Chàng trai hơn 22 năm tình nguyện
Châu Thành Toàn vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam, để vinh danh những đóng góp của anh với 22 năm liên tục làm thiện nguyện (từ khi 15 tuổi).
Anh Châu Thành Toàn (bìa trái) trao chiếc xe đạp cho một học sinh nghèo ở miền Tây – Ảnh: PHƯƠNG HOA
Tối thứ sáu, Toàn gửi ảnh đang… ram thịt, bảo mai làm món bún thịt ram và nem nướng cho người bán vé số, người khó khăn ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ăn.
Bao nhiêu năm nay, những ngày cuối tuần của Toàn đều dành cho việc thiện nguyện, nếu không phải là Sóc Trăng thì là Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Kon Tum… Cứ tối thứ sáu đi, đêm chủ nhật về để sáng thứ hai đi làm.
“Tôi đã đi cùng Toàn nhiều chuyến thiện nguyện nên thấy rõ cái tâm, sự vô tư và tình thương của Toàn với người nghèo khổ.”
Bà LÊ KIM HỒNG (chủ quán Gà nướng Anh Tư, Bình Thạnh)
Vì chữ thương mà đi…
Hơn 13 năm nay, Toàn và những bạn trẻ SV07 đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình hát ở bệnh viện, trò chuyện với bệnh nhân ung thư, nấu những bữa ăn lành gửi cho bệnh nhân, nấu tiệc ngọt trung thu cho học trò nghèo, đem chút vui vẻ bừng sáng đến cho người khiếm thị…
Châu Thành Toàn cũng là người nghĩ ra việc đi hát dạo ở các quán ăn, quán nước, chợ… xin từng đồng bạc lẻ để giúp người nghèo. Vì người nghèo, anh không ngại cầm loa kẹo kéo đứng hát, xin tiền trước bao người xa lạ, có khi vấp phải ánh mắt nghi ngờ.
Toàn coi tình nguyện là một nửa cuộc sống của mình. Thời gian rảnh và cả 15 ngày phép của năm, anh dành hết cho việc thiện nguyện. Khi người ta nghỉ lễ, Toàn lại xin đi trực để có ngày nghỉ bù.
Toàn đã làm tình nguyện viên 16 năm nay cho giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc.
Ông Phạm Ngọc Sơn, hiện đang công tác tại Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM, bảo: “Toàn gắn bó với giải thể thao người khuyết tật từ khi còn là sinh viên. Khi nhận thù lao, Toàn và nhóm của cậu ấy không hưởng mà góp lại để dành tiền xây nhà cho người nghèo hoặc mua xe đạp tặng cho học trò”.
Với những chuyến đi tỉnh, có khi ra tận miền Bắc, không có thù lao, Toàn và các tình nguyện viên vẫn sẵn lòng bỏ tiền túi đi. Có khi anh còn phải xin tiền một nhà hảo tâm rất thân thiết để có kinh phí đi làm tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật.
Video đang HOT
“Nếu chỉ nghĩ thiệt hơn cho mình thì đi làm gì. Nhưng thương, vì chữ thương mà đi thôi” – Toàn nói ngắn gọn.
Toàn đã quá quen với những chuyến xe lúc 23h, lúc 2-3h sáng. Những nơi anh đến không phải là phố xá, mà là nơi xa xôi, khó khăn, những làng chài tan hoang sau bão.
“Chúng tôi không thể giúp người nghèo hết khổ, nhưng ít nhất chúng tôi có thể mang cho họ niềm tin rằng giữa cuộc đời rộng lớn này họ vẫn được quan tâm và không đơn độc” – Toàn bảo.
Cứ thế, những chuyến đi của Toàn làm cho người đang vất vả, buồn khổ có thể nở nụ cười, có được chút vỗ về an ủi để dũng cảm vượt qua thời khắc khó khăn nhất.
Điều người nghèo cần không phải là sự bố thí
Hằng năm, ngoài những căn nhà do nhà hảo tâm tài trợ, Toàn và nhóm SV07 cố gắng xây ít nhất một căn nhà từ đóng góp của các thành viên. Năm 2019, Toàn và nhóm SV07 đã làm được 20 chương trình thiện nguyện với số tiền quyên góp gần 2 tỉ đồng, trong đó có 12 căn nhà được xây tặng và hàng chục chiếc xe đạp xịn cho học trò nghèo.
Có nhà hảo tâm hỏi Toàn: “ Sao tặng loại xe có chất lượng tốt nhất và mới nhất chứ không mua loại rẻ tiền?”, Toàn kể câu chuyện ám ảnh mình ngày trước.
Hồi đó, Toàn và các bạn góp tiền mua được bốn chiếc xe đạp rồi đạp luôn đi tặng. Chạy một đoạn thì có chiếc long cả pê-đan, phải mang đi sửa. Tặng xe xong, Toàn không dám trở lại hỏi người nhận xe chạy có tốt không, có còn dùng được chiếc xe ấy hay không…
“Điều người nghèo cần không phải là bố thí. Cũng vì nghèo, họ không nên nhận được những món quà chắp vá, rẻ rúng, nay sửa mai chữa vì không có tiền mà tối ngày đi sửa. Nếu mình đã có tâm làm việc tốt, sao không cố làm cho nó chu toàn hơn” – Toàn bảo.
Không chỉ cần một tấm lòng thành ngơ ngác
Châu Thành Toàn và nhóm SV07 đã quyên góp xây được hơn 23 căn nhà, tặng hơn 200 xe đạp xịn, lắp gần 300 chiếc chân giả, tặng hơn 100 xe lăn…
Châu Thành Toàn khẳng định: “Làm tình nguyện cần nhiều kỹ năng hơn là chỉ một tấm lòng thành ngơ ngác. Công việc nào cũng có những mặt trái và khó khăn của nó. Nhiều người coi tình nguyện viên như người sai vặt, sẵn sàng nặng lời, quát nạt”.
Toàn bảo anh học được cách phải kiên quyết với điều không đúng xảy ra trước mắt. Như tráo người lẽ ra phải được nhận. Như chuyện người được chọn lại không muốn làm chân giả, mà chỉ muốn lấy tiền. Tệ nhất là chuyện hiểu lầm tiền bạc trong việc thiện nguyện.
Nhưng Toàn rất tự hào kể tên các nhà hảo tâm giờ đã thân quý như những người anh, người cô, người mẹ: anh Kiến Minh ở Canada, chị Trang ở quận Phú Nhuận, cô Tư gà ở quận Bình Thạnh, cô Xuân Trang ở quận 7, cô Đỗ Lý ở quận Gò Vấp, cô Mỹ Ngọc ở chợ An Đông, cô Hương ở quận Tân Phú…
Để có tiền cho những chuyến đi làm thiện nguyện, Toàn “keo kiệt” với chính bản thân mình. Tiền lương mỗi tháng được hơn 5 triệu đồng, anh để dành ra 1 triệu đồng, có tiền thu nhập tăng thêm, một quý Toàn tiết kiệm được 10-12 triệu đồng.
Tết được thưởng mấy triệu, Toàn không dám xài, để đó mua quà tết cho người nghèo. Anh chàng cười mắc cỡ khi nói khoảng 3 năm nay, cứ tết đến các nhà hảo tâm lại còn lì xì. Tiền đó Toàn để dành phòng khi có việc.
Gần 40 tuổi, Toàn vẫn độc thân. “Có người vợ nào chấp nhận chồng đi hoài, lo cho người khác hoài mà lại còn không có lương?” – Toàn cười.
'Thủ lĩnh' Trung... đồng nát và mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam
Từ việc đi lượm ve chai bán lấy tiền làm thiện nguyện, Trung 'đồng nát' đã thành 'thủ lĩnh' của nhiều dự án tình nguyện với mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm trên khắp Việt Nam và không để học sinh bỏ học vì đói.
Hoàng Hoa Trung với các trẻ em nghèo tại một trong những điểm trường được khảo sát để xây mới ở H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - ẢNH: NVCC
Hoàng Hoa Trung (30 tuổi), Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, đã có 11 năm hoạt động tình nguyện và làm được nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng. Anh Trung và nhóm Niềm Tin đang xây dựng 25 trường học cho trẻ em vùng cao; dự kiến năm 2025 xây được 100 điểm trường và mục tiêu xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam vào năm 2040. Đặc biệt, từ 2014 đến nay, anh Trung còn thực hiện dự án nuôi 12.000 trẻ em nghèo.
Xóa trường tạm trên khắp Việt Nam
Trung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thời còn học phổ thông, Trung từng là học sinh giỏi nhưng năm lớp 11 phải vào học hệ B của một trường công lập vì bị "trù". "Năm đó, tôi mất phương hướng và đã có ý định tự tử nhưng ở tận cùng của nỗi buồn, tôi lại tìm thấy niềm vui bằng việc giúp đỡ người khác làm động lực tồn tại", Trung chia sẻ. Anh cũng theo học nghề 3 năm ở một trung tâm đào tạo của nước ngoài để trở thành lập trình viên quốc tế.
Hoàng Hoa Trung và nhóm Niềm Tin đã 3 lần được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia của T.Ư Đoàn. Đầu năm 2020, Trung được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Trung là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019
19 tuổi, Trung theo đuổi hoạt động thiện nguyện. Dự án đầu tiên anh thực hiện là "Ve chai niềm tin" - một trong những dự án sớm nhất tại Hà Nội về gom ve chai gây quỹ. Chỉ trong 2 tuần triển khai thu gom đồng nát tại 10 ký túc xá sinh viên, anh có 10 triệu đồng để mua hơn 100 con gà và 4 con lợn giống tặng 10 hộ dân khó khăn "sống chung" với HIV tại H.Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau đó là hàng loạt dự án bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con... được triển khai, gây quỹ gần 100 triệu đồng/năm. Cũng từ đó, Trung được gọi tên là Trung "đồng nát".
Trung chia sẻ: "Điều thú vị nhất tôi từng làm đồng nát mà thành công rực rỡ là việc gom gốm hỏng, gốm lỗi tại Bát Tràng bán gây quỹ. Tôi đã đi xin từng nhà gốm, đào những khu vực bãi rác gốm để bán gây quỹ, được hơn 60 triệu đồng, trong hơn 3 năm để lấy tiền làm thiện nguyện".
Với tư duy làm thiện nguyện bền vững, phải thực hiện các dự án có giá trị lâu dài, nên từ năm 2009, khi làm Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, Trung đã thay đổi cách thực hiện tình nguyện bằng việc xây trường học và nuôi những trẻ em vùng cao. "Nhóm tình nguyện Niềm Tin thành lập từ năm 2003. Thời gian đầu, nhóm chủ yếu hoạt động tại Hà Nội, đến với các làng trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang, làng chài Long Biên. Từ năm 2009, khi Trung tiếp quản nhóm này, nhận thấy phong trào tình nguyện tại Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ, có sự tham gia của rất nhiều thành phần, nhóm chuyển đối tượng là trẻ em vùng cao và thực hiện các dự án với tên gọi "Ánh sáng núi rừng" - chuyên xây trường học, thực hiện các dự án phụ trợ hỗ trợ điều kiện học tập, dạy học của thầy cô giáo, học sinh cùng dân bản", Trung kể.
Từ 2012, dự án "Ánh sáng núi rừng" xây dựng thành công điểm trường đầu tiên tại Lai Châu. Từ đó tới nay, mỗi năm dự án xây trung bình 1 - 2 điểm trường. Năm 2018 có 4 điểm trường được xây dựng thành công; năm 2019 có 12 điểm trường đã và đang được xây dựng. Tính tới đầu năm 2020, có 25 điểm trường đã và đang xây dựng.
Hoàng Hoa Trung (thứ hai, từ trái qua) đại diện nhóm Niềm Tin nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 của T.Ư Đoàn - ẢNH: ĐĂNG HẢI
Nuôi 12.000 trẻ em vùng cao
Một thành công lớn của Trung "đồng nát" trong 11 năm làm thiện nguyện là hình thành được một "hệ sinh thái" nuôi cơm trẻ em nghèo trên toàn quốc. Trung chia sẻ từ năm 2014, thấy một số trường học mới đã khang trang sạch sẽ hơn, nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học vì đói.
"Buổi sáng có 20 em, chiều có khi chỉ còn 4 em. Khi theo các em sau giờ tan học mới biết là trẻ nhà xa, nghèo tới mức không có cơm ăn, chiều đến phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ... về nhà tự luộc ăn nên các em không thể đi học buổi chiều", Trung kể.
Dự án "Nuôi em" từ đó được phát động. Mô hình 1 người nuôi 1 em nhỏ bản cao, các nhà hảo tâm đều nắm được đầy đủ thông tin của học sinh mình nhận nuôi, biết mặt, địa chỉ, số điện thoại của thầy cô giáo, già làng, trưởng bản... Mỗi năm, người nuôi có thể chủ động lên thăm các bé hoặc đi theo chương trình chung của dự án.
Đến thời điểm này, anh Trung đã kết nối được 12.000 nhà hảo tâm nuôi cơm trưa cho 12.000 học sinh vùng cao. Nhờ dự án "Nuôi em", có hàng vạn bữa ăn được triển khai, giúp các em có cơm ăn, giảm tỷ lệ bỏ học buổi chiều từ 80% xuống 5%. Không chỉ vậy, từ số tiền dư trong việc nuôi cơm trưa (do nghỉ lễ, tết...), dự án đủ tiền mua bình lọc nước sạch, áo ấm, chăn, chiếu hoặc nệm cho toàn bộ học sinh và hỗ trợ thầy cô trong dự án mỗi tháng 150.000 đồng...
Khi dự án "Nuôi em" lớn mạnh, Trung lại thực hiện dự án "Dũng sĩ bạt che phủ các điểm trường tạm chưa được xây mới"; tiến hành dự án "Được dạy - lắp năng lượng gió mặt trời" cho thầy cô cắm bản sâu chưa có điện.
Đặc biệt, Trung và nhóm tình nguyện Niềm Tin đã thực hiện dự án "Ra đi từ rừng", nhằm tiêu thụ nông sản sạch cho phụ huynh học sinh và giáo viên của dự án "Nuôi em". Số tiền này cũng giúp giáo viên có thêm thu nhập và cung cấp nông sản sạch cho những người nuôi, tạo thành một cộng đồng bền vững.
Ngoài ra, Trung "đồng nát" và cộng sự còn gây quỹ thực hiện các dự án như: Năng lượng gió mặt trời, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ... cho trẻ mầm non bản cao để điều kiện sống của giáo viên và học sinh những nơi này ngày một tốt hơn.
Nói về mong muốn của mình, Trung cho biết anh muốn tập hợp nguồn lực tình nguyện để làm được các dự án có giá trị bền vững và ý nghĩa lâu dài. "Chỉ cần 1 triệu đồng là đã có một hệ thống lọc nước dùng được 6 năm; hay chỉ cần 10 triệu đồng đã có một thiết bị ánh sáng dùng cho 30 hộ dân trong 10 năm...", Trung cho hay.
Trung dự kiến tới năm 2025 sẽ gây quỹ, kết nối, và xây 100 điểm trường trên khắp Việt Nam. Từ đó kết nối hơn 30 đội nhóm thiện nguyện, tình nguyện, công ty thực hiện trách nhiệm xã hội với mục tiêu đến năm 2040 sẽ xóa toàn bộ trường tạm tại Việt Nam. "Từ những cái mù mờ nhất, tới giờ, sau 11 năm theo đuổi thiện nguyện, tôi càng vững tin mục tiêu đó sẽ đạt được vì Việt Nam có rất nhiều người giàu lòng nhân ái", Trung kỳ vọng.
Đời vui vì có Phúc làm thiện nguyện "Với em thiện nguyện là một trong những điều hiếm hoi không phân biệt tuổi tác, địa vị, tầng lớp, chỉ cần ta tình nguyện hướng tới và dám hành động vì cái thiện, cái tốt đẹp ở đời". Cậu học trò 17 tuổi Lê Văn Phúc (học sinh lớp 12 trường chuyên Gia Lai, tỉnh Gia Lai) - điều phối viên của...