọn nấu ăn để làm vì cộng đồng mà không phải là hoạt động khác?
Với mình lúc 20 tuổi khi ấy, đó là việc dễ dàng nhất mà mình có thể làm. Lúc đó cũng có khá nhiều nhóm nấu ăn nhưng quan trọng là mình phải khác biệt. Bếp sẻ chia đi vào các mái ấm, mượn gia vị và dụng cụ tại đó để tiết kiệm chi phí. Mình nghĩ con đường ngắn nhất đến trái tim là qua bao tử, qua việc ăn uống.
Từ đó, nhóm bắt đầu tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của các em nhỏ tại đây, sau đó mình mở rộng các dự án, sáng tạo thêm nhiều hoạt động từ thiện hơn. Những hoạt động ngoại khóa, giáo dục giới tính, chiếu phim, ăn buffet cứ thế được diễn ra để cuộc sống các em có được sự cân bằng với bạn bè đồng trang lứa.
Anh có thể chia sẻ về quá trình hình thành Bếp sẻ chia như hiện nay?
Đối với mình, mọi thứ đến tự nhiên nhưng không tự nhiên mà có. Đó là cả quá trình mình đã nỗ lực trong âm thầm và nỗ lực của mình được lan tỏa đến nhiều người hơn. Mình nghĩ là, khi mình giúp đỡ người khác thì ngược lại Bếp sẻ chia cũng đang giúp bản thân mình rất nhiều.
Có nhiều mối quan hệ tốt, được đi học và quan trọng nhất là có một vị trí đẹp trong lòng mọi người. Có thể nói nếu chọn một cách sống khác thì đã không có một Khương nhiều kiến thức, có tiếng nói và được nhiều người yêu quý. Và việc giúp người khác là mình cũng đang giúp chính mình vậy.
Anh đã gặp những khó khăn như thế nào trong những ngày đầu thành lập Bếp sẻ chia?
Lúc đầu, người ta không biết mình là ai hết. Nhờ những mối quan hệ từ lúc còn tham gia các tổ chức từ thiện trước đây, mình có danh sách các mái ấm cần giúp đỡ nhưng họ cũng rất e dè, hoài nghi về một đứa 20 tuổi.
Dần dần, mình đến thường xuyên hơn, mình gắn kết lâu dài hơn nên đến bây giờ, nhóm đã tạo được lòng tin với các nơi mình đã đến hoạt động. Còn việc gây quỹ, mình nhớ mãi cái thời mình đi bán từng cái bánh bột lọc kiếm 1000 đồng 1 cái để mua sữa cho tụi nhỏ nhưng nhờ vậy mà mọi người đánh giá cao hành động của mình.
Mong muốn mở một trung tâm tiếng Anh miễn phí cho trẻ nhỏ
Hiện tại, ngoài nấu ăn, Bếp sẻ chia còn có những hoạt động nào?
Nhóm còn có các hoạt động như xây dựng nhà vệ sinh, bếp ăn, hệ thống nước sạch... đã có 5 nhà vệ sinh được xây dựng, 4 hệ thống nước và một nhà bếp.
Ngoài ra, mình cũng đang tập trung nhất về việc tổ chức các hoạt động vui chơi dịp hè cho các em. Bởi vì các em ở mái ấm dường như thiếu sự giao tiếp xã hội nên mình mong tổ chức nhiều hoạt động để các em có thể cùng vui chơi, cùng chia sẻ với nhau. Mình và nhóm rất lo lắng liệu các em nhận quá nhiều mà không biết cách cho đi hay không.
Vì thế, mỗi dịp nhóm đến nấu ăn, mình tập trung 3 mái ấm lại để các em đều phụ giúp anh chị và san sẻ thức ăn cho những bạn khác. Mình hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ chứ không chỉ đến nấu ăn, phát quà rồi ra về mà để lại tình thương qua cách giáo dục dù là trong chuyện ăn uống.
Nguồn kinh phí hoạt động của nhóm chủ yếu là từ đâu?
Hiện tại thì Bếp sẻ chia đã trải qua giai đoạn 'khó khăn' ban đầu, đã có khá nhiều mạnh thường quân yêu thương và đồng hành lâu dài cùng mình. Thật sự mình cảm thấy rất may mắn. Sắp tới, mình sẽ sáng tạo thêm nhiều hoạt động hơn, vì thế, mình cũng muốn tiếp xúc với nhiều mạnh thường quân hơn. Mình cũng cảm thấy rất vui vì có thể là cầu nối giữa các tổ chức từ thiện khác với các hoàn cảnh kém may mắn.
Được biết, nhóm chủ yếu hoạt động tại mái ấm La Vang, Sơn Kỳ, Lạc Quang, Hoa Huệ, viện dưỡng lão Thiên Ân... Tại sao anh lại chọn những nơi này để gắn bó?
Trước hết khi nhóm đến những nơi này đều cảm thấy có sự gắn kết vô hình nào đó, kể cả người quản lý và các bà, các em nhỏ. Đó không chỉ là cảm nhận của riêng mình mà là của cả nhóm nên chúng mình quyết định tập trung hoạt động tại những nơi này. Đã yêu thương nhau thôi thì đi với nhau đường dài luôn.
Bây giờ anh có cảm thấy Bếp sẻ chia thành công như mong muốn ban đầu của anh không?
Thật sự mà nói là nó đã vượt qua sự mong đợi ban đầu của mình. Từ ý tưởng chỉ là nấu ăn cuối tuần, gặp những người mình thích sau đó, mình nhìn ra những tồn đọng, những khó khăn ở mái ấm và thế là sứ mệnh của tụi mình lại tăng thêm.
Mỗi lần nhóm đến, mình nhận ra sự thay đổi ở từng ngóc ngách của mái ấm và mình cảm thấy rất vui. Các em nhỏ cũng rất vui mừng, phấn khích khi nhóm đến nấu ăn, cho đi chơi và quyên góp đồ dùng. Mình nghĩ đó là sự thành công lớn nhất của nhóm.
Những món ăn tươi ngon được gửi tặng các em nhỏ tại Mái ấm Sơn Kỳ
Động lực nào khiến anh duy trì Bếp sẻ chia trong 7 năm qua mà chưa bao giờ bỏ cuộc?
Thứ nhất thì ngoài mình ra còn có những người bạn đồng hành, sẵn sàng giúp đỡ mình mọi lúc. Cho mình lần đầu tiên gửi lời cảm ơn Sin, Hà, Mai và Chị Trinh thân yêu. Cảm ơn các anh chị mạnh thường quân đứng sau chúng em nữa. Dường như cái tên Khương Phạm đã gắn liền với Bếp sẻ chia từ lâu rồi.
Thứ hai là từ lúc mình khai sinh ra Bếp sẻ chia, đây chỉ là cái tên vô hình, không được ai biết đến nhưng mà bây giờ, nó đã hiện hữu trong trái tim của mọi người, khi nhắc đến những tổ chức cộng đồng hiệu quả.
Mỗi ngày, mình đều có những thử thách mới, cho nên, đó là động lực khiến mình không thể dừng lại Bếp sẻ chia, khi mình còn khả năng mang lại niềm vui cho người khác.
Mong muốn, nguyện vọng sắp tới của anh dành cho Bếp sẻ chia?
Mình muốn Bếp sẻ chia tiếp tục có những hoạt động lớn mạnh hơn. Và mong muốn lớn nhất là có thể mở một trường tiếng Anh phi lợi nhuận mà nơi đó mình có thể mở lớp dạy tại chỗ tại các mái ấm, duy trì lớp học lâu dài để mang lại cho các em kiến thức.
Anh có lời khuyên nào đến với các bạn trẻ cũng mong muốn hoạt động cộng đồng như mình?
Mình nghĩ các bạn nên trau dồi tư duy, kiến thức của mình trước tiên. Quan trọng mình làm tổ chức xã hội nhưng vẫn giữ được cá tính của mình, sứ mệnh riêng của mình. Điều đó cũng thể hiện rằng bạn có tính cách kiên định, không dễ lung lay trước những khó khăn. Đôi khi việc làm từ thiện cũng giống như làm dâu trăm họ, mình không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được nên hãy giữ lấy sứ mệnh của mình.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Theo Trí Thức Trẻ
Điện lực miền Nam tặng 100 phần quà cho học sinh nghèo Trà Vinh Thời gian qua, nhiều hoạt động xã hội, nhất là hoạt động từ thiện đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) quan tâm hướng đến các em học sinh nghèo, vượt khó tại các tỉnh, thành phố phía nam trong cả nước. Ảnh: VGP/Minh Thi Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2019),...