Chân dung người cha bạo hành
Nguyễn Văn Đông tại cơ quan điều tra.
Dáng người nhỏ, Nguyễn Văn Đông trông có vẻ trẻ hơn so với tuổi 40. Điều bất ngờ là tại cơ quan chức năng , dù vẫn loanh quanh khi khai về hành vi bạo hành với vợ con, song Đông vẫn cho rằng mình đi tù là hoàn toàn xứng đáng, thậm chí ông ta còn xin công an cho được… đi tù.
Chỉ là dạy con
Dù đã được nghe nhiều người dân nói về Nguyễn Văn Đông, nhưng khi gặp ông này tại UBND xã Đồng Phúc (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) sáng 6-10, PV vẫn không khỏi bất ngờ. Ấn tượng đầu tiên của PV, đó là người đàn ông thấp bé, mái tóc nhuộm vàng, khuôn mặt luôn lộ vẻ thách thức.
Lại gần hơn, có thể thấy mùi rượu khá nồng toả ra từ người ông Đông. Trong cách nói chuyện, ông ta xưng “em” khá lễ phép với mọi người nhưng luôn trả lời một cách vòng vo. Cán bộ công an hỏi một đằng, Đông đáp một nẻo.
Về hành vi đánh con, Nguyễn Văn Đông cho rằng ông ta chỉ dạy con, chứ không làm gì quá đáng!
Hỏi chuyện Đông về việc đánh cháu Đạt ngày 21-9, ông ta kể rành rẽ: “Hôm đó cháu (Đạt) trốn học 2 buổi liền, em bắt được quả tang cháu đang đi đường khác về nhà, mới bắt cháu về. Đầu tiên em dùng cái que đánh kích cá đánh cháu, sau đó em đi chặt sậy. Nhà em có vườn sậy gần đó mà. Em túm 3 cây sậy vào rồi vụt vào tai, tay, chân của cháu. Em thừa nhận là hôm đó đánh cháu cũng đau”.
PV hỏi, có phải các cháu sợ anh không dám về nhà không? Đông phân trần: Em biết các cháu đang ở Bắc Giang. Hôm trước em có gọi điện cho các cháu nhưng các cháu không về lại còn thách em lên Bắc Giang. Thế là em có bảo rằng: Chúng mày còn về tao sẽ giết”.
Liên quan vụ việc,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15-10.
Video đang HOT
Lại hỏi về việc bắt con đi đánh kích, Đông thừa nhận thỉnh thoảng có bắt Đạt đi nhưng chỉ từ 8 đến 9 giờ tối. Sau đó, Đạt cũng là người đi bán cá lấy tiền đưa cho bố. Còn chuyện bắt con ngồi xem “ phim mát”, hay thường xuyên đánh đập các con, bắt con cầm dao đi đâm người khác… Đông chối biến.
Hỏi việc bắt mấy đứa nhỏ dìm xuống ao, Đông vòng vo: “Đó là hôm nhà em mất điện, mất nước, không có nước tắm. Em có bảo các cháu xuống ao gần đó để… tắm nhưng hàng xóm không biết lại cứ bảo em đánh con em. Em có bao giờ đánh chúng nó đâu!”.
Khi được hỏi có hối hận vì đã đánh con không? Đông cúi đầu, lí nhí nói rất hối hận. “Nhưng đã lỡ rồi, em biết làm thế nào?” – Đông nói.
Hung tính vì rượu?
Bà Nguyễn Thị Thêm, trưởng thôn Cựu Tân, xã Đồng Phúc kể: Gia đình Đông, Nhung trước đây thuộc hộ nghèo, thôn đã định tặng nhà tình nghĩa nhưng do đất không có sổ đỏ nên không được. Ngoài làm ruộng, Đông thỉnh thoảng đi đóng gạch và đánh kích đêm lấy tiền. Khi không uống rượu, Đông là người khá tử tế và có phần nhút nhát.
Mấy lần biết chuyện Đông đánh vợ, lãnh đạo thôn đến giải quyết thì Đông luôn hứa sẽ không tái diễn, nhưng cứ rượu vào dường như Đông lại trở thành một con người hoàn toàn khác.
Cũng có điều lạ, dù nát rượu nhưng Đông không ăn trộm, ăn cắp của ai bao giờ, cũng không tự nhiên gây gổ với hàng xóm, láng giềng. Theo lời kể của một số người hàng xóm, cách đây chưa lâu, đánh cá được ít tiền, Đông đạp xe đèo cháu Đạt lên thị trấn để nhuộm tóc vàng hoe.
Ông Lê Đắc Đảng, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Phúc kể, cách đây mấy năm, do chị Nhung không đi nước ngoài được, Đông đã đem đứa con út chưa đầy một tuổi ra để trước bánh xe ô tô của một công ty xuất khẩu lao động để đòi tiền chuộc. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân chính là do Đông uống rượu nhiều nên đã không làm chủ được bản thân.
Theo Tiền Phong
Vụ bạo hành cháu bé 9 tuổi: Mẹ kêu cứu
Người mẹ này cũng đã từng phải chịu chung nỗi khổ cực cùng với những người con (Hình minh họa)
Với sự hỗ trợ của một người quen, PV có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của bốn cháu nhỏ, đặc biệt là cháu Nguyễn Văn Đạt, đang làm việc tại thành phố Nicosia (đảo Síp). Xuyên suốt câu chuyện về cuộc đời chị là nỗi đau đớn, tủi nhục và tiếng kêu cứu cháy lòng.
Chị Nhung kể, cuộc hôn nhân của chị với anh Nguyễn Văn Đông bắt đầu từ giữa năm 1991. Chị về làm vợ của Đông theo một sự sắp đặt sẵn của hai bên gia đình. Đến tháng 11 năm đó, chị chịu đựng trận đòn đầu tiên trong cuộc đời chung sống với Đông.
Chị còn nhớ, hôm đó chị trót về nhà mẹ đẻ chơi nhưng không nói trước với Đông, liền bị Đông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sau đó vứt hết quần áo, chăn chiếu của chị xuống ao. Và cũng từ đó, những trận đòn đến với chị với tần suất ngày càng dày.
Chị chỉ cảm thấy bình an hơn khi Đông phải đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, xa nhà trong 2 năm. Những ngày tháng ấy chẳng được bao lâu, trở về nhà, Đông lại tiếp tục hành hạ mặc dù biết chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Năm 1995, chị sinh cháu Loan, năm sau sinh tiếp cháu Trang. Cuộc sống gia đình vất vả cộng với sự hành hạ liên tục của Đông khiến chị gần như kiệt sức.
Chị Nguyễn Thị Nhung tại đảo Síp.
Năm 1998, chị quyết định bỏ đi miền Nam kiếm ăn, mang theo đứa con gái lớn. Được một thời gian ngắn, nghe thấy Đông ở nhà đánh đập cháu Trang tàn nhẫn, chị lại ngược về. Lại một bé gái nữa ra đời. Đông càng tỏ ra khinh bỉ mấy mẹ con chị vì nghĩ chị không thể sinh con trai cho anh ta.
Đến năm 2001, chị sinh được một cháu trai. Tưởng rằng, cuộc sống từ đây sẽ bớt khổ nhưng dường như bản tính hung bạo của Đông càng tăng lên theo thời gian. Và chính Đạt, đứa con trai duy nhất của cả gia đình lại là người bị hành hạ nhiều nhất. Theo chị Nhung, năm Đạt chưa đầy 2 tuổi, bố cháu đã mang cháu ra ao gần đó dìm cho đến khi cháu kiệt sức.
Hành trình trốn chạy
Vừa là người chứng kiến các con bị hành hạ, vừa là nạn nhân, chị Nhung cho biết đã nhiều lần làm đơn lên xã nhờ giải quyết nhưng dường như không ai muốn động chạm đến một người như Đông, chị chỉ biết khóc. Đông lấy chiếc gậy dứ vào mặt chị đe doạ: "Mày mà khóc, tao chọc mù mắt". Năm 2005, chị quyết định đưa Loan đi vào Đồng Nai đập đá thuê.
Chị Nhung kể tiếp, ở nhà, Đông tiếp tục đánh 3 con với yêu cầu chị phải gửi tiền về hằng tháng để đóng học cho con, nhưng được đồng nào Đông đều nướng sạch vào rượu. Không có tiền đóng học cho con, Đông bắt các con bỏ học đi đánh, bán cá.
Thậm chí, nhiều ngày những đứa trẻ con bị bỏ đói lả bên đống rạ. Quá xót con, chị Nhung lại về tìm cách đưa 3 con đi cùng. Đông biết được, tìm đến đe dọa, hành hung. 5 mẹ con chị lại ngược lên Lâm Đồng, trông trại lợn cho người quen rồi lại ôm nhau vào TPHCM kiếm sống.
Ở đâu cũng chỉ được một thời gian ngắn lại bị Đông phát hiện. Đánh đập, hành hung chán, Đông quay sang ngon ngọt dỗ mẹ con chị quay về. Nghĩ các con phải lưu lạc, không được ăn học hẳn hoi, chị đành nhắm mắt quay về. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, những trận đòn khốc liệt hơn lại tiếp tục với chị.
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang do bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội, đã vào BV Đa khoa tỉnh thăm và tiếp nhận đơn đề nghị được bảo đảm an toàn tính mạng và tiếp tục được đi học của các cháu Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Văn Đạt. Theo bà Lợi, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sẽ về làm việc với chính quyền địa phương về trường hợp này, đồng thời sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ 4 cháu nhỏ.
Đầu năm 2009, chị Nhung quyết định lên làm phụ bếp tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nhưng chỉ được 3 ngày, ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng thôn đã chở 2 con lớn chị lên vì ở nhà bị bố đánh. Trước hoàn cảnh đáng thương của mấy mẹ con, các cô, bác Khoa Dinh dưỡng đã chấp nhận 3 mẹ con ở lại. Nhưng chỉ ngày hôm sau, chị lại thấy ông Ngọc hốt hoảng đến nói: "Nếu không đưa hai cháu Trang và Loan về, Đông sẽ giết tôi mất. Từ đêm qua đến nay, nó đã vác dao đến chửi bới đe dọa ầm ĩ rồi!".
Cùng đường
Tháng 9-2009, không chịu được cuộc sống chung, chị đâm đơn đề nghị Toà án huyện Yên Dũng xử ly hôn, chị chỉ xin được nuôi 4 đứa con. Toà chấp thuận, chị mang mấy đứa con ở nhờ mấy nhà người quen rồi đi gánh gạch, làm thuê lấy tiền nuôi con. Nhưng Đông vẫn thỉnh thoảng đến nơi ở của mấy mẹ con, lúc thì bắt đứa này, lúc bắt đứa con khác về nhà.
Bản thân chị Đông cũng không tha. Vớ được cái gì đánh được là anh ta đánh, khi thì gậy gộc, đấm đá, nhiều lúc dùng cả dao để đuổi đánh chị. Trên tay chị bây giờ vẫn còn vết dao mà Đông chém chị cách đây chưa lâu.
Cùng quẫn, chị quyết định gửi 2 con lớn cho một người quen ở TP Bắc Giang, 2 đứa nhỏ nhờ chị ruột chăm sóc rồi vay tiền đi nước ngoài lao động với mong ước sẽ sớm có tiền để nuôi dạy các cháu. Nhưng những ngày ở nước ngoài, chị vẫn liên tục nhận được điện thoại của Đông đòi chị gửi tiền về.
Biết chuyện các cháu đang phải trốn tránh người cha, chị cũng chỉ biết khóc: "Mong sao có ai thương các cháu, giúp đỡ gia đình tôi để các cháu không bị bố cháu đánh đập, được sống một cuộc sống bình thường, được đi học để thành người... Đời tôi đã coi như bỏ đi, chỉ lo cho các con tôi sau này!".
>> Bé trai 9 tuổi và những trận đòn...
Theo Tiền Phong
'Hành hạ bé 9 tháng như thế chỉ có loài cầm thú' Dư luận xã hội đang rất bức xúc và căm phẫn về hành vi hành hạ dã man cháu Như Ý mới 9 tháng tuổi của chính mẹ đẻ, bố dượng, bà ngoại và ông ngoại cháu bé. PGS.TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, kịch liệt lên án hành động...