Chẳng lẽ tôi mãi mãi không thể ly hôn?
Nếu như Huấn không đồng ý ly dị thì liệu tự do của tôi có vĩnh viễn mất đi như lời anh ta đe dọa hay không!
“Câm lây rôi biên”. Huấn vứt mạnh xấp tiền lên bàn. Chiếc quạt máy đang thổi mạnh khiến những tờ tiền bay lả tả xuống sàn nhà. Tôi nhìn chồng, rồi nhìn những tờ giấy vẫn tiếp tục bay là đà trên mặt đất.
Có lẽ đến chết tôi cũng không thể nào quên được cảm giác lúc đó: Một cảm giác đau đớn, ê chề lẫn uất hận nghẹn ứ trong lòng khiến tôi không thể nào khóc được. Tôi nhặt đến tờ tiền cuối cùng rồi đứng lên nhìn Huấn: “Cảm ơn anh. Đây là lần cuối cùng em phải nhờ đến anh”.
Tôi cầm tiền chạy đến bệnh viện. Mẹ tôi đang chờ đóng tiền để được nhập viện phẫu thuật. Trước sự sống chết của mẹ, tôi đã không còn giữ được thể diện của mình.
Khi tôi học năm thứ ba thì ba tôi mất. Trụ cột trong gia đình không còn, mẹ tôi lại đau yếu liên miên nên tôi phải tự lo cho mình. Tôi đã muốn nghỉ học nhưng mẹ tôi kiên quyết không cho. Mẹ nói, chỉ có học hành đàng hoàng thì sau này tôi mới có thể tự lo cho mình.
Đó là lý do tôi trở thành người giúp việc nhà theo giờ cho gia đình Huấn. Buổi tối, tôi đến dọn dẹp, giặt giũ, ủi quần áo và làm những công việc mà người ta yêu cầu trong 2 giờ. Tôi còn phải đi dạy thêm cho 2 đứa học trò tiểu học mới có đủ chi phí trang trải chuyện học hành và gửi về cho mẹ một ít.
Cho đến một ngày nọ, tôi đến làm việc như mọi khi. Hôm đó là ngày lễ, cả nhà đi vắng, chỉ còn lại người con trai đầu của chủ ở nhà. Tôi đã bị anh ta cưỡng hiếp trong buổi tối ấy. Đêm đó tôi đã suýt lao đầu xuống sông để rửa hết ô nhục. Nhưng tôi nghĩ đến mẹ. Nếu tôi chết thì ai sẽ chăm sóc mẹ? Nếu tôi chết thì tôi sẽ là một đứa con bất hiếu.
Hôm sau Huấn tìm đến nhà trọ quỳ xuống xin tôi tha thứ. Anh ta nói đủ lời ngon ngọt để cho tôi tin rằng anh ta đã để ý và yêu tôi từ lâu. Anh ta hứa, nếu tôi đồng ý, anh ta sẽ cưới tôi, sẽ lo cho tôi học hành, lo cho mẹ tôi có một cuộc sống đàng hoàng…
Cuối cùng tôi đã đồng ý. Thế nhưng Huấn đã không giữ lời. Sau đám cưới, anh lấy lý do tôi đang mang thai nên phải ở nhà dưỡng thai. “Sinh con xong rồi đi học lại cũng đâu có sao? Không lẽ bây giờ em mang bụng bầu tới trường?”. Anh ta nói như vậy.
Nhưng tôi đâu có ở nhà dưỡng thai như Huấn nói. Vốn dĩ trước đây tôi là người giúp việc thì bây giờ mọi việc trong nhà tôi phải làm tất cả. Từ đi chợ nấu cơm đến giặt giũ, dọn dẹp, phục vụ 8 con người trong ngôi nhà ấy đã vắt kiệt sức của tôi. Kết quả là tôi bị sẩy thai.
Sau lần sẩy thai ấy, bác sĩ khuyến cáo tôi không nên sinh con nữa. Lý do là vì giữa tôi và chồng có một điều gì đó mà sự kết hợp sẽ cho ra những đứa trẻ nếu không chết yểu thì sẽ bị dị tật. Không thể làm cái máy đẻ, sự hiện diện của tôi trong nhà chỉ thuần túy là một người giúp việc. Mẹ chồng tôi nói: “Đàn bà mà không sanh nở được thì coi như vô dụng”. Thậm chí, Huấn không cho tôi ngủ chung mà đuổi tôi xuống ngủ ở nhà bếp.
Video đang HOT
Chính ở đó, tôi và Huy đã gặp nhau. Huy là em trai út của Huấn. Anh đi du học ở Úc, mới trở về làm việc trong công ty của gia đình hơn một năm. Thoạt đầu giữa chúng tôi chỉ là tình cảm giữa chị dâu, em chồng nhưng sau đó, tôi thấy Huy rất lạ. Anh chăm sóc tôi chu đáo và hay bênh vực tôi mỗi khi tôi bị mẹ chồng và chồng hiếp đáp. Khi có mặt mọi người, Huy gọi tôi là “chị”, xưng “tôi” nhưng khi chỉ có riêng tôi với Huy, anh chỉ gọi tôi bằng tên vì Huy lớn hơn tôi đến 4 tuổi.
Có lần Huy nói với tôi: “Hà đi học lại đi, mình sẽ lo cho”. Khi tôi nói điều này với Huấn thì bị gạt phắt: “Tính tạo phản hay sao mà đòi đi học? Đi học hay đi kiếm trai?”. Tôi nhắc lại lời hứa của Huấn khi trước thì anh ta cười khẩy: “Khi chưa được, ai mà chẳng hứa hẹn cho được việc? Bây giờ em không còn giá trị gì nữa, phải biết an phận đi, đừng có lộn xộn. Cứ ở nhà chăm sóc ba mẹ, làm công chuyện rồi tôi sẽ cho tiền để gởi về quê cho bà già, còn lộn xộn thì đừng có trách”.
Chẳng hiểu sao hôm đó tôi rất kiên quyết. Có lẽ nhờ Huy động viên, tiếp sức nên tôi nói cứng với Huấn: “Anh không cho em cũng đi, không thể cứ ăn bám mãi như vầy. Em muốn làm chủ cuộc đời mình”.
Kết quả là tôi bị cấm cửa, nhốt luôn trong nhà, chuyện chợ búa chuyển cho người khác. Chính vì chuyện này mà anh em Huy gây gổ với nhau. Tôi nghe Huấn nói: “Chuyện của vợ chồng tao, mày xen vô làm gì? Tao nói rồi đó, đừng có lộn xộn”. “Tôi không hiểu anh quan niệm về cuộc sống vợ chồng như thế nào nữa. Anh đối xử với chị dâu như vậy mà coi được sao? Đừng có ỷ mình nhiều tiền rồi coi người ta như cỏ rác. Tôi sẽ lo cho chị dâu đi học lại”- giọng Huy vẫn điềm đạm.
Dù vất vả, nhưng tôi là tôi chứ không phải là một cái bóng vật vờ bên người chồng không hề yêu thương, tôn trọng mình (Ảnh minh họa)
Tôi không dám rình nghe tiếp nhưng sau đó, Huấn kiếm tôi, mặt hầm hầm: “Muốn đi học hả? Thì đi đi, tôi sẽ không cho cô một xu nào nữa”. Tôi đã rất đắn đo trước khi quyết định ghi tên học ở một trung tâm dạy nghề. Tôi nói với cha mẹ chồng: “Con xin phép ba mẹ cho con đi học để có một nghề lo cho tương lai của mình. Đường con cái của con đã không ra gì, anh Huấn cũng không thương con nữa, nếu con không lo cho mình thì sẽ không có ai lo cho con”. Có lẽ những điều tôi nói cũng hợp lý nên cha mẹ chồng tôi đồng ý cho tôi đi học với điều kiện vẫn phải bảo đảm làm hết công việc trong nhà.
Tôi thoát ra khỏi 4 bức tường ấy như cá gặp nước, như chim gặp khoảng trời xanh. Tuy nhiên, tôi mới học được 6 tháng thì mẹ tôi trở bệnh nặng. Tôi lại phải van xin chồng tôi cho tiền để chữa bệnh cho mẹ. Mỗi lần như vậy, tôi lại bị biến thành đủ thứ con vật trong những lời miệt thị của anh.
Nhưng tôi đau nhất có lẽ là lần Huấn ném xấp tiền trên bàn. Những tờ giấy bạc bị chiếc quạt máy thổi bay lả tả trên sàn nhà. Tôi bò xuống mà nhặt y như một con thú 4 chân. Khi ấy, tôi nghĩ mình không còn là con người- đúng như những lời miệt thị của Huấn.
Nhưng cuối cùng thì mẹ tôi cũng không qua khỏi dù đã có tiền phẫu thuật. Chẳng biết sao khi ấy, tôi lại có cảm giác nhẹ hẫng. Mẹ không còn, tôi chẳng còn gánh nặng phải lo toan. Tôi nói với Huấn: “Anh cưới vợ khác đi, chúng mình ly dị”. Huấn trừng mắt nhìn tôi : “Có phải cô không vậy? Ly dị à? Mơ đi nghen. Từ trước tới giờ tôi có coi cô là vợ đâu mà đòi ly dị. Nghe nè, cô chỉ là một con ở thôi, hiểu chưa?”.
Tôi không tranh luận với Huấn nhưng sau đó mấy ngày, tôi đã lén bỏ trốn. Tôi để lại thư và đơn xin ly hôn cho Huấn, bảo anh ta đừng tìm tôi vô ích. Tôi về quê vì dù sao, mẹ tôi cũng còn mấy công vườn. Hơn nữa, mồ mả cha mẹ tôi ở đó…
Những năm tháng ở thành phố đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống. Mảnh vườn của cha mẹ tôi thành nơi cung cấp thực phẩm sạch cho công ty du lịch và các nhà hàng phục vụ du khách ngoài thị xã. Tất nhiên là để có điều đó, tôi đã mất gần 6 năm cày cục cật lực.
Giờ đây, tôi đã có một cuộc sống thật sự là của mình. Dù vất vả, nhưng tôi là tôi chứ không phải là một cái bóng vật vờ bên người chồng không hề yêu thương, tôn trọng mình. Cái mà tôi cần bây giờ là một bản án ly hôn để làm lại cuộc đời. Tôi đến gặp Huấn. Anh ta lại cười khẩy: “Tôi còn chưa tha cho cô đâu, đừng có nghĩ đến hai chữ tự do. Tôi biết cô tằng tịu với em tôi, vậy nên tôi càng không để cho cô tự do”.
Khi tôi nói lại với Huy điều này, anh trấn an tôi: “Em đừng lo. Anh hai không đồng ý nhưng em vẫn có quyền gởi đơn ly hôn ra tòa. Anh sẽ nhờ luật sư lo cho em”. Tôi đã gởi đơn ra tòa.
Thế nhưng tôi nghe mọi người kể lại là giữa anh em họ đã nổ ra cãi vã, bất đồng rất lớn. Khó khăn cho tôi là cha mẹ chồng tôi lại đứng về phía Huấn. Họ nói nếu Huy không cắt đứt quan hệ với tôi thì sẽ truất quyền thừa kế của anh.
Huy nói với tôi rằng anh không sợ. Anh đủ sức làm việc, kiếm tiền để lo cho vợ con. Và quan trọng hơn là anh yêu tôi, muốn ở cạnh tôi trong những tháng ngày còn lại. Anh cũng không quan tâm chuyện tôi có thể sinh nở được hay không. “Em nhất định không được buông tay, nhất định không được đầu hàng”- Huy xiết chặt tay tôi.
Khi có anh bên cạnh, tôi thấy an tâm và quyết tâm cao ngất trời. Thế nhưng khi chỉ còn lại một mình, tôi lại nhấp nhỏm không yên… Tôi không biết mình đúng hay sai trong chuyện này. Nếu như Huấn không đồng ý ly dị thì liệu tự do của tôi có vĩnh viễn mất đi như lời anh ta đe dọa hay không! Chẳng lẽ tôi mãi mãi không thể ly hôn?
Theo VNE
Đổi đời
Cả xóm xôn xao với cái tin nhà ông Lực bán được miếng đất gần chục tỷ đồng. Mảnh đất ngàn mét vuông ấy, xưa giờ chẳng ai ngó ngàng, bỗng nhiên một dự án trên trời rớt xuống, người ta đến đo đạc, xem xét rồi quyết định mua.
Xóm giềng không ít người đến mừng cho ông Lực, cũng lắm kẻ tiếc nuối nói ra nói vào. Rằng ngày xưa, thời kỳ chưa mở đất, đất ấy bỏ không, nhà tôi cũng có ít nhiều phần trong đó. Ai nói gì mặc ai, ông Lực điềm nhiên nhận tiền và chuẩn bị để chuyển đi chỗ khác ở, chẳng cần quan tâm đến xóm nghèo này nữa.
Ông Lực có cả thảy 5 người con trai, không có con gái. Anh con trai lớn đã lấy vợ và ở riêng. Vợ chồng con cái xưa nay vốn sống hiền hòa thương yêu nhau hết mực. Bà Ngà, vợ ông vốn là người phụ nữ tảo tần. Thấy việc mua bán đất, bà bảo, mình già rồi, mấy đứa cũng lớn rồi có nhất thiết phải bán đất hương hỏa tổ tiên đi không. Ông và mấy cậu con trai gạt phăng ý kiến của bà, có cơ hội đổi đời dại gì mình không nắm lấy.
Thỏa thuận giấy tờ xong xuôi, người ta chồng cho ông một cục tiền khổng lồ. Cả nhà ông trố mắt nhìn, đếm à, nhiều thế này làm sao đếm xuể đây. Từ lão nông quê mùa không có đến tiền triệu để dành, giờ đây, ông mon men tìm hiểu lãi suất ngân hàng, gói tiết kiệm... Các anh con trai ít học, người học nhiều nhất cũng chỉ đến lớp 10 nên cũng chẳng hiểu biết gì hơn bố, nhìn số tiền khổng lồ, mắt anh nào anh nấy cứ long lanh.
Mới nhận được phân nửa tiền, trong nhà đã bắt đầu xáo xào. Ông Lực cho anh con trai đi học bằng lái rồi mua hẳn chiếc ô tô đời mới, sắm áo quần vật dụng đắt tiền. Bà Ngà ngao ngán, góp ý ông nên để tiền dưỡng già, chia cho các con lập nghiệp, tiêu hoang phí rồi cũng hết.
Ông quát bà "nhiều thế này làm sao hết được, bà chỉ lắm điều". Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ông bắt đầu tập tành lao vào các thú vui mà hơn nửa đời nay ông chưa biết mùi, đã thế về nhà ông còn đe dọa, lao vào đánh bà Ngà. Ngày dọn đồ từ căn nhà cũ, nhà bà bắt đầu chia làm hai phe. Anh con trai lớn thương mẹ, chấp nhận thua thiệt, không có một xu dính túi. Bao nhiêu tiền của ông giữ lấy hết nên bốn người còn lại theo ông Lực đến ở mảnh đất mới, xây hẳn một ngôi nhà khang trang.
Bốn anh em thay nhau xin tiền cha ăn nhậu, bù khú bạn bè, cặp bồ nhăng nhít. Ông Lực cũng hồi xuân, cái tuổi 65 chưa hẳn đã già vì ông vốn có ít sức vóc, tướng tá còn ngon lành. Ông cũng cặp bồ với những cô gái trẻ hơn cả anh con trai út.
Bà Ngà chịu không nổi điều tiếng, hai người cự cãi rồi quyết định đưa nhau ra tòa. Chủ tọa hôm ấy đã có lời, hai bác già rồi, có con cháu hết rồi, người nào cũng sắp qua cái thất thập cổ lai hi, có cần thiết phải làm to chuyện đến thế? Ông Lực xông xáo: "Bây cứ giải quyết cho tao, ly dị thì tao lấy vợ khác. Tao có tiền".
Dần dà, của nả trong nhà đội nón đi hết theo thói ăn chơi sa đọa không có điểm dừng của năm bố con ông. Ngày ông ngã quỵ giữa sân khi phát hiện thằng út cuỗm mất cuốn sổ tiết kiệm gần cả tỷ đồng còn lại của ông đi thì ông cũng được người ta chẩn đoán mình bị ung thư giai đoạn cuối.
Những ngày nằm viện, các cô bồ trẻ không ai tới thăm. Bốn anh con trai cũng biệt vô âm tín vì đang tính toán, tranh giành để chia số tài sản còn sót lại. Bà Ngà bảo anh con trai lớn chở bà tới thăm ông. Bà tức trục bên ông những ngày cuối đời, lo cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân mà không mở miệng than trách lời nào.
Ông Lực ra đi trước khi nói một câu nhẹ nhàng: "Tôi tưởng thế là đổi đời, không ngờ cái sự đổi lại ra nông nỗi này".
Lo đoạn tang cho ông xong, bà Ngà lại chạy vạy lo cơm nước cho thằng út, nghe đâu nó dính líu vô vụ cướp giật lừa đảo gì đó. Rồi hòa giải cho mấy thằng con còn lại, vì khoản tài sản đó mà anh em nó vác dao rượt nhau. Bà ngậm ngùi, âu thì cái sự đời, chẳng có gì dễ dàng đến thế.
Theo Dantri
Bài học nấu ăn Đã đến lúc phải học hỏi bí kíp gia đình. Những điều đặc biệt sẽ chẳng bao giờ được ghi lại trên giấy hay dù chỉ là truyền miệng. Sự im lặng này cần được phá bỏ và tôi sẽ dồn mọi can đảm để tiếp cận mẹ. Tôi 19 tuổi, đã đính hôn. Là chị cả lớn nhất trong 3 chị em...