Chân dung “vua giống nếp” miền Tây
Không những được biết đến là một ND có nhiều năm tâm huyết sản xuất lúa giống, ông Từ Bá Đạt – hội viên Hội ND ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) còn được người dân trong vùng mệnh danh là “vua giống nếp”. Bởi ông là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo thành công giống nếp thơm đặc sản.
LTS: Với các cấp Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), hội viên nòng cốt chính là những cán bộ, nông dân có trách nhiệm với tổ chức Hội ND, dám nghĩ, dám làm và năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh. Suy nghĩ, hành động của những hội viên nòng cốt đã tác động, lôi cuốn, cổ vũ phong trào, làm lợi cho cộng đồng… Trong chuyên đề Những nông dân “hạt giống đỏ”, NTNN xin giới thiệu một số chân dung nhà nông như thế.
Từ ông tổ trưởng nhiệt tâm…
Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được thành lập năm 2004, với 23 thành viên. Ban đầu tổ được Hội ND chủ trì thành lập với 2 loại hình sản xuất là trồng trọt và chăn nuôi. Về sau, nhận thấy phong trào sản xuất lúa giống tại địa phương phát triển mạnh, ông Đạt với cương vị là tổ trưởng đã mạnh dạn đề nghị Hội ND và các tổ viên chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực lúa giống.
Tổ hợp tác Thạnh Mỹ Tây do ông Từ Bá Đạt làm tổ trưởng cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống/năm cho thị trường. Ảnh: C.L
“Giống nếp thơm do anh Đạt nghiên cứu có chất lượng cao hơn các giống nếp khác tại địa phương, tuy nhiên để được công nhận thương hiệu giống cấp quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích anh Đạt nghiên cứu thêm để nâng cao năng suất, mở rộng diện tích trồng”. Ông Lương Hoàng Tuấn – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú.
Ông Đạt kể, năm 2004, ông được Trạm Khuyến nông huyện mời tham dự lớp kỹ năng chọn tạo giống lúa. Sau đó ông lại tiếp tục được học lớp nâng cao ở Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Sau khóa học, ông hướng dẫn lại kỹ thuật cho tổ viên, cùng bà con mở rộng diện tích để cung cấp lúa giống cho ND trong vùng.
Đến năm 2005, THT nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Từ đó, thương hiệu lúa giống của THT có tên trong danh sách những nhà cung cấp giống hàng đầu của tỉnh, được ND nhiều nơi tin tưởng.
Ông Đạt chia sẻ: “Để cho hạt lúa giống được tốt hơn, anh em trong tổ bàn bạc mua một máy tách hạt. Khi ấy, máy tách hạt trên thị trường có giá 135 triệu đồng. Vì nguồn vốn của tổ khá eo hẹp nên tôi quyết định tự làm cái máy rẻ hơn. Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng máy cũng hình thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, với chi phí khoảng 100 triệu đồng…”.
Video đang HOT
Khi THT đã đi vào ổn định, cũng chính ông Đạt là người khởi xướng THT hoạt động với phương thức mới. Đó là các thành viên thu hoạch lúa giống giao cho tổ thực hiện các công đoạn sàng lọc, đóng bao và tiêu thụ, lợi nhuận sẽ trích lại 50% cho tổ. Ngoài ra, đối với lúa giống mà thành viên gieo trồng bằng phương pháp cấy, THT sẽ mua với giá cao hơn 10-15% so với giá lúa thương phẩm. Với cách làm này, chất lượng giống không những được đảm bảo mà lợi nhuận của ND cũng được nâng lên.
Sau nhiều năm cải tổ, sắp xếp, đến nay THT có 18 thành viên với 30ha lúa giống. Vốn điều lệ của tổ đến nay đạt hơn 500 triệu đồng, sản xuất và tiêu thụ khoảng 500 tấn lúa giống/năm, đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các tổ viên.
… đến “Vua giống nếp”
Không dừng lại ở đó, từ chuyện bức xúc tại sao nước ta luôn phải nhập nếp Thái trong khi điều kiện đất đai phù hợp để tự sản xuất, ông Đạt tiếp tục nghiên cứu để quyết tâm lai tạo thành công giống nếp thơm mới.
Sau gần 4 năm miệt mài với nhiều lần thử nghiệm, kết quả ông Đạt cho ra đời giống nếp có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng gây bất ngờ cho nhà nông trong vùng. Điều đặc biệt là năng suất giống nếp này vượt trội so với các giống nếp đặc sản của những vùng chuyên canh nếp ở An Giang, hay giống nếp ngoại nhập từ 1- 1,5 tấn/ha.
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, ông Đạt được Bộ NNPTNT tặng bằng khen ND sáng tạo năm 2009. Ông đạt được Hội ND công nhận danh hiệu ND sản xuất giỏi cấp tỉnh từ năm 2002 đến nay và nhiều hình thức khen thưởng khác…
Ông đặt tên cho giống nếp của mình là BĐ 1, sau đó đổi thành TMT 1, rồi chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều ND trong vùng. Kết quả là ở vụ đông xuân 2013-2014, những ND trồng thử giống nếp này trúng mùa với năng suất vượt trội 10 tấn/ha.
Mặc dù đứa con tinh thần của mình chưa được công nhận giống nếp ở cấp quốc gia, nhưng ông Đạt quyết tâm nuôi dưỡng và tiếp tục giữ gìn nó cho đến cùng. Ông Đạt cho biết, ưu điểm nổi trội của giống nếp thơm đặc sản TMT 1 là khá cứng cây, đẻ nhánh mạnh, kháng sâu bệnh tốt, thích hợp với vùng đất sản xuất 3 vụ/năm. Cơm nếp có mùi đặc trưng, thơm mùi lá dứa, dẻo và mềm. Thời gian sản xuất vụ đông xuân khoảng 97 ngày, hè thu và thu đông khoảng 100 ngày, năng suất từ 9-10 tấn/ha. Hiện ông Đạt đang nghiên cứu để giảm thời gian sinh trưởng của giống nếp còn 90 ngày.
Theo ông Đạt, việc sản xuất ra giống nếp đã khó, mất thời gian gần 4 năm, nhưng việc giống được công nhận còn khó hơn nhiều. Nhà nước nên tạo cơ chế đặc thù để công nhận những nghiên cứu giống của nông dân. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lúa nếp giống. Đề nghị Hội ND, ngành nông nghiệp, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để hợp thức hóa giống nếp, nhằm nhân rộng cho vùng sản xuất ĐBSCL, giúp ND làm giàu” – ông Đạt bày tỏ.
Theo Danviet
Vì sao Việt Nam lọt top 3 gạo ngon thế giới?
Lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới nhưng đến nay gạo Hạt ngọc trời vẫn chưa thể xuất khẩu nhiều sang thị trường các nước.
Gạo ngon thế giới nhờ chuỗi giá trị khép kín
Lần đầu tiên Việt Nam có loại gạo được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015 tại cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị gạo thế giới ở Malaysia hồi cuối tháng 10/2015. Đó là loại gạo mang tên Hạt ngọc trời số 3, được sản xuất từ giống lúa Lộc trời số 1 (tên cũ là AGPPS 103) của Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty CP BVTV An Giang). Tại vòng chung kết, loại gạo thơm California của Mỹ đoạt giải gạo ngon nhất giới và đứng thứ nhì là loại gạo Jasmine của Campuchia.
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm gạo của Tập đoàn Lộc Trời
Trao đổi với PV, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) đã xác nhận tin vui này. Ông cho biết thêm, đây là cuộc thi được The Rice Trader tổ chức hàng năm và tất cả các nhà nhập khẩu, xuất khẩu gạo trên thế giới đều có thể gửi mẫu tham gia.
Cũng theo PGS.TS Dương Văn Chín, để có được loại gạo chất lượng như Hạt ngọc trời số 3, tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư vào trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, tập hợp các nhà khoa học, di truyền chọn giống tạo ra những giống lúa cao sản ngắn ngày (3 vụ/năm) nhưng chất lượng không thua kém gì các giống lúa mùa của thượng nguồn sông Mekong như Thái Lan, Campuchia.
Mới đây, giống lúa Lộc Trời số 1 đã được Bộ NN&PTNT chính thức công nhận, giúp giống lúa này có thể được bán đại trà cho người dân.
Bên cạnh giống lúa Lộc Trời số 1, Tập đoàn Lộc Trời còn có 1 giống lúa chiến lược khác là Lộc Trời số 18 (tên cũ là AGPPS 140) với đặc điểm hạt gạo rất dài (trên 8 li), chất lượng cao. Hiện giống lúa này đã được giao cho Cục Trồng trọt khảo nghiệm.
PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, để có thương hiệu gạo ngon được thế giới công nhận trước hết phải có giống lúa đặc sắc của chính mình, mỗi giống lúa là một câu chuyện để Việt Nam có thể quảng bá, tiếp thị. "Nếu chúng tôi lấy một giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL thì gạo làm ra không đặc sắc do chất lượng không cao. Hơn nữa, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể lấy giống lúa đó khiến tính độc đáo không còn nữa", ông Chín ví dụ.
Thứ hai, doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu của riêng mình bằng cách hợp tác với địa phương, nông dân khoanh vùng đất đai phù hợp, sản xuất theo một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch đến phơi sấy, thu mua. Khi ấy chất lượng hạt gạo ra sao doanh nghiệp đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Điều tối kỵ là mua lúa trôi nổi bên ngoài, trộn lẫn nhiều loại với nhau bán kiếm lời.
Thứ ba, sự liên kết một cách thống nhất trong doanh nghiệp. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành chuyên tạo ra giống mới, đăng ký với Bộ NN&PTNT để được công nhận tên giống, Tập đoàn Lộc Trời còn có 1 trung tâm nhân giống, sản xuất và kinh doanh hạt giống là Trung tâm sản xuất giống Bình Đức ở TP Long Xuyên (An Giang) chuyên cung cấp hạt giống cho vùng nguyên liệu của tập đoàn và bán ra ngoài cho người dân. PGS Chín khẳng định, sự liên kết trong tạo giống mới, nhân giống, trồng trên vùng nguyên liệu đại trà, thu mua, đến chế biến... giúp doanh nghiệp nắm rõ nguồn gốc hạt gạo, chủ động được tất cả các khâu.
Giá cao nhưng chưa thể bán nhiều
Cho đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu các loại gạo Jasmine, Hạt ngọc trời số 3 sang 36 nước, trong đó có Nhật, Mỹ, Úc, New Zealand, các nước châu Âu, Hongkong, Dubai... Tổng sản lượng gạo xuất khẩu năm 2014 đạt 150.000 tấn. Gạo Hạt ngọc trời số 3 được bán ở trong nước với giá 17.000-18.000 đồng/kg, còn xuất khẩu với giá "ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn các giống Jasmine của các doanh nghiệp xuất khẩu khác" với mức 550-600 USD/tấn, PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.
Ngoài ra, gạo Hạt ngọc trời số 2 cũng cháy hàng trong nội địa với giá bán 23.000 đồng/kg nên doanh nghiệp chưa tính đến chuyện xuất khẩu.
Để giới thiệu gạo ngon đến các thị trường, Lộc Trời sử dụng mạng lưới phân phối trong toàn quốc. Các mẫu gạo đều có trong các đại lý, siêu thị, người dân có thể tới ăn thử. Còn với nước ngoài, khi các đoàn quốc tế, kể cả các nhà kinh doanh gạo quốc tế đến thăm, Lộc Trời nấu cho họ ăn trực tiếp để biết chất lượng gạo ra sao.
Một cách quảng bá thương hiệu gạo khác là qua internet. Các khách hàng của Lộc Trời thường yêu cầu gửi mẫu khoảng 1-2kg ra nước ngoài ăn thử, khi thấy hợp khẩu vị họ sẽ đặt hàng.
Gạo ngon thế nhưng khối lượng xuất khẩu chưa nhiều do hiện nay mới chỉ được trồng trong vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời với diện tích khoảng 10.000ha. PGS.TS Dương Văn Chín bày tỏ mong muốn "chỉ cần 70/140 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo như Tập đoàn Lộc Trời, chỉ làm một giống duy nhất như giống Lộc trời số 1 chẳng hạn, Việt Nam sẽ có hàng triệu ha lúa và hàng triệu tấn gạo chất lượng gạo. Khi đó, gạo Việt Nam mới có thương hiệu. Còn nếu cứ duy trì cách làm như bây giờ - ngồi chờ Nhà nước phân bổ quota xuất khẩu, rồi gom gạo trôi nổi của thương lái, trộn lẫn nhiều loại vào nhau, bán với giá rẻ mạt để kiếm lời thì đừng mơ có thương hiệu".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi nhiều doanh nghiệp cùng thống nhất tập trung vào một nhóm giống cùng đặc tính, có chất lượng cao thì Việt Nam không cần xuất khẩu nhiều, chỉ 3-4 triệu tấn/năm thay vì 6-7 triệu tấn/năm nhưng giá trị thu về cao hơn rất nhiều.
Theo Báo Đất Việt
Người lưu giữ giống lúa dâng thần Ngoài canh tác các loại giống lúa mới, ông Pinăng Bưu, ở thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, H.Bác Ái (Ninh Thuận) còn gieo thêm diện tích lúa rẫy để lưu giữ nguồn giống truyền thống của dân làng. Lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Raglai Bác Ái - Ảnh: BTNT Giống lúa rẫy (Pa Dhai Vanh) của đồng bào...