Chân dung 11 vị vua triều Nguyễn bằng gỗ trầm hương
Trong khuôn viên “Phước tộc gia trang” ở thành phố Huế, 11 khuôn mặt vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại được khắc họa tinh xảo trên gỗ trầm hương.
Là con cháu dòng dõi vua chúa nhà Nguyễn, anh Tôn Thất Tùng (41 tuổi, phường Thủy Biều, thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) ấp ủ làm điều gì đó để tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Vốn kinh doanh trầm hương, anh nảy ra ý định dùng loại gỗ này để khắc họa chân dung các vị vua triều Nguyễn để thờ tự. Sẵn có nghề mộc mỹ nghệ, anh lặn lội từ Nam ra Bắc sưu tầm những cây gỗ trầm hương có tuổi đời lâu năm về khắc 11 bức chân dung vua triều Nguyễn, từ vua Gia Long đến Bảo Đại.
Trong khuôn viên “Phước tộc gia trang” với vườn thanh trà bao quanh, 11 bức tượng vua triều Nguyễn được anh lưu giữ một cách trân trọng. Bên dưới các bức tượng, anh thận trọng ghi chép tiểu sử vua để phục vụ người tham quan.
Vua Gia Long (1762-1820) là Hoàng đế thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Theo anh Tùng, để khắc được chân dung của 11 vị vua, anh và vợ phải ngồi nghiên cứu phong thái của từng người, cố gắng thể hiện cái hồn của vua với thời cuộc. Tuy vậy, anh Tùng vẫn day dứt khi triều Nguyễn có 13 vua mà anh mới khắc được chân dung của 11 người, còn thiếu tượng vua Kiến Phúc và vua Dục Đức.
“Vua Dục Đức và Kiến Phúc không có hình ảnh lưu lại nên không thể tạc được. Tôi có nhờ một nhà nghiên cứu sống ở Pháp tìm giúp tư liệu, nhưng đến nay mới thấy hình ảnh vua Kiến Phúc trên mạng, hình ảnh của vua Dục Đức chưa thấy”, anh cho hay.
Vua Minh Mạng (1791-1841) được xem là vị vua năng động và quyết đoán. Ông đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, trong đó có việc ngăn chặn quyết liệt ảnh hưởng từ phương Tây đến Việt Nam.
Video đang HOT
Vua Thiệu Trị (1807-1847) trị vì từ 1841 đến 1847. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền, là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.
Vua Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì, là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ông có thời gian trị vì dài nhất nhà Nguyễn, từ 1847 đến 1883.
Vua Hiệp Hòa (1847-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị với bà Đoan Tần Trương Thị Thuận. Ông lên ngôi tháng 7/1883, nhưng bị phế truất và qua đời vào tháng 10 cùng năm.
Vua Hàm Nghi (1871-1943) là em trai của vua Kiến Phúc. Năm 1884, vua Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đưa an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie).
Vua Đồng Khánh (1864-1889) tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là con nuôi của vua Tự Đức.
Vua Thành Thái (1879-1954) tại vị từ 1889 đến 1907. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). Do chống Pháp nên ông bị đi đày ở ngoại quốc.
Vua Duy Tân (1900-1945) là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), là con vua Thành Thái. Khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa. Vì lý do này, nhà vua bị thực dân Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Vua Khải Định (1885-1925) trị vì từ 1916 đến năm 1925. Nhà vua có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục.
Vua Bảo Đại (1913-1997), Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Ông có tên húy Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu.
Võ Thạnh
Theo VNE
Cháu nội vua Thành Thái bật khóc khi về Huế
Trở lại Huế sau 10 năm, ông Bảo Tài đã bật khóc khi được viếng mộ cha và ông nội vào đúng ngày lễ húy kỵ 3 vua triều Nguyễn.
Sáng 24/3, trời Huế mưa lất phất. Vội mặc bộ áo dài khăn đóng cho con gái, vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài cùng đoàn lễ bộ rời cửa chính An Lăng (đường Duy Tân, TP Huế) để đến viếng mộ vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân trong ngày húy kỵ (ngày giỗ) được con cháu Nguyễn Phúc tổ chức thường niên.
Buổi lễ có sự góp mặt của hoàng tử Guy Georges Vĩnh San (gọi tên là Georges), trưởng nam của vua Duy Tân cùng vợ từ Pháp trở về thăm lăng cha.
Cháu nội vua Thành Thái đã thực hiện được ước nguyện của mình khi được trở về Huế đúng ngày húy kỵ vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Ngày mất của các vua khác nhau, nhưng do điều kiện ở xa, con cháu dòng Nguyễn Phúc đã lựa chọn một ngày chung cho cả ba vua. Ảnh: Đắc Đức.
Đứng khép mình trong tiền sảnh của lăng, ông Bảo Tài đảo mắt nhìn quanh các gian thờ bài vị của tổ tiên như để ghi nhớ từng vị trí, cách bày biện lễ vật. Trong lúc đó vợ ông, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, dành thời gian chăm sóc con gái mắc chứng bại não.
Bà Thủy cho hay, cả gia đình được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại nên đưa con gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền về Huế hôm 22/3. "Dù biết chồng là dòng dõi hoàng tộc nhưng kể từ ngày lấy nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi cùng con gái về Huế, vào thăm lăng, thắp hương cho cha và ông nội chồng", bà Thủy nói và cho hay đã rơi lệ khi nhìn cảnh chồng khóc vì hạnh phúc và vui sướng khi lần thứ 2 sau 10 năm mới có dịp về lại Huế.
Theo bà, suốt 10 năm nay chật vật với nỗi lo cơm áo, cộng thêm bệnh tật của bé Tuyền khiến vợ chồng bà không dám mơ có ngày được trở về Huế. "Về Huế tuy cảm giác có phần lạ lẫm nhưng nhờ mọi người trong dòng tộc ai cũng hỏi thăm, động viên vợ chồng cùng cố gắng để nuôi dạy con nên chúng tôi cũng đỡ tủi thân", bà Thủy tâm sự.
Về phần mình, cháu nội vua Thành Thái cho hay cảm thấy rất vui mừng khi được trở lại nơi an nghỉ của cha sau 10 năm xa cách. "Quá hạnh phúc khi được tự tay lau chùi mộ của cha, hương khói cho ông nội đúng ngày húy kỵ của người", ông Tài ngậm ngùi và cho biết điều hạnh phúc hơn nữa là ông đã thực hiện được ý nguyện đưa vợ con về quê hương đất tổ.
Bé Thanh Tiền được bố mẹ dìu vào bên trong An Lăng để dự lễ. Ảnh: Đắc Đức.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sau khi hay tin về hoàn cảnh gia đình cháu nội vua Thành Thái là Nguyễn Phước Bảo Tài, phía trung tâm quyết định tài trợ chỗ ăn nghỉ, chi phí vé máy bay đi lại nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình được trở về Huế tham dự lễ húy kỵ tại An Lăng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hỗ trợ một số tiền nhỏ để gia đình trang trải phần nào cuộc sống.
Gia đình ông Bảo Tài lưu lại Huế 4 ngày trước khi quay vào lại TP HCM để tiếp tục cuộc sống phụ hồ, chạy xe ôm.
Ông Nguyễn Phước Bảo Tài là cháu nội của vua Thành Thái và là con trai út của Hoàng tử Vĩnh Giu trong gia đình có 9 anh chị em. Sinh ra ở Cần Thơ, ông Tài sau đó lấy vợ rồi đưa vợ con lên thuê trọ sống ở Sài Gòn vì muốn chạy chữa bệnh cho con gái độc nhất. Tuy nhiên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khiến ông không có cơ hội về thăm nơi cha mình yên nghỉ. Hai năm sau khi Hoàng tử Vĩnh Giu mất, ông Tài cùng gia đình đưa tro cốt của cha về Huế và được an táng ở An Lăng (hay còn gọi là lăng vua Duy Tân).
Đắc Đức
Theo VNE
Thú xem hổ đấu voi cực "sang chảnh" của vua chúa Việt Vua chúa Việt xưa có sở thích xem hổ đấu voi cực thú vị. Những cuộc đấu này thu hút rất đông người, từ vua quan đến dân chúng. Các đời vua chúa triều Nguyễn có sở thích xem hổ đấu với voi; để có nơi tổ chức các trận thư hùng đó, một đấu trường đã được xây dựng và hàng năm...