Chàng trai vẽ tranh bằng chân
Sau vài tháng chào đời, căn bệnh bại não khiến đôi tay Nguyễn Kiều Anh Tuấn, 19 tuổi ở Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội) bị tê liệt. Sau nhiều năm khổ luyện, hiện tại em đã có thể viết, vẽ, chơi bằng chân.
Tuấn chăm chỉ tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Dáng lom khom, hai tay bị liệt quặp hẳn về phía sau, Tuấn kẹp bút vào chân phải rồi cặm cụi viết. Đã hơn một tháng kể từ ngày nghỉ học lớp 8 ở trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội), Tuấn chỉ ở nhà tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Em muốn quay lại học ở trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) nhưng vẫn chưa được chấp nhận.
Là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em, từ lúc chào đời cậu bé Nguyễn Kiều Anh Tuấn đã chịu nhiều bất hạnh. Sinh non ở tháng thứ 7 giữa mùa đông lạnh giá, mẹ lại thiếu sữa khiến thể trạng Tuấn yếu ớt. Bác sĩ khuyên nên đưa em vào bệnh viện điều trị để tránh các căn bệnh hiểm nghèo, nhưng gia đình khó khăn nên Tuấn đành ở nhà.
Được 5 tháng tuổi, Tuấn lên cơn sốt, quấy khóc bất thường. Bác sĩ chuẩn đoán em bị bại não. Nghe ai mách cách gì, vợ chồng anh Nguyễn Kiều Hồng và chị Lê Thị Hoa đều làm theo nhưng bệnh tình của con trai không thuyên giảm.
Một trong số những tác phẩm Tuấn vẽ bằng chân. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Đôi tay Tuấn teo tóp không cử động được, chiếc lưỡi đầy dãi dớt luôn trong trạng thái thè ra khiến tiếng nói của em không rõ ràng. Trước lúc 3 tuổi, Tuấn hay bị ngoẹo đầu, không thể đi được. Nóng giận, anh Hồng quát mắng con mà lòng đau đớn. Anh rèn cho con đi từng bước, ngã bắt đứng dậy, mặc cho Tuấn khóc lóc, van xin.
Video đang HOT
Năm 7 tuổi, Tuấn đi được nhưng vẫn ngã liên tục. Nghe lời bố, Tuấn tự cầm giấy bút ra ngồi học chữ cạnh chị gái. Khi ăn cơm, em cố gắng dùng chân cắp hạt cơm bị rơi cho vào mâm. Nhìn thấy hành động đầy ý thức của Tuấn, anh Hồng suy nghĩ “trời cho con sống thì mình phải có nghĩa vụ giúp con tự lo cho cuộc sống sau này”. Người đàn ông ấy bắt đầu quan tâm hơn tới việc dạy con làm việc bằng chân. Nhờ bố rèn, hiện Tuấn có thể chơi các trò bắn bi, ô ăn quan, tự xúc cơm, viết chữ, thậm chí tắm gội cũng làm bằng chân.
Một năm sau, Tuấn được đưa vào Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Sau gần 3 năm điều trị tại đây, ngày 8/3/2004, Tuấn tự vẽ bức tranh với nội dung đứa con cầm bông hoa năm cánh đỏ tươi tặng mẹ. “Con trai sống tốt, biết nghĩ đến mẹ và gia đình là tôi không còn mong mỏi gì hơn. Tôi đã rất xúc động khi nhận được bức tranh Tuấn vẽ bằng chân”, chị Hoa chia sẻ.
Thời gian rảnh rỗi trong trung tâm Tuấn ngồi vẽ tranh, sáng tác thơ. 19 tuổi, Tuấn đã hoàn thành tập thơ “Ký ức đời tôi”, “ Thế giới người tàn tật” gồm gần 100 bài viết theo thể lục bát và tứ tuyệt. Những bài thơ thể hiện tâm hồn lạc quan, trong sáng. Tuấn chăm sáng tác vì với em “thơ là nơi để giãi bày, là nơi em cảm thấy cuộc đời đầy ý nghĩa”.
Dù hiện tại không được đến trường nhưng Tuấn vẫn theo đuổi ước mơ trở thành nhà thơ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân (Trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An) cho biết Tuấn rất có ý thức, giàu tự trọng và luôn muốn vươn lên. Em tự nguyện xin nghe đài, đọc báo và học đánh máy vi tính. Sau thời gian sống ở trung tâm Thụy An, Tuấn về nhà và theo học lớp 8 trường THCS Sen Chiểu cách nhà 1km. Hàng ngày Tuấn đeo cặp chéo vai đi bộ đến trường.
Sự quan tâm của thầy cô khiến Tuấn gạt bỏ tất cả lời trêu đùa của học sinh trong trường để đi học. Được hơn một tháng, mọi thứ trở nên quá khó với Tuấn bởi tốc độ viết bằng chân khá chậm khiến em không thể theo kịp bạn bè. Nghỉ ở nhà, Tuấn xin bố đi bán tăm vì không muốn trở thành kẻ vô dụng. Thương con, anh Hồng gửi đơn xin Trung tâm Thụy An cho Tuấn trở lại học tập. Tuy nhiên đã nhiều tháng nay gia đình chưa nhận được câu trả lời.
Ở nhà, Tuấn chăm chỉ đọc sách, nghe đài và luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà thơ.
Theo VNE
Người chinh phục vạn trái tim
Gần bốn năm nay, Mai Thế Trung, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiến máu 14 lần, vận động hơn 50.000 người tham gia hiến máu, chủ yếu nhờ những câu chuyện bằng hình ảnh về những đứa trẻ bất hạnh "mong máu như mong mẹ đi chợ về".
Tại Khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhiều em nhỏ khắc khoải chờ từng giọt máu. Có hai chị em ở cùng một gia đình đều mắc bệnh máu trắng. Hằng tuần, các bé đều phải truyền hóa chất 2-3 lần và truyền máu hai lần.
Bức ảnh chụp các em nhỏ thiếu máu tại Viện HHTM T.Ư luôn được Trung mang theo
mỗi khi đi vận động - Ảnh: Mai Thế Trung cung cấp
Cận tết, máu khan hiếm. Có tuần, các em chỉ được truyền máu một lần. Thiếu máu, những làn da xanh xao nằm yên trên giường chứ không vui đùa như mọi khi. Cây kim truyền máu bao giờ cũng gắn chặt trên tay nhỏ bé của các em.
Mẹ một bệnh nhi nói với Trung: "Sắp tết rồi muốn đưa các cháu về quê nhưng không đủ máu truyền nên chưa biết khi nào mới về được". Bé gái lớn mới bốn tuổi thầm thì với Trung "Cháu nhớ bà, nhớ bố".
Từ đó, mỗi lần đi tuyên truyền vận động hiến máu, Trung đều mang theo ảnh của các bé. Nhìn thấy, nhiều người khóc. Mấy bạn trai trông rắn rỏi cũng rơi nước mắt.
Một lần, Trung cùng một số bạn trong "Chi hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo 1-12" tham gia vận động hiến máu. Quá trưa, mọi người mệt nhoài.
Đang ăn cơm thì có tin báo người nhà của một tình nguyện viên bị tai nạn, cần truyền máu gấp. Trung bỏ bữa cơm đang ăn dở, chạy đến Bệnh viện Việt Đức. "Cơm ăn lúc nào cũng được nhưng máu thì phải truyền ngay", bạn tình nguyện viên mắt ướt nhòe khi biết người thân qua khỏi cơn nguy kịch.
Mai Thế Trung - Ảnh: Nguyễn Hoài
Đếm đủ 84 ngày
Cứ ba tháng, Trung lại tham gia hiến máu một lần. Có lần vì quá sốt sắng, Trung đếm đủ 84 ngày là tham gia hiến máu. Hiến máu là cách gửi tiết kiệm máu của mình. Nếu không may phải truyền máu, bạn không những được ưu tiên mà còn được truyền đủ số lượng máu mà mình đã hiến.
Từng là Chi hội trưởng "Chi hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo 1-12", giờ Trung là Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Tình nguyện Vận động Hiến máu Nhân đạo thành phố Hà Nội. Nhiều khi Trung chưa kịp bước chân vào xóm trọ để tuyên truyền thì bị các bạn đóng sập cửa. Nhiều bạn khác tỏ vẻ không đồng tình bằng cách gây mất trật tự khi Trung tuyên truyền.
Vậy mà, đến thời điểm hiện tại, theo hồ sơ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Trung đã huy động được hơn 50.000 người tham gia hiến máu nhân đạo. Rất nhiều trong số đó giờ trở thành đối tượng hiến máu nhân đạo thường xuyên.
Có người đã hiến máu đến sáu, bảy lần. "Giờ thì lúc nào mình cũng có thể huy động được khoảng 50 bạn tham gia hiến máu nhân đạo. Hai phần ba sinh viên lớp mình là những người hiến máu thường xuyên", Trung nói.
Nguyễn Mạnh Ninh, bạn cùng phòng nói: "Ban đầu mình kịch liệt phản đối chuyện Trung tham gia và tuyên truyền hiến máu. Mất quá nhiều thời gian. Nhưng thấy cậu ấy nhiệt thành quá nên mình tham gia hiến máu một lần". Giờ thì Ninh cũng là một đối tượng tham gia hiến máu nhân đạo thường xuyên.
Theo TNO
Cảm phục hai chị em đến trường trên một đôi chân Thương em trai bị liệt hai chân, em Nguyễn Thị Cẩm xin thầy cô ở lại lớp 2 năm để học chung với em trai. Từ đó, hai chị em đến trường trên một "đôi chân" và dù gia đình khó khăn nhưng năm nào hai chị em Cẩm cũng đạt học sinh giỏi. Lâu nay, người dân xã Bình Trưng (huyện Châu...