Chàng trai mồ côi mơ ước được cắt chân
Khi được hỏi mong muốn gì nhất, Phạm Văn Hảo (Thái Nguyên) lại cười buồn ‘Được cắt chân ạ’. Hàng ngày chàng trai 24 tuổi liệt nửa người cặm cụi làm mô hình bằng tre mong thực hiện ước mơ ấy.
Mọi sinh hoạt của Hảo đều trên chiếc giường có một lỗ khoét tiện cho việc đi vệ sinh. Ảnh: Giang Phương.
Ngày mưa, đoạn đường vào nhà Hảo ở xóm Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ, Thái Nguyên) lầy lội bùn đất. Trong căn nhà 3 gian cũ nát, Hảo nằm co ro giữa một đống chăn gối bừa bộn. Thấy người lạ, cậu khẽ ngẩng đầu chào.
Trên chiếc giường Hảo nằm, chăn màn, sách vở, đồ ăn, vợt muỗi… chất ngổn ngang. Công tắc điện, tivi, dây kéo cửa cũng được thiết kế để Hảo chỉ cần với tay là có thể sử dụng. Quanh giường, mô hình thuyền buồm, nhà sàn bằng tre bày la liệt, nhiều chi tiết đang làm dở đặt ngay chỗ em nằm.
Năm Hảo lên 10, mẹ qua đời, bố đi thêm bước nữa. Nhà nghèo, từ sớm Hảo đã phải làm thuê cho bố mẹ nuôi để kiếm sống. Tháng 3/2008, chị gái Hảo lâm bệnh nặng rồi qua đời. 2 tháng sau, khi đang làm việc tại mỏ than của bố mẹ nuôi thì hầm than sập, chàng trai 19 tuổi bị đá đè vào lưng đứt tủy sống. Sau tai nạn, Hảo vĩnh viễn mất đôi chân.
Đớn đau chất chồng khi hơn 4 tháng sau, bố Hảo bị tai biến mạch máu não rồi đột ngột qua đời. Không còn sức lao động, Hảo được đưa về nằm cô độc trong căn nhà cũ của bố mẹ. Những người chủ hầm cấp cho thím của Hảo mỗi tháng 500.000 đồng để cơm nước cho em.
Hảo kể đã 5 năm em ăn Tết một chỗ trên giường. Vết thương ngày càng loét ra, chân và mông bị hoại tử, Hảo không thể di chuyển cũng không thể ngồi thẳng dậy. Việc đi vệ sinh cũng chẳng còn theo ý muốn khiến chiếc giường em nằm phải khoét một lỗ và đặt chiếc xô ở dưới.
Hàng ngày, em hầu như chỉ được gặp người thím trong chốc lát mỗi khi thím mang cơm tới và người mẹ nuôi thi thoảng qua tắm rửa cho. Bầu bạn với em là chiếc tivi cũ kỹ và đống sách mà em họ mang cho.
Video đang HOT
Hảo tâm sự: “Khi bố, mẹ và chị gái mất, bản thân lại tàn tật sống cô độc, ý nghĩ tự tử thường xuyên đến. Còn sống làm gì nữa? Sống vì ai nữa? Nhưng em lại phải dặn mình, sống mới khó, chứ chết dễ lắm”.
Mỗi khi chán nản, muốn buông xuôi, Hảo lại đọc sách và tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Đến giờ, ước muốn duy nhất của Hảo là được cắt chân. Có xe lăn nhưng chân hoại tử thối rữa nặng quá nên em không thể ngồi được. Nếu cắt chân, người nhẹ nhàng hơn, em sẽ tập đi lại bằng xe lăn hoặc bằng tay. Hảo cười buồn: “Em đã hỏi rồi, người ta bảo chi phí hơn 20 triệu, số tiền lớn quá”.
Gia cảnh khó khăn, bố mẹ không còn, họ hàng ai cũng nghèo khó, Hảo biết chỉ có thể trông cậy vào bản thân. Một năm trở lại đây, Hảo bắt đầu thực hiện ý tưởng làm mô hình bằng tre, phần để giết thời gian, phần để nuôi ước mơ cắt chân.
Hảo kể, một anh bị khuyết tật ở Ninh Bình gọi hỏi tay em còn sử dụng được không rồi gợi ý làm mô hình tre. Hảo mượn máy tính của bạn, vào facebook anh ấy xem hình rồi tự mày mò làm theo.
Để hoàn thiện một sản phẩm, Hảo mất 4-6 ngày. Ảnh: Giang Phương.
Không sách vở, không mô hình mẫu, chỉ bằng chỉ dẫn của người bạn đồng cảnh ngộ, Hảo nhờ người thân mua nguyên vật liệu và tập tành vót tre, ghép hình. Chỉ ngồi một chỗ nên thiếu gì em cũng phải đợi người tới thăm rồi nhờ họ mua cho. Vài tháng đầu, sản phẩm làm ra méo mó, thô kệch, rất dễ hỏng khiến Hảo chán nản, muốn buông xuôi.
Nhưng cậu không bỏ cuộc. Trên chiếc giường bừa bộn vật liệu, Hảo cặm cụi làm các mô hình, đôi khi quên ăn quên ngủ. Những mô hình thuyền, ngôi nhà dần đẹp và tinh tế hơn. Bà con thấy hay thường xuyên qua lại xem. Sản phẩm Hảo làm ra có vài người hỏi mua với giá từ 60.000 đến 150.000 đồng. Để hoàn thành mỗi sản phẩm như vậy, Hảo mất 4-6 ngày vót tre, làm khung rồi dán.
Số tiền bán mô hình em trích một phần nhỏ cho sinh hoạt hàng ngày, còn lại nhờ người giữ hộ sau này đi cắt chân. Em cười hồn nhiên: “Cứ tốc độ này chắc 5 năm nữa mới có thể cắt chân. Hy vọng em còn sống đến lúc ấy”.
Bà Trần Thị Nga (xóm trưởng xóm Lược 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ) cho biết, Hảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân tàn tật, bố mẹ lại không còn ai. “Xóm thường xuyên thăm hỏi, tặng quà trong những ngày lễ tết. Ngoài ra chúng tôi đã làm đơn đề nghị cấp trên giúp đỡ, nhưng hiện tại địa phương chưa có hỗ trợ gì”, bà Nga chia sẻ.
Theo VNE
Chàng trai vẽ tranh bằng chân
Sau vài tháng chào đời, căn bệnh bại não khiến đôi tay Nguyễn Kiều Anh Tuấn, 19 tuổi ở Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội) bị tê liệt. Sau nhiều năm khổ luyện, hiện tại em đã có thể viết, vẽ, chơi bằng chân.
Tuấn chăm chỉ tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Dáng lom khom, hai tay bị liệt quặp hẳn về phía sau, Tuấn kẹp bút vào chân phải rồi cặm cụi viết. Đã hơn một tháng kể từ ngày nghỉ học lớp 8 ở trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội), Tuấn chỉ ở nhà tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Em muốn quay lại học ở trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) nhưng vẫn chưa được chấp nhận.
Là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em, từ lúc chào đời cậu bé Nguyễn Kiều Anh Tuấn đã chịu nhiều bất hạnh. Sinh non ở tháng thứ 7 giữa mùa đông lạnh giá, mẹ lại thiếu sữa khiến thể trạng Tuấn yếu ớt. Bác sĩ khuyên nên đưa em vào bệnh viện điều trị để tránh các căn bệnh hiểm nghèo, nhưng gia đình khó khăn nên Tuấn đành ở nhà.
Được 5 tháng tuổi, Tuấn lên cơn sốt, quấy khóc bất thường. Bác sĩ chuẩn đoán em bị bại não. Nghe ai mách cách gì, vợ chồng anh Nguyễn Kiều Hồng và chị Lê Thị Hoa đều làm theo nhưng bệnh tình của con trai không thuyên giảm.
Một trong số những tác phẩm Tuấn vẽ bằng chân. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Đôi tay Tuấn teo tóp không cử động được, chiếc lưỡi đầy dãi dớt luôn trong trạng thái thè ra khiến tiếng nói của em không rõ ràng. Trước lúc 3 tuổi, Tuấn hay bị ngoẹo đầu, không thể đi được. Nóng giận, anh Hồng quát mắng con mà lòng đau đớn. Anh rèn cho con đi từng bước, ngã bắt đứng dậy, mặc cho Tuấn khóc lóc, van xin.
Năm 7 tuổi, Tuấn đi được nhưng vẫn ngã liên tục. Nghe lời bố, Tuấn tự cầm giấy bút ra ngồi học chữ cạnh chị gái. Khi ăn cơm, em cố gắng dùng chân cắp hạt cơm bị rơi cho vào mâm. Nhìn thấy hành động đầy ý thức của Tuấn, anh Hồng suy nghĩ "trời cho con sống thì mình phải có nghĩa vụ giúp con tự lo cho cuộc sống sau này". Người đàn ông ấy bắt đầu quan tâm hơn tới việc dạy con làm việc bằng chân. Nhờ bố rèn, hiện Tuấn có thể chơi các trò bắn bi, ô ăn quan, tự xúc cơm, viết chữ, thậm chí tắm gội cũng làm bằng chân.
Một năm sau, Tuấn được đưa vào Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Sau gần 3 năm điều trị tại đây, ngày 8/3/2004, Tuấn tự vẽ bức tranh với nội dung đứa con cầm bông hoa năm cánh đỏ tươi tặng mẹ. "Con trai sống tốt, biết nghĩ đến mẹ và gia đình là tôi không còn mong mỏi gì hơn. Tôi đã rất xúc động khi nhận được bức tranh Tuấn vẽ bằng chân", chị Hoa chia sẻ.
Thời gian rảnh rỗi trong trung tâm Tuấn ngồi vẽ tranh, sáng tác thơ. 19 tuổi, Tuấn đã hoàn thành tập thơ "Ký ức đời tôi", "Thế giới người tàn tật" gồm gần 100 bài viết theo thể lục bát và tứ tuyệt. Những bài thơ thể hiện tâm hồn lạc quan, trong sáng. Tuấn chăm sáng tác vì với em "thơ là nơi để giãi bày, là nơi em cảm thấy cuộc đời đầy ý nghĩa".
Dù hiện tại không được đến trường nhưng Tuấn vẫn theo đuổi ước mơ trở thành nhà thơ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân (Trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An) cho biết Tuấn rất có ý thức, giàu tự trọng và luôn muốn vươn lên. Em tự nguyện xin nghe đài, đọc báo và học đánh máy vi tính. Sau thời gian sống ở trung tâm Thụy An, Tuấn về nhà và theo học lớp 8 trường THCS Sen Chiểu cách nhà 1km. Hàng ngày Tuấn đeo cặp chéo vai đi bộ đến trường.
Sự quan tâm của thầy cô khiến Tuấn gạt bỏ tất cả lời trêu đùa của học sinh trong trường để đi học. Được hơn một tháng, mọi thứ trở nên quá khó với Tuấn bởi tốc độ viết bằng chân khá chậm khiến em không thể theo kịp bạn bè. Nghỉ ở nhà, Tuấn xin bố đi bán tăm vì không muốn trở thành kẻ vô dụng. Thương con, anh Hồng gửi đơn xin Trung tâm Thụy An cho Tuấn trở lại học tập. Tuy nhiên đã nhiều tháng nay gia đình chưa nhận được câu trả lời.
Ở nhà, Tuấn chăm chỉ đọc sách, nghe đài và luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà thơ.
Theo VNE
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi được làng trẻ em mồ côi nuôi dưỡng Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi tại ngã ba đường, được người dân phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) phát hiện, đã được bàn giao cho làng trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh chăm sóc, nuôi dưỡng. Như Dân trí đã thông tin, vào lúc 16h chiều ngày 21/12, người dân khối phố Linh Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh,...