“Chàng rể quý” thành… kẻ buôn người
Cho đến tận khi Dần tra tay vào còng, người dân thôn Pà Xua mới ngã ngửa khi biết sự thật về chàng rể quý mà họ rất mực thương yêu.
Từ chàng rể đẹp trai, chăm làm
Trung tuần tháng 2.2017, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt Lữ Văn Khăm (SN 1988, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) theo quyết định truy nã đặc biệt. Theo hồ sơ, năm 2013, Khăm cùng với các đối tượng Lương Thị Mằn (SN 1989), Cụt Văn Chơ (SN 1982), Lương Thị Khuyên (1992), La Thị Tim (SN 1983), Lữ Văn Chín (1995, cùng trú xã Chiêu Lưu) và vợ chồng Xên Văn Dần (SN 1987), Cơ Lâu Nếp (SN 1991, cùng thôn Pà Xua, xã TaBhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) cấu kết nhau thành đường dây mua bán phụ nữ. Trong đó, Dần là một trong những “mắc xích” quan trọng của vụ án đã bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 8 năm tù về tội “Mua bán người”.
Dần vốn là chàng trai gốc Nghệ An, đến Quảng Nam lập nghiệp từ cuối năm 2008. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân Dần chỉ tốt nghiệp đến lớp 9 nên không có công ăn việc làm ổn định. Nghe lời bạn bè rủ rê, Dần đã vào “thiên đường vàng” Nam Giang làm nghề đào đãi vàng. Cũng trong thời gian sinh sống ở đây, Dần đã phải lòng Cơ Lâu Nếp – một cô gái Cơ Tu xinh đẹp nhất thôn Pà Xua. Cuối năm 2009, Xên Văn Dần chính thức trở thành chàng rể của miền sơn cước này.
Xên Văn Dần.
Dù trình độ học vấn lớp 9 nhưng nhờ rèn luyện qua 2 năm nghĩa vụ quân sự, Dần luôn thể hiện là chàng trai có nghị lực, biết vượt qua khó khăn, vất vả để xây dựng cho mình một mái ấm gia đình. Thấy công việc phu vàng vất vả, nguy hiểm, Dần chuyển sang nghề làm rẫy, khai thác gỗ. Với bản tính cần cù, chịu khó, Dần nhanh chóng ổn định được cuộc sống nơi đất khách quê người. Không những thế, Dần quyết tâm bám trụ ở “đất lành chim đậu” này nên chuyển hộ khẩu vào Nam Giang sinh sống.
Chỉ trong một thời gian ngắn, vợ chồng Dần đã xây cất được một ngôi nhà khang trang. Rồi hai cô con gái xinh đẹp lần lượt ra đời làm ngôi nhà của vợ chồng Dần thêm rộn rã tiếng cười. Thấy Xên Văn Dần trẻ trung, năng động, chăm lao động, viết và nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Thái và cả tiếng Cơ Tu của người bản địa nên dân làng rất tin yêu chàng rể này. Không những thế, mọi người còn tín nhiệm Dần làm hội viên Hội Cựu chiến binh thôn Pà Xua. Bản thân Dần cũng rất tích cực tham gia hoạt động xã hội và luôn chan hòa với hàng xóm, láng giềng.
Trở thành kẻ buôn người
Video đang HOT
Cuối năm 2012, khi đang khai thác gỗ, do bất cẩn nên Dần đã bị cây lăn đè gây giãn gân, mẻ xương gối chân phải. Dù Dần đã tích cực điều trị dài ngày tại bệnh viện huyện Nam Giang nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Dần nghĩ, bệnh của Dần chữa trị bằng thuốc Nam sẽ có kết quả nên Dần quyết định về quê Nghệ An để tìm thầy giỏi. Đầu tháng 1.2013, Dần dắt díu bầu đoàn thê tử về Chiêu Lưu để chữa trị bệnh và đón Tết Nguyên đán với gia đình sau bao năm xa quê.
Về quê nhà, Dần được gặp lại rất nhiều bạn bè thân quen của mình. Trong số đó có Cụt Văn Yên một thanh niên nghiện ma túy ở địa phương. Thấy hoàn cảnh của Dần đang rơi vào khó khăn, Yên tỉ tê với Dần đi tìm người để đưa sang Trung Quốc bán. Yên còn đưa ra cái giá rất hời rằng, nếu bán một cô gái chưa chồng thì được hưởng từ 50 đến 60 triệu đồng, còn nếu bán được phụ nữ đã có chồng thì được từ 20 đến 30 triệu đồng. Lúc này, Xên Văn Dần nhận thức rõ đây là việc làm phạm pháp, nhưng vì tiền, Dần đã gật đầu đồng ý.
Sau khi đón Tết nguyên đán, gia đình Dần đưa nhau về lại Nam Giang. Chuyến đi về lại Nam Giang lần này còn có bạn của Dần là Cụt Văn Yên. Về đến Nam Giang, bọn chúng bắt tay ngay vào việc “tuyển hàng”. Theo kế hoạch, Xên Văn Dần cùng vợ là Cơ Lâu Nếp đi đến các gia đình có con gái để dụ dỗ, lừa phỉnh họ dưới chiêu bài tuyển người đi làm việc lương cao. Khi có “hàng”, Dần và Yên sẽ trực tiếp đưa các nạn nhân đi đến địa bàn TP.Vinh, Nghệ An. Tại đây sẽ có người đón và đưa tiếp sang Trung Quốc để bán.
Nạn nhân đầu tiên mà vợ chồng Xên Văn Dần nhắm đến là chị em Pơ Loong Thịnh (1991) và Pơ Loong Thảo (1996, trú tại xã Pà Xua). Để hai sơn nữ này “cắn câu”, vợ chồng Dần đã vẽ ra cuộc sống sung sướng với công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập rất cao. Đang thất nghiệp lại cần tiền nên hai chị em Thịnh liền gật đầu đồng ý.
Ngay trong ngày hôm ấy, Dần và Yên đã đưa 2 cô gái này đi Nghệ An. Khi đến TP.Vinh, bọn chúng đã giao 2 sơn nữ cho Lương Thị Mằn để nhận 42,5 triệu đồng. Thấy việc buôn người dễ dàng hái ra tiền, tháng 4.2013, thông qua A Lăng Thị Nhoai (1979, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang), Dần tiếp tục dụ dỗ Bơ Loong Bha (SN 1982) và A Rất Thị Thuận (SN 1986, cùng trú tại xã Chà Vàl) bán cho Khuyên và Khăm để 2 người này đưa họ sang Trung Quốc bán. Trong vụ này Dần được Khuyên và Khăm trả 12 triệu.
Nhận được tin báo của các gia đình nạn nhân, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Sau thời gian bỏ trốn, Xên Văn Dần bị Phòng Cảnh sát hình sự ( PC45) – Công an Quảng Nam bắt giữ khi vừa quay trở về thôn Pà Xua, nơi mà trong mắt mọi người, gã là chàng rể chăm làm, tốt bụng.
Theo Sơn Tùng (Công Lý)
Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi của cô gái sau 7 năm bị bán sang Trung Quốc
Sau 7 năm không ngừng tìm cách trở về nhà, đầu tháng 3.2017, Vương Thị Hà (SN 1993) đã được đoàn tụ với gia đình nhờ người bạn quen trên mạng xã hội Zalo
Gần một tuần trôi qua, trong ngôi nhà của ông Vương Văn Cường (63 tuổi, thôn Bản Phố, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) vẫn không hết tiếng nói cười rộn rã. Con gái ông Cường, chị Vương Thị Hà mới trở về nhà sau 7 năm bị người cùng làng lừa bán sang Trung Quốc. Họ hàng xa gần đều đến thăm chị Hà trong nỗi xúc động mạnh mẽ.
Chị Vương Thị Hà được trở lại quê nhà sau 7 năm xa cách Ảnh: Giàng Kía
Chị Hà bùi ngùi kể lại với PV Dân Việt, buổi tối cách đây 7 năm, khoảng 20h, chị và người bạn thân được chị Vương Thị Ly gọi qua nhà bà Giàng Thị Dua (68 tuổi, người cùng làng) nói chuyện. Sau đó, bà Dua đã cho cả hai uống thuốc ngủ, rồi lừa đưa cả hai người qua bên kia biên giới để bán cho người Trung Quốc.
Sau khi chị Hà và người bạn mất tích ba ngày, bà Giàng Thị Dua đã bị phát giác hành vi buôn bán người trái phép và phải chịu mức án 10 năm tù. Còn Vương Thị Ly chạy trốn sang Trung Quốc, đến nay vẫn không có tin gì.
"Tôi tỉnh dậy thì đã thấy ở với chồng tôi bây giờ, lúc đó không biết tiếng Trung nên tôi không dám hỏi gì", Hà kể lại.
Hà đã bị bán với giá 3 vạn nhân dân tệ (gần 100 triệu đồng) cho một người đàn ông ở tỉnh Vân Nam. Nhưng chỉ ở được một tháng, hai vợ chồng chị lên Quảng Châu làm công nhân trong một công ty may.
"Làm công nhân ở đây tôi cũng quen nhiều người Việt Nam đi làm thuê và cả khách du lịch. Khi nghe câu chuyện của tôi có người đồng ý giúp nhưng cũng có nhiều người từ chối vì họ là những người đi lao động chui", Hà kể.
Thấy ai chị cũng hỏi và nhờ chuyển thư, ảnh về cho gia đình nhưng không có hồi âm. Cuối năm 2016, chị Hà quen một người bạn trên Zalo - anh Trần Thế Tài ở Nha Trang. Chính anh Tài đã giúp chị Hà gửi thông tin về công an huyện Vị Xuyên để liên hệ với bố mẹ chị.
Bố chị Hà, ông Cường, hay tin con gái đã mất tích lâu nay bỗng gọi điện tìm về, ông mừng tủi lấy số điện thoại và liên lạc qua Zalo để gặp con gái. Nhìn thấy hình ảnh chị Hà, cả nhà đã vỡ òa khóc. Và cuối cùng chị Hà cùng với người chồng đã được đoàn tụ với gia đình sau 7 năm xa cách.
"Gia đình tôi đã tìm con gái rất lâu. Sang cả Trung Quốc tìm, hỏi tất cả những ai hay đi làm bên Trung Quốc nhưng không ai thấy. Nay con trở về, càng vui hơn khi biết nó cưới được người yêu thương nó, chúng tôi cũng thấy như vậy là quá hạnh phúc rồi", ông Cường tâm sự.
Còn chị Hà vẫn có cảm giác lâng lâng như trên mây: "Đã gần một tuần về nhà nhưng tôi vẫn không dám tin là sự thật. Tôi rất sợ ngủ vì lo tỉnh dậy lại tưởng đây là một giấc mơ. Nhiều lúc tôi bảo chồng véo vào má thật mạnh xem có phải là mơ không", chị Hà nghẹn ngào kể.
Suốt những năm tháng lấy chồng bên xứ người, chị Hà phải sống chui lủi, trốn tránh mỗi lần công an khám xét do không có giấy tờ tùy thân. Cuộc hôn nhân của hai vợ chồng cũng không chính thức vì lúc đó chị Hà mới 16 tuổi nên không được coi là hợp pháp.
Chị Hà đã có một gia đình nhỏ với hai đứa con - đó là điều giữ chân chị ở lại Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Nếu không phải vì hai đứa con thì tôi không có lý do để quay lại Trung Quốc. Nhưng giờ thì tôi không nỡ xa con", chị tâm sự. Đó cũng là lý do nhiều người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc có cơ hội trở lại Việt Nam nhưng không thể ở lại.
Theo ông Giàng Mí Lành (30 tuổi, cục quản lý dân số thôn Bản Phố), Vương Thị Hà còn may mắn hơn một số người: "Từ năm 2008 - 2013, thôn có 9 người cũng bị mất tích đến nay không nghe được tin tức, mặc dù gia đình cũng đã tìm nhiều cách".
Theo Danviet
Vào sâu nội địa lừa bán phụ nữ Thái, Mông Do nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, nhiều cô gái và trẻ em người dân tộc thiểu số một số tỉnh ở Tây Bắc đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người qua biên giới. Có người trốn thoát hoặc may mắn được giải cứu, còn nhiều người vẫn bặt vô âm tín nơi xứ người.. Phụ nữ và...