Chàng trai bỏ 300 triệu cải tạo căn hộ 10 năm tuổi, mua toàn nội thất style “Hàn xẻng” và kết quả xinh yêu thế này đây
Căn hộ xinh xắn vừa có chút vintage, vừa mang hơi hướng của phong cách Hàn Quốc.
Anh Đạt Bùi (27 tuổi, kinh doanh tự do) vừa khoe thành quả mới nhất là căn hộ xinh lung linh vừa được cải tạo. Đây vốn là căn chung cư cũ mà bố mẹ anh mua cách đây gần chục năm rồi và hiện tại thì chỉ có mình anh sinh sống ở căn hộ này. Quá trình cải tạo thực hiện vào tháng 3 và được hoàn thiện, decor nốt dạo gần đây,
Vì căn hộ đã xuống cấp khá nhiều nên khi đã có 1 khoản tiết kiệm anh đã mạnh dạn sửa lại luôn để có không gian sống mơ ước từ lâu. Bước đầu tiên trước khi cải tạo là phải dọn dẹp đồ đạc cũ, đồng thời thanh lý và phá dỡ toàn bộ nội thất cũ. Mặc dù rất tiếc vì nội thất cũ đều được đóng bằng loại gỗ xịn nhưng vì muốn “thay máu” toàn bộ nên anh vẫn mạnh dạn đầu tư.
Căn hộ cũ trước khi cải tạo
Không gian mới vừa vintage vừa mang phong cách Hàn Quốc
Từ những ý tưởng ban đầu, anh liên hệ với 1 bên chuyên về thi công, cải tạo nhà ở. Về cơ bản, căn hộ đã được sơn lại, làm lại trần thạch cao, làm lại 1 phần khu vực bếp. Trong quá trình thi công anh vẫn luôn tham khảo các kiểu style nhất định mà mình thích ở Pinterest, sau đó trao đổi lại với bên thi công. Còn về phần nội thất, tất cả đều do anh đặt làm với xưởng từ bàn, ghế, sofa,…
Tone màu của căn hộ là gỗ nhạt, trắng, nâu, be màu trung tính. Đồ decor cũng được chọn dựa theo những gam màu này để có sự đồng nhất. Sau khoảng 2 tháng và với chi phí 300 triệu, thành quả anh nhận được là 1 căn hộ vừa xinh xắn vừa tiện nghi đúng như ý muốn.
Đồ nội thất chủ yếu bằng gỗ
Tone màu gỗ, trắng, nâu, be tạo cảm giác nhẹ nhàng, hài hoà
Video đang HOT
Vì đây là lần đầu anh cải tạo nhà nên không tránh khỏi một vài sự cố, chủ yếu là về việc chọn vật liệu cũng như giám sát bên thi công để căn hộ đi theo đúng ý. Những chỗ phải sửa đi sửa lại nhiều lần cũng làm tốn thời gian cải tạo hơn. Tuy nhiên, anh Đạt cũng rút ra được kha khá kinh nghiệm cho bản thân. Thứ nhất là luôn làm việc chặt chẽ với bên thi công để không phải tốn thời gian sửa đi sửa lại khi mình không ưng ý. Ngoài ra việc chọn vật liệu phải kĩ càng và phù hợp với từng công năng trong nhà. Cuối cùng, đồ nội thất, decor luôn theo 1 style nhất định, không nên sắm sửa quá nhiều vì dễ bị rối mắt.
Nguồn: NVCC
Cặp vợ Việt chồng Tây tự đóng nội thất cho căn hộ 76m2 với chi phí rẻ giật mình, nể nhất là quá trình đóng sofa
Chi phí hoàn thiện căn hộ này chỉ khoảng 12 - 15 triệu cho hầu hết các đồ vật trong nhà.
Vợ chồng chị Hoài Thu - anh Brett hiện đang cùng nhau thành lập một câu lạc bộ nhỏ với các hoạt động ngoài trời cho trẻ. Do dịch bệnh kéo dài, anh Brett bị công ty nợ lương nhiều tháng liên tiếp, nguồn thu nhập vì thế mà giảm đi đáng kể. Vì vậy, vợ chồng chị quyết định chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn và không có nội thất, vừa để tranh thủ tự làm nội thất lúc rảnh rỗi, vừa để tiết kiệm chi phí thuê nhà.
Chuyển nhà
Khi đi chọn nhà, anh chị ưu tiên một vài tiêu chí như có ánh sáng tự nhiên, có điều hòa, và giá thuê nằm trong ngân sách. Qua vài lần đi xem nhà, 2 vợ chồng chọn được căn hộ ưng ý và có chị chủ nhà rất đáng mến. Căn hộ này rộng 76m2, bao gồm 2 phòng ngủ và một phòng khách. Vì nhà chỉ có 2 người nên phòng ngủ còn lại được dùng làm phòng làm việc, kho, và phòng may vá của chị Thu.
Vì 2 người đều thích dịch chuyển, yêu thiên nhiên, và khá đơn giản nên căn hộ được thiết kế theo hướng tối giản, phong cách mộc mạc và ưu tiên tái sử dụng hoặc tái chế những món đồ đã qua sử dụng. Còn nếu phải mua mới thì anh chị sẽ chọn các vật liệu thân thiện với sức khỏe, môi trường.
Căn hộ như 1 xưởng gỗ những ngày đầu
Tự tay làm đồ nội thất
Mọi thứ trong nhà đều được anh chị tỉ mẩn hoàn thiện từng ngày. Chồng chị nhận làm mộc, các việc nặng trong nhà, còn chị Thu thì sẽ làm những việc nhỏ nhưng có võ như may vá rèm cửa, ga, gối đệm... Thời điểm mới bắt đầu, căn hộ vừa là chỗ ăn ở, vừa là cái xưởng. Cũng không thể tránh khỏi những hôm đi làm về mệt, nhìn đồ đạc trong nhà bừa bộn, bụi bặm, lại không biết đến ngày nào mới xong, chị Thu đều cảm thấy nản ghê gớm. Vì vậy những ngày sau nữa, mỗi khi làm xong việc sớm hoặc biết vợ sắp về, chồng chị lại dọn dẹp nhà sạch sẽ để chị bớt mệt mỏi.
Trong tất cả số đồ đạc anh chị tự tay làm, sofa có lẽ là món đồ mất nhiều công sức nhất, đặc biệt là lúc căng dây chằng cố định vào khung ghế (những đoạn dây màu xanh được chằng ở lưng ghế để tạo sự đàn hồi, thoải mái cho lưng người ngồi). Để ghế lưng được êm và không bị võng khi tựa vào, vợ chồng chị phải căng đoạn dây đó hết cỡ thì thôi.
Thường thì ở các xưởng làm ghế sofa, công việc này do họ đảm nhiệm và có công cụ riêng. Vì 2 vợ chồng tự xoay sở nên chị Thu là người kéo dây, còn chồng chị bấm dập ghim. Những lúc dập ghim hỏng, chị vừa làm, vừa mướt mải mồ hồi, và giận chồng vô cùng vì "sao không chọn mẫu nào dễ hơn?". Công việc xong cũng là lúc tay chị đỏ ửng, không còn cảm thấy gì nữa. Tuy nhiên, khi nhìn thành quả thì cả 2 đều cảm thấy hài lòng và xứng đáng với công sức bỏ ra.
Vợ chồng chị Thu tự làm hầu hết đồ nội thất trong nhà
Sofa trước khi hoàn thiện
... và thành quả
Căn hộ xinh xắn với tông trắng - gỗ
Điều thú vị nhất là cả 2 đều cảm thấy gắn bó hơn với từng món đồ do mình làm ra. Thỉnh thoảng, chồng chị còn ngồi nói chuyện với mấy khúc gỗ như nói chuyện với con mình (mặc dù chưa có con), hoặc vuốt ve mấy thanh gỗ rồi nói với vợ: " Anh yêu tất cả những chi tiết trên thanh gỗ này, cả những mấu tròn, cả những chỗ chưa hoàn hảo của nó ". Lúc xếp quần áo vào tủ thì chị nghĩ: " Cái kệ này khiến những bộ quần áo trở nên có ý nghĩa hơn ". Hay lúc ngồi xem phim ở phòng khách thì: " Đây đích thị là cái ghế sofa êm nhất mà mình từng ngồi ".
Căn hộ được bắt đầu sửa sang từ tháng 5 năm 2020, 4 mùa Covid đi qua, chị Thu mới hoàn thiện mảnh rèm cửa cuối cùng cách đây ít ngày. Vì vậy, căn hộ này mất 1 năm, 3 tháng mới hoàn thành. Các hạng mục thiết yếu (giường, tủ, kệ bếp, kệ để giày, khung ghế sofa....) cần khoảng hơn 2 tháng.
Bên cạnh đó, việc dùng dầu trẩu để bảo vệ gỗ cũng cần khoảng 1 tháng để hoàn toàn khô sau 2 lớp bảo vệ, và có thể sử dụng được. Tuy vậy, thời gian hoàn thiện thường không khiến anh chị quá áp lực vì đã có được nhiều trải nghiệm đáng quý. Chi phí chỉ khoảng 12 triệu - 15 triệu cho hầu hết các đồ vật trong nhà, bao gồm: Ghế sofa, bàn trà, ghế thư giãn phòng khách, bàn ăn, kệ bếp, khu vực để giày dép và nội thất phòng ngủ.
Tổng kết ý tưởng
- Chị Thu thích nhất là Pinterest. Bạn có thể bắt đầu bằng một vài từ khóa cơ bản như Rustic interior/decor, nội thất/trang trí kiểu mộc, Scandinavian interior/decor, nội thất/trang trí kiểu Bắc Âu, pallet bedroom/living room idea, phòng ngủ, phòng khách bằng gỗ Pallet... Thường các tìm kiếm bằng tiếng Anh sẽ cho bạn nhiều lựa chọn phong cách hơn, nhưng nếu tìm bằng tiếng Việt bạn cũng sẽ có rất nhiều ý tưởng hay.
- Bạn có thể lên YouTube, tìm kiếm bằng cách gõ từ khóa theo tên của món đồ cần làm rồi xem và học theo. Bạn có thể tìm kênh: Thesorrygirls hoặc Mr.Kate, đây là 2 kênh chị Thu rất yêu thích.
Bạn có thể kiếm được nhiều ý tưởng trên Pinterest hoặc YouTube
Góc bếp nhỏ xinh
- "Inspirational tray" - Khay cảm hứng: Bạn hãy đặt bất kỳ đồ vật gì bạn yêu thích vào cái khay đó, vì nhiều lý do khác nhau như chất liệu, màu sắc, câu chuyện đằng sau nó... Việc này sẽ giúp bạn hiểu mình thích/cần đồ vật như thế nào.
- Khung màu yêu thích: bạn hãy chọn cho mình một bảng màu gồm những màu yêu thích, và tập trung vào vật liệu theo màu sắc bản màu đó.
Nguyên, vật liệu:
- Fixmart, Shoptho, Kohnan (trong siêu thị Aeon Hà Đông) là 2 kênh anh chị hay tìm đến để mua vật dụng hoặc nguyên vật liệu cần thiết.
- Vải rèm, đệm sofa...chị mua ở cửa hàng 37 Cửa Đông: chất lượng vừa phải, mà lại vừa túi tiền. Sau khi mua về, bạn ngâm và giặt với Baking Soda, nước ấm để vải tơi hơn, và không bị co trong thời gian sử dụng. Khác với các loại vải rèm cản nắng trên thị trường, vải mộc hoặc vải linen thường mỏng hơn. Việc này giúp căn hộ có ánh sáng dịu vào ban ngày chứ không bị gắt. Nhưng nếu bạn muốn cản nắng hoàn toàn cho căn hộ thì lưu ý đặc điểm này của vải mộc và vải linen nhé.
Chị Thu tự may rèm cửa trong nhà
- Mút làm ghế sofa bạn có thể mua ở khu vực phố hàng Da hoặc phố Hà Trung, giá khoảng 150k/cm khổ 160*200
- Khi mua gỗ Pallet, chị Thu ưu tiên mua loại xử lý chống mối mọt bằng nhiệt, kí hiệu "HT" để an toàn với sức khỏe.
Chị Thu tổng kết: " Vợ chồng mình bắt đầu công việc bằng việc mua toàn bộ gỗ thô rồi tự cắt và xử lý tại nhà. Nếu không gian không cho phép, bạn có thể nhờ các xưởng mộc cắt và xử lý theo yêu cầu rồi trả thêm chi phí. Việc này vẫn đem lại cho bạn một phần niềm vui làm mộc, mà nhà cửa lại sạch sẽ, gọn gàng ".
Nguồn: NVCC
Căn hộ 71m "hạ gục" mọi ánh nhìn nhờ điểm nhấn dịu dàng với màu xanh oliu ở Hà Nội Khi bạn đang băn khoăn chưa biết lựa chọn một gam màu dễ chịu, hiền hòa nhưng không kém phần hiện đại, bạn có thể chọn lựa sự kết hợp những tông trung tính với điểm nhấn không thể ấn tượng hơn từ màu xanh oliu. Trong thiết kế nội thất đương đại, đôi khi mọi người thường lựa chọn những tông màu...