Chàng trai ung thư tinh hoàn do 20 năm sống với giới tính nữ
Mổ cắt phì đại âm vật từ khi còn nhỏ, Nga lớn lên với giới tính nữ, lúc xuất hiện các dấu hiệu dậy thì của nam giới đã sang Thái Lan để tiêm hormone nữ.
Khuôn mặt được trang kiểm kỹ lưỡng, Nga để lại ấn tượng thoáng qua với dáng vẻ nữ tính. Lọt lòng mẹ hơn 20 năm trước với hình dáng bộ phận sinh dục bất thường, Nga được chẩn đoán phì đại âm vật bẩm sinh, giới tính nữ. Một cơ sở y tế thời bấy giờ đã phẫu thuật cắt âm vật, chừa lại lỗ tiểu để điều trị cho bệnh nhi.
Nga lớn lên với mọi sinh hoạt, tên họ của bé gái. 14 tuổi, Nga vỡ giọng và xuất hiện các dấu hiệu dậy thì của bé trai, không có kinh nguyệt, không phát triển ngực.
Video đang HOT
Lúc này xét nghiệm nhiễm sắc thể cho kết quả 46 XY, giới tính nam. Đã lỡ quen với việc con là một bé gái, gia đình quyết định can thiệp Nga theo hướng giới tính nữ.
Theo nguyện vọng của gia đình, Nga sang Thái Lan tiêm hormone nữ với cam kết tự chịu trách nhiệm xin được điều trị như vậy.
Đau đớn chưa dừng lại khi Nga 19 tuổi, một trong 2 tinh hoàn hóa ung thư phải cắt bỏ. Một thời gian sau, tinh hoàn còn lại cũng hóa ác.
Nga chuẩn bị bước vào ca mổ cắt bỏ tinh hoàn tiếp theo và quá trình hóa trị. Hormone nam giới hoàn toàn hết, testosterone không sản xuất được nữa khiến Nga không còn cơ hội được sống đúng với giới tính nam vốn có.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết Nga mắc tình trạng tinh hoàn ẩn, chào đời với hai tinh hoàn nằm trên bẹn chứ không ở dưới bìu như bình thường nên dễ gây hiểu nhầm là nữ.
Nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng hoặc các vị trí khác của cơ thể, nhiệt độ những nơi này cao hơn ở bìu nên lâu ngày sẽ gây thoái hóa ống sinh tinh, dễ dẫn đến ung thư tinh hoàn.
“Trường hợp này nếu chẩn đoán ban đầu đúng là 46XY, phì đại âm vật thì điều trị theo hướng nam giới rất đơn giản. Chỉ cần xử lý tinh hoàn ẩn, phẫu thuật hạ xuống dưới bìu, tạo hình dương vật thì bệnh nhân đã có thể sống đúng với giới tính”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Theo các bác sĩ, tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm ngay sau khi sinh và điều trị đưa xuống bìu trước 2 tuổi để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Nếu người lớn mới phát hiện thì khả năng sinh tinh không còn nhưng bệnh nhân vẫn phải phẫu thuật vì có nguy cơ ung thư gấp 10 lần người bình thường.
Ngoài ra tinh hoàn ẩn cũng có thể gây ra hiện tượng xoắn tinh hoàn, phải cắt bỏ nếu hoại tử hay gây bất thường về cấu trúc thẩm mỹ của cơ quan sinh dục.
Theo Báo Giáo Dục & Thời Đại