Chàng trai “khắc tinh” của ống hút nhựa
Hiểu rõ tác hại của ống hút nhựa, anh Lê Xuân Hà (thôn Thành Lợi, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã sáng tạo, làm ra ống hút cùng nhiều vật dụng hữu ích khác từ tre.
Ống hút nhựa – “kẻ thù” của môi trường
Đón chúng tôi bằng ấm trà nóng, anh Lê Xuân Hà mời khách ngồi xuống chiếc ghế tre, được đặt ngay ngắn chính giữa xưởng sản xuất rộng vỏn vẹn chừng 500m. Tôi liếc vội khắp xưởng của Hà, đâu đâu cũng thấy tre. Rải rác khắp xưởng là các gói ống hút tre được bọc gọn gàng đặt trong thùng carton, cạnh đó là những lao động đang miệt mài, hăng say làm việc.
Anh Lê Xuân Hà loại bỏ những cây tre không đạt. Ảnh: Thu Thủy
Anh Hà chia sẻ: “Trước đây, tôi vốn là người hay lang thang quán xá, nên thường xuyên chứng kiến các chủ quán lạm dụng ống hút nhựa trong kinh doanh, buôn bán. Một lần ngồi uống nước cùng bạn tại quán cà phê, tình cờ quán đó lại có bụi tre, thế là tôi liền bẻ ngay một cành tre, cắt gọn hai đầu, dùng thay thế cho chiếc ống hút nhựa mà quán hay sử dụng. Từ đó, ý định sử dụng tre để làm ống hút được nhen nhóm trong tôi”.
Anh Hà cho rằng: Các loại ống hút nhựa trên thị trường chủ yếu được tái chế nhiều lần, nếu như sử dụng chúng thường xuyên vào đồ ăn, thức uống thì rất có hại cho sức khỏe. Theo tìm hiểu của anh, các loại ống hút nhựa có nhiều màu khác nhau và được tạo ra bởi các phẩm màu hóa học, không những sử dụng có nguy cơ gây ung thư mà khi thải ra môi trường, chúng phải mất thời gian dài mới phân hủy được. Hay nói cách khác, các sản phẩm được làm từ nhựa đang là kẻ thù đối với sức khỏe con người và môi trường.
“Nói như vậy, không phải là tôi tẩy chay hay khuyên mọi người ngừng sử dụng ống hút nhựa, cũng không phải đề cao sản phẩm của mình, chỉ đơn giản muốn mọi người hiểu và rèn luyện thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” – anh Hà nói.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về sự an toàn của ống hút tre, anh Hà dẫn chúng tôi tham quan xưởng. Anh giới thiệu: Tre vốn là vật dụng quen thuộc với người dân Việt Nam lại dễ tìm kiếm, nên không khó trong việc nhập nguyên liệu.
Để tạo ra một chiếc ống hút tre đạt chuẩn phải trải qua 10 công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu đến phân chia chất lượng sản phẩm. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ, trong đó công đoạn đánh bóng và luộc ống hút tre là quan trọng nhất, bởi các cạnh của tre rất sắc nhọn, nên người làm cần phải gia công kỹ lưỡng. Công đoạn luộc ống hút với muối giúp khử trùng, chống mối mọt…
Bảo vệ môi trường từ việc làm nhỏ
Công việc vất vả, có lúc chùn bước, nhưng nghĩ đến việc đang làm giúp ích cho đời, góp phần đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, vì môi trường xanh – sạch – đẹp… anh Hà đã tự mình tìm đến từng quán cà phê, quán nước vỉa hè thuyết phục chủ quán sử dụng miễn phí ống hút tre. Kết quả, sau hơn 2 năm, nay sản phẩm của anh đã được nhiều người biết đến, số lượng đơn đặt hàng tăng dần theo thời gian, sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường.
“Ban đầu làm thủ công, nên mỗi ngày xưởng chỉ sản xuất được 200 ống. Sau này, tôi quyết định đầu tư thiết bị, máy móc cộng với việc tích cực đi giới thiệu sản phẩm ở khắp nơi. Đến nay, mỗi tháng xưởng làm ra từ 50.000 – 100.000 ống, với giá thành dao động từ 1.000 – 5.000 đồng/ống, doanh thu mỗi tháng 50 triệu đồng” – anh Hà cho hay.
Theo anh Hà, ống hút tre hay ở chỗ khi sử dụng xong, nếu được rửa sạch rồi phơi khô có thể tái sử dụng được. Nhờ vậy, sản phẩm ống hút tre của anh được nhiều người biết đến và ưa chuộng, có những khách hàng đặt hàng một lúc tới 3.000 ống.
“Dựa vào sản phẩm ống hút tre, tôi tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân từ điều nhỏ nhất”- anh Hà chia sẻ.
Video đang HOT
Với định hướng “vì một lai không rác thải nhựa”, bên cạnh sản phẩm ống hút tre, anh Hà còn sản xuất các loại vật dụng như: Thìa, vỏ bút bi, giỏ tre… để cung ứng ra thị trường. Nhờ tính năng thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe, phần thi về các sản phẩm làm bằng tre của anh Hà đã lọt vào vòng chung kết của Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Theo Danviet
Cô trò tỉnh Phú Thọ và dự án "Nói không với ống hút nhựa"
"Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động".
Dự án: "Nói không với ống hút nhựa" được thực hiện bởi 91 em học sinh dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên môn tiếng Anh trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Với mong muốn lan tỏa được việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa - loại rác thải đang rất phổ biến hiện nay, cô và trò trường cấp 3 Hương Cần đã vận dụng các kiến thức liên môn để tìm hiểu và sản xuất các loại ống hút thân thiện với môi trường.
Điều đặc biệt, tại ngôi trường Trung học Phổ thông Hương Cần chủ yếu học sinh là người đồng bào dân tộc. Cho nên việc thực hiện dự án này chẳng phải dễ dàng.
Các loại ống hút thân thiện với môi trường được làm từ những loại nguyên liệu có sẵn của quê hương Phú Thọ như tre, trúc, nứa, sậy, lau đá...
Các sản phẩm đều được xử lý đảm bảo không bị ẩm mốc và tiện sử dụng.
Nhóm thực hiện dự án cũng đã tặng sản phẩm ống hút thân thiện cho hơn 800 thầy cô và học sinh toàn trường.
Để nhân rộng hiệu quả của mô hình nhóm dự án cũng gửi tặng sản phẩm này cho các quán trà sữa, quán nước trên địa phương và một số trường Trung học Phổ thông trên cả nước.
Các sản phẩm của dự án đều được làm từ những loại vật liệu thân thiện với môi trường (Ảnh:H.P)
Nói về mục đích và ý nghĩa của dự án cô Hà Ánh Phượng tâm sự: "Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển costa rica và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động.
Bên cạnh đó dự án cũng là một trong những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh. Thông qua dự án này chúng tôi còn gửi tặng sản phẩm đến học sinh nước ngoài.
Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống.
Ngoài ra tôi cũng mong muốn đây là cơ hội để các em học sinh có thể học hỏi nhiều kỹ năng trong và ngoài trường học".
Học sinh vận dụng kiến thức đã học khi thực hiện dự án trên (Ảnh:H.P)
Dự án: "Nói không với ống hút nhựa" của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần được rất nhiều nơi hưởng ứng. Đồng thời một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang có ý định đầu tư cho dự án. Có thể nói đây là một thành công ghi nhận nỗ lực của cô trò trường cấp 3 Hương Cần.
Anh Đinh Hữu Đình chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng về ý tưởng của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần trong việc hạn chế sử dụng ống hút bằng nhựa chuyển sang ống hút bằng các loại vật liệu thân thiện.
Dự án này rất nhiều nơi muốn đầu tư vì tính khả thi của nó. Bên cạnh đó tôi cũng hy vọng rằng thông qua các hoạt động như thế này sẽ giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng các loại rác thải khó phân hủy như nhựa, nilon. Tôi chúc dự án của cô Phượng và các em học sinh thành công".
Dự án nhằm khuyến khích học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng vật liệu nhựa, nilon (Ảnh:H.P)
Ngoài việc sản xuất ống hút bằng vật liệu tái chế, các em học sinh cũng tìm tòi và sáng tạo các sản phẩm trang trí như bản đồ Việt Nam, lẵng hoa, đồ lưu niệm...
Thông qua hoạt động này học sinh có thể vận dụng các kiến thức liên quan như môn Vật Lý, Toán, Công nghệ...đặc biệt là học tập qua STEM để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Học sinh tham gia dự án cũng có thể giao tiếp ở mức độ cơ bản bằng tiếng Anh trong các buổi kết nối với giáo viên và học sinh nước ngoài về dự án, quá trình và cách tiến hành dự án.
Ngoài 2 buổi lao động công ích tại địa phương, nhóm dự án cũng tổ chức 30 buổi học qua skype giới thiệu về dự án và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường với học sinh trong và ngoài nước.
Nói về hiệu quả của phương pháp học qua skype, cô Phượng chia sẻ:
"Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.
Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới.
Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.
Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới".
Dự án của 91 học sinh Phú Thọ đang được nhiều nơi ủng hộ, hưởng ứng (Ảnh:H.P)
Em Lê Huyền Trang, thư ký nhóm dự án chia sẻ: "Thông qua việc tham gia dự án này đã giúp cho chúng em học được rất nhiều điều trong học tập và cuộc sống.
Dự án này giúp em nhận ra ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đặc biệt là tác hại của ống hút nhựa.
Đồng thời chúng em cũng tự mày mò tìm cách làm các sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và cô Phượng. Từ đó chúng em trau dồi và thực hành các kiến thức mà mình được học.
Chẳng hạn nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ tìm hiểu các loại vật liệu có thể thay thế ống hút nhựa, nghiên cứu cách làm chống mốc, khử trùng, cách tách nước trong ống hút tre để sản phẩm để được lâu, quy trình làm ống hút thân thiện với môi trường bên cạnh lời khuyên từ các chuyên gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua skype (anh Đinh Văn Mạnh- công ty sản xuất ống hút Tinh Hoa Tre Việt)".
Hoạt động của dự án cũng giúp học sinh có môi trường thực hành tiếng Anh (Ảnh:H.P)
Em Trang cũng chia sẻ thêm: "Bọn em cũng có thể áp dụng các kiến thức cơ học, động cơ điện một chiều, hiện tượng cảm ứng điện từ...để thiết kế ra máy cắt ống hút bằng điện từ các loại vật liệu tái chế.
Em mong muốn dự án sẽ ngày càng lan tỏa để mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường".
Trong tương lai, nhóm dự án dự định đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường. Với những điều mà 91 em học sinh trường cấp 3 đang làm chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một thế hệ trẻ năng động, ý thức, trách nhiệm, làm giàu quê hương, đất nước.
Vũ Ninh
Theo giaoduc
Trường đại học đầu tiên ở Hà Nội ngừng sử dụng đồ nhựa 1 lần Theo đó, bắt đầu từ ngày 30/10/2019, Trường ĐH Đại Nam sẽ ngừng sử dụng nước uống đóng chai, ống hút nhựa và các vật dụng sử dụng một lần bằng nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện của trường. Nhằm giáo dục ý thức, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong tập thể cán bộ, giảng...