Chân dung “người đàn bà thép” Hong Kong dám đối đầu với Trung Quốc
“Thậm chí trong giấc mơ ngông cuồng nhất, tôi cũng không ngờ rằng, 17 năm sau khi được bàn giao, Hồng Kông lại bị như bây giờ”, bà Anson Chan, người đang đấu tranh quyền tự chủ cho Hong Kong bộc bạch.
Bà Anson Chan, từng là một nhân vật cấp cao trong chính quyền Hồng Kông, đã quay trở lại đòi quyền tự chủ “thoải mái” hơn cho hòn đảo này khi cho rằng Trung Quốc đang “nuốt lời hứa” với người dân nơi đây.
Tờ The Guardian (Anh) cho hay, Anson Chan thường được gọi là “Người đàn bà thép” của Hồng Kông. Bà Anson Chan từng là nhân vật cấp cao thứ hai của Hồng Kông dưới thời Anh cai trị. Và khi thuộc địa này được giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh đã nhờ bà giúp sức để hoàn thành việc chuyển giao đó.
Bà Anson Chan, một trong những nhân vật chính trị lớn của Hồng Kông.
Mặc dù hiện không còn nắm giữ bất kì vị trí nào trong chính quyền, nhưng bà Chan, 74 tuổi, vẫn là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất ở Hồng Kông và tiếp tục nổi lên trong bối cảnh cuộc chiến của người Hông Kông với Trung Quốc để giành quyền tự chủ ngày càng căng thẳng.
Trung tâm của cuộc chiến này là yêu cầu Trung Quốc thực hiện lời hứa năm 1997 rằng sẽ cho phép Hồng Kông có được quyền tự chủ nhất định. Nhiều người Hồng Kông cho rằng Trung Quốc đã phá vỡ cam kết đó, đặc biệt là đối với tự do truyền thông và việc chọn người đứng đầu khu vực này. Họ cho rằng Bắc Kinh đang kiểm soát rất chặt chẽ người sẽ vào vị trí đó.
Trong bối cảnh trên, bà Chan đã đứng lên hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ. Bà còn kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch đòi dân chủ của Hồng Kông. Trong các chuyến thăm gần đây tới Anh và Washington, bà Chan đã gặp các thành viên của quốc hội và Bộ Ngoại giao hai nước trên và cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tại đây bà đã nhận được những tuyên bố ủng hộ cuộc chiến đòi dân chủ của Hồng Kông bất chấp việc đó khiến Bắc Kinh giận dữ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Chan đã tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, đồng thời cho biết những đánh giá của bà đối với cuộc chiến đòi dân chủ của Hồng Kông và tầm nhìn của bà đối với tương lai của hòn đảo này. Sau đây là trích đoạn trong bài phóng vấn đó do The Guardian đăng tải:
Tương lai của Hồng Kông có khác so với những gì bà tưởng tượng vào năm 1997?
Video đang HOT
Tất nhiên, ngày đó, tất cả chúng tôi đều có chút e ngại bởi vì chúng tôi không biết chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra sau khi tiến hành bàn giao. Cá nhân tôi đã rất nỗ lực và dành nhiều thời gian cho Tuyên bố chung, giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nói với mọi người Hồng Kông rằng: “Mọi việc sẽ tốt đẹp vì chúng ta có tất cả những lời hứa hẹn mà chúng ta cần”.
Thậm chí trong giấc mơ ngông cuồng nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, 17 năm sau khi việc bàn giao được tiến hành, Hong Kong lại bị rơi vào trạng thái như bây giờ. Tôi cũng không lường trước được và đặc biệt thất vọng khi tất cả ba bên tham gia Tuyên bố chung và Luật Cơ bản (tương đương với một hiến pháp của Hong Kong) là Bắc Kinh, Anh, chính phủ Hồng Kông đều không thực hiện lời hứa của họ đối với người dân Hồng Kông”.
Tại sao bà lại chủ yếu vận động để người Hồng Kông có nhiều tiếng nói hơn trong việc đề cử người sẽ tham gia tranh cử vị trí đứng đầu khu vực này mà không chỉ đơn giản là thực thi phổ thông đầu phiếu với nguyên tắc “một người, một phiếu bầu” như những người khác đề xuất?
Tổ chức của chúng tôi, Hong Kong 2020, đã lắng nghe tất cả tiếng nói, đặc biệt là của các lực lượng ủng hộ Bắc Kinh tại Hong Kong và của các quan chức Bắc Kinh, các văn phòng liên lạc. Một thông điệp rõ ràng của những người này là sẽ không chấp nhận những đề cử dân sự hay không cho phép cử tri tự đề cử ứng viên, bởi vì họ cho rằng đây là một hành vi vi phạm Luật cơ bản.
Chúng tôi đã dành một năm để xem xét, lắng nghe ý kiến của người dân và chúng tôi đã đưa ra một bộ các đề xuất hoàn toàn phù hợp với Luật cơ bản, trong đó, thay vì yêu cầu đề cử dân sự, chúng tôi chỉ muốn có đại diện trong ủy ban đề cử (một ủy ban được cho là bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ).
Nhưng chính phủ đã làm gì? Mặc dù chính phủ luôn nói với chúng tôi rằng luôn có chỗ cho đàm phán, chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện nghiêm túc. Nhưng tất cả các đề nghị thỏa hiệp, không chỉ của chúng tôi mà còn của các tổ chức khác đều bị chính phủ bỏ qua. Vậy đâu là sự chân thành? Cam kết hướng tới một sự thỏa hiệp nằm ở đâu?
Chúng ta đều biết chính phủ Hồng Kông đang chờ chỉ đạo từ phía Bắc Kinh, dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng Tám tới.
Tại sao cộng đồng quốc tế nên quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Hồng Kông?
Cộng đồng quốc tế cần quan tâm tới Hồng Kông để bảo vệ lợi ích riêng của họ. Họ có đầu tư ở đây, họ có công dân sống ở đây, họ có nhiều thỏa thuận song phương với Hồng Kông, từ hợp tác trong các hoạt động thực thi pháp luật, ngăn chặn nạn buôn người, ma túy tới bảo vệ tài sản trí tuệ. Tất cả những thỏa thuận này đều được kí kết trên cơ sở của chế độ ở Hong Kong, khác biệt hoàn toàn so với Trung Quốc đại lục.
Nếu hai chế độ mất đi, chắc chắn Hong Kong sẽ không còn vị thế để tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước đó nữa.
Nếu có cơ hội, bà có hy vọng trở thành trưởng đặc khu kinh tế Hồng Kông hay không?
Có hai lý do tôi không muốn làm như vậy: Một là, tôi sẽ không được Trung Quốc chấp nhận; hai là, công việc này cần một người trẻ tuổi hơn. Tôi đã 74 tuổi rồi.
Tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể để khuyến khích mọi người nói lên tiếng nói của mình vì điều đó rất quan trọng. Tôi không thể đảm bảo rằng nếu chúng tôi lên tiếng và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ thành công. Nhưng nếu chúng tôi im lặng và không làm gì cả, chắc chắn chúng tôi chắc chắn sẽ thua cuộc”.
Theo Infonet
Hồng Kông vạch lộ trình cải cách dân chủ
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm qua chính thức đề nghị chính phủ Trung Quốc cho phép cải cách dân chủ tại đặc khu này.
Người Hồng Kông xuống đường biểu tình vào ngày 1.7 - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, báo cáo của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh gửi Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) được đệ trình vào lúc căng thẳng đang dâng cao giữa các nhà hoạt động vì dân chủ của Hồng Kông với chính quyền trung ương, liên quan đến tiến độ cải cách chính trị tại nơi từng là thuộc địa của Anh trước khi trở về với Trung Quốc cách đây hơn 17 năm.
Phổ thông đầu phiếu
Báo cáo được đưa ra sau cuộc tham khảo ý kiến về cải cách dân chủ kéo dài 5 tháng ở Hồng Kông. Nó được thực hiện trong bối cảnh có lo ngại rằng những sửa đổi sắp tới sẽ không đem lại dân chủ thực sự cho đặc khu này. Kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp theo công thức "một đất nước, hai chế độ", nhưng một bộ phận lớn người dân tại đây không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục.
Báo cáo của ông Lương vạch ra lộ trình cải cách gồm 5 bước để người dân Hồng Kông có thể trực tiếp bỏ phiếu bầu ra lãnh đạo của họ trong kỳ bầu cử năm 2017. "Việc áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng sẽ là cột mốc quan trọng trong sự phát triển dân chủ của hệ thống chính trị Hồng Kông, với tác động đáng kể và mang ý nghĩa lịch sử", báo cáo viết.
Hãng Reuters nhận xét báo cáo dường như cũng phản ánh nỗi lo ngại của giới chức tại Bắc Kinh khi khẳng định người dân Hồng Kông tin rằng lãnh đạo sắp tới của đặc khu này cần phải là "một người yêu đất nước và yêu Hồng Kông". Theo Tân Hoa xã, quốc hội Trung Quốc sẽ xem xét đề xuất trên và sẽ quyết định các phương pháp bầu cử. Đến lượt mình, chính quyền Hồng Kông sẽ tiến hành cuộc tham khảo ý kiến thứ hai trước cuối năm nay, trước khi ông Lương đệ trình kế hoạch cuối cùng để các dân biểu Hồng Kông bỏ phiếu.
Theo tờ The New York Times, ông Lương lưu ý rằng cuộc tranh luận về hệ thống bầu cử có thể gây ra tranh cãi, song nhận xét đã đến thời điểm chín muồi cho thay đổi ở Hồng Kông. "Vấn đề phát triển hiến pháp là phức tạp và việc cộng đồng có các ý kiến và lý lẽ khác nhau về những đề xuất cụ thể là có thể hiểu được", ông Lương viết trong báo cáo.
Chưa hết bất đồng
Mặc dù cổ vũ cho việc áp dụng phổ thông đầu phiếu, báo cáo đã bác bỏ đòi hỏi chủ yếu của những người ủng hộ cải cách ở Hồng Kông rằng các cử tri phải được trực tiếp đề cử ứng viên cho chức danh lãnh đạo. Theo đó, ông Lương nói "dư luận chính thống" ở Hồng Kông ủng hộ quan điểm của ông và chính quyền Trung Quốc rằng cần có một ủy ban xét duyệt tư cách tranh cử, tương tự ủy ban hiện nắm quyền bầu chọn lãnh đạo ở Hồng Kông.
Đặc khu trưởng Hồng Kông hiện được bầu bởi một ủy ban gồm khoảng 1.200 người, mà nhiều người trong số đó do Bắc Kinh bổ nhiệm hoặc được bầu ra từ các hội nhóm tài chính, thương mại vốn có xu hướng "chung sống hòa bình" với chính quyền trung ương. Những người chủ trương cải cách lo ngại ủy ban xét duyệt tư cách tranh cử sẽ hành động như một "người gác cửa" đối với các ứng viên của họ, từ đó bảo đảm các kết quả phù hợp với ý đồ của Bắc Kinh.
Theo tờ The New York Times, khi báo cáo được trình bày ra trước Hội đồng lập pháp Hồng Kông, nghị sĩ cánh tả nổi tiếng Lương Quốc Hùng đã lên án chính quyền không ủng hộ việc đề cử trực tiếp ứng viên lãnh đạo. Ông này bị các nhân viên bảo vệ đưa ra khỏi cuộc họp sau khi lao về phía lãnh đạo số 2 của đặc khu là Tổng vụ trưởng hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tờ Business Week nhận định báo cáo của ông Lương có thể kích hoạt một cuộc tranh luận chính trị lớn nhất tại Hồng Kông trong vòng một thập niên, sau khi gần 800.000 người đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cách thức bầu cử do Tổ chức Occupy Central (Chiếm Trung Hoàn) phối hợp Đại học Hồng Kông và Đại học Bách khoa Hồng Kông phát động.
Hồng Kông cũng đã chứng kiến một cuộc tuần hành rầm rộ nhất trong vòng một thập niên qua vào ngày 1.7, nhân kỷ niệm 17 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, nhằm phản đối sự can thiệp quá sâu của Bắc Kinh vào Hồng Kông. Theo giới quan sát, nhiều người không chỉ mong muốn có dân chủ hơn ở Hồng Kông mà còn muốn một nền "dân chủ thật sự" theo các chuẩn mực chung trên thế giới, chứ không phải nền dân chủ đặc thù như lâu nay.
Phản ứng với báo cáo vừa được đệ trình, ông Ma Ngok, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nhận định: "Các kết luận chính có thể kích hoạt thêm các cuộc phản đối". Theo chuyên gia này, kết quả "tham khảo ý kiến" cho thấy có quá ít chỗ để thương thảo và sẽ có thể đẩy những thành viên ôn hòa của phong trào ủng hộ dân chủ về phía các nhóm cực đoan "do không có nhiều hy vọng trong việc có được một hệ thống dân chủ hơn".
Tổ chức Occupy Central cũng cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý và biểu tình vừa qua chỉ là bước khởi đầu. Nếu không có những thay đổi đáng kể, họ sẽ phát động phong trào chiếm cứ và phong tỏa Trung Hoàn trong thời gian sắp tới.
Theo Thanh Niên
Dân Hồng Kông luyến tiếc thời là thuộc địa của Anh Anh đã trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc được 17 năm, khoảng thời gian gần bằng một thế hệ. Trái với truyền thông Bắc Kinh rêu rao Hồng Kông hạnh phúc khi về với mẫu quốc, những người Hồng Kông lúc này đang luyến tiếc thời họ bị coi là thuộc địa của Anh. Cờ Anh phấp phới trên tay người Hồng...