Chần chừ, hiểu sai, VN sẽ thành “ốc đảo kỳ lạ”
Quyền im lặng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân.
Những người làm luật thường dẫn ra câu chuyện “thỏ bị bắt nhận làm gấu” để mô tả hiện tượng khi chịu sự áp lực của tra khảo và giam giữ, con người ta thường có xu hướng khai nhận những hành vi mình không làm.
Thực tế, những quyền cơ bản của bị can, bị cáo, người bị tạm giam (gọi chung là quyền nghi can) được đưa ra để bảo vệ con người khỏi tình trạng đó.
Nghi can, cho đến khi bị tòa án kết án, vẫn là một công dân vô tội, cho dù hành vi của người này đã rõ ràng đến mức nào. Điều này không chỉ còn là những quyền con người bất thành văn nữa, mà đã được quy định rất cụ thể trong Hiến pháp nước ta, cũng như Bộ luật tố tụng dân sự. Thuật ngữ pháp lý gọi đây là “ quyền suy đoán vô tội”.
Tuy nhiên, để “quyền suy đoán vô tội” được thực thi, người nghi can phải được hưởng quyền không bị buộc đưa ra những chứng cứ chống lại mình, hay gọi đơn giản là “quyền không chống lại bản thân”. Bởi lẽ, suy đoán vô tội không chỉ mang ý nghĩa buộc cơ quan điều tra, truy tố và xét xử phải luôn suy đoán vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo, mà còn có nội dung rằng việc xác định một người có tội hay không là trách nhiệm của phía Nhà nước.
Để đảm bảo “quyền không chống lại bản thân” đó, người nghi can phải có “quyền im lặng”, tức là quyền không hợp tác, không tự buộc tội bản thân với cơ quan điều tra.
Ảnh minh họa
Người nghi can phải thực sự hiểu rõ quyền
Vậy thì ta nên hiểu thế nào về “quyền im lặng” như đang được đề xuất đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi?
Thật ra đây không phải là quyền gì mới mẻ. Trên thực tế, khai báo với cơ quan điều tra chưa bao giờ được coi là một nghĩa vụ của người nghi can, kể cả trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Việc không hợp tác với cơ quan điều tra cũng không phải là một tình tiết tăng nặng khi lượng hình theo quy định của Bộ luật hình sự.
Cho nên, một khi đã không phải là nghĩa vụ thì việc người nghi can có khai báo hay không hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của họ. “Quyền im lặng” được đưa ra thực chất chỉ là một sự tái khẳng định và thành văn hóa cái nguyên tắc cơ bản, dễ hiểu đã nêu trên.
Quay trở lại với câu chuyện “thỏ thành gấu”, người nghi can khi bị truy vấn đã phải chịu một sự áp lực rất lớn, cả vô hình lẫn hữu hình, từ cơ quan điều tra và thậm chí là dư luận xã hội. Vũ khí duy nhất bảo vệ họ trong lúc này chính là những quyền mà pháp luật trao cho, trong đó có cả “quyền im lặng”. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, áp lực và sự thiếu nhận thức pháp luật khiến cho người nghi can không thực thi những quyền năng của mình một cách đầy đủ nhất.
Nghĩa vụ của Nhà nước trong lúc này là phải giải thích thật rõ cho người nghi can biết họ có những quyền gì.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thực chất là có quy định nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải giải thích rõ quyền của người nghi can trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Video đang HOT
Nhưng trên thực tế, cái chúng ta thiếu chính là một cách giải thích chuẩn nhất, rõ ràng nhất để người nghi can thực sự hiểu rõ quyền của mình. Hiện nay, trong các trại tạm giam, tạm giữ của cơ quan điều tra, luôn dán sẵn một bảng rất lớn, chữ to về quyền của người nghi can, tiếc rằng chúng vẫn mang nặng tính chất sự sao chép máy móc văn bản pháp luật.
Ở Hoa Kỳ, Hong Kong và Anh, pháp luật bắt buộc cơ quan điều tra, viện công tố và kể cả tòa án, trong mọi giai đoạn tố tụng đều phải lặp đi lặp lại với nghi can về quyền im lặng của họ, trước khi tiến hành lấy cung. Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải nhắc nhở người nghi can rằng nếu họ chọn việc cho lời khai thì những lời khai đó sẽ được sử dụng để chống lại họ trước tòa.
Với cách đó, một người bình thường sẽ biết lựa chọn giữa việc cho lời khai để hưởng khoan hồng, hoặc im lặng để bảo vệ mình. Từ đó, hai quyền suy đoán vô tội và quyền không chống lại mình sẽ được bảo đảm cao nhất.
Ở Đức, Pháp và các quốc gia có hệ thống thẩm phán thẩm tra (investigating judge) giống Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải giải thích cặn kẽ quyền im lặng cho người nghi can như vậy.
Vấn đề cốt lõi
Sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu như người nghi can không hiểu rõ các quyền của mình. Chính vì thế, vấn đề cốt lõi trong việc soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi hiện nay, thiết nghĩ không thực sự nằm ở chuyện đưa thêm một quyền mới vào rồi nhưng lại ít quan tâm đến việc giải thích cho nghi can biết.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các quy định hiện hành và quy định rõ hơn. Như vậy, vừa tránh được cảm giác pháp luật “thiên vị” nghi can và gây khó khăn cho hoạt động điều tra như một đại biểu đã lo ngại, vừa đảm bảo sự công bằng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Cụ thể, trong các điều luật quy định về quyền của người nghi can trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, chúng ta có thể đưa thêm một điều khoản rõ ràng, minh định rằng: “Người bị tạm giữ/ bị can/ bị cáo không có nghĩa vụ phải khai báo hoặc đưa ra các bằng chứng, lời khai chống lại mình trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép đe dọa, gây áp lực hay tạo sự bất lợi cho người bị tam giữ/ bị can/ bị cáo khi thực hiện quy định tại điều này”.
Quy định rõ ràng như vậy chính là để ngay cả khi cơ quan tiến hành tố tụng chỉ trích dẫn luật ra khi giải thích quyền cho người nghi can thì người nghi can vẫn sẽ hiểu.
Thiết nghĩ, mục tiêu của Bộ luật tố tụng hình sự chính là để vừa tìm ra chân tướng sự thật, vừa tạo sự công bằng cho nghi can, giúp bảo vệ quyền con người. Tất cả các quốc gia, thiết chế văn minh đều hướng đến mục tiêu như thế.
“Quyền im lặng” là một định chế lý tưởng để góp phần đi đến mục tiêu đó. Nhưng cũng như mọi quyền khác, nếu chúng ta không hiểu rõ nó và quy định một cách thiếu cẩn trọng thì có khi lại hạn chế quyền của công dân. Gần đây, xuất hiện một cách hiểu quyền im lặng là người nghi can được quyền không khai báo cho đến khi có luật sư.
Theo thiển nghĩ của người viết, cách hiểu này không chuẩn về mặt khái niệm. Khi chúng ta đã hiểu rằng “quyền im lặng” là quyền phái sinh từ “quyền suy đoán vô tội” và “quyền không chống lại mình” thì cần đảm bảo quyền đó được thực thi trong suốt quá trình tố tụng, chứ không dừng lại khi có luật sư. Hiểu như cách trên sẽ vô hình khiến cho người nghi can có nghĩa vụ khai báo khi luật sư của anh ta xuất hiện, như vậy thì sự có mặt của luật sư trở nên vô nghĩa.
Chính vì thế, nếu Quốc hội chưa thể thống nhất đưa vào được một quy định về một quyền có tính đầy đủ, trọn vẹn, thì phải chăng nên tập trung sử dụng các công cụ hiện hành để đạt được mục tiêu.
Bởi lẽ, nếu cứ chần chừ hoặc hiểu sai về một quyền có thể coi là căn bản trong bối cảnh thế kỷ 21, thế kỷ của minh bạch, thì Việt Nam sẽ trở thành một “ốc đảo” kì lạ. Mà điều đó thì hẳn không người Việt Nam nào mong muốn.
Theo Lê Nguyễn Duy Hậu
VietNamnet
Thủ tướng giao 16 Bộ trưởng chuẩn bị báo cáo tại Quốc hội
16 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vừa nhận phân công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án luật mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự kiến khai mạc vào 20/10 tới.
Theo sự phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chuẩn bị, trình Báo cáo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình: Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi); Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; phối hợp, chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về tình hình quốc phòng năm 2014; Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); phối hợp, chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2014...
Báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2014 sẽ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chuẩn bị, trình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định tại điều 3 của Nghị quyết.
Đồng thời Bộ trưởng Hà Hùng Cường Cường phải chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ kết quả triển khai, thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Báo cáo của Chính phủ về công tác bồi thường của Nhà nước năm 2014; Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chuẩn bị, trình Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có chủ trương thực hiện một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chuẩn bị, trình các Báo cáo của Chính phủ: Việc thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Dự án thủy điện Sơn La; Dự án thủy điện Lai Châu; Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án thủy điện Sông Bung 4 và Thượng Kon Tum; Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng chuẩn bị, trình các Báo cáo của Chính phủ gồm: Công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên; tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2014; tình hình triển khai dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phối hợp, chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chuẩn bị, trình Báo cáo giải trình của Chính phủ về việc phê chuẩn Công ước quyền của người khuyết tật theo Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 2/6/2014 của Chủ tịch nước trình Quốc hội; Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động; phối hợp, chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chuẩn bị, trình.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về tình hình xây dựng nhà Quốc hội; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; chuẩn bị, trình Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án Luật thú y.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 và Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã phân công bổ sung 3 Bộ trưởng chuẩn bị một số tờ trình, dự án luật sẽ trình bày tại Phiên họp thứ 32 dự kiến diễn ra từ ngày 6-9/10/2014 của UB Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị, trình Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị, trình Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị, trình Tờ trình của Chính phủ về xin chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày hôm qua, Thủ tướng cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2014.
P.Thảo
Theo Dantri
Doanh nghiệp đua nhau chiếm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội Việc chiếm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp đang diễn ra trên khắp các địa phương, nhưng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Doanh nghiệp này trốn được, doanh nghiệp khác làm theo. Chiếm dụng Quỹ bảo hiểm đang trở thành phong trào! Muôn kiểu chiếm dụng Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Sinh,...