Chân dung nhóm đội mác “giám đốc trúng thưởng” lừa thẻ cào
Các đối tượng thường sử dụng sim rác gọi vào các số máy bất kỳ, thường là các thuê bao có 11 chữ số bởi theo chúng nhận định thì những người dùng số điện thoại này phần lớn là người nghèo, học sinh, sinh viên… nên sẽ dễ bị lừa hơn.
“Cào” đến nông dân nghèo
Những tháng đầu năm 2013, công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) liên tiếp nhận được đơn trình báo của các bị hại về việc bị các đối tượng sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) gọi điện, nhắn tin thông báo trúng thưởng tại các cuộc bốc thăm trúng thưởng của nhà mạng, với cơ cấu giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng, sau đó lừa nạn nhân cào thẻ nạp vào tài khoản để chiếm đoạt.
Nạn nhân đầu tiên trình báo là anh D.C.Đ. (SN 1963, trú tại xóm 8, xã Nam Lĩnh, Nam Đàn). Theo anh Đ., đầu tháng 1/2013, anh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây bên kia nói giọng Bắc thông báo với vẻ hồ hởi: “Chúc mừng quý khách đã trúng thưởng 180 triệu đồng trong chương trình bốc thăm may mắn dịp đầu năm của Công ty viễn thông Viettel. Quý khách cần phô tô chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đoàn trao thưởng, đoàn nhà báo quay phim truyền hình đến đưa tin…”.
Chị Cao Thị Hà – một nạn nhân trong vụ lừa đảo trúng thưởng bằng thẻ điện thoại
Trong điện thoại, người này cũng đề nghị anh Đ. thanh toán các chi phí phụ nhận giải bằng cách mua thẻ cào Viettel, gửi lại mã số cho chúng tôi và không thông báo cho ai biết việc mình đang trúng thưởng để tránh ồn ào dư luận.
Là những người nông dân chân đất, lần đầu tiên nghe đến số tiền lớn, lại có đầy đủ tên tuổi nhà báo, ban bệ về trao giải khiến anh Đ. mừng rỡ, vừa thậm thà thậm thụt đi mua thẻ cào điện thoại vừa chuẩn bị quét dọn nhà cửa để chờ “khách quý”.
Sau khi lần lượt nộp nhiều thẻ cào với các mệnh giá khác nhau, anh Đ. tiếp tục nhận được điện thoại của một người khác tự dưng là giám đốc của công ty, sẽ đến trao giải thưởng cho gia đình trong vài ngày tới khiến cả gia đình thấp thỏm, hy vọng và chờ đợi.
Tuy nhiên, đến ngày hẹn nhưng không thấy khách ở đâu, anh Đ. gọi lại thì thuê bao kia tắt máy. Biết mình bị lừa, anh Đ. trình báo sự việc lên công an huyện NamĐàn. Tổng số tiền anh Đ. đã mua thẻ cào và nộp cho bọn lừa đảo là 3,8 triệu đồng.
Người dân dễ sập “bẫy” của các đối tượng lừa đảo vì hám lợi và cả tin
Cùng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” như anh Đ., chị N.T.T ở xóm 3, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn cũng bị lừa đảo 5 triệu đồng. Hay như chị Thủy ở (xóm 8, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn) bị lừa trúng thưởng từ chương trình khuyến mãi của ngân hàng V. với cơ cấu giải thưởng 40 triệu đồng tiền mặt, 1 xe máy và 1 điện thoại iPhone 5. Chị Thủy đã làm theo hướng dẫn, mua thẻ cào để nộp cho “tổng đài”, nộp tiền xong, “tổng đài” tắt máy và “thuê bao không liên lạc được”.
Video đang HOT
Phần lớn các nạn nhân “sập bẫy” kiểu lừa đảo này đều là người có trình độ hiểu biết ít, thiếu cảnh giác lại hám lợi trước phần thưởng lớn trong khi chưa tìm hiểu kỹ càng giải thưởng mà mình nhận từ đâu mà có?
Lật mặt những giám đốc, nhân viên trao thưởng “rởm”
Sau khi tiếp nhận thông tin từ các nạn nhân, Công an huyện Nam Đàn đã lập chuyên án “413T” do đại úy Nguyễn Đức Kiên, Đội phó Đội cảnh sát điều tra hình sự công an huyện Nam Đàn làm trưởng ban tiến hành điều tra.
Hai đối tượng Phạm Văn Cương và Phạm Văn Công dùng “chiêu” giả làm nhân viên, giám đốc trao thưởng lừa thẻ cào của người dân
Theo đại úy Kiên, khó khăn lớn nhất của ban chuyên án là các nạn nhân và đối tượng gây án chưa hề gặp nhau, chỉ nghe qua giọng nói lơ lớ, nửa Bắc, nửa Nam nên không thể dựng được đối tượng nghi vấn. Các số điện thoại được sử dụng để lừa đảo đều là sim rác, chỉ dùng trong một thời gian ngắn rồi vứt và không rõ thông tin đăng ký cũng gây nhiều khó khăn cho ban chuyên án.
Sau một thời gian sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án xác định nhóm đối tượng gây ra các vụ lừa đảo được định vị tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Một nhóm trinh sát được cử vào nằm vùng tại địa bàn một số xã của huyện này.
Khi đã nắm được lịch trình hoạt động, thủ đoạn và các chiêu lừa đảo của nhóm thanh niên, ngày 17/5, cơ quan công an huyện Nam Đàn đã phối hợp với công an sở tại, triệu tập hai anh em Phạm Văn Công (SN 1990), Phạm Văn Cương (SN 1995), trú tại xóm Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến làm việc.
Sau một hồi quanh co, chối tội, cuối cùng hai anh em Công, Cương đã thừa nhận gây ra các vụ lừa đảo như đã nêu trên. Mở rộng điều tra, ngày 19/5, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) tiếp tục bắt giữ Nguyễn Đức Nhượng (SN 1991, trú ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) – là đối tượng thứ 3 trong nhóm tham gia vào các vụ lừa bằng cào thẻ ĐTDĐ.
Đối tượng Nguyễn Đức Nhượng tại cơ quan công an huyện Nam Đàn
Tại cơ quan điều tra, cả 3 khai nhận đã gây ra hơn 30 vụ lừa đảo bằng hình thức gọi điện yêu cầu nộp thẻ cào điện thoại. Nạn nhân của chúng rải đều từ Bắc tới Nam, số tiền chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, các đối tượng này đã tự xưng mình là nhân viên tổng đài điện thoại, ngân hàng phụ trách lĩnh vực quay số trúng thưởng. Hằng ngày, chúng sử dụng sim rác gọi vào các số máy bất kỳ, thường là các thuê bao có 11 chữ số bởi theo chúng nhận định thì những người dùng số điện thoại này phần lớn là người nghèo, học sinh, sinh viên… nên sẽ dễ bị lừa hơn.
Tùy vào giọng nói trả lời của nạn nhân là miền Bắc hay miền Nam, chúng sẽ giả giọng cho phù hợp và đưa ra thông tin trúng thưởng. Khi thấy khách hàng nào đang lưỡng lự, nhóm này sẽ cử tên khác gọi điện đóng vai làm tổng giám đốc công ty viễn thông, tổng giám đốc ngân hàng liên lạc nhằm tạo niềm tin cho các nạn nhân để họ mua thẻ cào và nộp.
Sau khi chiếm đoạt được số seri thẻ cào, chúng sẽ chủ động cắt liên lạc, bẻ sim vứt và mua sim khác để thực hiện phi vụ lừa đảo mới. Với số thẻ cào lừa được từ các nạn nhân, chúng bán lại bằng cách nhập với giá rẻ hơn mệnh giá cho các điểm bán sim, thẻ có dịch vụ “bắn tiền” cho thuê bao trả trước, hoặc bán lẻ cho người dân với mệnh giá rẻ hơn giá trị ghi trên thẻ cào.
“Để tránh sập bẫy của những kẻ lừa đảo qua điện thoại di động, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng và kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện những kiểu lừa đảo này”, đại úy Kiên khuyến cáo.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Công an huyện Nam Đàn thông báo những ai là nạn nhân của các hình thức lừa đảo trên có thể liên lạc với Công an huyện Nam Đàn để được xử lý.
Theo Dantri
Hoang mang vì... những bóng đen trên mái nhà
Từ khi xảy ra vụ trộm đột nhập vào nhà của hai phụ nữ có chồng đi biển ở thị trấn Long Hải (H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) sau đó cướp tài sản rồi hiếp dâm, người dân ở thị trấn này đang rất hoang mang, lo lắng.
Theo báo cáo của Công an H.Long Điền, khoảng 2 giờ ngày 9.4, trong lúc chị C.T.N (46 tuổi, ngụ thị trấn Long Hải) đang ngủ cùng với con nhỏ thì một thanh niên đột nhập vào nhà. Chị N. chưa kịp kêu cứu thì người này nhanh chóng dùng dao khống chế rồi thực hiện hành vi hiếp dâm.
Trước đó, khuya 30.3, chị N.T.Đ (29 tuổi, ngụ khu phố Hải Phong, thị trấn Long Hải) đang nằm ngủ với hai con nhỏ thì giật mình thức dậy, phát hiện có một người dùng dao khống chế. Người này cũng hiếp dâm rồi cướp tiền, điện thoại di động của nạn nhân.
Sau 2 vụ hiếp dâm nêu trên, người dân khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải) và Hải Phong đề cao cảnh giác, đêm đêm lại tập trung cầm theo dao, rựa, gậy gộc... tuần tra trong các con hẻm, một số lên hẳn mái nhà để nằm mật phục.
Không dám ngủ vì sợ bị hiếp dâm
Khoảng 20 giờ ngày 16.4, phóng viên đã có mặt tại khu phố Hải Hà và Hải Phong. Người dân 2 khu phố này cho biết, khoảng 4 ngày qua xuất hiện một số người chạy trên mái nhà của họ.
Người dân phát hiện thì những người này chạy và nhảy rất nhanh từ mái nhà hộ này sang mái nhà hộ khác rồi mất hút. Do sợ trộm đột nhập vào hiếp dâm phụ nữ trong nhà nên từ nhiều ngày qua hàng ngàn hộ dân hai khu phố này không ngủ được.
"Đàn ông không dám đi biển mà để vợ con ở nhà. Đàn bà, phụ nữ, trẻ em thì không dám ngủ vì luôn sợ bị bọn trộm đột nhập từ mái nhà xuống rồi hiếp dâm", ông La Văn Lượm, Tổ trưởng tổ dân cư số 2, ấp Hải Phong nói.
Ông Lượm cho biết, khoảng 20 giờ 30 ngày 16.4, một người mặc đồ đen nhảy trên mái nhà bà Võ Thị Thạnh ở đối diện nhà ông.
Theo ông Lượm, khi nghe tiếng la có trộm của bà Thạnh, ông cùng nhiều người nhìn lên mái nhà thì thấy một người mặc áo đen nhảy từ nhà bà Thạnh qua nhiều nhà khác. Khi lực lượng thanh niên trong khu phố kéo đến thì không thấy đâu nữa.
Trộm "siêu nhân", trộm "người nhện"
Anh Trần Ngọc Tú (32 tuổi, ngụ tại khu phố Hải Phong), kể: "Khoảng 21 giờ (ngày 16.4 - PV) tôi nghe tiếng la báo có một người đang chạy lên mái nhà nên tôi nhanh chân leo lên nhà của bà Lê Thị Ảnh. Tôi quét đèn pin thì thấy một người mặc quần đùi, áo màu đen nhảy sang mái nhà anh Hai Lì, làm bể miếng tôn xi măng trên mái. Lúc đó, tôi nghĩ rằng người này rơi xuống nhà anh Hai Lì nên cùng nhiều người chạy vô bên trong thì không thấy ai nữa. Khi lên quan sát lại thì thấy tôn xi măng bị vỡ nhưng có một cái đà gỗ nằm phía dưới, có thể người này đạp trúng cây đà này nên không rơi xuống đất mà chạy thoát được".
Ngay sau đó, Công an thị trấn Long Hải cũng đến nhà anh Hai Lì để quan sát và ghi nhận vụ việc.
Nhiều người dân khu phố Hải Hà và Hải Phong hoang mang, những kẻ trộm này còn "nhanh hơn siêu nhân, người nhện. Tụi nó lúc ẩn, lúc hiện. Có lúc nhiều người thấy còn bị nó đứng dọa, thách thức".
Trước đó, trong đêm 15.4, người dân khu phố Hải Hà đã truy đuổi một người đàn ông chạy trên mái nhà đến gần 1 giờ ngày 16.4 thì bắt được.
Người này được giao cho Công an thị trấn Long Hải xử lý.
Khi khám xét trong người nghi can này, công an phát hiện nhiều đồ nghề dùng để nhập nha. Nhưng do đối tượng chưa thực hiện được hành vi trộm cắp tài sản nên Công an thị trấn Long Hải đã chuyển cho Trung tâm xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý theo diện lang thang, một cán bộ Công an thị trấn Long Hải cho biết.
Mặc dù vậy, hàng đêm đến rạng sáng, người dân 2 khu phố Hải Hà và Hải Phong vẫn chia thành nhiều nhóm tuần tra để tìm "người nhện" trên mái nhà. Cánh phụ nữ vẫn không dám đi ngủ sớm.
0 giờ 30 ngày 17.4, trong các con hẻm của khu phố đèn vẫn sáng choang.
Người dân thức trắng đêm canh trộm... "người nhện"
Tấm tôm xi măng trên mái nhà anh Hai Lì bị vỡ khi tên trộm "người nhện" nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác
Thanh niên trong khu phố tập trung thành từng nhóm để tuần tra
Khi nghe có người lạ trên mái nhà, họ lại leo lên quét đèn pin truy tìm
Theo vietbao
Vụ kiện 55 triệu USD: Nguyên đơn chỉ "thắng"... 2.000 đồng (?!) Theo lý giải của Công ty Đại Dương, khi trò chơi bị vô hiệu, người chơi chỉ được trả lại đúng số tiền vừa bỏ ra chơi trong lượt bị vô hiệu đó. Một máy đánh bạc trong CLB Palazzo Trong văn bản cung cấp cho báo chí, luật sư phía bị đơn trong vụ kiện đòi 55 triệu USD cho rằng, về...