Chàng trai làm khổ sai để xây chuyện tình trên đất khách
Kết thúc cuộc hành trình gian nan đi tìm mẹ, Quân đã gặp lại và quyết định gạt bỏ những mất mát, khổ đau để sống cùng mẹ nơi đất khách quê người. Cuộc sống xa quê cũng vô cùng khó khăn, vất vả. Những ngày tháng sống cùng mẹ, Quân vẫn một lòng đau đáu nhớ về quê hương. Nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh với một cô gái Việt Nam đã làm cuộc đời Quân bước sang một trang mới.
Giờ nhớ lại, anh bảo đó thực ra là cuộc giải cứu thiếu nữ bị lừa bán, giống như mẹ anh ngày trước. Thế rồi, số phận đẩy đưa đã giúp họ vượt qua khó khăn, cùng xây dựng hạnh phúc giản dị trong chuỗi ngày lưu lạc.
Nhân duyên kỳ ngộ
Thời gian sống với bố dượng người Trung Quốc, Quân được đối xử khá tốt. Ngày ngày, Quân đi làm thuê làm mướn, tích cóp từng đồng dành dụm cho tương lai. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Thấm thoát, anh đã ở lại xứ người được gần 5 năm trời. Và rồi, duyên số cũng đã đưa Quân gặp được người con gái cùng cảnh ngộ với mẹ mình trước đây. Năm 1993, anh được một người trong khu làng cho biết: “Có một nhóm phụ nữ Việt Nam bị bán sang đây. Hiện, họ đang sống ở trong ngôi nhà ở cuối làng. Trong đó, một cô gái không chịu lấy ông già 80 tuổi nên bị nhốt và đánh đập dã man”.
Sau khi tìm hiểu, Quân mon men tìm tới ngôi nhà mà cô gái đang bị giam giữ để tìm cách tiếp cận. “Khi nhìn qua khe cửa của căn nhà lụp xụp, tôi thấy một cô gái chừng 20 tuổi, thân thể tiều tụy vì bị hành hạ nhiều ngày trời. Lúc đó, trong lòng tôi dâng lên niềm thương xót”. Ý nghĩ cứu cô gái bất chợt lóe lên, Quân tự nhủ: “Cùng là người Việt Nam, mình không thể làm ngơ khi thấy đồng hương khổ sở như vậy”.
Hạnh phúc giản dị của anh Quân – chị Tuyền
Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi qua khe cửa diễn ra một cách lén lút sau đó. Qua giới thiệu, anh biết chị tên Tuyền (SN 1974), quê ở Bắc Giang. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chị phải bỏ học sớm đi làm thuê kiếm tiền giúp bố mẹ. Một hôm, có người hàng xóm rủ chị và ba cô gái khác sang Trung Quốc gánh hàng thuê về Việt Nam và hứa hẹn sẽ trả thù lao thỏa đáng. Nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt, những cô gái trẻ đã nhẹ dạ cả tin vào bọn người xấu kia. Họ không hề biết rằng, mình sắp trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Sang đến nơi đất khách quê người, bốn cô gái mới tá hỏa vì hàng chẳng thấy đâu, trong khi thái độ của người hàng xóm đột ngột thay đổi. Khi những cô gái thắc mắc, họ lập tức bị mắng nhiếc rồi nhốt vào trong một ngôi nhà tại một làng heo hút của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đến lúc này, các cô gái trẻ mới biết rõ mình đã bị lừa. Qua vài ngày sau, Tuyền và những cô gái khác bị bọn “tú bà” đem giao bán cho đám đàn ông Trung Quốc đang cần “cưới vợ”. Những kẻ buôn người dùng vũ lực đe dọa, buộc các chị phải ngoan ngoãn nghe lời. Ba cô gái đi cùng chị vì sợ bị đòn nên chấp nhận bị bán cho đàn ông Trung Quốc.
Video đang HOT
Riêng chị Tuyền, người có nhan sắc nhất, được một ông già 80 tuổi trả rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chị kiên quyết không chịu bán mình. Vì “cứng đầu”, chị Tuyền bị bọn chủ đánh đập, bắt nhốt rồi sau đó ép phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, bất kể nắng mưa. “Sau những lần gặp gỡ nói chuyện, tôi dã nảy sinh tình cảm với cô gái này. Ngẫm lại, chính bản thân tôi cũng xuất phát trong hoàn cảnh khổ cực nên hiểu được những gì Tuyền đang nếm trải. Hơn ai hết, tôi muốn cứu cô ấy thoát khỏi cuộc sống khổ nhục. Tuy nhiên, để cứu Tuyền thì tôi phải có môt khoản tiền chuộc thân trả cho bọn buôn người. Ngặt nỗi, thời gian ở lại Trung Quốc chưa lâu, số tiền tôi tích cóp được chưa đáp ứng được 1/10 yêu cầu của bọn chúng. Nhưng lần lén lút đến an ủi, động viên, tôi chỉ biết nói với Tuyền ráng chịu đựng, nhẫn nhục”, anh Quân tâm sự.
Làm thuê 1 năm mới đủ tiền chuộc người yêu
Suốt quãng thời gian trò chuyện tâm tình, chị Tuyền đã cảm phục tình cảm của chàng trai người Việt dành cho mình. Hai người cũng đã trao cho nhau những lời thề non hẹn biển. Thế nên sau đó, từng có lần bị bọn buôn người bắt ép, chị dã phản ứng bằng cách đập đầu vào góc tường tự tử. Thấy không thể ép buộc, chúng tiếp tục đánh đập cô gái dã man, buộc phải lao động quần quật. Nhìn thấy người yêu bị đánh đập, hành hạ, Quân vô cùng xót xa. Từ đó, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, anh cũng dậy từ sớm, cặm cụi làm việc kiếm tiền, mong sớm chuộc người con gái mình yêu thương trở về.
Tuy nhiên, số tiền chuộc mà bọn buôn người đưa ra quá lớn, Quân không phải một sớm một chiều mà kiếm đủ được. Nhưng mỗi khi nghĩ về người yêu, anh lại có thêm động lực để cố gắng làm việc. Chàng trai trẻ không hề ngần ngại đi làm thuê từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ban đầu, Quân chỉ đi làm thuê ở xưởng. Công việc của anh là mang vác đồ lên xe và vận chuyển đến những nơi khác. Thế nhưng, số tiền đó kiếm được quá ít ỏi, anh thầm tính nếu tiếp tục làm việc tại đây thì phải mất 4, 5 năm nữa mới đủ tiền chuộc người yêu. Xót xa khi nghĩ đến cảnh cô phải chịu đựng đòn roi cho từng ấy thời gian, Quân nung nấu quyết tâm sẽ cứu cô trong thời gian ngắn nhất. Chính vì vậy, ngoài việc làm tại xưởng, Quân còn nhận thêm việc mang vác thực phẩm giúp các thương buôn ở khu chợ đầu mối đầu làng vào ban đêm. Có những hôm gắng gượng làm việc rồi mang vác những bao tải quá nặng, anh ngã quỵ tại chỗ. Nhưng nghĩ đến chị Tuyền, Quân lại gượng dậy, tiếp tục làm việc.
Một năm ròng rã trôi qua, anh Quân cũng đã kiếm đủ số tiền để chuộc lại chị Tuyền. Anh đã mua được người con gái đó với giá 3.000 tệ – một số tiền rất lớn thời điểm bấy giờ, nhất là với một chàng trai nghèo chỉ sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Và khi cứu được cô gái ra, anh đã quyết định ngỏ lời cầu hôn. Giữa đất khách quê người, trong hoàn cảnh không thể tồi tệ hơn, chị biết mình may mắn lắm mới gặp được anh. Kể từ giờ phút đó, anh Quân không chỉ là ân nhân, là cứu tinh mà còn là người chị nguyện gửi gắm cả cuộc đời.
Theo Khampha
Người H'Mông lạc sang Pakistan: Địa ngục trần gian
Sau một thời gian bị tra hỏi bằng cách dùng vũ lực ở nhà tù quân đội, Vừ Già Pó được chuyển giao về đồn cảnh sát khu vực. Trong gần 1 năm tại đây, những ngày mà người ta trông thấy Pó ăn cơm tù ngày càng thưa đi, rồi thậm chí nếu không phát hiện kịp thời, Pó đã không có cơ hội trở về Việt Nam kể chuyện "phượt" nữa.
Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được. Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Sau đó, nhân vật bí ẩn đã được xác định là Vừ Già Pó, một người dân tộc H'Mông, ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam. Trong video, Vừ Già Pó cho biết: Cách đây 2 năm, anh đã rời khỏi địa phương để sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó đi lạc sang Pakistan. Trở về nhà trong vòng tay của người thân, người đàn ông sinh năm 1977 này kể lại câu chuyện đầy ly kỳ về hành trình lưu lạc của mình.
Trong ký ức mập mờ đứt đoạn, Vừ Già Pó nhớ nhất là thời gian anh xuống tinh thần đến nỗi 2 lần đã suýt tự kết liễu cuộc đời. Nhắc đến chuyện ngày đó, anh Pó hề hà đem so sánh nỗi đau về thể xác ở nhà tù quân đội vẫn không nhằm nhò gì so với lúc xuống tinh thần đến việc tự mình lại muốn "hại" mình những mong giải thoát khỏi trần thế hỗn mang.
Buồn bã đến... nhịn ăn
Loa phóng thanh ở một nơi mà nhà cửa phần lớn đổ nát cứ ì èo báo, sau đó những tên râu ria với nước da ngăm đen cứ bình bịch bước đến rồi kéo lết Pó và nói gì đó như bảo anh rằng chúng sẽ đưa anh đến một địa điểm khác. Đúng như dự đoán của Vừ Già Pó, 1 xe thùng và 1 xe chở quân đội đã có mặt sẵn ở trước cổng nhà tù để đưa Pó lên đường.
Rất nhiều người tập trung đến để gặp trực tiếp anh Pó
Kí ức khi đó của Pó cứ mập mờ bởi anh không hề biết những tên to cao, ăn mặc kỳ quái ấy định đưa anh về xứ nào. Ý nghĩ trốn chạy cứ quẩn quanh trong đầu anh, nhưng sức lực thì kiệt quệ, đến đứng dậy còn khó, nói gì đến việc chạy thoát khỏi một đoàn người mà ai nấy đều khỏe hơn hẳn những người leo treo vách đá giỏi nơi quê nhà.
Đoàn xe chở Pó không hề dừng lại một phút nào cho đến khi đặt chân đến một địa điểm giam cầm khác. Pó kể rằng tù binh ở đó trông chẳng khác gì đám người Kinh ở xuôi lên lúc anh còn ở nhà thấy ở chợ Khâu Vai. Nhưng tại đó thì người ta không cho để râu dài xồm xoàm như thế, chỉ có 2-3 ngày sau là cả lũ người ở phòng anh đều bị cảnh sát cạo sạch bong.
Thực ra, anh cũng chẳng buồn để ý đến những kẻ ngoại lai ở cùng phòng giam, bởi khi đó trong đầu anh chỉ có ý nghĩ duy nhất là gia đình. Còn việc tranh giành, thậm chí những hành động muốn thể hiện bản lĩnh đối với người khác của những người tù kia anh cũng mặc kệ. Mỗi đêm trôi qua là những cơn ác mộng về hình ảnh gia đình anh bị nước lũ cuốn phăng lại kéo về, khiến cái gối anh nằm luôn đẫm nước mắt. Đau buồn đến tận cùng, Pó không buồn ăn, anh sống lặng lẽ như một đứa trẻ người H' Mông chưa đến tuổi biết nói biết nghĩ, anh chỉ ngủ, ngày nào cũng như ngày nào.
2 lần tự tử không thành
Trước lúc được đưa vào phòng giam, Vừ Già Pó cũng đã kịp quan sát qua loa khung cảnh nhà tù. "Nơi ấy không có những ngôi nhà cao tầng như những nơi mà tôi từng đi qua, duy chỉ có vài cái nhà khiến tôi gợi nhớ về trụ sở UBND xã Khâu Vai ngay bên trên chợ mà hằng tuần trước đó tôi vẫn đuổi lợn lên đó bán. Hầu như xung quanh nơi ấy không một bóng người dân sinh sống, baoquanh là những hàng rào thép kiên cố". Pó nhớ lại.
Ngày Pó về, chính quyền xã cũng đến thăm hỏi.
Thời gian tại đây, Pó buồn đến tái tê, anh càng hy vọng bao nhiêu thì lại càng tuyệt vọng khổ đau bấy nhiêu. Trong suốt 2 năm, trong đầu anh chỉ có ý nghĩ duy nhất là về nhà. Rất nhiều lần anh đã có ý định bỏ trốn, nhưng nghĩ lại địa hình nhà tù, anh đành chịu.
Trong ngục tối, hết chán ăn anh lại nghĩ đến việc tìm đến cái chết để giải thoát. Phần là vì cũng đã gần 2 năm tìm đường về mà không chút hy vọng, phần lại nghĩ rằng người vợ ở quê nhà ngóng trông lâu quá lại tìm một mối khác nên càng khiến anh buồn rầu. Anh muốn tìm cái chết. Nghĩ là làm, anh ra hiệu với một người bạn tù xin tìm thuốc độc và cuối cùng anh bạn ngoại quốc đó đã đáp ứng.
Buổi sáng trước bữa cơm tù, Vừ Già Pó mở nắp lọ và định dốc hết vào miệng thì bị người bạn tù kia giữ lại. Hóa ra trong câu chuyện bằng cách ra hiệu bằng hành động của 2 người, anh bạn tù của Pó chỉ tưởng rằng anh sử dụng thuốc độc để đánh bả lũ chuột đêm nào cũng chạy lông nhông trong phòng giam.
Sau lần ấy, suy nghĩ của Pó đã được cải thiện hơn, người bạn tù mà anh không hề biết đến tên vì bất đồng ngôn ngữ lại càng giúp tình bạn giữa 2 người được thắt chặt. Nhưng cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn, anh bạn thân ngoại quốc của Pó được thả ra. Một mình Pó buồn bã ngồi trong góc phòng tối tăm không người hiểu thấu nỗi niềm, Pó lại tính đến chuyện tự vẫn.
"Cái ngày ấy trong đầu tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ. Chán nản với cuộc sống, tôi tháo thắt lưng ra rồi dùng hai tay thắt chặt cổ mình để được giải thoát khỏi sự khổ đau. Nhưng ngay lập tức có một tiếng hét lớn, sau đó một vị cách sát đã mở cửa, giật lấy thắt lưng của tôi và dùng rùi cui đánh liên tiếp vào người tôi". Pó ngược dòng thời gian kể.
Theo Khampha
Người H'Mông lạc sang Pakistan: Đòn tra tấn dã man "Người ta bắt tôi rồi nhốt tôi với những kẻ khác, trông ai cũng hung hăng như muốn ăn thịt người. Hôm sau lại có mấy kẻ kéo tôi vào một phòng riêng rồi dùng roi to vụt mông, tát mặt, lấy túi nilon úp vào đầu rồi đổ nước đá...", Pó kể. Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin...