Chàng trai Sài Gòn xuyên Việt 27 ngày với 20 triệu đồng
Thực hiện ước mơ xuyên Việt sau 5 năm, Anh Đức vẫn rùng mình khi nghĩ về cung đường tây Trường Sơn vắng người, mù sương, đầy ổ gà…
Nguyễn Anh Đức, đến từ TP HCM, vừa hoàn thành chuyến đi xuyên Việt trong 27 ngày cùng 2 người bạn vào tháng 12. “Anh Trần Đặng Đăng Khoa cũng là người truyền cảm hứng để mình thực hiện chuyến đi này. Mình theo dõi anh đã gần 5 năm. Những chuyến đi và chia sẻ của anh tạo cho mình đam mê, khát khao một ngày cũng sẽ có hành trình như vậy”, Đức chia sẻ.
Đam mê chinh phục các cung đường bằng xe máy, nhưng trước đây Đức chỉ thường tới những điểm gần như Vũng Tàu, Đà Lạt… Đây là lần đầu tiên anh ra miền Bắc. Từ TP HCM, anh cùng hai người bạn thân đi dọc đường ven biển đến Hà Nội, lên Tây Bắc, sang Đông Bắc rồi về lại Hà Nội. Tới đây, ba người gửi xe máy về TP HCM và về bằng máy bay.
Đức (giữa) cùng hai người bạn thân từ THPT. Ảnh: NVCC
Như hai người bạn thân của mình, Đức luôn mong muốn sở hữu xe tay côn từ lúc còn là học sinh cấp 3. Đến khi đi làm, Đức mới tiết kiệm đủ để đi xuyên Việt. “Tự chạy xe trên những cung đường, ngắm cảnh đẹp của đất nước là điều tuyệt vời như một giấc mơ. Đôi khi mình còn cảm thấy lãng mạng như đi cùng người yêu”, Đức cười.
Hành trình có vài khó khăn, nhưng anh nhớ nhất đoạn qua đường mòn Hồ Chí Minh, nhánh tây Trường Sơn khi từ Quảng Trị đến Quảng Bình. Thay vì đi quốc lộ thông thường, Đức chọn tuyến này vì muốn khám phá thiên nhiên hoang sơ, dù đường hiểm trở. Càng đi trời mưa càng lớn, Đức lo lắng sẽ gặp nguy hiểm nhưng các bạn đồng hành vẫn ủng hộ tiếp tục. Sau khoảng 30 km đầu tiên, đường trở nên vắng người, mù sương, trời lạnh và không có cây xăng.
Video đang HOT
“Một bên là núi mới sạt lở, một bên là vực sâu, đường ở giữa thì đầy bùn đất, ổ gà… chỉ vừa đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Lần đầu tiên mình lái xe mà thấy sợ như vậy, cố giữ tay lái, giữ bình tĩnh. Tim mình đập thình thịch vì sự cố có thể đến bất cứ lúc nào. Đến Quảng Bình, ai cũng thừa nhận rất sợ nhưng không dám nói ra vì không muốn mọi người nhụt chí”, Đức kể.
Đức chụp lại ảnh lưu niệm sau khi đi qua cung đường tây Trường Sơn.
Dù vậy, anh cho rằng khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc” đó rất xứng đáng bởi đổi lại anh được nhìn ngắm vẻ đẹp của dãy Trường sơn, nơi anh ví như một xứ sở thần tiên. “Mình nghĩ đây là cung đường mà mọi phượt thủ nên đi một lần trong đời. Nhờ trải nghiệm này mà nhóm mình đã mạnh dạn, quyết đoán hơn cho những chặng đường về sau”, anh nói thêm.
Tổng chi tiêu cho cả chuyến đi khoảng 20 triệu đồng. Mỗi ngày chàng trai Sài Gòn tiêu trung bình 600.000 đồng. Trong đó, tiền xăng 100.000 đồng, phòng nghỉ 100.000 đồng, 200.000 đồng cho việc ăn uống, vé tham quan và các phí khác 100.000 đồng. Ngoài ra, trong cả chuyến đi anh thay dầu hai lần hết 540.000 đồng, gửi xe máy bằng tàu hỏa từ Hà nội về hết 750.000 đồng và vé máy bay về TP HCM là 730.000 đồng.
Xe và hành lí của cả nhóm. Ảnh: NVCC
Trước ngày lên đường, nhiều bạn bè khuyên can Đức, song anh lại càng quyết tâm thực hiện. “Tuổi trẻ ai mà chẳng muốn thử, muốn ra khỏi vòng an toàn. Mình muốn gửi gắm thông điệp với mọi người rằng hãy đi, đi đâu cũng được, đi để thấy đất nước mình đẹp, để trưởng thành, để hiểu rằng cuộc sống này rất đẹp và hạnh phúc”, Đức nói.
Trần Đặng Đăng Khoa mang áo dài, quốc kỳ chinh phục Sơn Đoòng
Lá cờ từ Trường Sa đồng hành cùng Trần Đặng Đăng Khoa qua 7 châu lục đã đến Sơn Đoòng, nơi anh mong mỏi khám phá từ lâu.
Trần Đặng Đăng Khoa kết thúc chuyến thám hiểm 4 ngày 3 đêm tại hang động lớn nhất thế giới vào ngày 19/1. Ngoài vật dụng cá nhân, hành trang anh mang theo trong suốt chuyến đi là áo dài và quốc kỳ, 2 biểu tượng của Việt Nam.
Lá cờ được những người bạn, anh em đam mê xê dịch của Đăng Khoa mang từ đảo Phan Vinh (Trường Sa), truyền tay nhau đi dọc đất nước, và đồng hành cùng anh trên suốt hành trình 3 năm vòng quanh thế giới. "Tôi mang theo lá cờ thấm bao mồ hôi, nước mắt của những chiến sĩ ngoài đảo xa, như mang theo bên mình một niềm tự hào", anh nói.
Anh chụp ảnh kỷ niệm trong trang phục áo dài truyền thống và quốc kỳ trên khối thạch nhũ "Bánh Cưới".
Chia sẻ về hành trình, Đăng Khoa cảm thấy vô cùng tự hào khi được đặt chân tới Sơn Đoòng, kỳ quan anh mong chờ khám phá từ lâu. Anh gọi đây là một dấu mốc mới của cuộc đời. Hang động đẹp và hùng vĩ hơn rất nhiều những gì anh được thấy trong ảnh. Tại đây, anh được tận mắt chiêm ngưỡng những cột thạch nhũ khổng lồ và hệ thống hang ngầm, tưởng chừng chỉ xuất hiện trong những bộ phim viễn tưởng.
Khu vực phượt thủ 8x ấn tượng nhất là Vườn địa đàng hay còn gọi là hố sụt 2. Nơi đây có một khu rừng thu nhỏ, với thảm thực vật xanh rì và nhiều loài sinh vật. "Nơi đây ẩn chứa những bí ẩn được hình thành từ hàng trăm nghìn năm, thậm chí còn lâu hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chứng kiến điều kỳ diệu của tự nhiên và có cảm giác được quay về quá khứ", anh nói.
Anh từng đi và được biết về nhiều hang động nổi tiếng trên thế giới như hang động đom đóm ở New Zealand hay hang động nơi con người từng sống suốt 78.000 năm ở châu Phi. Anh cho rằng tất cả hang động trên thế giới khó có thể so sánh với Sơn Đoòng, không chỉ về kích cỡ mà còn cả sự đa dạng của hệ sinh thái trong hang.
Cùng với sự hỗ trợ của đoàn tour và nhiều năm kinh nghiệm trong việc di chuyển đường dài, trekking, hành trình khám phá Sơn Đoòng không khó khăn với anh. Đoạn đường khó đi nhất là gần cửa ra của hang động, nơi có nhiều đá tai mèo sắc nhọn nhưng cả đoàn đã vượt qua an toàn, không ai bị thương.
Trong hang nhiệt độ thấp do không có nắng, một số đoạn đường trơn trượt.
Với anh, chuyến đi không chỉ là chinh phục hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Trong hành trình, anh được nghe đội ngũ hỗ trợ là những người địa phương kể câu chuyện về Hồ Khanh - người tìm ra Sơn Đoòng, bên cạnh đó là chuyện về thiên tai, bão lũ hàng năm hay quá trình phát triển du lịch đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân ra sao.
Điều anh ấn tượng là quy trình khai thác tour của Oxalis Adventure, công ty duy nhất tổ chức thám hiểm Sơn Đoòng. Tất cả 40 người ở đội ngũ hỗ trợ đều là người địa phương, những người trước đây từng thất nghiệp hay phải xa quê kiếm sống. Đồ đạc phục vụ hành trình được mang trên lưng, sau mỗi địa điểm đều được thu dọn như chưa từng có sự xuất hiện của con người. "Qua chuyến đi tôi hiểu được việc giới hạn người vào hang mỗi năm là cách để bảo vệ sự nguyên sơ của nó, gìn giữ và phát triển cho thế hệ mai sau", anh nói.
Kết thúc hành trình, những gì còn lại trong anh là niềm tự hào về Quảng Bình, vùng đất được coi là "vương quốc hang động". "Điều mình hối tiếc nhất là không khám phá hang sớm hơn, để được quay trở lại nhiều lần hơn, trong khi có rất nhiều du khách cách đây nửa vòng trái đất đã dành nhiều thời gian và tiền bạc tới đây", anh cười và nói.
Đăng Khoa bắt đầu hành trình xuyên Việt bằng xe máy lần thứ 4 từ 8/1/2021. Trong đó, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới là một điểm trong hành trình. Tiếp theo, anh sẽ tới Nghệ An, để chinh phục Pu Xai Lai Leng, trước khi trở về đón Tết cùng gia đình.
6 hành trình xuyên Việt ấn tượng năm 2020 Đi bộ, đạp xe hay dùng xe máy, các phượt thủ đều nỗ lực hoàn thành hành trình dù gặp gián đoạn bởi Covid-19. Năm 2020, dù tác động nặng nề đến ngành du lịch, đại dịch vẫn không thể ngăn cản những lữ khách từ mọi miền đất, mọi lứa tuổi lên đường khám phá dải đất hình chữ S theo cách...