Chặn đường lây lan bệnh bạch hầu
Theo các chuyên gia y tế, tại nước ta, kể từ những ca bệnh cuối cùng thập niên 80 thế kỷ trước, cho đến năm 2015 mới bùng phát trở lại dịch bạch hầu tại Quảng Nam và mới đây tiếp tục bùng phát tại các tỉnh Tây Nguyên với trên 100 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong khiến người dân lo lắng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em.
Những triệu chứng cơ bản
Chiều 3/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết: Trên địa bàn huyện đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên. Như vậy Lâm Đồng đã trở thành tỉnh cuối cùng có người mắc dịch bệnh bạch hầu ở khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Bệnh nhân là nữ 21 tuổi, dân tộc Mông, cư trú tại Tiểu khu 181, thôn 3, xã Liêng Srol. Hiện tại, ca bệnh đang được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông. Ghi nhận đến thời điểm này, khu vực Tây Nguyên có 5 tỉnh là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng có bệnh bạch hầu đang bùng phát, trong đó 3 trường hợp đã tử vong.
Theo GS.BS Nguyễn Thanh Bảo- Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn. Thông thường trẻ em từ 1 đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.
Video đang HOT
Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận. Thậm chí vi khuẩn tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.
Vi khuẩn C. diphtheriae gây nên bệnh bạch hầu. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào hầu họng những người chưa có miễn dịch chống bệnh bạch hầu, chúng sẽ sinh sôi ở vùng hầu họng, tiết ra độc tố làm chết tổ chức, tạo thành các mảng màu trắng. Độc tố bạch hầu cũng có thể vào máu gây nhiễm độc toàn thân.
Người bệnh bạch hầu ho, hắt hơi sẽ làm bắn ra những giọt nhỏ mang vi khuẩn. Nếu một người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu hít phải những giọt này thì có thể mắc bệnh. Một số rất hiếm các trường hợp có thể lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc. Thường một người bệnh nếu không được điều trị có thể gây phát tán vi khuẩn trong vòng 2 tuần, thậm chí có thể đến 4 tuần. Một số ít người mang vi khuẩn mạn tính có thể phát tán mầm bệnh đến tận 6 tháng.
Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.
Nguy cơ tử vong cao
PGS.TS Nguyễn Văn Kính- nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người bệnh sẽ phát bệnh. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, sẽ có các biểu hiện khác nhau:
Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám thầy thuốc có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
Bệnh bạch hầu họng và amiđan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng, khi màng giả lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường thở. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.
Cũng theo PGS Kính, hai thể thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là bạch hầu họng và thanh quản, khi màng giả lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường thở. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể tác động lên các cơ quan chính của cơ thể gây viêm tim, viêm thận, liệt tay, chân, mắt lé, thay đổi giọng nói do bị ngọng thanh quản. Nếu độc tố mạnh, hấp thu lượng lớn có thể gây ra những biểu hiện nhiễm độc như phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê và có thể tử vong trong 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời. Các trường hợp tử vong còn lại, vẫn theo ông Kính, chủ yếu do các biến chứng viêm cơ tim, viêm thận do vi khuẩn theo máu tấn công các cơ quan này.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh nhưng có thể muộn hơn 3 đến 5 tuần dù bệnh đã phục hồi. Khi viêm cơ tim sẽ gây tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim khiến bệnh nhân tử vong đột ngột do trụy tim mạch. Biến chứng ở giai đoạn đầu thường nặng hơn, tiên lượng rất dè dặt, điều trị khó khăn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay chân, nói ngọng hoặc giọng nói thay đổi.
Khi phát hiện trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần chú ý thực hiện các biện pháp ngừa biến chứng do độc tố của vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân cần được tiêm ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tác động lên tim, thận và hệ thần kinh. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp để trị dứt điểm.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin cho trẻ 3 lần từ khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng. Sau một năm thì tiêm nhắc lại, sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. GS.BS Nguyễn Thanh Bảo khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm. Nếu thầy thuốc phát hiện có lớp màng giả màu trắng ở vòm họng nghi ngờ bị bệnh bạch hầu sẽ chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn ngừa biến chứng.
Phòng bệnh bạch hầu: Hiệu quả nhất là tiêm vắc xin
Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu (vắc xin Td) năm 2020 - 2021 cho trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 ở 35 tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung và chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Đợt này, trên toàn tỉnh có hơn 21.150 trẻ sẽ được tiêm bổ sung một mũi vắc xin Td. Thời gian triển khai tiêm dự kiến trong quý IV/2020 và đầu năm 2021. Nguồn vắc xin do Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp. Các đơn vị đang tổ chức tập huấn, điều tra đối tượng, truyền thông, in ấn biểu mẫu...
Tập huấn cho cán bộ y tế về phòng, chống bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Người bệnh và người lành mang vi khuẩn vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Đối vơi người bệnh, thời kỳ mắc và lây bệnh có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể kéo dài từ vài ngày đến 3 - 4 tuần. Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; tốc độ lây lan vi khuẩn bạch hầu rất nhanh, có thể xâm nhập qua da. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, người bệnh thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Theo đó, những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu gồm người không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc xin bạch hầu; bị các rối loạn miễn dịch (như nhiễm HIV/AIDS); sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp...
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh được điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến, từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin Td phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch. Cụ thể: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ hai sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ ba sau mũi thứ hai 1 tháng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, trẻ phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bệnh bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp Tính đến ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong đó Gia Lai có 20 trường hợp. Cần tiêm vaccine để phòng chống bệnh bạch hầu. Chiều 22/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 19 dương tính với vi...