Chàng hướng dẫn viên lùn nhất Việt Nam
Ít ai biết rằng, anh chàng Phú lùn, có quán nước chè nằm chênh chếch trên phố Hàng Cót, Hà Nội còn là một hướng dẫn viên du lịch vui tính, dí dỏm và nói tiếng Anh “như gió”…
Cũng như hàng trăm quán nước nhỏ nơi vỉa hè Hà Nội, với vài điếu thuốc lá, dăm ba chai nước lọc và một ấm chè nóng ngùn ngụt khói ngày đông giá, gần 20 năm nay Đinh Văn Phú mưu sinh nhờ cái quán cóc này. Thế nhưng, nhờ chủ nhân của nó mà quán nước chè nằm chênh vênh trên phố Hàng Cót trở nên đặc biệt hơn, nhất là đối với những vị khách ngoại quốc. Họ thích cái dáng đi “khệnh khạng” chẳng giống ai, thích nụ cười giòn tan hóm hỉnh và nhất là ngồi nghe anh chàng cao chưa đầy 1m2 ngồi “tám chuyện” rất duyên bằng thứ tiếng Anh trôi chảy đến khó tin.
“Sống lại” nhờ… một bài hát
“Cuộc đời đã nhiều lần đánh tôi bầm dập”…Vẫn cái cách nói nửa đùa nửa thật, pha chút chua chát, Phú đã mở đầu như thế khi kể cho tôi nghe về mình.
Đinh Văn Phú sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, 5 người lành lặn, duy có Phú là “khác người”. 5 tuổi mới biết nói, 7 tuổi biết đi và đến năm 11 tuổi Phú biết mình trở thành kẻ tật nguyền: đầu to ra, chân tay co rụt lại, dáng đi khệnh khạng và “ăn bao nhiêu cơm gạo cũng không cao thêm một tấc”.
Đinh Văn Phú.
Bao nhiêu năm đi học là từng ấy thời gian Phú trở thành tâm điểm của những vụ trêu trọc, bắt nạt của bạn bè.
“Nhìn thấy bố đeo cái vô tuyến điện sau lưng tôi đã thích mê mẩn, tôi đã mơ ước được trở thành công nhân ngành điện từ thời còn bé xíu như thế. Và cũng chính giấc mơ ấy đã giúp tôi quyết tâm gạt bỏ mọi ánh mắt kỳ thị của bè bạn để chú tâm học hành”, Phú kể.
Thế nhưng sau khi vùi đầu vào ôn luyện để chuẩn bị đi thi thì Phú lại phải nếm trái đắng đau đớn nhất trong cuộc đời: khoa Điện Tử, ĐH Bách Khoa đã từ chối nhận hồ sơ của anh với lý do không đủ điều kiện sức khỏe.
Video đang HOT
Bao ước mơ, hoài bão, bao cố gắng tan thành mây khói khi cánh cửa ĐH đóng sập lại trước mắt, Phú đã buồn bã, đau khổ hơn bao giờ hết. Phú kể, khi ấy, dăm bảy bận anh đã nghĩ đến cái chết để kết liễu tất cả. Thế nhưng, nhờ một bài hát dân ca Ý có tên là: “Mặt trời của tôi” anh tình cờ nghe được trên radio, Phú đã nghĩ lại…
“Nghe đi nghe lại bài hát, như có một điều gì đó thúc giục, tôi không “chạy trốn” nữa mà quyết định bước ra khỏi nhà. Trên những con đường vô định ấy, tôi bắt gặp rất nhiều mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh. “Họ bị liệt, bị mù, không nhà cửa… còn khổ hơn mình, mình lại định tìm đến cái chết chẳng phải là quá hèn sao”, nghĩ thế, tôi lại cảm thấy khao khát sống hơn bao giờ hết”, Phú kể.
“Bản năng sống” trỗi dậy, Phú lại lao vào cuộc sống để chứng tỏ mình không hèn kém. Anh làm đủ nghề: từ quay bễ, chẻ củi thuê, đến bán thuốc lá rong để kiếm sống. Thấy rằng, làm nghề buôn bán dạo, cuộc sống bấp bênh, Phú suy đi tính lại rồi đề nghị gia đình bán căn nhà trong ngõ để mua căn nhà mới mặt đường hàng Cót để “kinh doanh”. Quán nước chè có tên: “Đi khắp muôn nơi” ra đời từ ấy, đến nay đã ngót 20 năm.
Quán nước chè tuy chẳng dư dật gì nhưng cũng gánh cho Phú nỗi lo “cơm áo”. Tuy nhiên, điều làm Phú dằn vặt nhất, đó là những kiến thức tích lũy bao năm dần dần rơi rụng. Phú bảo: “Tiền quý thật nhưng có những thứ còn quý hơn tiền đó là kiến thức. Nghĩ vậy, tất cả những thời gian rảnh tôi ngồi ôn lại kiến thức, đọc sách và… học Tiếng Anh”.
Nhờ cố gắng, ham học hỏi qua sách vở, những người “khách Tây”, và một tuần một lần vác cặp đến học cô giáo Thái, ân nhân của Phú, mà giờ đây anh chàng Phú lùn trở nên nổi tiếng với tài nói Tiếng Anh “như gió”. Phú cho biết, từ 5 năm nay ngoài việc bán nước, anh còn làm hướng dẫn viên du lịch cho những người bạn ngoại quốc.
Trên đường leo lên đỉnh Phanxipăng.
“Qua mỗi chuyến đi, không những vốn từ tiếng Anh của anh tôi “dày dặn” hơn mà còn có thêm những người bạn tốt cũng như được tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của đồng bào trên mỗi chặng đường qua. Điều đó cũng thỏa nguyện phần nào ước mơ “đi khắp muôn nơi” của tôi”, anh tâm sự.
Phú bảo, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, điều làm anh đau đớn hơn cả là nhìn thấy những người cùng cảnh ngộ với mình khổ quá. Anh ấp ủ khao khát mở lớp dạy Tiếng Anh cho người lùn, xóa đi những mặc cảm và đưa họ đến gần hơn với cuộc sống…
“Ai chẳng muốn có một mái ấm”
Nhìn Phú, ít ai đoán anh đã qua cái tuổi ngũ tuần dăm ba năm rồi, thế nhưng, người ta vẫn thấy ngày ngày anh một mình cặm cụi dọn quán nước và đến đêm lại chong đèn học đến 2, 3h sáng. Thấy tôi hỏi, bà hàng xóm chêm vào: “Ôi, chú này kén lắm. Có cô ưng lắm rồi, nhắn tin, viết thư mãi mà chả hồi âm”.
Nghe thấy thế, Phú tủm tỉm cười, ngượng nghịu “thú thật”: “Cô ấy ở Hải Dương, hiền lành, có công việc ổn định. Hai bên cũng “có ý” lâu rồi nhưng mình còn lấn bấn…”. Ngập ngừng một lúc, Phú thở dài: “Chỉ sợ giời không thương… Mình đã khổ lại gieo rắc cái khổ suốt đời cho con thì tội lắm! Chứ là con người, ai chẳng muốn có một mái ấm bình yên”.
Lê Trang
Theo Bưu Điện Việt Nam
Báo chí Đức khen ngợi trí tuệ của học sinh Việt
Có một điều lạ là trong những ngày này, đồng loạt các báo giấy và báo mạng đều đăng về "hiện tượng Việt Nam" (như là một điều để các nhà giáo dục Đức suy nghĩ).
Ngày 7/12/2010 là ngày PISA, chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCED chính thức công bố kết quả nghiên cứu về giáo dục ở 34 nước và thành phố lớn. Theo đó Thượng Hải, Hàn Quốc, Phần Lan đứng đầu danh sách. Nước Đức có tiến bộ chút đỉnh so với 3 năm trước; tuy nhiên nó không đủ khiến cho ai cũng vui mừng. Có một điều là cũng đúng trong ngày này đồng loạt các báo giấy và báo mạng đều đăng về hiện tượng Việt Nam" (như là một điều để các nhà giáo dục Đức suy nghĩ?). Xin chọn một bài báo mạng có ảnh rõ và đẹp để dịch ra đây. Với tôi, khi đọc bài báo này, có cảm tưởng như là được uống một cốc rượu vang hâm nóng giữa chợ Noel.
Học sinh Việt Nam luôn đứng đầu trong các trường Gymnasium
Vũ Kim Hoàn
Học sinh nữ Kim Hoan Vu (Vũ Kim Hoàn) có rất ít thời gian. Em là học sinh xuất sắc nhất lớp, em chơi piano và là hướng dẫn viên du lịch trong bảo tàng tranh cổ bằng năm thứ tiếng: Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Rất tự tin, em kể về các thành tích của mình trong các kỳ thi ngoại ngữ, lấy học bổng và trách nhiệm của em trong vai trò là người phát ngôn (tương đương với lớp trưởng) của lớp và của khối. "Em luôn thấy mình có trách nhiệm khi nhận những việc này", nữ học sinh 16 tuổi nói. Em là một trong rất nhiều học sinh Việt Nam xuất sắc ở CHLB Đức, những học sinh đã vượt xa các bạn học người Đức của mình.
Kim Hoan đang học lớp 10 ở trường Romain-Rolland-Gymnasiums Dresden. Em đến Đức khi 3 tuổi. Bố mẹ em lúc nào cũng phải làm việc rất nhiều. Em bảo không muốn bố mẹ lại phải thêm lo lắng khi con lại còn mang điểm xấu về nhà. Lúc đầu em chịu rất nhiều áp lực: "Nếu em có một điểm 2 toán thì đối với mẹ em đấy là một thảm họa, trong khi em cho rằng một điểm 2 là cũng tốt rồi". (Điểm 1 là điểm cao nhất ở Đức). Để cho khỏi quên nguồn gốc, em nói chuyện với bố mẹ và thường xuyên nhất là với chị gái bằng tiếng Việt.
Là một người nước ngoài, Kim Hoan nói, em không muốn mình trở thành gánh nặng của nước Đức. "Em muốn cống hiến một chút gì đó vì chúng em đã được phép sống tại nơi này". Cũng vì lẽ đó mà em rất cần cù trong học tập và hay giúp đỡ các bạn khác làm bài tập. Cha mẹ em từ rất sớm đã dạy em không nên tiêm nhiễm những thói hư tật xấu.
Kim Hoan chẳng phải là trường hợp cá biệt. Phải lục lọi trí nhớ một lúc thật lâu em mới thấy có một người đồng hương không học Gymnasium. Em không phải là học "quá gạo" so với các bạn cùng lớp, chỉ là có cách học khác thôi. "So với bạn gái thân nhất của em thì em còn lười hơn nhiều".
"Trên toàn CHLB Đức có 59% học sinh Việt nam học Gymnasium, Trong khi đó học sinh Đức chỉ là 43%" - ông Olaf Beuchling, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, nói. Ông lấy các con số này từ các số liệu của cơ quan thống kê liên bang. Beuchling đang nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Leipzig, đối chiếu các nghiên cứu về giáo dục và đã nhiều năm theo dõi thành tích học tập của học sinh Việt Nam.
Tại tiểu bang Sachsen, nơi có đông người Việt Nam thì khoảng cách với học sinh Đức lại còn lớn hơn. Tại đây có đến 3/4 học sinh Việt Nam học Gymnasium, trong khi đó đối với học sinh Đức vẫn chỉ là 43%. (Tất nhiên con số này có thể dễ dàng thay đổi vì có nhiều học sinh Việt Nam nhập quốc tịch và do đó số này được tính là người Đức).
Giáo dục ở Việt Nam có một vị trí rất khác so với Đức, ông Beuchling nói: "Ai được học hành thì có thể thăng tiến và là niềm vinh dự của gia đình". Từ nhiều cuộc phỏng vấn với học sinh Việt Nam, ông biết rằng, nhiều học sinh chịu áp lực rất lớn. Và do đó có không ít các em gặp vấn đề tâm lý.
Bố của Minh Tuan Hoang (Hoàng Minh Tuấn) cho con đi học từ sớm. "Con phải thật chăm học và phải luôn luôn học giỏi hơn các bạn khác", bố em nói. Cậu con trai học lớp 7 ở một trường Gymnasium tại Dresden và học hành rất tự giác. Em là một trong những học sinh nhất lớp. "Tổng kết cuối năm vừa rồi, điểm trung bình của em là 1,3", em học sinh Việt Nam tự hào nói.
"Các đồng hương của Hoàng ngày nay ở Sachsen phạm tội ít hơn hẳn những ngày đầu mới thống nhất nước Đức", Hoàng, chủ tịch Hội Người Việt tại Dresden, nói. "Nhiều nhà tuyển dụng còn gác lại các hồ sơ xin việc mang tên Việt Nam. Nếu con cái của chúng tôi không giỏi hơn người khác thì chúng sẽ thiệt thòi".
"Ở trường Gymnasium Dresden Bertolt-Brecht đặc biệt là có rất nhiều học sinh Việt Nam theo học. Có khoảng 70 trong tổng số 800 học sinh có nguồn gốc Việt Nam", thầy hiệu trưởng Marcello Meschke nói.
Thầy công nhận rằng các học sinh Việt Nam có tác phong học tập rất tốt: "Các em rất quan tâm đến thành tích cá nhân của mình. Ai trong các em mà muốn tốt nghiệp thì người đó cũng phải làm bài thi Abitur (lớp 12) một cách hoàn chỉnh và tốt nhất. Ở đây tôi chưa hề biết có em nào bị trượt". .
Theo Bee
Ôtô mini dành cho người lùn của Volkswagen Với chiếc Volkswagen Mini-Gol, những người thấp bé nhẹ cân sẽ có thể tự tin lái chiếc xe dành riêng cho mình. Chiếc ôtô nhỏ gọn giá rẻ Gol được Volkswagen chế tạo tại Brazil những năm 1980 chính là nguyên mẫu của phiên bản Mini-Gol dành cho người tí hon này. Mini-Gol có kích thước chỉ bằng 30% so với nguyên mẫu,...