Chàng kỹ sư trẻ với ‘khát vọng xanh’
“Đối với một sáng chế khoa học, công nghệ điều đầu tiên là phải đánh giá được tính khả thi và tính ứng dụng vào cuộc sống.
Đặc biệt, để làm nên một sáng chế, điều quan trọng là vốn và kỹ thuật, phải hiểu rất sâu về kỹ thuật và có đầu tư vốn dài hạn cho nó. Mỗi sáng chế phải trải qua nhiều lần thử nghiệm đòi hỏi sự kiên trì, vậy nên đừng bao giờ nghĩ đến chuyện “một phát ăn ngay…”.
Đó là chia sẻ của chàng kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh, người vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với hàng loạt sáng chế góp phần bảo vệ môi trường.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh nhận Giải thưởng Lương Đình Của năm 2021 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát
Hồ Xuân Vinh sinh năm 1987, ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh là một kỹ sư trẻ với nhiều sáng kiến về khoa học, công nghệ. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sỹ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và trải nghiệm công việc tại đây, năm 2012, Vinh trở về quê nối nghiệp bố, điều hành Nhà máy cơ khí Hồ Hoàn Cầu. Được truyền đam mê chế tạo máy móc, cơ khí từ bố cùng với những kiến thức từ giảng đường Đại học, anh liên tục có những sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm đầu tiên và thành công nhất của Hồ Xuân Vinh là máy sản xuất gạch không nung. Nhận thấy sự chuyển dịch từ vật liệu nung sang vật liệu không nung ngày càng bức thiết song trên thị trường máy sản xuất rất ít, năng suất thấp nhưng giá thành cao, sau nhiều năm mày mò, gặp không ít thất bại, năm 2014, anh đã cải tiến thành công máy đóng gạch bằng tay lên máy ép gạch cơ.
Không dừng lại ở đó, Vinh liên tiếp cải tiến, phát triển dòng máy ép gạch cơ lên dòng máy ép gạch công nghệ thủy lực 2 chiều rồi máy ép gạch thế hệ thứ 9 với tính năng tự động hoàn toàn có công suất 15.000 viên/ca. Sản phẩm sau đó đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học và công nghệ Nghệ An năm 2017 và được khách hàng phản hồi rất tích cực.
Cũng trong năm 2017, Hồ Xuân Vinh được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam chọn làm Chủ nhiệm và tài trợ dự án sáng tạo chống biến đổi khí hậu với đề tài “Giảm sử dụng đất sét nông nghiệp, giảm khí thải, giảm lượng chất đốt tiêu thụ của việc sản xuất gạch không nung bằng giải pháp máy đúc gạch không nung Hồ Hoàn Cầu”. Trong 1 năm thực hiện, dự án đã vượt qua chỉ tiêu và được đánh giá rất cao khi cung cấp ra thị trường 520 bộ máy, sản xuất được 728 triệu viên gạch.
Vinh tâm sự: “Ở nước ta, tình trạng sao chép, xâm phạm bản quyền về máy móc rất nhiều. Bản thân các sản phẩm của công ty sau khi tung ra thị trường cũng bị nhiều đơn vị sao chép nhưng cũng khó khởi kiện vì vừa tốn chi phí, thời gian, công sức. Vì vậy, bên cạnh thực hiện các chiến lược về hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt hơn thì mình phải không ngừng cải tiến sản phẩm để luôn là người đi trước”.
Một số sản phẩm được Vinh phát triển thành công và được thị trường đón nhận như máy ép gạch Terrazzo, máy bẻ đai thép tự động, máy trộn bê tông tươi. Từ hai dòng sản phẩm ban đầu, hiện Nhà máy cơ khí Hồ Hoàn Cầu đã có 16 danh mục sản phẩm. Các dây chuyền sản xuất vật liệu không nung Hồ Hoàn Cầu hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Angola, Bờ Biển Ngà, Cuba…
“Ngay tại quê hương xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có hơn 250 bộ máy gạch không nung do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồ Hoàn Cầu cung cấp, đã tạo thành một làng nghề gạch không nung bền vững, tạo sinh kế cho hàng trăm cơ sở sản xuất và việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đây cũng là xã duy nhất và đầu tiên của cả nước có làng nghề gạch không nung, là điểm sáng trong Chương trình 567 của Chính phủ, Bộ Xây dựng về phát triển gạch không nung”, anh Vinh tự hào cho biết.
Video đang HOT
Tiếp nối khát vọng xanh
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh (phải), Phó Giám đốc TNHH Hồ Hoàn Cầu, cùng các công nhân công ty sản xuất máy móc tại công ty. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Nối tiếp thành công từ các sản phẩm máy xây dựng, mới đây, anh Hồ Xuân Vinh tiếp tục sáng chế thành công máy chế biến sợi từ thân chuối. Anh cho biết: “Dây chuyền có thể chẻ, tách sợi từ thân chuối, biến bẹ chuối thành một lượng sợi lớn làm nguyên liệu cho nhiều ngành ở Việt Nam như ngành sợi thời trang, bao bì, giấy. Ngoài ra, phần bã chuối tưởng sẽ bỏ đi được tôi nghiên cứu công nghệ ép tách bã khô và nước, sau đó nước sẽ được ủ lên men để thành nước dinh dưỡng giàu Kali là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bã có thể làm các loại bát, đĩa, khay dùng 1 lần hay ủ làm phân hữu cơ bón lại chính các vườn chuối. Dây chuyền này giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Để thực hiện sứ mệnh trong ngành chế biến sợi tự nhiên, năm 2021, anh Hồ Xuân Vinh mạnh dạn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABACA Việt Nam. Công ty sẽ dẫn dắt thị trường và làm ra dây chuyền công nghệ, làm ra các mô hình để chứng minh tính hiệu quả. Mô hình sáng tạo này đã được Trung ương Đoàn đánh giá cao và là một trong ba mô hình thanh niên sáng tạo được giới thiệu trong Diễn đàn thanh niên quốc tế 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia năm 2021, được Cụm đoàn Bắc Trung Bộ chứng nhận là mô hình sáng tạo tiêu biểu cấp cụm năm 2021. Dự án Phát triển ngành sợi chuối Việt Nam đã đạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021; giải nhất Cuộc thi toàn quốc khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức; giải nhì, giải ba Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC Nghệ An 2021. Ngoài ra, dự án đã đạt giải ba dự án xuất sắc nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021.
Không chỉ là gương sáng về khởi nghiệp, sáng tạo khoa học, Hồ Xuân Vinh còn là đảng viên gương mẫu, năng động trong các hoạt động phong trào. Trên cương vị là Phó Bí thư Chi bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồ Hoàn Cầu, Hồ Xuân Vinh được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tục từ năm 2018 đến 2020, là “Đảng viên trẻ tiêu biểu” tỉnh Nghệ An năm 2021.
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh (giữa), Phó Giám đốc TNHH Hồ Hoàn Cầu, cùng các công nhân công ty sản xuất máy móc. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu chia sẻ: “Đồng chí Vinh đang là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Quỳnh Lưu, một gương sáng về khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà đồng chí Vinh còn tham gia đóng góp nhiều hoạt động thiện nguyện, xây dựng nông thôn mới. Điển hình như năm 2017, Công ty Hồ Hoàn Cầu đã ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn…”
Với những sáng chế, giải pháp hữu ích, cung cấp ra thị trường cả nước các giải pháp sáng tạo, có tính lan tỏa ảnh hưởng mạnh trong ngành vật liệu không nung, ngành sợi tự nhiên, anh Hồ Xuân Vinh được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 và được nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng của nhiều ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trao tặng.
Chàng kỹ sư IT bỏ nghề, chế tạo chuông gió nhạc thiền từ kim loại vô tri
Từ một kỹ sư công nghệ thông tin, anh Trần Ngọc Hồng Đức (ngụ quận Bình Thạnh) tạm gác công việc, trở về nhà mở xưởng sản xuất chuông gió nhạc thiền từ các loại ống kim loại vô tri vô giác.
Trước khi bắt tay vào việc chế tạo và kinh doanh chuông gió nhạc thiền, anh Trần Ngọc Hồng Đức là một kỹ sư công nghệ thông tin có việc làm ổn định tại TPHCM.
Cơ duyên đến với nghề làm chuông gió của anh Đức khá tình cờ. Năm 2012, trong chuyến thăm Thiền viện Chơn Không (Bà Rịa - Vũng Tàu), anh thấy nhà chùa treo nhiều loại chuông gió phát ra những âm thanh giúp tĩnh tâm, về nhà Đức quyết định tìm hiểu thông tin trên mạng, mày mò tự sản xuất.
"Những ngày đầu mới bắt tay vào sản xuất tôi gặp rất nhiều khó khăn, mua hàng trăm ống nhôm về tự cắt, chỉnh sửa nhưng hầu hết đều hỏng phải kêu xe tải đến chở đi bán phế liệu", anh Hồng Đức chia sẻ.
Trải qua nhiều chướng ngại, cuối cùng chàng kỹ sư trẻ cũng tìm ra bí quyết để chế tạo chuông gió với âm thanh chuẩn nhất. Hiện tại, xưởng của anh Đức rộng khoảng 400 m2 gồm khu cơ khí và nơi hoàn thiện sản phẩm, xưởng có khoảng 5 nhân công làm việc thường xuyên.
Nguyên liệu để sản xuất chuông gió là các ống nhôm có đường kính từ 15 mm đến 60 mm, dài từ 30 cm đến 100 cm, bề ngoài được sơn tĩnh điện chống trầy xước. Để làm được một bộ chuông gió phải dùng 6 m ống. "Công đoạn cắt ống rất quan trọng, người cắt phải có tay nghề cao, phải cảm nhận tốt âm thanh để không bị sai lệch", anh Đức nói.
Một công đoạn không kém phần quan trọng là khoan lỗ trên ống để xỏ dây. Những công đoạn phức tạp thường do Đức tự đứng ra đảm nhận, chỉ lại cho thợ để họ học hỏi. Đức phải tính toán các lỗ khoan vào đúng điểm chết của ống để không làm ảnh hưởng đến âm thanh.
Sau khi các ống nhôm được cắt, khoan thì đến công đoạn vệ sinh miệng và lòng ống để đảm bảo không sót lại các dị vật. "Miệng ống được đánh bằng giấy nhám, lòng ống thì dùng khoan dài xuyên từ đầu này tới đầu kia", chàng kỹ sư giải thích.
Mỗi dàn chuông gió tùy vào thiết kế mà có số lượng ống khác nhau, thường là từ 6 đến 12 ống.
Sau khi đã hoàn thành các bước cơ bản, các ống nhôm được xếp lên giá đỡ để tiến hành thẩm âm bằng muỗng. "Mình phải dùng muỗng đánh thử từng ống, sau đó hòa âm cả 6 ống lại với nhau tạo ra tiếng ngân vang đạt yêu cầu thì mới xử lý tiếp, không thì phải bỏ bộ chuông gió này", anh Đức cho hay.
Các bộ chuông gió đạt yêu cầu về âm thanh được nhân viên xỏ dây kết nối 6 ống lại với nhau, dùng thước đo chuẩn từng centimet.
Khách đến mua chuông gió thường là những người tập thiền, tu hành, nhà chùa... Theo anh Đức, những chiếc chuông gió lớn được anh chế tạo có âm thanh ở tần số 432 Hz , được cho là tần số tần số sóng âm trị liệu, an thần đến mọi người. Mỗi chuông gió có giá từ 400.000 đồng đến 12 triệu đồng.
Ngoài sản xuất chuông gió, anh Đức còn sưu tầm các loại chuông cổ của Việt Nam và nhiều nước khác. Một trong những chiếc chuông cổ nhất anh Đức đấu giá thành công đến từ Nhật Bản được sản xuất ở thế kỷ 16.
Kỹ sư cơ khí làm máy trợ thở xách tay Máy trợ thở vừa được Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp bằng sáng chế chỉ là một trong nhiều sản phẩm từ xưởng nhân bản sáng chế của gia đình anh Hồ Xuân Vinh. Năm 2020, Hồ Xuân Vinh (34 tuổi), huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, bắt tay vào nghiên cứu tạo ra máy trợ thở xách tay. Ý tưởng...