“Chặn” trước kiểu thị trường bất động sản như hiện nay
Lợi ích nhóm trong đầu cơ đất đai vừa qua cơ bản thể hiện ở việc giao đất để làm các dự án khu đô thị mới, bán nhà thương mại, dẫn đến hệ quả là thị trường bất động sản như hiện nay. Việc đó tới đây sẽ được ngăn chặn”…
Bộ trưởng TN-MT (cơ quan chủ trì soạn thảo luật Đất đai sửa đổi) Nguyễn Minh Quang trao đổi về những điều chỉnh mới nhất trong dự thảo luật.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội dành thời lượng thỏa đáng với trọn ngày làm việc hôm nay (17/6) để thảo luận, xem xét lần cuối trước khi thông qua tại kỳ họp này theo dự kiến. Đến thời điểm này, quan điểm về việc thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội có điều chỉnh, thay đổi gì, thưa Bộ trưởng?
Vấn đề này, luật sửa đổi quy định rất rõ là những dự án kinh tế xã hội sẽ xét cụ thể xem gồm những gì, tên thế nào, ví dụ, dự án làm khu kinh tế, khu nhà ở xã hội, một số dự án ODA… tức liệt kê cụ thể từng dự án để xem tính chất của nó là gì. Nếu muốn có đất do nhà nước thu hồi, xin mời các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, hoặc tham gia đấu giá đất.
Có thể khái quát tiêu chí mỗi dự án phải đảm bảo để được đưa vào diện được thu hồi đất?
Các dự án muốn được thu hồi cần thể hiện ở các nội dung như phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, có nghĩa dù là dự án kinh tế nhưng cũng là để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì nhà nước sẽ thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế khác thì doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận với người dân.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang: “Hiện các nhà đầu cơ đang lún sâu khi bất động sản không bán được, sẽ không còn giá đầu cơ lũng đoạn thị trường” (ảnh: Việt Hưng).
Nói như Bộ trưởng thì trường hợp các dự án làm khu đô thị mới – một trong những “cơn cớ” gây hiện tượng khiếu kiện đất đai nóng bỏng vừa qua vẫn tiếp tục được hưởng cơ chế thu hồi đất?
Dự án loại đó cũng có thể thấy là thuộc diện các dự án phục vụ lợi ích công cộng, chúng ta vẫn có thể thu hồi đất được. Nhưng nói chung phải làm rất chặt chẽ. Vừa qua chúng ta đã “thả” ra nhiều làm nhiều người cho rằng DN đang được hưởng lợi lớn trong khi người mất đất không được đáng bao nhiêu lợi ích. Cơ bản, dự thảo lần này sẽ khắc phục được những tồn tại của luật cũ.
Quy định về việc thu hồi đất trong luật Đất đai đang xây dựng như vậy có gì vênh so với quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần này?
Theo tôi không vênh gì. Hiện cũng có ý kiến cho rằng chờ thông qua Hiến pháp rồi hãy thông qua luật Đất đai sửa đổi nhưng chúng tôi vẫn đề nghị với Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp này vì thực ra Hiến pháp hiện nay xây dựng chỉ định ra những vấn đề chung nhất thôi, không đi vào cụ thể, để cho luật quy định. Chế độ sở hữu và cơ chế thu hồi đất là hai vấn đề lớn nhất thì đã không còn phải bàn cãi nên ban hành luật đất đai lúc này là phù hợp, không vênh với Hiến pháp sau này.
Video đang HOT
Nhưng rõ ràng, dự thảo hiến pháp mới nhất đã thống nhất quan điểm không thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội. Luật Đất đai thì lại phân tách để chia các dự án này về các nhóm các dự án để phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… Nhiều ý kiến cho rằng đây là một cách lách của cơ quan soạn thảo?
Không có gì lách vì đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của luật. Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề chung, không thể đi vào những việc quá cụ thể.
Vậy làm sao tách bạch giữa dự án thuần túy kinh tế với dự án có cả yếu tố xã hội để có thể loại trừ việc thu hồi đất cho nhiều loại dự án vốn đang gây bức xúc lâu nay, thưa Bộ trưởng?
Danh mục các dự án kinh tế xã hội đã được nêu đầy đủ, trong luật cũng sẽ nêu. Ví dụ dự án lớn của nhà nước như làm khu kinh tế, khu công nghiệp… thì nhà nước thu hồi. Nhưng dự án chế biến nông sản, thủy sản chẳng hạn, nếu không vào khu công nghiệp thì phải tự thỏa thuận với dân.
Một vấn đề cũng không kém phần “nóng bỏng” trong khiếu kiện đất đai là việc giá cả đền bù khi thu hồi đất. Lần này vấn đề giá đền bù, bồi thường thu hồi đất sẽ được giải quyết thế nào, nguyên tắc là “sát giá thị trường” hay “phù hợp với thị trường”?
Về cơ bản sẽ là phù hợp với thị trường, khung giá bảng giá thì cũng có tính đến việc ấy. Còn nói đến vấn đề thị trường, thực tế, giờ thị trường của chúng ta không ổn định chút nào. Thị trường của ta là thị trường nóng, thị trường đầu cơ nên cứ nói giá thị trường nhưng lại là thị trường không chuẩn như vậy thì làm sao xây dựng giá chính xác được. Thị trường phải xác định là trong điều kiện ổn định, bình thường, loại bỏ yếu tố đầu cơ ra.
Vậy nên tới đây sẽ có tổ chức về tư vấn giá. Tổ chức định giá phải là tổ chức độc lập. Xác định giá đất do tổ chức tư vấn giá làm còn quyết định mức giá cụ thể là do UBND địa phương xem xét trên cơ sở hoạt động tư vấn giá.
Như vậy có nghĩa là vẫn chưa khắc phục được chênh lệch giữa khung bảng giá và giá giao dịch thực tế?
Việc này vẫn phải trở lại với vấn đề giá thị trường thế nào chứ rõ ràng vừa qua giá thị trường cơ bản là giá đầu cơ và chúng ta không thể theo cái đó được.
Hiện tại, các nhà đầu cơ đang lún sâu khi bất động sản không bán được, không ai nhảy vào đấy nữa thì làm sao có giá đầu cơ được. Tất nhiên giá nhà nước phải quy định nhưng là trên cơ sở tham khảo thị trường (thị trường trong điều kiện ổn định, bình thường).
Được biết, 2 mục đích lớn của lần sửa luật Đất đai này là nhằm giảm khiếu kiện và ngăn ngừa lợi ích nhóm. Mấu chốt nào trong luật có thể giúp giải quyết bài toán cho 2 mục tiêu này?
Như tôi đã nói, trong cơ chế thu hồi đất, những bất cập của luật cũ giờ sẽ được khắc phục cơ bản. Ngoài ra, đối với vấn đề khiếu kiện, có một nội dung rất quan trọng đặt ra hiện giờ là hoàn thành việc cấp sổ đỏ vì nó liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân. Vừa rồi người dân vì không có sổ đỏ, không có được chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi bị thu hồi thường thiệt thòi, không được chấp nhận đền bù nên tất yếu người ta sẽ khiếu kiện.
Khi không có sổ đỏ, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thường chỉ chấp nhận hỗ trợ người mất đất ở mức nhất định, còn có sổ đỏ là được bồi thường 100% giá trị. Nếu cấp được hết sổ đỏ, chúng ta sẽ quản lý được và vấn đề này sẽ được giải quyết. Hiện việc này cũng còn rất khó khăn vì đang thiếu tiền nhưng chúng ta sẽ phải làm.
Bộ trưởng có tin luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ chặn được lợi ích nhóm?
Lợi ích nhóm trước đây, cơ bản thể hiện ở việc giao đất để làm các dự án khu đô thị mới, bán nhà thương mại nên dẫn đến hệ quả là thị trường bất động sản như hiện nay mà chúng ta đều hiểu. Việc đó sẽ được ngăn chặn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Thu hẹp tối đa dự án kinh tế xã hội được thu hồi đất
Không thực hiện "trưng mua" thay cho "thu hồi đất", không bác bỏ việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội nhưng thu hồi cho các dự án này theo hướng thu hẹp, chỉ áp dụng với các dự án được quyết định bởi Quốc hội, Thủ tướng, HĐND tỉnh...
(Ảnh minh họa)
Đây là những điểm mới nhất được chỉnh lý, tiếp thu trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến hôm nay, 17/6. Một nội dung quan trọng trong dự thảo mới nhất là về việc thu hồi đất.
Trước hết, với đề nghị không sử dụng khái niệm thu hồi mà dùng từ "trưng mua", UB Thường vụ Quốc hội không tán thành. Ý kiến này cho rằng, quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Cơ quan giải trình lập luận, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Thu hồi đất là một trong những biểu hiện của quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước đối với đất đai, cùng với các quyền khác như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định giá đất, trao quyền sử dụng đất...
Khái niệm trưng mua, trưng dụng tài sản, theo UB Thường vụ Quốc hội cũng chỉ áp dụng trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không thể thực hiện "trưng mua" thay cho "thu hồi" đất" - báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý nêu rõ.
Đối với nội dung đề xuất không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, UB Thường vụ Quốc hội "bật" lại, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đó, các dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ vẫn được thu hồi đất nếu thuộc nhóm liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được HĐND cấp tỉnh thông qua; các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ TN-MT, UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của Luật khoáng sản.
Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
Cơ quan giải trình tiếp thu ý kiến đề xuất không quy định nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vì nếu cần, các dự án này cũng được xếp nằm trong nhóm các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo hướng không mở rộng hơn luật hiện hành. Cụ thể, chỉ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng Nhà nước mới thu hồi đất. Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì lồng ghép trong mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
UB Thường vụ Quốc hội nhận định, quy định về các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án dạng này. Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất trong các trường hợp được quyết định bởi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn có tính xã hội, có lợi ích quốc gia, công cộng.
Đối với lo ngại cho phép HĐND tỉnh quyết định các dự án phát triển kinh tế, xã hội để làm căn cứ thu hồi đất là quá rộng, có nguy cơ làm thay đổi cơ bản quy hoạch sử dụng đất, UB Thường vụ Quốc giải thích, quy định này đã ràng buộc điều kiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc nhóm do cấp tỉnh thông qua đã thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Còn quy định "các dự án khác" đặt ra trong dự thảo Luật là do không thể liệt kê hết các công trình, dự án phát sinh trong quá trình thực hiện (ví dụ, dự án xây dựng công trình sự nghiệp về y tế, giáo dục, thể thao, du lịch có nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước...). Do đó, cần quy định "ướm trước" để bảo đảm sự linh hoạt trong việc thực hiện, phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Với ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể nhằm đảm bảo sự tham gia của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan giải trình cũng ghi nhận, tiếp thu. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định trong trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội có sự tham gia của người dân trong việc thông báo kế hoạch thu hồi đất, lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 2, khoản 3 Điều 70).
Cuối cùng, UB Thường vụ Quốc hội trấn an những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nguồn vốn khi quy định nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm để tạo quỹ đất "sạch" và đưa ra đấu giá, đấu thầu. Theo đó, để "lo" việc này, luật đã thiết kế điều luật quy định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất có nguồn tài chính được huy động từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, BT, BOT, PPP... để tạo nguồn tài chính dùng cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo Dantri
Vụ Sonadezi xả thải: Thêm 40 hộ dân khiếu kiện đòi bồi thường Gần 40 hộ dân tại lưu vực rạch Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai) tiếp tục gửi đơn kiện, đòi Công ty CP Sonadezi Long Thành phải bồi thường thiệt hại. Ngày 10/6, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, kiêm thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai về giải quyết...