Chàng trai Pháp gốc Việt dành cả đời tìm mẹ ruột: Kỳ tích ở cuối đường
“Tôi có một vết sẹo lớn bên trong tâm hồn, và hôm nay vết sẹo đó dường như đã không còn nữa”, anh Tân xúc động vì sau 27 năm, anh đã tìm thấy được rất có thể là mẹ ruột của mình.
Bà Nguyễn Thị Thọ cung cấp hình ảnh bố ruột của anh Tân (trái). Theo hình, cả 2 bố con có nhiều nét giống nhau. – ẢNH: NVCC
Ngày 30.11, báo Thanh Niên đăng tải bài viết: “Chàng trai Pháp gốc Việt quyết cả đời đi tìm mẹ ruột” . Chưa đầy 2 ngày sau, nhờ sự lan tỏa của cộng đồng mạng, anh Nguyễn Văn Tân (tên tiếng Pháp là Loic Langeard) thông báo đã tìm được mẹ ruột (chưa xét nghiệm ADN) của mình. Với anh Tân và mẹ, đây là ngày họ không thể nào quên trong đời.
Phép màu đã xảy ra
Tân chia sẻ đến giờ, mọi thứ với anh như một giấc mơ. “Tôi bất ngờ đến mức không thể nói nên lời. Tôi chưa thể tin đó là sự thật. Hạnh phúc, lo lắng, hồi hộp là cảm giác của tôi lúc đó. Nhiều đêm liền, tôi không thể ngủ được”, anh nói.
Sau những ngày miệt mài đăng thông tin tìm mẹ trên các hội nhóm mạng xã hội tại Việt Nam, người được xem là em gái cùng mẹ khác cha của anh Tân đã vô tình thấy được thông tin. “Không hiểu sao lúc đó, tôi có một linh cảm rất chân thật đây chính là người con thất lạc của mẹ mình”, chị Lê Thị Ngọc Hoài (22 tuổi) kể.
Sau đó, chị đã tìm hiểu các thông tin từ Tân một cách cụ thể hơn, và gửi cho anh xem bức hình của mẹ. “Lúc đó, tôi rất xúc động khi lần đầu tiên được thấy mẹ mình qua ảnh. Tôi có linh cảm rằng dòng máu đang chảy trong người mình là của bà, và tôi có nhiều nét giống bà”, anh xúc động nói.
Nhờ sự giúp đỡ của em gái, anh đã gọi điện thoại về cho mẹ của mình vào ngày 2.12. Thông qua một người bạn của Tân làm phiên dịch, hai mẹ con đã kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện mà họ đã trải qua suốt 27 năm đằng đẵng. Trong đó, nhiều thông tin về anh được mẹ ruột kể lại đầy đủ hơn. “Bà ấy biết mọi câu chuyện về tôi, biết được mọi thông tin mà tôi có. Không chỉ vậy, bà còn cho tôi xem hình ảnh của bố mình. Và, tôi thực sự giống ông ấy của những ngày trẻ. Tiếc rằng ông đã mất hơn 3 năm về trước”, Tân tâm sự.
Đúng như tưởng tượng của Tân, mẹ anh rất xinh đẹp và hiền hậu. Anh thật sự hạnh phúc khi được ngắm bà ấy nhưng cũng “phát điên” khi không thể nói được tiếng Việt. “Sau hôm đó, tôi đã tham gia một khóa học tiếng Việt, để khi về đến Việt Nam, tôi có thể hiểu mẹ mình nói gì”, Tân bộc bạch.
“Tôi thực sự vui cho anh ấy, cũng muốn mất ngủ theo anh luôn. Chúng tôi đã nói với nhau về câu chuyện đó suốt nhiều ngày liền. Tôi biết rằng, anh Tân đã trút được gánh nặng anh ấy mang từ thời thơ ấu đến tận bây giờ”, chị Léa Delévacque (25 tuổi, vợ anh Tân) xúc động.
Dù mọi thông tin đều trùng khớp, tuy nhiên để chắc chắn về mối quan hệ huyết thống giữa Tân và mẹ, anh sẽ tiến hành xét nghiệm AND trong thời gian sớm nhất. “Tôi gần như chắc chắn bà ấy là mẹ ruột của mình, tuy nhiên vẫn phải làm các thủ tục để xác minh. Bố mẹ nuôi của tôi cũng khuyến khích điều đó”, anh cho biết thêm.
Anh Tân trong cuộc trò chuyện lần đầu tiên với bà Thọ. – ẢNH: NVCC
‘Về với mẹ, với em đi con’
Trong đoạn hội thoại với con trai, bà Trần Thị Thọ (57 tuổi, được xem là mẹ ruột Tân) vẫn không ngừng nói: “Về với mẹ, về với em đi con”. Hiện tại, bà đang sống một mình tại Phú Thọ và làm nhiều nghề khác nhau như phụ hồ, giúp việc… để sống do con gái bà cũng đã có chồng. “ Sức khỏe bà Thọ hiện đã yếu và tinh thần không được minh mẫn như trước”, chị Hoài cho biết.
Theo chị Hoài, mẹ có kể cho chị nghe về người anh trai thất lạc của mình. Ngày trước, bà vào TP.HCM làm nghề bán hoa quanh khu vực Đầm Sen để sống, sau đó có quen một người đàn ông và đã mang thai anh Tân. Tuy nhiên, vì không có sự ràng buộc gì với ông ấy và cuộc sống khó khăn nên bà Thọ rất bối rối không biết có nên giữ lại đứa bé hay không. Vì tình yêu với đứa con trong bụng, bà quyết định sinh con và bỏ lại con năm, mong muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1994, bà về Phú Thọ để “làm lại cuộc đời” và có được một người con gái tại đây. Nhưng bà vẫn không ngừng trăn trở về đứa con trai của mình, rồi nhiều lần tìm lại con nhưng không có kết quả. Được trò chuyện cùng con trai sau ngần ấy năm, bà Thọ không giấu được niềm hạnh phúc.
Khi câu chuyện của Tân được nhiều người chia sẻ, anh cho biết bản thân rất ngạc nhiên về điều đó. Có rất nhiều người đã nhắn tin ủng hộ, động viên khiến bản thân anh thấy ấm lòng và có thêm sức mạnh trên hành trình tìm lại mẹ.
Tài khoản T.K.K bình luận: “Thật sự xúc động, mọi chuyện như một phép màu dành cho mẹ con anh. Mong hai người sớm được gặp trực tiếp với nhau”. “Trường hợp này dù trùng hợp nhưng phải xác minh kỹ lưỡng bằng AND, có như vậy mới chắc chắn được”, tài khoản H.T.N.G bày tỏ.
Anh Tân đã gửi lời cảm ơn đến báo Thanh Niên và cộng đồng mạng đã giúp anh lan tỏa câu chuyện của mình. Tân nói: “Nhờ có các bạn mà tôi mới có thể tìm lại được mẹ. Tôi mong rằng sẽ sớm hết dịch Covid-19 để có thể trở về Việt Nam”.
Và thế là hành trình tìm về nguồn cội của anh Tân đã có thêm một hy vọng mới…
Hi vọng với linh cảm và những câu chuyện hoàn toàn trùng khớp nói trên, cộng với sự xác nhận chính thức từ khoa học – xét nghiệm ADN anh Tân và mẹ ruột của mình có thể đoàn tụ.
Cô gái mồ côi lại hoãn cưới vì bão Vamco: 'Càng gian nan hạnh phúc càng bền'
Cô gái xinh đẹp mồ côi mẹ ở Thừa Thiên - Huế phải hoãn đám cưới tới 3 lần vì dịch Covid-19 và bão lũ dồn dập. Cơn bão số 13 khiến cô phải ngậm ngùi xin lỗi người thân bạn bè nhưng ai nấy đều ủng hộ.
Chú rể Đại Thanh bồng cô dâu Mỹ Lệ trong lễ vu quy khi nước lũ bủa vây nhà cô dâu - ẢNH: Đ.M.P
Ngày 14.11, tài khoản Facebook "Mỹ Phương quán" xuất hiện những dòng thông báo cùng những lời xin lỗi đầy cảm động của gia đình gửi đến người thân, bà con nội ngoại, bạn bè về việc hoãn đám cưới của người em gái trong gia đình.
Người thân, bạn bè gần xa dù đã chuẩn bị đi dự cưới đều cảm thông, gửi lời động viên đến cô dâu và gia đình ngày trọng đại phải hoãn lại vì dịch bệnh, bão lũ và gần nhất là vì cơn bão số 13 (bão Vamco).
Bão số 13 đã đổ bộ miền Trung với gió giật cấp 12
"Thương em ấy quá. Một năm quá khổ"
Người đăng thông báo này là chị Đoàn Mỹ Phương, chị cả của gia đình 4 chị em ở trị trấn Phong Điền, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cô dâu nhắc trong bài viết trên mạng xã hội là em gái của chị Phương tên Đoàn Thị Mỹ Lệ, năm nay 20 tuổi.
Niềm vui của cô dâu Mỹ Lệ với bạn bè người thân trong lễ vu quy ngày 9.10 dù không trọn vẹn do gặp trận lũ lớn - ẢNH: Đ.M.P
"Do tình hình thời tiết bão số 13 sắp đổ bộ kèm theo mưa lớn sẽ gây ngập lụt lại sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình và mọi người, nay gia đình chúng tôi quyết định tạm hoãn tiệc cưới của em chúng tôi (dự kiến tổ chức vào ngày 14, 15.11.2020, tức 29.9, 1.10 âm lịch). Lịch tổ chức tiệc cưới sẽ được gia đình chúng tôi sắp xếp và thông báo lại vào một dịp thuận lợi sau đợt bão lũ nói trên. Kính mong họ hàng hai bên gia đình, anh chị em, bạn bè thân hữu gần xa thông cảm vì thêm 1 lần nữa lại gặp sự cố không mong muốn. Thành thật xin lỗi và xin cám ơn!" - dòng thông báo được chị Phương đăng.
Để đưa ra quyết định hoãn cưới trên là sự đắn đo suy nghĩ của người bố gần 60 tuổi và các chị em suốt mấy ngày từ khi nhận thông tin về cơn bão số 13 (bão Vamco). Trước đó, đám cưới dự định diễn ra vào tháng 6 nhưng trở ngại vì dịch Covid -19. Tiếp đó vì lũ lụt nên lại hoãn, và lần này là lần thứ 3.
Ngày 9.10, đám cưới của cô gái mồ côi hoãn lần hai do lũ lớn - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
"Đám cưới sẽ được tổ chức vào chủ nhật, ngày 15.11. Thiệp mời cưới đã được phát đi. Lúc nghe tin bão xa, cả nhà mong bão đừng vào, ảnh hưởng chi để lễ cưới diễn ra thuận lợi. Nhưng qua mỗi ngày thì bão tiến gần Huế. Gia đình mình lại một lần nữa hoãn cưới, thương hai em và cũng rất ngại, có lỗi với bà con lắm," chị Phương thổ lộ.
Cô dâu Mỹ Lệ (đứng sau) trải qua một năm vất vả, phải hoãn cưới do dịch bệnh, bão lũ liên miên - ẢNH: Đ.M.P
Sau thông báo hoãn cưới, hầu hết bạn bè người thân của gia đình đều cho rằng chị em Phương đã có quyết định đúng đắn khi đảm bảo an toàn cho gia đình và mọi người trước thiên tai. Nhiều người khuyên đám cưới nên tổ chức lại ngay khi thời tiết thuận lợi, đừng quá câu nệ chuyện ngày lành tháng tốt. "Tội quá, thương em ấy quá. Một năm quá khổ. Thôi ráng qua đợt này sẽ yên rồi đấy", một người quen gia đình cô dâu nhắn tin.
Cụ bà 83 tuổi trước bão số 13: "Chưa bao giờ bão lụt dữ như năm ni"
Càng gian nan, hạnh phúc càng bền lâu
Mẹ của chị em Phương qua đời vì bạo bệnh cách đây 7 năm. Bố chị em Phương làm nông, tinh thần sa sút nhiều sau nỗi đau này. Việc gia đình hầu như một mình chị Phương cáng đáng, nhất là việc chăm sóc em gái Đoàn Thị Mỹ Lệ và hai người em trai sinh đôi. Sau một năm mẹ qua đời, hai người em trai sinh đôi được một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở TP.Huế đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện nay, một em đã học lớp 10, một em đang học nghề ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, còn Mỹ Lệ sau khi học nghề xong thì phụ giúp chị bán quán.
4 chị em mồ côi mẹ đã đùm bọc nhau trong 7 năm qua - ẢNH: Đ.M.P
Mỹ Lệ kể cô chưa muốn lập gia đình sớm vì cô cũng mới chỉ học ra nghề, chưa báo đáp được nhiều cho công ơn cha mẹ, chị cả. Nhưng có lẽ tình yêu với chàng trai hơn 6 tuổi cùng huyện làm nghề mộc tên Nguyễn Đại Thanh đã "chín", đủ duyên nên Lệ cũng muốn đi đến hôn nhân.
Cô dâu xinh xắn Mỹ Lê (giữa) cùng bạn bè trong ngày lễ vu quy chưa trọn vẹn hồi tháng 10 do lũ - ẢNH: Đ.M.P
Tháng 6.2020 hai người định tổ chức đám cưới thì vướng dịch Covid-19. Đến tháng 9.10 khi thiệp mời phát đi, tiệc đã đặt, rạp đã dựng thì trời trút mưa lũ. Đợt lũ này đã khiến hàng ngàn ngôi nhà ở H.Phong Điền ngập nặng, trong đó có nhà của Lệ và nhà của chồng sắp cưới ở thôn Đồng Lâm, xã Phong An, H.Phong Điền.
Chị cả Mỹ Phương (áo vàng) tặng quà cưới cho hai em trong ngày lễ vu quy bị hoãn do lũ 9.10 - ẢNH: Đ.M.P
Lần ấy phần tiệc buộc phải hoãn, chị em Lệ tất tả điện thoại, nhắn tin xin lỗi khách mời, bà con và tốn kém khá nhiều.
Riêng phần lễ vẫn diễn ra. Nhà chú rể vẫn đi đến nhà cô dâu làm lễ gia tiên. Khi đoàn nhà chú rể quay ra để về thì phải dùng ghe để di chuyển vì lúc này nước lũ đã dâng cao. Lễ rước dâu vào ngày hôm sau cũng phải hoãn do lũ dữ. Không chỉ thế, mưa lũ ngập nặng nên nhà chú rể phải hoãn tổ chức cưới, cáo lỗi với bà con, khách mời dù tiệc đã đặt hơn 700 trăm suất.
"Lần này nghĩ là điều kiện thuận lợi, yên ổn, nào ngờ bão số 13 vào đúng ngày cưới. Tụi em đã đặt tiệc 450 suất, rất may là bà con, nhà hàng biết hoàn cảnh thiên tai phải hoãn cưới nên cũng đã cảm thông cho tụi em. Thôi thì càng gian nan hạnh phúc càng bền lâu," Mỹ Lệ bùi ngùi thổ lộ.
Theo thông tin từ hai gia đình, thứ 4 tới (ngày 18.11) lễ thành hôn sẽ được tổ chức lại. Gia đình chú rể sẽ đến nhà cô dâu rước dâu về gia đình làm lễ và sau đó tổ chức tiệc cưới. Riêng lễ vu quy ở nhà gái - cô dâu Mỹ Lệ sau lần hoãn vì bão số 13 thì vẫn chưa định ngày cụ thể về việc tổ chức lại.
Thấp thỏm đêm tránh bão số 13: "Lỡ nhà sập về lấy gì mà ở"
Bán đấu giá tranh, 2 nam sinh thu hơn 70 triệu đồng ủng hộ miền Trung Thấy miền Trung đang oằn mình vì lũ lụt, Phạm Thiệu Bảo và Trần Đức Hiển đã đứng ra tổ chức bán đầu giá tranh lấy tiền ủng hộ người dân nơi đây. Bức tranh trong chương trình đấu giá của Thiệu Bảo và Đức Hiển được bán với giá 23 triệu đồng - CHỤP MÀN HÌNH Mong góp phần nhỏ, chung tay...