Chang chang – món ngon bổ rẻ thời ‘bão giá’
Chang chang dễ chế biến thành nhiều món, mà món nào cũng rất dễ làm, ngon và rẻ đến không ngờ: chỉ với chừng 25.000 đồng bạn sẽ có một món ngon, bổ cho cả nhà ăn trong thời “bão giá”!
Về quê nghỉ mát, thư giãn, thăm bà con bạn bè “dưới ấy” là chuyến đi vui vẻ nhiều hứng khởi. Đa số đường làng, xã, ấp, cầu kỳ ở nông thôn bây giờ đã kiên cố, hoặc bê tông hóa.
Chạy xe theo những con đường dọc bờ sông mát rượi. Dưới kênh, rạch lúc nước cạn, bạn sẽ gặp nhiều người đang chăm chỉ mò bắt ốc, hến, chang chang…
Có thể, hồi ở dưới quê, lúc còn là những cậu bé, cô bé da sạm nắng, tóc cháy râu ngô, bạn đã từng đi bắt chang chang về cho bà ngoại, hoặc chị, mẹ nấu canh, hay kho khô, xào giá hẹ…
Xách rổ, mặc áo bà ba cũ, đầu vấn khăn rằn, ta đi với mấy đứa em hoặc cháu, nhảy xuống mương, rạch, xúc hến, chang chang.
Khi khám phá ra được “luồng” (thường ở mương có nhiều lá rụng, mục nát), bạn sẽ thích thú, “sung” lên y hệt như thưở còn là những em bé quê chơn chất, chưa hề biết chơi game hoặc sử dụng net, điên thoại 3G, thời trang “khủng”…
Đúng là mùi bùn “thơm” hăn hắt làm cho ta nhớ về tuổi thơ. Chẳng phải bùn (phù sa) đã làm nên cuộc sống trù phú cho đất đồng bằng hay sao? Châu thổ miền Tây, hàng triệu năm trước là biển cạn kia mà!
Nước ròng cạn, người dân mò bắt ốc, hến, chang chang
Mùa mưa hay mùa nước lên ở quê ngày xưa “ra ngõ là gặp bùn”, bây giờ đã khá hơn nhờ có đường bê tông…
Các cô thôn nữ mới lớn, các em thiếu nhi bây giờ thường được học hành tử tế, ít khi chân lấm tay bùn bởi có cha mẹ cày sâu cuốc bẩm, một nắng hai sương làm rẫy, ruộng, chắt mót lo cho con ăn học.
Một số khác kém may mắn hơn, vất vả mưu sinh, trôi nổi giữa dòng đời vô định… Biết mấy ai còn nhớ hồi nhỏ đi xúc hến, bắt chang chang!
Chang chang thuộc bộ sò, hến nước ngọt, là loài nhuyễn thể ruột mềm, sống dưới lòng sông rạch nước chảy.
Chang chang có hình dáng bên ngoài giống như con “chem chép” ở biển, hơi dài, suôn cỡ hơn hai lóng ngón tay trỏ. Người ta bắt chang chang bằng cách xúc bằng gào xúc tre đan, gạn bùn khi nước sông, rạch ròng cạn.
Video đang HOT
Chang chang đem về luộc nước sôi với lá sả cho hở miệng. Sau đó trút chang chang ra rổ để ráo, chờ nguội, tách vỏ lấy ruột.
Chang chang dễ chế biến thành nhiều món: xào giá hẹ: hẹ, giá sống mua về rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn. Ruột chang chang phi với hành, mỡ, tỏi cho thơm.
Khi thấy chang chang đã chín (săn lại, sẫm màu) thì cho giá, hẹ vào trộn đều, nêm nếm chút gia vị rồi bắt xuống.
Lúc này cọng hẹ còn xanh, ăn giòn và ngọt. Không nên xào giá hẹ lâu, vì như vậy hẹ, giá sẽ dai và có màu vàng héo không ngon.
Chang chang nấu canh mướp: mướp gọt vỏ, rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn. Nếu có thêm vài cục huyết heo hoặc huyết gà vịt thì càng ngon.
Chang chang phi với hành, mỡ, tỏi cho thơm. Đổ một tô nước lạnh, đun sôi lên. Cho mướp vào, chừng 5 phút bắt xuống. Lúc này miếng mướp còn xanh, ăn giòn và ngọt. Không nên nấu lâu, vì như vậy mướp sẽ mềm nhão và có màu vàng héo không ngon.
Chang chang kho keo: Bắc chảo lên bếp cho vừa nóng, phi chang chang với hành tím xắt mỏng, mỡ, tỏi, sả bầm cho thơm. Đổ một ít nước mắm ngon, khi sôi chừng vài phút sau cho thêm miếng nước lạnh, hớt bọt. Khi thấy chang chang có mùi thơm như “nước mắm kho quẹt” thì cho hành sắt hột lựu và ít tóp mỡ heo vào trộn đều rồi bắt xuống, sau rắc thêm hành xanh cho bắt mắt.
Có thể ăn kẹp món chang chang kho keo với “rau sống vườn” như: rau thuốc giòi, rau om, rau răm, lá cách, chuối chát, đọt cóc, khế chua… Chang chang kho keo với mỡ hành là một món ngon, ăn cơm đến “hết nồi”!
Chang chang xào giá hẹ
Bạn sẽ thấy rất ngon miệng khi đổi khẩu vị, vì đã quá “dội” với những món ăn nhiều đạm, mỡ từ gà, vịt, heo, bò, đồ hải sản…
Các món chế biến từ chang chang rất dễ làm, ngon và rẻ đến không ngờ: Hẹ chỉ 5.000đ một bó, ruột chang chang luộc sẵn 10.000 đồng một chén, huyết heo 10.000đ một cục vuông đủ nấu.
Chỉ với chừng 25.000 đồng, thêm một ít bột nêm, vài cọng hành lá, bạn sẽ có một món ngon, bổ cho cả nhà ăn trong thời “bão giá”!
Về vườn đi mò bắt hến, chang chang sẽ cho bạn nhiều cảm hứng, giảm stress rất tốt, và nhớ lại “ngày xưa còn bé” ở dưới quê.
Tất nhiên là đối với những bạn có gốc gác không phải ở thành phố! Nhưng người thành phố cũng rất thích về quê chồng, vợ hoặc bạn bè, người thân.
ĐĂNG HOANG THAM
Mắm đùm hấp trong gáo dừa - bạn đã ăn chưa?
Tuy là mắm nhưng ở đây dùng lượng mắm rất ít, chủ yếu là sử dụng hương vị. Nhờ vậy mà người cữ mặn vẫn có thể thưởng thức được cái món mắm đùm này.
Mắm đùm ăn với các loại rau vườn.
Mỗi lần đi đâu xa nhà tôi thường nhớ đến những món ngon của mẹ nấu, nhớ nhất là món mắm.
Dù là mắm kho, mắm chưng hay mắm chiên tôi cũng đều khoái cả. Đặc biệt đối với người miền Tây Nam Bộ cho dù đã từng thưởng thức cơm Tàu, cơm Tây, cơm Nhật... cũng không bao giờ quên được món mắm.
Mắm từ lâu được coi là đặc sản của vùng đất phương Nam. Tuy là món ăn dân dã nhưng chưa có món nào phong phú, đa dạng và có bề dày văn hóa ẩm thực như món mắm.
Từ mắm sặt, mắm trê, mắm lóc, mắm rô, mắm trèn, cá linh, cá chốt, cá cơm cho đến mắm ruột, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép, mắm còng...
Tuy nhiên mỗi nhà hàng, mỗi quán ăn đều có cách chế biến riêng, món nào cũng vang danh ở khắp các vùng đất Nam Bộ.
Theo dòng thời gian, các đầu bếp đã biến tấu con mắm thành nhiều món ngon độc đáo và ngày càng càng hoàn thiện thành một thứ văn hóa ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước.
Mắm sặc dùng chế biến món mắm đùm
Mới đây, quán Ven Sông ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã có sáng kiến tạo ra một món mới tên là "mắm đùm". Cái tên nghe vừa lạ lẫm, vừa khêu gợi sự tò mò của thực khách.
Món mắm đùm này được nhà hàng biến tấu từ món "chả đùm". Cách làm và cách thưởng thức cũng giống như chả thịt, chỉ khác nhau ở chỗ nguyên liệu chính là mắm.
Chủ nhà hàng cho biết muốn thực hiện món mắm đùm trước hết người làm phải chọn loại mắm thật ngon, thật thơm, tốt nhất là mắm sặt đem về bằm cho thật nhuyễn.
Ngoài ra, muốn cho món ăn đạt chất thượng tuyệt hảo, các bà nội trợ còn phải cho thêm thịt heo, loại nạc dăm, trứng, cộng thêm với bún tàu, nấm mèo đã được ngâm nước cho mềm.
Sau khi chuẩn bị các thành phần nguyên liệu trên, người ta trộn chung lại, phối hợp thêm gia vị như hành tím, tỏi xắt nhỏ, tiêu cà (tiêu xanh càng tốt) thành một hỗn hợp.
Theo lời chủ quán, tuy là mắm nhưng ở đây dùng lượng mắm rất ít, chủ yếu là sử dụng hương vị. Nhờ vậy mà người cữ mặn vẫn có thể thưởng thức được món này.
Mắm đùm sau khi hấp chín, lật úp chiếc gáo dừa lại cho vào đĩa
Trước khi làm chín mắm, người ta dùng một cái gáo dừa đã cắt miệng, sau đó dùng miếng mỡ chài, còn gọi là mỡ sa trải phía trong chiếc gáo dừa trước khi cho hỗn hợp vào. Kế đến dùng tay ém cho bằng mặt và gọn gàng trước khi đem hấp cách thủy độ 45 phút.
Sau khi hấp chín, để nguội rồi chọn một cái đĩa lớn úp ngược chiếc gáo dừa lại, khối mắm đùm sẽ rời ra nằm gọn trên đĩa, phần đáy sẽ hướng lên trên và được bao phủ bằng một lớp mỡ chài trông rất đẹp mắt. Xong người ta dùng vài cọng ngò và ớt trang trí lên mặt mắm, chỉ nhìn thôi vị giác cũng đã bị kích thích.
Điều thú vị nhất là món này rất có duyên với rau vườn, không cần rau chợ. Hôm tôi và mấy người bạn đến thưởng thức món mắm đùm, ông chủ quán đem ra nào đọt sung, lá mơ lông, lá lụa, lá cách, cát lồi, đọt lục bình, đinh lăng... loài nào cũng là vị thuốc cổ truyền.
Mắm đùm cho vào gáo dừa hấp chín
Đúng hôm đó là lần đầu tiên tôi được dùng món mắm thật ngon và thật lạ miệng. Với cách làm cầu kỳ, tinh tế và khéo léo, tôi đã cảm nhận được thế nào là tinh hoa của ẩm thực Việt.
Mọi người không những thưởng thức bằng miệng mà còn bằng tất cả các giác quan và bằng sự ngưỡng mộ.
Sau buổi tiệc hôm đó, về nhà tôi thuật lại cho bà xã nghe trong buổi tiệc có món "mắm đùm" ai cũng khen ngon đáo để.
Thế là thỉnh thoảng bà nhà tôi lại ra chợ mua mắm về chế biến, mọi người quay quần bên mâm cơm đoàn tụ với món mắm đùm thơm ngất ngây.
THÀNH HIỆP
Sướng hung với món bún nghệ chợ Đông Hà Bún nghệ đơn giản chỉ là bún xào với nghệ giã ra, xào chung với lòng, tiết, gan, nội trường, dồi heo..., rắc thêm hành lá và lá hẹ cùng với củ nén, tất cả trộn chung vào một cái nồi hoặc cái thau nhôm đặt trên một cái bếp than nhỏ để giữ nóng. Thau bún nghệ của cô bán bún, gồm...