Chặn sự bành trướng của Trung Quốc, quyết bảo vệ chủ quyền
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực
Thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông, dùng biển Đông làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược với Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đã và đang lợi dụng mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để bành trướng ở biển Đông.
Gặm nhấm biển Đông
Bằng vũ lực, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Tiếp đến, từ sau năm 1988, Trung Quốc, một mặt tiến hành đào bới, san lấp, xây dựng, biến 6 thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ vừa đánh chiếm năm 1988 thành các đảo nhân tạo rất lớn đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại. Mặt khác, họ tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven biển Đông để trước mắt muốn thực hiện thủ thuật “biến không thành có”, “biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp”, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, Bãi Cỏ Mây…
Đáng chú ý là Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, Bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý.
Gần đây nhất, theo thông tin chính thức của Việt Nam ngày 19-7, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về diễn biến ở khu vực biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tố cáo hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được phép là phi pháp, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012. Cụ thể là quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển Ảnh: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Bình tĩnh và kiên quyết
Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
Video đang HOT
Hơn nữa, xin lưu ý rằng theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện, đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp… Chẳng hạn, điều 73, UNCLOS 1982, quy định:
- Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng công ước.
- Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này.
- Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.
- Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.
Như vậy, có thể thấy rằng khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam phải thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó, chứ không thể xử lý theo cảm xúc, chủ quan, chưa kể nếu không cẩn thận, có thể bị mắc bẫy của đối phương khi họ kiếm cớ để gây khủng hoảng dẫn tới đụng độ, nhằm nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu chiến lược của họ.
Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Nam Sa thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Nhưng lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế La Haye năm 2016 bác bỏ.
————————————-
Đấu tranh ngoại giao, pháp lý cao hơn
Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao nội dung có liên quan đến biện pháp đấu tranh ngoại giao và phương thức ứng xử trên thực tế của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương 8.
Về đấu tranh ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xảy ra vi phạm và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Thực hiện chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên biển, tôi tin rằng Việt Nam sẽ còn áp dụng hình thức và mức độ đấu tranh ngoại giao, pháp lý cao hơn, không loại trừ khả năng đưa vụ việc này lên các tổ chức quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế xem xét giải quyết. Nội dung các văn kiện ngoại giao, theo tôi, cũng đã phản ánh đầy đủ lập trường nói trên của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể vì lý do nào đó, chúng không nhất thiết phải được công bố công khai. Đó là một thực tế thông thường trong cách ứng xử giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Dù công bố hay không, giá trị pháp lý vẫn không thay đổi.
Về những động thái ứng xử của các lực lượng chấp pháp tại hiện trường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho biết: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Theo PV (Người lao động)
Trung Quốc cố ý gây sự và bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông
Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc lại gây chuyện ở khu vực Biển Đông khiến Việt Nam và thế giới phải lên tiếng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đòi phía Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đó.
Bởi chúng không chỉ vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn gây lo ngại thật sự về an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Trung Quốc thậm chí còn mâu thuẫn với tinh thần và lời văn của những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc về thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung cũng như về định hướng cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông mà hai bên vẫn còn bất đồng quan điểm.
Cho tới nay, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu thuyền vũ trang cũng như không vũ trang vào khu vực thuộc chủ quyền quốc gia và quyền tài phán của Việt Nam được xác định và quy định theo luật pháp của Việt Nam, theo luật pháp quốc tế và theo Công ước của LHQ về luật biển. Lần này, Trung Quốc đưa tầu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng một số tầu có vũ trang và không vũ trang vào hoạt động dài ngày ở bãi biển Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo Công ước của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia ven biển có vùng nội thuỷ, sau đó là vùng lãnh hải 12 hải lý, sau đấy và vùng tiếp giáp 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vùng thềm lục địa 350 hải lý. Từ ranh giới giữa vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế trở ra được coi là không phận quốc tế, nhưng ở trên biển thì lại được quy định đặc biệt và cụ thể trong UNCLOS.
Theo UNCLOS, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có các quyền về chủ quyền cụ thể về thăm dò và khai thác, về quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nơi đây phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia khác trên thế giới khi đi vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển chỉ có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do đặt đường ống dẫn dầu hay đặt dây cáp ngầm ở vùng thềm lục địa.
Soi vào những quy định rất cụ thể và rõ ràng này thì chẳng hề khó khăn gì đối với người bình thường thôi chứ chưa nói đến đối với các chuyên gia về luật pháp quốc tế để thấy tàu thuyền Trung Quốc không phải không hiểu biết về luật pháp quốc tế nói chung và về UNCLOS nói riêng mà chủ ý vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS, không phải lần đầu tiên mà có hệ thống và bài bản cũng như gây sự như thế không phải là biện pháp duy nhất và cách thức duy nhất của Trung Quốc trong việc theo đuổi và thực hiện những mưu tính chiến lược và sách lược ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Tham vọng của Trung Quốc ở khu vực này biểu lộ rất rõ và Trung Quốc cũng không hề che đậy bởi mọi biện luận của Trung Quốc đều không có cơ sở, đều luôn phi lý và bên ngoài không thể chấp nhận được. Dù vậy, Trung Quốc hành xử rất nhất quán và kiên định, càng ngày càng quyết liệt và tinh vi. Một trong những cách thức được Trung Quốc thực hiện thường xuyên nhất là xua tàu đánh cá và tầu thăm dò tài nguyên đi trước, được hộ tống bởi tàu thuyền có vũ trang và khi cần thì tất cả đều cùng nhau xung trận. Tàu Hải Dương 8 là động thái mới đây nhất và chắc chắn sẽ không phải cuối cùng của Trung Quốc.
Ở đây có thể thấy Trung Quốc càng đuối về pháp lý quốc tế thì càng cố tình bất chấp pháp lý quốc tế. Trung Quốc duy trì việc gây chuyện ở khu vực Biển Đông để nuôi cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực, để tạo tiền lệ và sự đã rồi ở khu vực và dùng chúng để chống chế với tình trạng bị phản đối và cô lập trên thế giới vì vi phạm và bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực. Trung Quốc chủ ý làm cho khu vực này luôn bắt an và bất ổn vì như thế mới có lợi nhất cho Trung Quốc trong việc duy trì và thúc đẩy tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực, vì như thế giúp Trung Quốc phân rẽ nội bộ Asean và đánh tỉa từng bên bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trực tiếp.
Trung Quốc thừa biết rằng tất cả các bên này đều không thể đối phó và đáp trả Trung Quốc như Mỹ có thể và đang đối phó và đáp trả Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cho thấy DOC hay rồi đây cả COC thuần tuý không thôi chưa thể đủ để buộc Trung Quốc chấm dứt những hoạt động phi pháp, xâm hại trực tiếp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Một khi Trung Quốc luôn sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế như thế thì DOC hay cả COC nữa đâu có thể là trở ngại đáng kể gì đối với tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với Trung Quốc và luôn mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Nhưng chuyện nào ra chuyện đấy. Việt Nam không thể không thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ và kiên quyết khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị bên ngoài xâm hại, khi hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông bị đe doạ và làm cho trở nên tồi tệ đi. Trung Quốc phải chấm dứt ngay mọi hành động đi ngược lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực và của các đối tác bên ngoài ở khu vực này, chấm dứt ngay và hoàn toàn mọi hành vi vi phạm UNCLOS và bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực này.
Theo Danviet
Quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông Là quốc gia ven biển, Việt Nam có quyền chủ quyền trong khai thác dầu khí, khoáng sản trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong những ngày qua, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị...