Chàng trai lên núi, tự xây nhà bằng đất
Bị đòi lại khu vườn mất hai năm gầy dựng, Kiệt gom tiền mua đất riêng rồi tự trộn đất, dựng cọc… làm nhà, sống tự tại ở tuổi 24.
Sáng sớm, Đà Lạt trời se lạnh. Cầm tách cà phê bước ra phòng khách, Lê Kiệt cất tiếng gọi vợ. Phía ngoài hiên căn nhà đất chênh vênh lưng chừng đồi, Thu Trang cầm đàn, gẩy vài giai điệu của bài hát mới sáng tác. Dưới chân họ, những cánh hoa bướm dập dìu bay trong nắng sớm.
Để có cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng như vậy, cả hai đã phải trải qua những tháng ngày đầy khó khăn và cơ cực.
Ngôi nhà được Kiệt và Trang dựng bằng tay trong 5 tháng tại Tà Nung, Đà Lạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sáu năm trước khi mới 18 tuổi, Kiệt quen rồi yêu Trang sau một khóa học kinh doanh tại TP HCM. Thời điểm này, anh đã nghỉ học để buôn bán ở Bình Dương, còn Trang vẫn theo đuổi việc học ở thành phố.
Công việc không mất nhiều thời gian, rảnh tay chân nên Kiệt quây mảnh đất vài mét vuông tại nhà trồng rau. Nhìn những hạt cây nảy mầm, chồi non nhú lên xanh mướt, một cảm xúc mới lạ, tràn đầy năng lượng bỗng trỗi dậy trong lòng chàng trai trẻ. Tìm được niềm vui mới, Kiệt rủ thêm ba người bạn cùng khởi nghiệp với một vườn rau sạch 2.000 m2 trên mảnh đất trước đây bố mẹ trồng cao su. Dự án này thất bại chỉ sau vài tháng. Đầu năm 2016, anh quyết định lên Lâm Đồng lập trang trại với mong muốn xây dựng một khu vườn rừng và có cuộc sống thuận tự nhiên. Năm đó chàng trai này vừa bước qua tuổi 20.
Trong túi còn 30 triệu đồng, Kiệt cùng một người bạn thuê mảnh vườn rộng 3 ha có đầy đủ cây ăn quả và cây rừng, lợi nhuận cuối năm chia đôi với chủ. Hai người cùng cải tạo lại khu vườn như đào đất, bón phân, trung thành với phương pháp sản xuất hữu cơ. Ngày quần quật 10 tiếng, nắng mưa không nản nhưng sản lượng chỉ bằng 1/7 hàng xóm sử dụng thuốc hóa học. Hai năm liên tiếp, giá sầu riêng trên thị trường tăng gấp đôi. Với hơn 100 gốc sầu riêng tại vườn, trong khi nhà khác thu tiền tỷ, Kiệt chỉ thu về 300 triệu đồng. Anh và bạn bị chủ vườn đòi lại đất, đuổi đi.
Thời điểm đó, Lê Kiệt từng rủ người yêu về vườn cùng mình nhưng cô chỉ ghé chơi vài hôm rồi đi. “Lúc đó tôi thấy mơ hồ lắm, không biết rõ anh đang làm gì. Thời điểm 5 năm trước có mấy ai rời phố về vườn đâu, đã vậy làm quá trời mà còn không đủ ăn nữa”, Trang nhớ lại. Một lần đi Thái Lan, được ở trong ngôi nhà có cây cối bao quanh, cô gái này lại muốn về vườn sống. Khi Kiệt có ý định mua đất riêng lập nông trại mới, Trang khẳng định: “Em sẽ về cùng anh”.
Tháng 4/2019, Kiệt vay nợ, mua mảnh đất nằm trên một ngọn đồi phía tây nam thành phố Đà Lạt, khu vực chưa có điện, nước. Mảnh đất đó bị bao phủ kín mít bởi cỏ dại, thỉnh thoảng xuất hiện rắn rết, bọ cạp. Không có nhà, họ mượn tạm căn chòi tôn gần vườn của người quen, những hôm trời nắng thì nóng như lò lửa, tối thì lạnh thấu gan. Những ngày mưa, cả hai phải dựng lều ngay trong chòi vì nước tạt tứ phía.
Với kinh nghiệm làm vườn trước đó, Kiệt lại bắt tay vào dọn dẹp và khai khẩn khu vườn với sự giúp sức của Trang. Trên diện tích gần 1 hecta, chàng trai này mỗi ngày kéo hàng chục bao phân chuồng rải đều các hố, cắt cỏ đắp lên gốc để giữ nước cho cây. Anh cũng chia đất thành những mảnh nhỏ, chọn trồng cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Đà Lạt như cà phê, bơ, chuối… Mảnh đất phía rìa để trồng rau sạch và hoa.
Đất dùng để xây nhà gồm ba nguyên liệu chính trộn nên hỗn hợp cần thiết: đất sét, cát và rơm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Không thể sống mãi trong căn chòi tôn, Kiệt quyết định xây nhà vách đất bằng những kiến thức lượm lặt trên mạng.
Cuối tháng 4/2019, chàng trai này chính thức kéo thước đào móng. Không có nhiều tiền, anh phải dựa vào nguyên vật liệu có sẵn hoặc đi xin những thứ người ta bỏ đi mang về dựng nhà. Với những cây gỗ cũ mua được từ những lần ki cóp bán bơ trong vườn, họ phải hò nhau kéo lê trên mảnh vườn nhèm nhẹp bùn đất vào chỗ tập kết. Những hôm nắng “vỡ đầu”, mỗi cột gỗ được dựng lên đồng nghĩa với việc mồ hôi ướt sũng áo. Xây nhà, hai người cũng chỉ có mỗi cưa tay và khoan pin vì không có điện. Dù vậy, Kiệt rất chú tâm đến chi tiết làm gỗ, sai thì sửa chứ nhất quyết không làm ẩu.
Dựng được phần khung, cả hai chặt tre đan làm vách đất. Đất dùng để xây nhà gồm ba nguyên liệu chính trộn nên hỗn hợp cần thiết: đất sét, cát và rơm. Vừa làm nhà họ vừa phải làm vườn, thu hoạch nông sản để lo sinh kế. Thời điểm đó, cả hai sống như người rừng, không điện không nước. Có những hôm dựng nhà mất mười mấy tiếng, tối đến họ vẫn bật đèn flash điện thoại đến đêm để cắt khoai lang bán. Nhiều lúc quá cực khổ, Trang ôm mặt khóc.
Một hôm người yêu không có nhà, Kiệt phải tự nấu ăn. Hì hục hơn tiếng mới nấu được cơm, cá khô chiên và canh, anh cho hết vào một cái thố rồi mang ra vườn chia cho mấy người em giúp dựng nhà. Đến nơi thì thức ăn lẫn lộn hết với nhau “y hệt như cám lợn”. Đưa miếng cơm lên miệng, chàng trai từng kiếm được 40 triệu đồng mỗi tháng từ buôn bán bất giác ứa nước mắt: “Tại sao một thằng chẳng có gì như mình lại được người yêu tin tưởng đến thế?”. Đặt câu hỏi với Trang, cô chỉ cười khẽ: “Thấy anh cứ cặm cụi nỗ lực, em cũng dần tin vào giấc mơ của anh”.
Hiển Mai, một người bạn từng giúp đôi trẻ dựng nhà chia sẻ, Kiệt là người kiên trì nhất anh từng gặp trong đời. Anh phụ Kiệt làm hồ nước trong nông trại để chứa nước và nuôi vịt. Vì chưa có kinh nghiệm nên cứ đổ nước vào là hồ lại nứt nhưng Kiệt vẫn kiên trì tháo nước ra, trám lại rồi đổ nước vào 5 lần thì mọi việc mới ổn.
“Nếu là tôi thì tôi đã gọi thợ đến xây lại”, Hiển Mai nói, “Đó chính là cách mà Kiệt xây dựng được bếp đất, nhà đất và chính cả cuộc đời mình”.
Gần nửa năm làm việc quần quật, cả hai đã hoàn thành được căn nhà hai tầng cao 4 m, rộng 50 m2. Mặt tiền hướng Đông Nam, nhìn ra khu vườn của gia đình và quả đồi xanh mướt. Trước nhà, Kiệt làm thêm sàn gỗ để có chỗ đi lại và mắc võng ngủ. Tổng chi phí nguyên vật liệu xây nhà chỉ 30 triệu đồng. Vì xin và mua lại nhiều đồ cũ nên Trang gọi căn nhà của mình với cái tên “Nhà đồng nát”. Trong căn nhà cả hai tự nhận xét là “nhỏ xíu và bừa bộn”, hàng sáng họ cùng nhau uống cà phê và ngắm cảnh. Nắng lên, người tay rựa, người tay cuốc lại xuống làm vườn.
Mọi thứ dần ổn, chỉ trừ căn bếp còn trống trải. Từng 7 lần đắp bếp đất thất bại tại khu vườn thuê, sang đến vườn mới, Kiệt bắt tay thử nghiệm lại. Đến lần thứ 9, chiếc bếp đất 3 ngăn không khói, thân thiện với môi trường được hình thành. Sau khi đăng tải lên trang cá nhân, nhiều người thích thú vào đặt hàng. Từ ngày đó, chàng trai quê Bình Dương kiêm thêm nghề mới là sản xuất và bán bếp đất.
Từ khi có nhà mới, nhiều người muốn nhờ Kiệt xây nhà giúp nhưng anh từ chối. “Chỉ có người hạnh phúc mới xây được ngôi nhà hạnh phúc như thế”, câu nói của một khách hàng khiến người đàn ông này thêm tự tin. Nhận lời đắp nhà mới cho khách, anh dành 2 tuần lên mạng tự học về kết cấu, xây dựng, chịu lực. Từng công đoạn như đào móng, dựng khung, làm vách, lợp mái, sơn đất… Kiệt luôn có bạn đồng hành là Trang.
Kiệt và Trang chính thức tổ chức hôn lễ vào tháng 10/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Căn nhà cho khách được hoàn thành trong 2 tháng, Kiệt cũng tự học thêm bản vẽ để hiểu thêm về cấu trúc, chuẩn bị xây thêm 11 căn nữa trong năm 2021. Từ số tiền bán bếp, nông sản và đắp nhà đất, chàng trai này vừa tậu thêm được mảnh đất rộng 6.000 m2 đầy đủ điện nước ở Bảo Lâm, Lâm Đồng để tiếp tục làm vườn rừng.
Giữa tháng 10 vừa qua, Kiệt và Trang chính thức tổ chức hôn lễ. Có hôm hai vợ chồng ngồi trên lầu, cùng nhìn lên bầu trời đầy sao và nhớ về khoảng thời gian khó khăn trước đó. “Em nhớ gì nhất lúc dựng nhà?”, Kiệt hỏi vợ.
“Ám ảnh chứ không phải nhớ nữa anh ạ”, Trang thành thật rồi hai vợ chồng cùng phá lên cười. Phía ngoài ngôi nhà hạnh phúc của họ, màn đêm dần buông, bầu trời thăm thẳm lấp lánh những ánh sao.
Hình ảnh về căn nhà đất do Kiệt và Trang xây dựng.
Vườn thủy tinh trên đất Mỹ của kỹ sư gốc Việt
Những tiểu cảnh thủy tinh nghệ thuật xen kẽ với các loài hoa được trồng khéo léo khiến ai nhìn thấy vườn của anh Khánh Vũ cũng phải trầm trồ.
Nhà anh Khánh Vũ, 44 tuổi, ở thành phố Auburn, tiểu bang Washington. Từ khu vườn sau nhà, anh có thể nhìn bao quát phong cảnh thành phố, dãy núi Cascade - nơi có ngọn núi tuyết Rainier nổi tiếng.
Anh Khánh làm vườn từ lâu, nhưng 2 năm trước, khi nghỉ việc ở hãng Intel ra làm tự do, anh có nhiều thời gian hơn nên đã quyết định cải tạo lại khu vườn. Vì nhà ở trên đồi, rất dốc, anh phải san phẳng, xếp gạch đá và đổ thêm đất. "Tôi đã dùng khoảng 600 cục gạch (30 kg mỗi cục) và đổ thêm 15 tấn đất để tôn vườn lên. Mất 3 tuần thì hoàn tất", anh chia sẻ. Đến nay khu vườn đã rộng khoảng 1.900 m2.
Vốn là một kỹ sư nên khi làm vườn anh Khánh cũng bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu đặc tính các loại hoa mình sẽ trồng, từ yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chiều cao, khi nào bón phân, khi nào ra hoa...
Sau đó anh sắp xếp cây theo từng loại để chúng nở hoa đồng loạt. Khi trồng, anh cũng chia các loại cây, hoa thành bốn tầng, tùy theo độ cao để chúng hài hòa với nhau.
Một bí quyết khác khiến cho vườn đẹp là khả năng pha màu. Anh Khánh đã phối hoa/lá đột phá để làm nổi cho nhau - chẳng hạn như trắng, vàng tím - nhưng giữ cùng tông để không chọi nhau.
"Tôi đã học được cách sắp xếp hoa và pha màu trong một lần ghé thăm khu vườn nổi tiếng Butchart Garden bên Canada. Chính vì thế mà có khách ghé thăm vô tình nhận xét vườn của tôi có nét giống Butchart, tôi thầm vui trong lòng", anh chia sẻ.
Vùng này có bốn mùa rõ rệt, nên anh Khánh cũng muốn trồng hoa, cỏ thay đổi theo mùa để vườn lúc nào vườn cũng có màu sắc. Mùa xuân tiết trời hơi ảm đạm, anh đã trồng tulip, mẫu đơn, thủy tiên, lily... làm vườn luôn tươi sáng.
Sang hè có hồng, dạ yến thảo, cẩm tú cầu và nhiều loại khác. Mùa thu là thược dược và cúc ngự trị. Anh cũng pha vào các loại cỏ kiểng để vườn giữ được sắc xanh cho mùa đông.
Một điểm nhấn khác lạ của vườn anh Khánh là cách pha các tác phẩm thuỷ tinh nghệ thuật (art glass) vào cây cỏ. Vùng Tây Bắc nước Mỹ có nhiều nghệ nhân thủy tinh, đặc biệt là Dave Chihuli với khu vườn thủy tinh nghệ thuật nổi tiếng nên anh Khánh có cơ hội mua được những tác phẩm của họ.
Bắt đầu sưu tầm từ năm 2013, tới nay anh sở hữu được khoảng 100 miếng thủy tinh, mỗi miếng dao động từ dưới 100 USD tới vài nghìn USD tuỳ vào tên tuổi của nghệ nhân.
Khi mua hay đặt những tác phẩm, anh thích mua riêng lẻ từng mảnh, sau đó về sắp đặt và kết hợp theo ý riêng của mình. "Trước lúc mua một miếng nào đó, tôi cố gắng hình dung trong đầu cách dùng và bài trí ở đâu trước. Sau đó thì pha phối với dáng hoa, màu sắc hoa cho phù hợp", anh cho hay. Chủ vườn này thường thích những kiểu có màu sắc thay đổi, đường cong tự nhiên, dễ hòa vào hoa lá.
Bên trái là tác phẩm anh Khánh thích nhất hiện tại. Màu sắc và dáng nó chuyển động từng giờ theo ánh nắng, như "ngọn lửa đam mê". Bên phải là tác phẩm anh lên ý tưởng, kết hợp với một nghệ nhân để làm, trên thị trường hiện chưa bán.
Các tác phẩm thuỷ tinh nghệ thuật tạo cho vườn của người kỹ sư gốc Việt một cá tính khác biệt với các vườn đẹp khác. Khi trời nắng, chúng lung linh trong tia nắng và biến đổi theo hướng nắng, mây.
Đêm xuống, tất cả chìm vào bóng tối thì đèn chiếu vào những mảnh thủy tinh làm không gian thêm huyền ảo.
Những ngày mây mưa ảm đạm hay mùa đông hoa tàn, những mảnh thuỷ tinh nghệ thuật này vẫn giữ lại được chút màu sắc cho vườn. Nhất là ở khu Seattle, nơi mưa phùn lất phất suốt mùa đông, các mảnh thủy tinh nổi bật trên nền tuyết trắng xóa.
Niềm vui hàng ngày của anh Khánh là ngồi ngoài vườn vào sáng sớm, với ly cà phê, ngắm ánh bình minh, nghe chim hót và hít thở không khí trong lành. "Rất bình yên và thanh thản khi được sống chậm lại", anh nói.
Đây là mặt trước của nhà anh Khánh. Hàng xóm và bạn bè rất thích thú khi có dịp ghé thăm vườn. Lần nào anh Khánh chia sẻ ảnh vườn hoa cũng "náo động" cõi Facebook, với hàng trăm bình luận như: "Thì ra bồng lai tiên cảnh là có thật", "Y như đang sống ở xứ sở thần tiên", "Tưởng mấy cái nhà đầy hoa như thế này chỉ có trong tranh thôi"...
Khu vườn anh Khánh Vũ qua góc máy time-lapse.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuộc sống bình yên, hòa mình cùng thiên nhiên khi trồng rau nuôi gà trong mảnh vườn 650m của mẹ Việt ở Mỹ Khu vườn rộng 650m đã từ lâu trở thành nơi mang đến nhiều niềm vui và sự gắn bó cho gia đình chị Trang ở Silicon Valley, California, Mỹ. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình chị Trang là mỗi ngày được cùng nhau bước ra vườn, hít thở không khí trong lành, cùng cải tạo đất trồng rau, cho gà ăn và...