Chàng shipper nói tiếng Pháp gây xúc động: Xin giúp em trở lại giảng đường
Huỳnh Hữu Phước, shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy gây ‘bão” mạng vẫn mải miết với công việc giao hàng của mình những ngày qua.
Sáng nay, chiếc xe máy của em bị hỏng, chúng tôi được ghé thăm gian phòng trọ của em.
Shipper nói tiếng Pháp và căn phòng trọ đầy sách của em
Bài viết về Phước – Chàng shipper nói tiếng Pháp với Marc Levy ở đường sách: Câu chuyện xúc động phía sau nhận được sự phản hồi rất lớn từ bạn đọc Báo Thanh Niên.
Rất nhiều bạn đọc đã ngỏ ý muốn được hỗ trợ học phí, việc làm thêm giúp Phước để em có thể yên tâm quay trở lại giảng đường. Một bạn đọc của Báo Thanh Niên khi biết tin xe máy của Phước bị hư cũng cho em mượn ngay một chiếc xe Cub để em có phương tiện đi làm thời gian tới.
Gian nhà không có gì ngoài… sách
Sáng 15.11, chúng tôi ghé gian phòng nhỏ ở TP.Thủ Đức, TP.HCM thăm Phước. Gian nhà nhỏ ngăn nắp có một gác lửng, bạn nuôi một con mèo và tài sản đáng giá nhất là một kệ sách lớn với hàng trăm cuốn sách. Dù chuyển nhà trọ nhiều lần, số sách ấy vẫn luôn được mang theo và thường xuyên được bổ sung nhờ những lần đi tới phố sách cũ đường Trần Nhân Tôn, Q.5.
Phước cho hay từ ngày em được biết đến nhiều trên mạng xã hội, em vừa vui, vừa lo, vui vì được mọi người động viên, lo vì trước giờ bản thân em hướng nội, ít khi chia sẻ nhiều về cá nhân trên mạng. Mỗi ngày em đều đặn làm việc từ sáng tới khuya, về nhà thì ngồi vào bàn đọc sách, tự học thêm ngoại ngữ.
Gian phòng trọ ở TP.Thủ Đức, TP.HCM của Phước. ẢNH THÚY HẰNG
Không chỉ rành tiếng Pháp, Anh, Phước còn tự học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoại ngữ và sách, đặc biệt sách ngoại văn là niềm yêu thích nhất của Phước.
Phước cho biết mình chạy xe mỗi tháng trung bình kiếm được 7-9 triệu đồng. Tiền nhà trọ, điện nước, wifi là hơn 2 triệu đồng. Rồi tiền ăn uống, xăng xe đi lại, số tiền kiếm được là vừa đủ. Nếu tháng nào bị bệnh, không chạy xe được thường xuyên sẽ bị “hụt” chi phí.
Ngày Phước còn đi học ở khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trung bình phải đóng học phí mỗi kỳ là 8 triệu đồng, một năm 2 học kỳ là 16 triệu đồng. Những khó khăn nặng nề về kinh tế, áp lực tinh thần từ khủng hoảng trong cuộc sống khiến Phước phải tạm bảo lưu việc học.
Video đang HOT
“Ngoài biết ơn các thầy cô trong khoa tiếng Pháp, một trong những người em luôn mang ơn đó là cô chủ nhà trọ này. Có đợt vài tháng em thiếu tiền nhà vì không được ra đường mùa dịch năm ngoái, em không chạy xe được nên không có tiền, cô vẫn cho em thiếu”, Phước kể.
Ngay sáng nay, 15.11 một bạn đọc của Báo Thanh Niên đã chở Phước về tận nhà của họ, để lấy chiếc xe Cub cho Phước mượn. Chàng shipper mừng rỡ cảm ơn, em tự tay rửa chiếc xe. ẢNH THÚY HẰNG
Chia sẻ với chúng tôi, chị Chi, chủ nhà trọ nơi Phước ở cho biết Phước ở trọ tại đây hơn 1 năm qua, từ trước thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 năm 2021. Ấn tượng của chị Chi là Phước ngoan, hiền lành. “Phước không nói gì nhiều về hoàn cảnh của mình. Em nói vừa đi học vừa đi làm. Trong dịch thì em có nợ mấy tháng tiền nhà, em cũng nói khó khăn, tôi cho em thiếu và sau đó em đã trả đủ. Về sau đến nay, Phước không thiếu, có điều em trả chậm hơn thôi. Tôi cũng thông cảm cho em ấy”, chủ nhà trọ cho hay.
48 triệu đồng học phí
Trưa 15.11, trao đổi với PV Thanh Niên, cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết sinh viên Huỳnh Hữu Phước còn thiếu khoảng 100 tín chỉ học phần. Để tốt nghiệp, Phước cần phải học tiếp 6 học kỳ nữa, mỗi học kỳ học phí trung bình khoảng 8 triệu đồng.
Như vậy, nam shipper giỏi tiếng Pháp cần phải có khoảng 48 triệu đồng để tiếp tục trở lại trường, hoàn thành việc học và tốt nghiệp ĐH.
Phước chia sẻ, nếu có cơ hội quay trở lại trường, em sẽ học thật tốt, không phụ lòng của mọi người. ẢNH THÚY HẰNG
Cô Chân tha thiết mong các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần để Phước có thể yên tâm học với chuyên ngành là niềm yêu thích, thế mạnh của em.
Còn bộc bạch với chúng tôi, Huỳnh Hữu Phước-chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy chia sẻ nếu có cơ hội quay trở lại trường học em chắc chắn sẽ học thật tốt để hoàn thành hết chương trình, nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Khi đó, em cũng có thể có thêm nhiều cơ hội với các công việc đúng chuyên môn, sở trường, đam mê của em và không khiến mọi người phụ lòng.
Xin bạn đọc ủng hộ để Phước được trở lại giảng đường
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Huỳnh Hữu Phước – shipper nói tiếng Pháp ở đường sách có hoàn cảnh ngặt nghèo, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 – Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Huỳnh Hữu Phước; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Phước trong thời gian sớm nhất, để em được sớm trở lại trường.
Chuyển hàng từ Trung Quốc về Hà Nội còn nhanh và rẻ hơn từ TP.HCM ra
Dư luận đang xôn xao câu chuyện khách tại Hà Nội đặt mua hàng trên trang thương mại điện tử có hàng tại Thâm Quyến (Trung Quốc) giá 88.000 đồng nhưng tốc độ giao hàng đến tay người mua chỉ trong 3 ngày, phí chỉ 15.000 đồng.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ giao hàng, hạ giá ship để thu hút khách hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong khi đó, hàng giao từ Hà Nội - TP.HCM thường kéo dài 4-7 ngày, chưa kể bị thất thoát, hư hỏng, chi phí cao.
Giao hàng nhanh, giá rẻ
Đặt thử qua sàn thương mại điện tử L. ở Việt Nam một sản phẩm từ nhà cung cấp Trung Quốc, anh Đ.V. (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ khi chỉ khoảng 2 ngày, sàn báo đã hoàn tất thủ tục hải quan và sau 4 ngày, shipper đã gọi đứng trước cửa nhà để giao hàng.
Chuyên nhận đặt hàng và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, ông Đinh Phước Thắng - giám đốc một công ty chuyên đặt hàng Trung Quốc - cho biết nhu cầu mua hàng trên các nền tảng quen thuộc hiện nay như Taobao, Shopee (đều là các "ông lớn" trong ngành thương mại điện tử) đang được các chủ shop ở Việt Nam quen dùng.
Bởi Trung Quốc có nguồn hàng đa dạng từ đồ gia dụng, quần áo, phụ kiện... giá rẻ, chuyển hàng nhanh chóng nên nhu cầu nhiều, đặc biệt dịp cuối năm.
Ông Thắng cho hay khi shop đặt đơn hàng trên sàn, chủ hàng sẽ gửi đơn hàng về kho tập kết, phân loại tại Trung Quốc với thời gian rất nhanh, chỉ khoảng 24 tiếng. Từ kho, hàng lên xe. Dù chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc vẫn rất chặt nhưng với hàng online thường được ưu tiên làm thủ tục thông quan nên khâu này có thời gian được đưa ra khoảng 12-24 tiếng.
Từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) hay Lạng Sơn về đến kho phân loại tại Hà Nội khoảng 6-8 tiếng. Như vậy, hàng từ Trung Quốc đến Hà Nội chỉ khoảng 72 tiếng. Còn từ Trung Quốc về TP.HCM lâu hơn.
Chung nhìn nhận trên, ông Vương Tuấn - phụ trách logistics tại một trang bán hàng ở Việt Nam - cho rằng các đơn hàng qua Shopee, Lazada, với hàng Trung Quốc chuyển về Việt Nam có ưu thế áp đảo về số lượng nên chi phí được tối ưu. Ngày nào cũng có vài xe chuyển hàng theo hình thức này nên chi phí thấp.
Qua tìm hiểu, nhiều công ty vận chuyển lớn đang cung cấp dịch vụ gom hàng chính ngạch với chi phí cực rẻ, có công ty đang có giá đơn hàng lẻ từ Trung Quốc - Hà Nội chỉ 33.000 đồng/kg, TP.HCM 43.000 đồng/kg. Số lượng càng lớn, giá giao hàng còn thấp hơn.
Chưa cạnh tranh tốc độ lẫn phí ship
Trong khi đó, cũng anh Đ.V. cho hay mua hàng cùng trên trang L., chuyển hàng từ TP.HCM ra Hà Nội được báo từ 4-7 ngày, chi phí khoảng gấp đôi từ Trung Quốc về Hà Nội.
Chị Nguyễn Quỳnh Vy (quận Phú Nhuận) chuyển một hộp bánh từ TP.HCM - Hà Nội thông qua một công ty giao nhận. Chị cho biết giá cước mà đơn vị này thu là 34.000 đồng, thời gian giao 3-5 ngày, có những đơn hàng bị trục trặc ở bưu cục kéo dài cả tuần.
"Có nhiều lựa chọn phương thức giao nhanh, chậm tương ứng giá khác nhau, nhìn chung giá vẫn còn cao, rủi ro bị trả hàng hoặc giao nhầm địa chỉ vẫn còn" - chị Vy nói.
Trên các hội nhóm về chuyển phát nhanh, nhiều khách hàng cũng than phiền về dịch vụ giao hàng chậm, chưa kể bị hư hỏng, chính sách đền bù cho chủ hàng còn "trần ai khoai củ".
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Hoàng, nhà sáng lập kiêm giám đốc Fastship (đang sở hữu gần 200 bưu cục nhượng quyền, trung tâm khai thác phủ sóng toàn quốc), cho biết hiện mỗi ngày hãng xử lý khoảng 10.000 đơn hàng, nhưng khó khăn cho các doanh nghiệp trẻ của lĩnh vực này vẫn là số lượng đơn hàng.
Hoàn toàn có thể thực hiện được nền tảng logistics giá rẻ nhưng các doanh nghiệp logistics Việt muốn "vượt mặt" các "ông lớn" trong ngành thì bắt buộc phải bắt tay nhau - nghĩa là cùng chia sẻ tài nguyên, tận dụng nguồn lực...
"Hàng không đầy xe, nếu các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau để ghép thì chi phí giảm đáng kể. Chứ cứ tình trạng không có đơn hàng lại bung tiền để chạy khuyến mãi thì biết mấy cho đủ", ông Hoàng nói.
Cần đầu tư lớn
Cho rằng chuỗi kho vận chưa bắt nhịp kịp cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, ông Lê Trọng Hiếu - giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - đánh giá cần đầu tư mạnh vào kho bãi để tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí. Bán lẻ và thương mại điện tử đều muốn kho hàng của mình gần hơn với khách hàng.
Một trong những giải pháp để tối ưu chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng, đại diện Best Express cho hay sẽ triển khai cho thuê kho lưu trữ bên cạnh trung tâm phân loại hàng hóa. Khi đơn hàng được xác nhận, hàng hóa lập tức có sẵn tại kho và chuyển giao cho khách hàng.
Doanh nghiệp Việt đang thay đổi nhanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Best Express, đối tác chuyển hàng cho Shopee, Lazada, Tik Tok Shop..., cho biết sau thời gian thử nghiệm kỹ nhu cầu, rút ngắn quy trình giao hàng tối ưu, công ty đang trực tiếp đưa hàng hóa mua từ các trang thương mại điện tử Trung Quốc về Việt Nam, không qua trung gian.
Ngoài ra tuyến giao nhận hàng Bắc - Nam từ 43 tiếng sẽ được rút ngắn còn 12 tiếng với nhiều hình thức để khách hàng chọn lựa.
Theo ông Vương Tuấn, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển hàng nhưng nguồn hàng còn phân tán, thiếu kho trữ hàng hoặc trung tâm phân loại. Từ đó, thời gian giao hàng kéo dài, đẩy chi phí lên.
Trong khi đó, logistics tại Trung Quốc chuyển đổi công nghệ thông tin, tự động hóa quá trình phân loại hàng hóa cũng như bán hàng đa kênh giúp nhiều doanh nghiệp có thể phục vụ được cả những thị trường ngách hay tới những địa điểm hoang vắng.
Nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng so sánh giao hàng từ Trung Quốc về Hà Nội tốc độ nhanh hơn chưa phải là góc nhìn toàn diện. Thực tế có doanh nghiệp rút ngắn thời gian giao hàng từ TP.HCM - Hà Nội nhanh chóng chỉ 1-2 ngày bằng đường bộ, hàng không. Tất nhiên, đi nhanh chi phí nhỉnh hơn.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp - giám đốc thương mại Công ty SLP Việt Nam - cho rằng điểm nghẽn hiện nay là cơ sở hạ tầng từ sân bay, cảng biển, kho bãi... phân tán, chưa được quy chuẩn. Trong đó, hệ thống kho bãi quy hoạch có sự chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam dẫn đến hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước.
Khó khăn về nguồn vốn
Theo ông Phạm Văn Hoàng, việc được Chính phủ hỗ trợ chính sách, các hiệp định thương mại ổn định với các nước là những thuận lợi thúc đẩy logistics Việt phát triển. Tuy nhiên, một khó khăn "ngáng chân" chính là nguồn vốn khiến các doanh nghiệp Việt ngành logistics sẽ khó cạnh tranh trên chính quê hương mình. Doanh nghiệp dịch vụ mang đặc thù không có tài sản cố định, từ đó kéo theo hoạt động vay vốn gặp nhiều khó khăn.
"Xe thuê, kho bãi cũng thuê nên sẽ khó cho việc vay vốn. Mà đã không vay được vốn thì phải đi gọi vốn, nhưng gọi vốn thì còn đâu là doanh nghiệp Việt được nữa", ông Hoàng chia sẻ.
Người bố tâm sự về cô con gái mang 6kg tiền lẻ mua lắc vàng tặng ba mẹ Những đứa trẻ quá hiểu chuyện luôn khiến nhiều người phải ngồi lại suy ngẫm và ngưỡng mộ. Ở độ tuổi còn rất bé, nhiều đứa trẻ luôn muốn dành số tiền của mình bỏ vào heo đất hay xin bố mẹ để mua đồ chơi, truyện tranh, quần áo. Thế nhưng cô bé dưới đây lại làm một hành động khiến cho...