Chặn đứng nhiều đường dây lừa tuyển người ra nước ngoài làm việc
Thời gian gần đây, qua chủ động nắm tình hình, Công an tỉnh Quảng Trị và Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh đã kịp thời phát hiện, chặn đứng nhiều đường dây lừa đảo tuyển lao động ra nước ngoài làm việc để thực hiện mục đích xấu, giải cứu hàng chục người khỏi bị sập bẫy nguy hiểm.
Chiều 7/10, Thượng tá Đỗ Duy Hải, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị đã phối hợp kịp thời các cơ quan chức năng của Lào, giải cứu thành công một trường hợp bị một số đối tượng xấu lừa đảo, đưa đến khu vực “Tam giác vàng” để bán cho tổ chức tội phạm, đưa về nước an toàn.
Nạn nhân là anh L.Đ.N. (SN 2000), trú xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Anh N. tường trình, cuối tháng 9/2023, anh lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được một trang facebook giới thiệu ở một xưởng gỗ tại biên giới Việt Nam – Lào đang cần tuyển lao động có sức khỏe tốt, làm việc với mức lương cao.
Lực lượng chức năng nước bạn Lào bàn giao anh L.D.N. (áo xanh) cho tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Quảng Trị.
Theo hướng dẫn từ messenger của facebook này, anh N. đến gặp một nhóm người và sau đó được dẫn lên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tại đây, nhóm người này đưa anh N. đi theo lối mòn, vượt biên trái phép sang Lào. Sau đó, anh N. tiếp tục được đưa lên xe ôtô di chuyển liền 2 ngày.
Nghi ngờ mình bị lừa, anh N. dùng điện thoại để định vị thì tá hỏa phát hiện đang ở gần khu vực “Tam giác vàng”. Sau khi lén tìm cách liên hệ về nhà và được người thân hướng dẫn, tranh thủ lúc ăn cơm, anh N. bỏ chạy đến một quán ăn. Tại đây, anh may mắn được một vị khách trong quán đưa đến đồn công an địa phương gần đó.
Sau khi tiếp nhận, xác minh thông tin, Công an tỉnh Quảng Trị đã lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp cơ quan chức năng Lào giải cứu anh N. Tổ công tác đã vượt quãng đường gần 1.500km sang khu vực “Tam giác vàng”, tiến hành các biện pháp giải cứu nạn nhân. Đến tối 5/10 vừa qua, anh N. được tổ công tác đưa về tỉnh Quảng Trị an toàn.
Thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng Công an TP Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, vào chiều 3/10, đơn vị nhận được tin báo của ông N.B.M., trú xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về việc con gái ông là cháu N.N.Q. (SN 2007) bị một nhóm đối tượng dụ dỗ đưa ra Quảng Trị để xuất cảnh trái phép sang Lào.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã khẩn trương xác minh. Đến khoảng 21h cùng ngày, tại Bến xe Đông Hà, các trinh sát phát hiện có 2 xe ôtô đang đón N.N.Q. cùng nhiều người khác để đưa lên huyện Hướng Hóa. Ngay lập tức, các trinh sát yêu cầu những người này về trụ sở Công an để làm việc.
Tại đây, cháu Q. khai báo, trước đó được một nhóm người giới thiệu sang Lào để làm một số công việc nhẹ nhưng lương cao. Nghe vậy Q. đồng ý và đi theo. Quá trình kết nối, nhóm người đó bảo Q. nên giới thiệu cho bạn bè đi cùng cho vui nên Q. có rủ thêm một bạn nữ. Người bạn này sau đó đã thông tin cho người nhà của Q. nên gia đình đã trình báo cơ quan chức năng, đồng thời đi theo từ Đồng Nai ra Quảng Trị để tìm con. Vụ việc sau đó được Công an TP Đông Hà bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Trị thụ lý.
Video đang HOT
Qua trao đổi, Thượng tá Đỗ Duy Hải, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho hay, nhóm người bị đưa lên Hướng Hóa để xuất cảnh trái phép sang Lào có tất cả 10 người, đều là thanh thiếu niên, sinh sống ở miền Nam, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Qua tìm hiểu, nhiều nạn nhân không có tiền để bắt xe về quê.
Sau 4 ngày ở Quảng Trị khai báo phục vụ cho việc điều tra, đầu giờ chiều 7/10, Công an Đông Hà và Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh đã hỗ trợ phương tiện cùng một ít kinh phí để các nạn nhân lên đường trở về nhà. Liên quan đến vụ việc trên, Công an Đông Hà đã nhận được thư cảm ơn của ông M. là bố của cháu Q., nạn nhân trong vụ việc.
“Trước sự việc trên, gia đình chúng tôi cảm thấy rất xúc động và vô cùng biết ơn các đồng chí Công an TP Đông Hà, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đã không quản ngại mưa gió, ngay lập tức bằng mọi cách để giải cứu con gái tôi và những người khác trước lúc sắp bị lừa và đưa ra nước ngoài. Một lần nữa gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích, khâm phục tinh thần, trách nhiệm, sự mưu trí, dũng cảm của các đồng chí Công an trước tính mạng, sự nguy hiểm của nhân dân”, bức thư có đoạn viết.
Công an Quảng Trị hỗ trợ các nạn nhân về quê.
Như Báo CAND đã phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện nhiều nhóm đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Lào và lừa đảo tuyển lao động ra nước ngoài làm việc để thực hiện mục đích xấu.
Đơn cử, vào khoảng 22h tối 14/9/2023, các lực lượng chức năng tiếp nhận thông tin cầu cứu của nạn nhân Nguyễn Đức Duy (SN 2002, trú phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) về việc bị các đối tượng lừa sang Thái Lan làm việc. Khi đến huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), anh Duy phát hiện các đối tượng đang tìm cách đưa mình sang Thái Lan bán thận với giá 1 tỷ đồng.
Nhận thấy nguy hiểm, ngay trong đêm 13/9, anh Duy đã bỏ trốn và xin tá túc tại cây xăng thuộc huyện Sê Pôn và gửi thông tin về Việt Nam cầu cứu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, các lực lượng chức năng ở Quảng Trị đã phối hợp các lực lượng chức năng huyện Sê Pôn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, tiến hành giải cứu nạn nhân thành công, đưa về nước an toàn.
Khi con người trở thành món hàng
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng tình trạng mua bán người tại Nghệ An vẫn diễn ra.
Nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy bởi chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" để rồi bị gả bán ra nước ngoài.
Túng tiền, gả bán cả em gái ra nước ngoài
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Nghệ An, ngày 1/7 vừa qua, Đơn vị và Công an huyện Kỳ Sơn đồng chủ trì khám phá thành công chuyên án bắt hai đối tượng Ven Thị Hoài (SN 2003) trú tại bản Khe Nạp, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và Cụt Thị Ngọc (SN 1997) trú tại bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An về hành vi mua bán người.
Cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn lấy lời khai một đối tượng mua bán người
Qua đó giải cứu 2 nạn nhân là Ven Thị K. (SN 2009) và Moong Thị N. (SN 2008) cùng trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. 2 thiếu nữ may mắn được cảnh sát cứu thoát khi bị các đối tượng trong đường dây mua bán người này đang trên đường đưa sang Trung Quốc bán. Qua đấu tranh khai thác, Ven Thị Hoài và Cụt Thị Ngọc đã khai nhận: Vào cuối năm 2022, khi đang đi làm ăn ở tỉnh Thái Bình, Hoài có quen Ngọc, được một thời gian thì Hoài nghỉ làm việc tại đây rồi về sinh sống tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong thời gian này Hoài liên lạc với Cụt Thị Ngọc qua nick Facebook tên là "Bảo Na". Quá trình liên lạc Hoài nói có em gái muốn đưa sang bán cho người Trung Quốc lấy làm vợ. Ngọc nói nếu muốn đi Trung Quốc lấy chồng thì giao cho mình vì Ngọc có mẹ hiện đang lấy chồng và làm ăn sinh sống ở Trung Quốc. Hoài đồng ý nhưng nói hiện đang nợ quán 3.500.000 đồng và nói Ngọc cho vay tiền trả xong nợ để về đón em gái giao cho Ngọc đưa đi Trung Quốc bán. Ngọc đồng ý chuyển Hoài 4.500.000 đồng. Sau khi chuyển tiền, Ngọc và Hoài thỏa thuận với nhau, Hoài sẽ giao em gái cho Ngọc đưa đi Trung Quốc bán, Ngọc phải trả công cho Hoài 30 triệu và trả cho gia đình Hoài 120 triệu.
Ngày 29/6, Hoài đi về nhà của mình tại bản Khe Nạp, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, sau đó Hoài có hỏi em gái ruột tên Ven Thị K. (SN 2009) là "có đi làm công ty với chị không" thì K. trả lời "nếu bố mẹ cho đi thì em đi", lúc đó bà mẹ đẻ của Hoài và K. đồng ý cho K đi làm với Hoài. Tại thời điểm đó có chị gái của Moong Thị N. (SN 2008) xin cho em đi cùng. Hoài đồng ý và nói "cứ yên tâm đi theo Hoài làm công việc nhẹ nhàng lương cao".
Đối tượng Kha Thị Phương bị bắt giữ về hành vi mua bán người
Sau khi tìm được người Hoài gọi điện thông báo cho Ngọc biết đã tìm được hai người để đưa đi Trung Quốc bán và nói Ngọc phải trả thêm tiền công cho mình là 30 triệu (tổng là 60 triệu) và trả cho gia đình Moong Thị N. và Ven Thị K. 150 triệu. Ngọc đồng ý và nói Hoài đưa người ra bến xe Mỹ Đình, Hà Nội giao người cho Ngọc, đồng thời chuyển cho Hoài 2.500.000 đồng để đi đường.
Đến khoảng 14 giờ ngày 1/7, Hoài đón xe đưa 2 nạn nhân xuống TP Vinh để đi Hà Nội giao người cho Ngọc. Khi đi đến khu vực bản Cù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thì Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp bắt quả tang.
Từ các tài liệu thu thập được, ngày 3/7, Công an tỉnh Nghệ An đến thôn Đồng Giang, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang triệu tập Cụt Thị Ngọc về làm việc. Tại Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An, Cụt Thị Ngọc xin đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Vẫn nóng tình trạng mua bán người
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2020 - 2023, lực lượng chức năng Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em. Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành tổ chức tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của việc mua bán người.
Các lực lượng chức năng tỉnh thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Thường xuyên phối hợp với các tổ chức như Hội đồng Anh tại Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức Di cư Quốc tế... liên quan công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn còn diễn ra, nhất là tại các địa bàn biên giới rẻo cao, vùng sâu, vùng xa.
Lực lượng chức năng bàn giao nạn nhân trong một vụ mua bán người về với gia đình
Theo Thượng tá Tô Văn Hậu, trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, chỉ tính trong quý 2/2023, Đơn vị đã xác lập và khám phá thành công 3 chuyên án mua bán người. ngay sau chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi mà đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự khám phá ngày 1/7 thì đến ngày 4/7, Công an huyện Kỳ Sơn tiếp nhận đơn tố cáo của chị Xeo Thị D. (SN 1989) trú tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn tố cáo chị Moong Thị Nghệ (tên gọi khác là Moong Mẹ Hà, SN 1990), trú tại bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đã lừa gả bán mình sang Trung Quốc.
Tiếp nhận tin báo, Công an huyện Kỳ Sơn đã mời Moong Thị Nghệ và Lương Thị Toàn đến trụ sở Công an huyện Kỳ Sơn để làm rõ nội dung vụ việc. Tại Cơ quan Công an, các đối tượng Lương Thị Toàn và Moong Thị Nghệ đã khai nhận: Vào khoảng tháng 4/2018, Lương Thị Toàn lúc đó lấy chồng tại Trung Quốc đã xin phép nhà chồng về tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để thăm gia đình. Toàn có gặp Moong Thị Nghệ và Toàn nói với Nghệ là lúc nào kiếm được người đi lấy chồng Trung Quốc thì liên lạc với Toàn để đưa sang Trung Quốc, sau khi bán lấy chồng thành công cho người Trung Quốc thì Toàn và Nghệ chia nhau hưởng hoa hồng, Nghệ đồng ý. Được khoảng một thời gian sau khi Nghệ đang ở nhà của mình thì có chị Xeo Thị D. đến chơi, Nghệ liền hỏi D. có qua Trung Quốc không, nếu đi thì sẽ có người trả cho gia đình số tiền là 100 triệu đồng. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên D. đã đồng ý với Nghệ. Khoảng 2 ngày sau Nghệ liên lạc với D. để đưa đi Trung Quốc. Khi đi đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì Nghệ và D. được một người đàn ông không rõ tên tuổi, lai lịch đón và đưa 2 người vượt biên sang Trung Quốc. Vài ngày sau, D. bị bán cho người đàn ông nước này với số tiền 43.000 nhân dân tệ. Biết không thể trốn tránh, ngày 4/7, Moong Thị Nghệ đã đến Cơ quan điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đầu thú. Còn Lương Thị Toàn bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt tạm giam. Hay ngày 21/7 vừa qua, Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Kha Thị Phương (37 tuổi), trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương về tội Mua bán người, đồng thời giải cứu 2 nạn nhân. Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Tương Dương phát hiện một đường dây nghi vấn về hành vi mua bán người xảy ra trước đây trên địa bàn với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Vào cuộc điều tra, Công an xác định, Kha Thị Phương tham gia đường dây mua bán người sang nước ngoài. Theo đó, Phương đã cấu kết với một số đối tượng ở nước ngoài dụ dỗ đưa các lao động tại địa bàn huyện Tương Dương sang nước ngoài làm việc với lời hứa "việc nhẹ , lương cao" nhưng thực chất là ép làm vợ đàn ông ngoại quốc. Với thủ đoạn trên, tháng 8/2016, Phương đã dụ dỗ, lôi kéo đưa hai người phụ nữ trú tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương bán sang nước ngoài với số tiền 350 triệu đồng.
Theo các nhà chức trách, Nghệ An là địa bàn rộng, dân số đông, trong đó vùng biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, vì thế dù thời gian qua Công an tỉnh Nghệ An nói riêng, các cấp ngành, lực lượng liên quan nói chung đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người
Được biết, giai đoạn 2020-2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mua bán người theo giai đoạn và từng năm; chỉ đạo các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống mua bán người, lồng ghép các quy định pháp luật liên quan. Qua đó, 100% các sở, ngành, địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, lồng ghép triển khai thực hiện thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật; chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác liên quan hoạt động phòng, chống mua bán người.
Các đơn vị, địa phương đã phối hợp, tổ chức trên 3.000 buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm; gần 3.500 cuộc họp khối, xóm, thôn, bản, làng có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người; tổ chức cho trên 13.000 lượt người cam kết, không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tố giác tội phạm mua bán người... Toàn tỉnh đã xây dựng duy trì hoạt động hiệu quả gần 10 nghìn tổ tự quản về ANTT, 21 mô hình, điển hình tiên tiến tham gia bảo vệ ANTT và nhân rộng ra 320 điểm.
Bên cạnh đó, thường xuyên cùng với các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào tổ chức các buổi giao ban và ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ ANTT, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong đó có hợp tác đấu tranh với tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép, tội phạm mua bán người...
Theo báo cáo, tội phạm mua bán người thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều phương thức đối phó cơ quan chức năng, gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ, xử lý. Công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm mua bán người, dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người, mua bán trẻ em. Riêng đơn vị cũng đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp tục phối hợp các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, vùng, miền dân cư, nhất là tại các địa bàn trọng điểm mà loại tội phạm này thường lợi dụng để hoạt động.
Ham lãi suất cao, nhiều người sập bẫy lừa đảo Dù cơ quan Công an đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng. Thủ đoạn lừa đảo tuy không mới, nhưng vì tin tưởng, hám lợi lãi suất cao khi cho vay tiền dẫn đến người ít thì bị lừa mất hàng trăm triệu đồng, người nhiều...