Chàng trai lái xe máy 8.000km, mặc áo dài check-in 40 tỉnh thành
Chàng trai 24 tuổi Nguyễn Tuấn Khanh vừa kết thúc hành trình dài 8.000km, qua 40 tỉnh, thành khắp Việt Nam. Điều đặc biệt, trong chuyến đi, Khanh đã mặc áo dài để chụp ảnh tại những địa điểm nổi tiếng nhất tại các tỉnh, thành mình đi qua.
Nguyễn Tuấn Khanh (sinh năm 1998, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) từng gây chú ý trên mạng xã hội với hành trình leo đỉnh núi gần 3000m – Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái) để chụp bộ ảnh tốt nghiệp đại học vào đầu năm 2022. Chàng trai cũng mặc áo cử nhân để check-in Fansipan (Lào Cai), các địa điểm nổi tiếng tại Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng Tàu.
Mới đây, chàng trai mê xê dịch đã hoàn thành thêm một hành trình đặc biệt khác: Đi xe máy xuyên Việt, mặc áo dài check-in tại các địa điểm du lịch nổi tiếng khắp 40 tỉnh, thành. Thành quả sau 40 ngày của Tuấn Khanh là vô vàn trải nghiệm đáng giá và một bộ ảnh mang tên “Tự hào áo dài Việt” rất ấn tượng.
Chàng trai mặc áo dài check-in tại Hang Múa, Ninh Bình
Ấp ủ giấc mơ lái xe máy xuyên Việt suốt 2 năm
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên ngành du lịch đã ấp ủ giấc mơ xuyên Việt. Với Khanh, du lịch không đơn giản là đi để giải trí mà còn là hành trình khám phá, thay đổi bản thân, tích lũy kiến thức, khiến tâm hồn cởi mở và phóng khoáng hơn.
Sau 2 năm tạm hoãn giấc mơ xuyên Việt do Covid-19, cuối tháng 6 vừa qua, Tuấn Khanh cùng 3 người bạn lên đường. Từ TPHCM, họ đi Tây Nguyên, miền Trung, Hà Nội, rồi chinh phục Tây Bắc – Đông Bắc. Khi quay trở lại, nhóm chọn cung đường ven biển dọc miền Trung.
“Khi tới Quy Nhơn, do lịch trình thay đổi nên mình và các bạn đồng hành tách nhóm. Mình gửi xe và trở về TPHCM một vài ngày giải quyết công việc, sau đó lại tiếp tục lái xe lên Lâm Đồng, Nha Trang và đi theo cung đường biển qua các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận vào tới Vũng Tàu. Chặng này kéo dài 8 ngày”, Khanh cho biết.
Tuấn Khanh vô cùng yêu thích cung đường biển từ Quy Nhơn đi Phú Yên
Tuấn Khanh đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị sức khỏe, tìm hiểu thông tin trước chuyến đi nhưng vẫn có những sự cố đến bất ngờ, khiến chàng trai trẻ… hoang mang.
Khi cả nhóm di chuyển đến đèo Khau Cốc Chà (Cao Bằng) thì trời đã về đêm. Họ giật mình nhận ra bị mất sóng điện thoại, mất định vị, tín hiệu chuyển vùng sang Trung Quốc. “Ban đầu chúng mình hơi hoang mang nhưng sau đó, tự động viên nhau bình tĩnh, di chuyển từ từ, cố gắng chú ý chờ khi có định vị để tránh lạc đường”, Khanh cho biết.
Cảnh vật ấn tượng tại con đèo Khau Cốc Chà
Vài ngày sau đó, Khanh một mình lái xe đến A Pa Chải (Điện Biên). Thời điểm này là tháng 7, khu vực miền núi phía Bắc mưa nhiều. Đường đến A Pa Chải nhiều đoạn sạt lở, gập ghềnh khó đi. Vượt những đoạn đường sạt lở lại không theo sát định vị điện thoại, Khanh bị lạc đường lúc nào không hay. Anh chỉ nhận ra khi thấy bản thân đã chạm địa phận biên giới. Lúc này, điện thoại đã hoàn toàn mất tín hiệu. Không dám đi tiếp, Khanh đành chờ đợi, hy vọng gặp được người địa phương.
“Thật quá may mắn khi sau đó mình gặp được một người dân tốt bụng. Họ giúp mình chỉ đường tường tận. Sau khi trở về, xem lại bản đồ thì mình mới biết, mình đã đi lạc tổng quãng đường gần 60km”, Khanh kể.
Khanh diện áo dài khi tới cực Tây A Pa Chải – “nơi một con gà gáy cả ba nước cùng nghe tiếng”
Đoạn đường ám ảnh nhất với Khanh là khi chinh phục “sống lưng khủng long” Mù Cang Chải. Khanh thừa nhận, bản thân đã quá phấn khích và liều lĩnh khi tự lái xe chinh phục đoạn đường này. Đoạn đường dài khoảng 5km nhưng bề ngang rất hẹp, nhiều đoạn dốc đứng, đá lởm chởm, có đoạn thì xuống dốc đột ngột, anh phải dùng hai chân để kìm tốc độ chiếc xe. “Thật sự mình khuyên mọi người nên thuê lái xe người địa phương để đảm bảo an toàn. Mình trở về mà vẫn thấy sợ, toàn thân ê ẩm mấy ngày trời”, Khanh cho biết.
Video đang HOT
Thế nhưng, sau đoạn đường ám ảnh đó, Khanh lại vỡ òa khi chứng kiến ruộng lúa Mù Cang Chải (Yên Bái) – di tích quốc gia đặc biệt. “Không gian hiện ra đẹp như một bức tranh. Những bức hình dù cố gắng chụp thế nào cũng không thể lột tả hết vẻ đẹp thanh bình nơi đây”, Tuấn Khanh bộc bạch.
Khanh đứng trên “sống lưng khủng long” để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Mùa lúa ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng khiến chàng trai miền biển xiêu lòng
Hành trang mang theo là ba chiếc áo dài
Tuấn Khanh luôn muốn tạo dấu ấn cho hành trình của bản thân. Từng chọn áo cử nhân trong những chuyến du lịch kỉ niệm lễ tốt nghiệp, lần này Khanh chọn áo dài. Anh mang theo 3 bộ áo dài, một bộ áo dài xám để dành cho chuyến thăm cung đình xứ Huế, một bộ áo dài cách tân và một bộ áo dài đen truyền thống – trang phục đặc trưng của xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu), quê hương Khanh.
“Ở quê hương mình, những ngày lễ, tết, ngày quan trọng của gia đình, dòng tộc, các ông bà hay mặc áo dài đen. Các bô lão cao tuổi, râu tóc bạc phơ cũng sẽ diện áo dài đen, hóa thân thành các ông đồ ở Nhà Lớn Long Sơn để viết liễn (thư pháp). Mình cũng muốn mang trang phục này theo bên mình để kỉ niệm chuyến đi ý nghĩa của bản thân”, Khanh tâm sự.
Khanh chuẩn bị bộ áo dài xám để chụp ảnh khắp xứ Huế
Mỗi tối, Khanh thường tính trước địa điểm chụp ảnh áo dài trong hành trình ngày hôm sau. Anh chọn bộ áo dài thích hợp, cẩn thận gấp lại, xếp lên phía trên cùng trong túi hành lý. Khi tới địa điểm, Khanh thay bộ áo dài và chụp ảnh.
“Mình thường chọn các địa điểm ấn tượng nhất tại mỗi tỉnh, thành mình qua để chụp ảnh áo dài”, Khanh nói. Khi tới Quảng Ninh, chàng trai một mình leo núi Yên Tử. Tới chùa Đồng – nơi cao 1.068m so với mức nước biển, Khanh tự hào diện chiếc áo dài để chụp ảnh kỉ niệm. “Mình leo Yên Tử vào tháng 7, thời điểm rất ít du khách. Trong hành trình, mình chỉ gặp một đoàn 3 thành viên. Sau khoảng 2 tiếng, mình lên tới đỉnh núi. Tuy mệt nhưng bản thân cảm thấy rất hài lòng”, Khanh nhớ lại.
Khanh trên đỉnh Yên Tử
“Mình luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình chiếc áo dài của quê hương. Mình hy vọng các bạn trẻ có thể trân trọng, yêu mến và sử dụng áo dài thường xuyên hơn. Tất nhiên hãy mặc áo dài một cách phù hợp”, Khanh tâm sự
Để duy trì sức khỏe, Khanh cố gắng giữ thói quen chạy bộ 30 – 40 phút mỗi ngày. Trong hành trình 40 ngày, anh có 31 buổi vận động (chạy bộ, đi bộ, leo núi) tại 22 tỉnh, thành khác nhau với tổng quãng đường 150km. “Việc chạy xe đường dài, 200 – 300km/ngày khá mệt mỏi, căng thẳng. Mình thường dậy sớm, chạy bộ để duy trì sức khỏe, thư giãn tinh thần. Thỉnh thoảng, mình có thể chạy bộ từ nơi lưu trú tới một số điểm đẹp xung quanh để thăm thú. Cảm giác đó rất mới lạ”, Khanh chia sẻ.
Chàng trai check-in cột cờ Lũng Cú, Hà Giang
Khanh rất thích cảm giác được chạy bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và qua các con phố cổ, từ từ cảm nhận cuộc sống của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chàng trai cũng mê buổi chạy xung quanh hồ Xuân Hương, Đà Lạt, tận hưởng không khí se se lạnh đặc trưng hay những sáng chạy bộ đón bình minh trên biển Quy Nhơn, Nha Tramg, Phú Yên…
Khanh mặc áo dài chụp ảnh trước Nhà thờ Lớn Hà Nội
Tổng chi phí cho chuyến đi 8000km, dài 40 ngày của Khanh là khoảng 30 triệu đồng
Ảnh: NVCC
Chàng trai 'mê xê dịch' mang áo dài truyền thống đi khắp đất nước
Tuấn Khanh mang đến nguồn năng lượng tích cực với góc nhìn đặc biệt của chàng trai 'mê xê dịch' về một Việt Nam đa sắc màu nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa dân tộc.
Chàng trai trẻ Tuấn Khanh trong áo tấc truyền thống. (Ảnh: NVCC)
Vốn theo chủ nghĩa "xê dịch," hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Tuấn Khanh (sinh năm 1998, Vũng Tàu) đã có chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy. Điều đặc biệt chính là trong suốt cuộc hành trình đi qua 40 tỉnh thành, chàng trai này đã lựa chọn mặc áo dài mỗi khi đến một địa điểm mới, tạo nên bộ ảnh "Tự hào áo dài Việt" vô cùng ấn tượng.
Rong ruổi mọi miền bằng xe máy
Vốn theo học ngành du lịch, sở thích ngao du đây đó đã hình thành trong Tuấn Khanh từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Với anh, du lịch được xem như một công cụ thay đổi bản thân và giúp con người trở nên cởi mở và phóng khoáng. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do cho nhiều công ty, dẫn các tour chuyển trải nghiệm như thám hiểm, leo núi... Đây cũng là lúc ý định xuyên Việt bắt đầu.
"Tôi đã dự định xuất phát từ năm 2020, nghĩa là ngay sau khi tốt nghiệp nhưng vì dịch COVID-19 nên tháng Sáu năm nay tôi mới có thể khởi hành," Tuấn Khanh chia sẻ.
Chiếc áo dài đen truyền thống của xã đảo Long Sơn (Ảnh: NVCC)
Chuyến đi của Tuấn Khanh bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên-Miền Trung-Hà Nội-Tây Bắc-Đông Bắc-Miền Trung-Cung đường biển-Vũng Tàu. Một nửa chặng đường anh có bạn bè cùng đồng hành, nửa còn lại là chuyến đi độc hành tự khám phá.
Chuyến đi xuyên qua 40 tỉnh thành trong 40 ngày cũng có những thử thách đặc biệt, khiến Khanh suýt phải bỏ cuộc như đoạn từ đèo Khau Cốc Chà (Pắc Bó). Khi di chuyển vào ban đêm, Khanh và nhóm bạn đã bị mất sóng, mất định vị, tín hiệu chuyển sang vùng Trung Quốc.
"Những lúc như vậy phải di chuyển từ từ, chờ khi có định vị để tránh lạc đường," Khanh chia sẻ.
Tuấn Khanh và hành trang của mình. (Ảnh: NVCC)
Thời gian di chuyển kéo dài từ cuối tháng Sáu đến đầu tháng Tám, nhiều mưa, cũng khiến đoàn xuyên Việt của Tuấn Khanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đặt chân đến Tây Bắc, có nhiều đoạn đèo sạt lở.
Hay đoạn đường từ Tam Kỳ đến Cửa Đại (Quảng Nam), dọc hai bên đường có nhiều bia mộ khiến chàng trai "rợn tóc gáy."
Đem áo dài đi khắp đất nước
Hai năm chờ đợi không phụ lòng kẻ "cuồng chân" Tuấn Khanh, khi anh được tận mắt chứng kiến những khung cảnh hùng vĩ của Việt Nam.
Tuấn Khanh cho biết anh luôn lựa chọn các địa điểm có địa hình phải leo núi hoặc đi bộ rất xa để chụp được những tấm hình đẹp. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất là ruộng bậc thang Mù Cang Chải Từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh chân núi đã làm say lòng chàng trai miền biển.
Giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Tuấn Khanh tự hào khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống. Bộ ảnh "Tự hào áo dài Việt" đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ.
Áo tấc được Tuấn Khanh diện khi đến Kinh thành Huế (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về điều này, Tuấn Khanh bộc bạch: "Tôi nghĩ tại sao không mặc áo dài truyền thống ở tất cả những nơi mà mình đến. Như vậy sẽ vừa có thể giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, vừa có thể quảng bá, tôn vinh văn hóa dân tộc."
Tuấn Khanh đã chọn 3 chiếc áo dài để mang theo trong thành trình 8.000km của mình. Đó là một áo dài truyền thống màu đen, một áo tấc xám khói và một chiếc áo dài cách tân.
Được biết, chiếc áo dài đen mà anh sử dụng là trang phục truyền thống của người dân đảo Long Sơn, Vũng Tàu.
"Áo dài đen là trang phục không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân nơi đây. Chúng tôi thường mặc vào những dịp lễ, Tết. Các bô lão cao tuổi, râu tóc bạc phơ cũng sẽ diện áo dài đen, hóa thân thành các ông đồ ở Nhà Lớn Long Sơn để viết liễn (thư pháp)," Tuấn Khanh kể.
Thông qua hành trình của mình, Tuấn Khanh có thêm nhiều kiến thức bổ trợ cho nghề hướng dẫn viên du lịch. Điều quan trọng hơn cả là anh đã truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ rằng: "Áo dài là trang phục truyền thống mà người trẻ cần giữ gìn và phát triển. Không chỉ mặc trong những ngày Tết, chúng ta có thể mặc trong những sự kiện, cuộc phiêu lưu. Điều kiện cần là bạn có tình yêu với trang phục này và sử dụng hợp lý"./.
Ngắm áo dài Việt trong bộ ảnh của Tuấn Khanh:
Tuấn Khanh muốn lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống thông qua hành trình của mình. (Ảnh: NVCC)
Gành Đá Đĩa, Phú Yên. (Ảnh: NVCC)
Đồi Mâm Xôi, Mù Cang Chải, Yên Bái. (Ảnh: NVCC)
Tuấn Khanh tại Đường Trường Sơn Đông, Gia Lai. (Ảnh: NVCC)
Tìm về ký ức mùa hè với chiếc áo dài và hoa phượng đỏ Có lẽ khi trải qua rồi thuở học trò, nhiều người vẫn luôn nhớ về những ngày hè rợp trời hoa phượng đỏ, để rồi chứng kiến bao kỉ niệm vui, buồn của thời áo trắng, màu hoa ấy đã trở nên thật đặc biệt trong trái tim của mỗi thế hệ thời học sinh. Nhiều người vẫn mong tìm về ký ức...