Chân dung thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi tại Hồng Kông
Bị báo giới Trung Quốc miêu tả là một “kẻ cực đoan” và một “tên hề”, nhưng chàng thanh niên 17 tuổi Joshua Wong vẫn đang cố gắng lãnh đạo tiến hành một cuộc cách mạng xã hội.
Wong sống tại Hồng Kông, một thành phố từng thuộc quyền kiểm soát của Anh cho tới năm 1997, và hiện là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng loại trừ những sự kiểm soát đã được hai bên thống nhất khi chuyển giao quyền lực, điều mà những thanh niên như Wong đang biểu tình phản đối.
Joshua Wong (áo đen) diễn thuyết trước đám đông
“Người dân không nên sợ chính phủ của họ”, Wong trích dẫn một lời thoại trong bộ phim “V for Vendetta”. “Chính phủ mới là người phải sợ người dân của họ”.
Tuy nhiên không phải chờ tới làn sóng biểu tình hiện tại chàng thanh niên 17 tuổi này mới hoạt động chính trị. Khi mới 15 tuổi, Wong cùng một số người bạn đã lập nên một nhóm gọi là “Chủ nghĩa học giả” với mục tiêu giúp học sinh sinh viên có tiếng nói chính trị.
Video đang HOT
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với một tờ báo Hồng Kông, Wong nói: “Ngay cả khi học sinh còn vị thành niên, chưa có nghề nghiệp và không có địa vị xã hội, họ vẫn có một vai trò trong việc can dự vào các chính sách của chính phủ”.
Và ngay lập tức phong trào của Wong đã có tác động tới đời sống chính trị Hồng Kông. Năm 2012, nhóm này đã dẫn đầu một cuộc tuần hành của 120.000 học sinh sinh viên, giúp xóa bỏ chương trình giáo dục quốc gia thân Trung Quốc bằng cách chiếm đóng các trụ sở chính quyền.
Các nhà lãnh đạo đã buộc phải từ bỏ kế hoạch trên, vốn được thiết kế để dạy học sinh về sự “tiến bộ, đoàn kết và vị tha” của đảng cộng sản Trung Quốc.
Nay, hai năm sau, chàng thanh niên này đang lãnh đạo các cuộc biểu tình chống lại một quyết định, theo đó Trung Quốc sẽ chọn bất kỳ ứng viên nào cho cuộc bầu cử tại đặc khu này.
Năm 2007, Trung Quốc từng hứa hẹn với cư dân Hồng Kông rằng họ sẽ được trao “quyền bầu cử rộng rãi” – theo đó mọi người đều có quyền bầu cử. Điều này đã xảy ra, nhưng thực tế các cử tri chỉ có thể lựa chọn từ một danh sách các ứng viên do giới lãnh đạo Bắc Kinh chọn sẵn.
Trung Quốc cho rằng việc trao quyền bỏ phiếu trực tiếp, rộng mở sẽ gây ra “bất ổn xã hội”.
Wong tin rằng học sinh cũng cần quan tâm tới chính trị
Wong thì tin rằng Hồng Kông chỉ được hưởng sự “bán dân chủ”, và kêu gọi các học sinh khác “quan tâm nhiều hơn” tới chính trị. Cậu khẳng định học sinh là những người hoàn hảo để truyền đi thông điệp đó bởi họ, về bản chất là những người “duy tâm”.
Thông điệp của Wong là rõ ràng, cậu muốn một xã hội tự do, nơi mọi người đều có cơ hội để cử và bỏ phiếu cho các ứng viên tiềm năng vào vị trí lãnh đạo Hồng Kông. Nói một cách đơn giản, Wong muốn có dân chủ.
Chàng thanh niên này khẳng định biểu tình hòa bình là lý tưởng, nhưng đôi khi cũng cần phải dùng biện pháp “bất phục tùng dân sự”. Do đó, cậu và các bạn mình đang phong tỏa trung tâm Hồng Kông bằng cách từ chối đi học, mà thay vào đó là xuống đường.
Các cuộc biểu tình ban đầu do phong trào Chiếm đóng trung tâm lên kế hoạch tiến hành vào tuần này, nhưng các thành viên của họ đã gia nhập đoàn biểu tình sớm hơn.
“Thay vì khuyến khích học sinh tham gia, chúng tôi lại được chính học sinh khuyến khích tham gia”, Benny Tai, một trong những nhà tổ chức chính của phong trào Chiếm đóng trung tâm cho biết. “Chúng tôi thực sự xúc động bởi hoạt động của học sinh”.
Nhưng Wong giờ đã chính thức bị xem như một mối đe dọa tới an ninh của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cậu là một trong số 78 người bị bắt sau khi dẫn đầu một đoàn biểu tình tiến vào các trụ sở chính phủ. Wong bị giam giữ trong suốt hơn 40 giờ mà không bị buộc tội.
Chính phủ cho rằng việc phóng thích chàng thanh niên này sẽ làm ảnh hưởng tới công việc điều tra, tuy nhiên tòa án đã bác bỏ ý kiến này. Tòa khẳng định việc bắt giữ là hợp pháp, nhưng giam giữ Wong lâu hơn là bất hợp pháp. Do đó công an đã phải thả nhà hoạt động trẻ tuổi, nhưng vẫn bảo lưu quyền truy tố hoặc tái bắt giữ.
Lo lắng mạng điện thoại di động có thể bị ngừng hoạt động, Wong đã kêu gọi những người ủng hộ dùng một phần mềm có tên Firechat, cho phép mọi người liên lạc mà không cần internet.
Bất chấp việc phải rời nơi giam giữ trong tình trạng bầm tím và mệt mỏi, Wong vẫn tuyên bố sẽ trở lại cùng các bạn “tham gia cuộc đấu tranh”.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ BBC