Chàng rể Tây ở Học viện bóng đá Gia Lai
5 năm kể từ ngày rời Pháp sang Việt Nam, cuộc đời HLV Guillaume Graechen đã có những thay đổi lớn.
HLV Guillaume Graechen huấn luyện các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam. Ảnh:HAGL.
Người Gia Lai hay nói đùa: “Ông Ba Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) nổi tiếng thay HLV như thay áo nhưng có một ông thầy mà 5 năm rồi chẳng bao giờ ông bầu của gỗ dám thay”. Đó là Guillaume Graechen, HLV đến từ nước Pháp, vẫn đang ngày ngày giúp bầu Đức chăm nom lứa tài năng nhí đầu tiên của Học viện Arsenal – HAGL JMG.
Từng vài lần giao tiếp với Graechen, người viết thực sự bất ngờ với trình độ Việt ngữ ngày càng tiến bộ của HLV người Pháp này. Vẫn biết Graechen đã sống 5 năm ở Việt Nam và lấy vợ Việt vốn là bếp trưởng của HAGL (chị Ngô Thị Loan) được hơn 3 năm, thế nhưng nếu so với những chàng rể Tây khác trong giới bóng đá Việt như Huỳnh Kesley hay Đinh Hoàng Max thì trình độ nghe, nói và viết của vị HLV người Pháp giỏi hơn rất nhiều.
Không chỉ thể hiện cá tính đặc trưng của người Pháp với kiểu nói chuyện dí dỏm, hài hước, ông Graechen còn thường xuyên pha trò với những câu tiếng Việt rất nhí nhảnh kiểu “bó tay chấm com”, “báo cáo anh là…”, giúp người đối diện luôn cảm thấy thoải mái.
Nhờ thái độ thân thiện đó mà ông Graechen được các đồng nghiệp ở CLB HAGL và các học trò yêu mến. “Vũ khí” lợi hại này còn giúp ông thầy trẻ người Pháp “cưa đổ” được người bạn đời đến từ đất võ Bình Định. Graechen kể ngày ra mắt gia đình vợ, suốt 10 phút đầu, hai bên chỉ cười và gật vì ngại bất đồng văn hóa.
Chỉ đến khi chàng rể Pháp bất ngờ tuôn ra một tràng tiếng Việt học được từ mấy quyển sách dạy giao tiếp mua ở TP HCM, không khí trở nên cởi mở hẳn. Cưới nhau được 3 năm, Graechen háo hức khoe với người viết: “Mùng 3 Tết Nhâm Thìn vừa rồi, vợ tôi đã sinh bé trai đầu lòng được 3,6 kg. Tôi đặt tên con là Leito Graechen, còn tên tiếng Việt của cháu là Phi Long”.
HLV Guillaume Graechen chăm sóc cậu con trai nhỏ. Ảnh: NLD.
Nếu không phải là người kiên trì và đam mê, nhìn cách huấn luyện vốn khoa học đến mức nhàm chán ở Học viện Arsenal – HAGL JMG, có lẽ không ít HLV bỏ của chạy lấy người. Ngày 2 buổi tập, 4 bữa ăn, 2 buổi học. Cường độ tập luyện, quy trình nâng cao thể chất cứ tăng đều đều theo từng năm, mỗi năm luôn có chuyên gia của JMG sang theo dõi một tháng, có ghi chép, đánh giá riêng.
Vài tuần, HLV Graechen lại phải có báo cáo chi tiết về từng thành viên gửi về “học viện mẹ” tại Pháp. Ông Graechen thổ lộ: “Đúng là nếu không có đam mê, thật khó theo đuổi được công việc tưởng nhàm chán này. Thực tế, ngoài con trai Leito, tôi luôn coi 25 cậu học trò của mình như con đẻ mà mình có trách nhiệm chăm sóc. Bận rộn như vậy, làm sao mà chán được”.
Với tập hợp gồm những tài năng trẻ đến từ mọi miền đất nước, việc dạy dỗ 25 thành viên của khóa một và khóa hai cũng đã ngốn hết thời gian của vị HLV người Pháp. Graechen dí dỏm tâm sự: “Đâu chỉ lo học đá bóng, giờ đứa nào cũng lớn, học lớp 10, 11 hết rồi, tính khí cũng khác lắm. Nhiều đứa còn khoe đã có bạn gái… Nói chung đau đầu lắm nhưng vui”.
Một tay bế cậu con trai mang một nửa dòng máu Việt, xung quanh là 25 cậu nhóc chọc ghẹo nhau í ới trong buổi tiệc nhỏ mừng sinh nhật thứ 35 của mình, vị HLV người Pháp chợt trầm ngâm nói: “Có lẽ chẳng ai nghĩ chỉ hai năm nữa thôi, những cậu nhóc này sẽ trưởng thành, chia tay nhau đi khắp nơi lập nghiệp theo sự điều động của JMG, Arsenal và HAGL. Vợ chồng tôi có khi cũng chẳng còn được ở lại Gia Lai nữa, phải đến học viện khác theo sự phân công của JMG. Cứ nghĩ đến lúc đó lại thấy quý trọng từng phút giây này”.
Theo Bưu Điện Việt Nam