Chạm vào thiên nhiên Bù Gia Mập
Thay vì ra biển hay lên cao nguyên để tránh cái nóng oi bức, thì việc tìm đến những cánh rừng xanh mát lại là lựa chọn hợp lý.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (vườn) là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam Bộ. Không thể đi hết hơn 25.600 ha của vườn, nhưng mỗi ngày được chạm chân tới từng cánh rừng xanh mát, từng thác nước hùng vĩ, chạm tay ôm vào cột mốc đường biên và ngắm cảnh vật nơi dòng sông phân ranh biên giới, cảm nhận không chỉ là sự giải nhiệt.
Ngắm di sản của rừng
Hà Văn Kiên – nhân viên Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Bảo tồn – Ban Quản lý vườn làm hướng dẫn viên cho chúng tôi trong suốt lịch trình trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên ở đây. Kiên nói điểm đặc biệt đầu tiên của rừng Bù Gia Mập phải nhìn ngắm là 39 cây di sản đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận.
Vị trí của 39 cây di sản gồm quần thể 37 cây săng lẻ (tuổi đời 200 – 400 năm) tại khoảnh 6, Tiểu khu 21 trong phân khu hành chính – dịch vụ của vườn, thuộc xã Bù Gia Mập; một cây sộp (hơn 350 năm) tại khoảnh 4 và một cây tung (450 năm) tại khoảnh 3 thuộc Tiểu khu 27 trong phân khu phục hồi sinh thái vườn thuộc xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Du khách chụp ảnh tại cột mốc 62 (2) bên bờ sông Đăk Huýt |
Mặc dù từng cây di sản được gắn mã QR, chỉ cần đưa điện thoại lên quét là khách có thể tìm hiểu thông tin đầy đủ về tên, tuổi cây, nhưng Kiên vẫn say sưa thuyết minh như thể muốn chia sẻ tình yêu rừng của mình với khách.
Quần thể 37 cây săng lẻ (bằng lăng ổi) được đánh số để dễ tra cứu lý lịch, quản lý từng cây. Mỗi cây mỗi dáng, ai mải mê chụp ảnh là dễ lạc lối trong rừng nên tuy nhóm chỉ 4 người nhưng Kiên cứ phải điểm danh liên tục. Cây săng lẻ số 2 gốc vạm vỡ, lên cao khoảng 4 – 5 m thì thân tẻ thành hai nhánh lớn trông như chàng lực sĩ dang tay ngước nhìn trời xanh. Cây săng lẻ số 15 trụ chân tròn đều vững chãi với vòng ôm gốc gần 5 m, như khoe sức mạnh của tuổi đời 295 năm, đỡ thân cao 35 m.
Khá khen những người yêu rừng nhìn ra dáng quấn quít của cây và gắn tấm biển “Cây bằng lăng tình yêu” khiến các cặp đôi nhìn thấy cây này, lập tức dừng lại để chộp ngay bức ảnh kỷ niệm.
Giữ bình yên cho rừng
Nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo cháy rất cao. Vườn cũng không ngoại lệ.
Video đang HOT
Ra khỏi cánh rừng quần thể cây di sản, xe chúng tôi chạy trên đường giữa các tiểu khu rừng tiếp giáp với vùng đệm ở xã Bù Gia Mập và xã Đăk Ơ. Bất chợt nhìn thấy lửa cháy thành hàng ở phía xa, chúng tôi hốt hoảng ngỡ mình đi qua vùng cháy rừng. Anh Kiên trấn an rằng đó là lửa đốt lá khô do nhân viên kiểm lâm cùng người dân nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng thực hiện để tạo những đường băng cản lửa, phòng chống cháy rừng vào mùa khô. Kiên giải thích: Vườn có diện tích cây lồ ô rất lớn, mà loài cây này rất dễ cháy vào mùa khô. Trong khi nhiều tiểu khu giáp ranh khu vực vườn cao su, vườn điều của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan sang rừng rất cao do người dân thường đốt dọn vườn vào mùa khô.
|
Quần thể cây di sản |
Quan sát cách tạo đường băng cản lửa, chúng tôi thấy người dân gom lá khô vào những chỗ thoáng ở bìa rừng giáp ranh với vườn cây của người dân, rồi đốt cho đến tàn tro để tạo khoảng không ngăn nguồn bắt lửa. Việc đốt lá khô không phải đốt cho nhanh, mà gom từng cụm lá vừa đủ để kiểm soát tầm cao ngọn lửa, không cho cháy xém hay làm hỏng nhánh cây rừng ở tầng thấp.
Anh Kiên nói mỗi ngày làm công việc tạo đường băng cản lửa, nhân viên kiểm lâm, các đội nhận khoán bảo vệ rừng khá vất vả, có khi mọi người phải mang cơm trưa theo ăn tại chỗ. Hạnh phúc của họ là không để xảy ra vụ cháy rừng nào trong suốt mùa khô.
Trong mắt chúng tôi, những dãy ánh sáng đường băng cản lửa đẹp làm sao! Đẹp hình ảnh từng cụm lửa tỏa khói lên chạm vào ánh nắng chiều bật thành những mảng sáng xuyên ngang đường thật huyền diệu. Đẹp hình ảnh những người không ngại khó, kiên nhẫn giữ bình yên cho rừng.
Đến lúc này chúng tôi hiểu thêm lý do Ban Quản lý không cho khách tự do vào rừng mà không có hướng dẫn viên để bảo đảm quan sát, nhắc nhở khách tuân thủ những quy định về an toàn phòng cháy rừng.
Dâng trào cảm xúc
Hôm sau, chúng tôi tham quan vùng biên giới dọc theo sông Đăk Huýt, nằm trong một cánh rừng nguyên sinh của vườn.
Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ, Phó trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng 783 đóng trên xã Đăk Ơ, hướng dẫn chúng tôi đến cột mốc 62 (2), qua những khúc quanh đường rừng thật đẹp. Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, có 3 huyện biên giới là Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, cắm 28 cột mốc chính và 173 cột mốc phụ. Tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập dài 63,319 km, tiếp giáp huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri của Campuchia, phân giới với 2 cột mốc chính và 38 cột mốc phụ, 5 đồn biên phòng quản lý bảo vệ. Đồn Biên phòng 783 quản lý bảo vệ 15,896 km đường biên giới gồm 2 cột mốc chính và 7 cột mốc phụ.
Khách tham quan khu cứu hộ động vật hoang dã |
Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ cho biết đường biên giới trong phạm vi Đồn Biên phòng 783 quản lý bảo vệ đều được phân định trên sông Đăk Huýt. Trên tuyến biên giới đường sông, cột mốc nằm trên bờ sông lãnh thổ hai nước. Cột mốc cắm trên lãnh thổ Việt Nam được đánh thêm số 2 trong ngoặc; cột mốc phía bờ sông lãnh thổ Campuchia đánh thêm số 1 trong ngoặc.
Cột mốc 62 (2) được xây dựng năm 2007, hoàn thành vào tháng 3-2009. Trung tá Sỹ nói khu vực biên giới nằm trên địa hình đồi dốc, nhiều sông suối, nên việc đi lại xây dựng các cột mốc hết sức khó khăn. Khó nhất là tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập, phần lớn vị trí mốc phụ nằm trên bờ sông Đăk Huýt. Hồi đó chưa có đường bộ xuyên rừng, việc vận chuyển vật liệu xây dựng đều qua đường sông. Hiện khi đi tuần tra một số cột mốc phụ, cán bộ, chiến sĩ vẫn phải băng rừng, lội sông suối khá vất vả.
Lực lượng bộ đội biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, mà còn kết hợp cùng vườn làm công tác bảo vệ rừng, đặc biệt tiếp những đoàn khách đến tham quan như muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, giúp người dân nhận biết phạm vi lãnh thổ. Nghe những lời thuyết minh rõ ràng, đầy cảm xúc của người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, khi chụp những bức ảnh kỷ niệm bên cột mốc 62 (2), chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng thấy nơi mình đặt chân đến.
Nuôi dưỡng tình yêu với rừng
Ngày cuối, anh Kiên đưa chúng tôi đến khu cứu hộ động vật hoang dã của vườn. Nơi đây đang chăm sóc nhiều động vật sau khi được giải cứu, huấn luyện cho chúng các kỹ năng sinh tồn ngoài môi trường hoang dã trước khi thả về rừng. Nhiều con vật bị thương hoặc đã mất khả năng sinh sống ngoài tự nhiên, được nuôi vĩnh viễn ở đây.
Anh Kiên cho chúng tôi một tiết học sinh vật khá thú vị, nhiều hiểu biết về từng loài hoang dã. Chẳng hạn khỉ đuôi dài không những leo trèo giỏi mà bơi lặn cũng giỏi. Chồn gấu ban ngày ngủ, ban đêm ăn. Tê tê ăn mối và kiến vàng. Vượn đen má vàng rất chung tình, khi một con trong cặp bố mẹ mất thì con còn lại chăm sóc các con, không tìm bạn tình khác.
Đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng |
Công việc của các nhân viên ở khu cứu hộ này bận rộn cả ngày, từ dọn rửa chuồng thú; hái rau, trái cây, nấu cơm và thức ăn cho thú ăn; đi tìm các loại thức ăn đặc biệt cho các con vật như ổ mối, ổ kiến vàng; trồng một số loại rau, trái cây để có nguồn thức ăn thường xuyên cho thú nuôi tại đây.
Thấy một ngôi nhà gỗ xinh xinh trong khu vực cứu hộ, tôi hỏi có phải nhà nghỉ cho khách du lịch không. Anh Kiên bảo đó là ngôi nhà chung dành cho các tình nguyện viên tham gia chăm sóc động vật hoang dã. Thì ra, vườn có hoạt động cho đăng ký làm tình nguyện viên. Công việc chính của họ là chăm sóc các loài động vật hoang dã đã được cứu hộ theo hướng dẫn của nhân viên vườn. Các bạn chỉ cần lo chi phí đi tới Bù Gia Mập và tự lo ăn uống trong thời gian ở tại đây, không phải chi trả khoản phí nào khác cho vườn.
Anh Kiên cho biết nhiều tình nguyện viên sau một tuần trải nghiệm công việc đã cảm ơn các nhân viên vườn truyền cho họ tình yêu đối với rừng và những động vật sống trong môi trường tự nhiên. Có những tình nguyện viên còn may mắn được cùng tham gia thả các cá thể động vật sau cứu hộ về môi trường tự nhiên, họ càng thấy việc làm của mình ý nghĩa.
Tiếc là ngày chúng tôi đến đây thì một đội tình nguyện viên vừa mới rời đi sau một tuần tham gia làm việc, nên không có dịp tiếp xúc, nghe các bạn kể cảm xúc như thế nào. Nếu sắp xếp được một tuần đến đây, đăng ký làm tình nguyện viên, có lẽ sẽ thêm nhiều tình yêu với đời sống thiên nhiên.
Thăm Khu di tích Văn Thánh - Khổng Miếu ở Quảng Nam
Nằm trên trục đường Phan Bội Châu (thuộc khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), Khu di tích Văn Thánh - Khổng Miếu tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.200 m2, với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, nhà cổ dân gian truyền thống, cầu bắc qua hồ bán nguyệt và cổng tam quan.
Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian có niên đại gần 200 năm...
Theo hồ sơ di tích và dựa vào nội dung còn lưu lại trên bia đá, bia gỗ tại Văn Thánh - Khổng Miếu, để tỏ lòng tôn kính Đức Khổng Tử và đề cao việc học, tôn vinh các vị học rộng tài cao có công giúp dân, giúp nước, đầu năm 1840 các quan viên, chức sắc, nhân sĩ kính đơn lên huyện Hà Đông xin xây dựng và vận động các vị khoa bảng, cử nhân, chức sắc đóng góp tiền bạc xây dựng Văn Miếu. Ngày 14 tháng 6 năm Canh Tý, đời Minh Mạng thứ 21 (năm 1840) Văn Thánh được khởi công xây dựng tại xã Chiên Đàn (nay là Trường THCS Trần Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), đến ngày 20 tháng 1 năm Tân Sửu (1842) khánh thành.
Toàn cảnh Văn Thánh - Khổng Miếu ở Tam Kỳ.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử do chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, khu Văn Miếu đã bị hư hỏng và xuống cấp. Thể theo nguyện vọng của các chức sắc và nhân dân địa phương, các vị thân hào, nhân sĩ đương thời đứng ra quyên góp tiền bạc và di dời di tích này theo hướng nam khoảng 2 km, thuộc làng Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương, tỉnh Quảng Tín (cũ) (nay là khu Văn Thánh - Khổng Miếu, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Lễ khởi công vào tháng 5-1963 đến tháng 6-1970 thì hoàn thành, các hạng mục được trùng tu, phục dựng: Miếu chính, tháp chuông, tháp trống theo nguyên trạng và lấy tên là Khổng Miếu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, di tích có tên đầy đủ là Văn Thánh - Khổng Miếu cho đến nay.
Dẫn vào khu Văn Thánh - Khổng Miếu là cổng tam quan gồm bốn trụ được xây bằng gạch vồ, tô vẽ, cẩn sành sứ đế hình vuông, hai trụ cao trên chóp trụ có hình hoa sen nở, hình dáng như hai cái bút lông viết lên nền trời xanh, ngả bóng xuống hồ bán nguyệt liền kề như chạm vào nghiên mực đầy, hai trụ phụ có gắn hình con nghê cách điệu, tất cả đều được cẩn sành. Hai trụ chính ở giữa, phần trên có bốn mái hạ và bốn mái thượng, được trang trí các loại hoa cách điệu, có hoa văn đắp nổi, đắp chìm bằng sành sứ.
Bước qua cổng chính là tới hồ bán nguyệt với cây cầu vồng uốn cong được xây bằng đá, gạch có thành lan can với những ô đúc trang trí hình học được gắn liên tiếp với nhau khá công phu. Tiếp đến là khoảng sân đình với không gian thoáng đãng, lót gạch sạch đẹp theo hình bàn cờ. Nơi đây vào dịp lễ hội tháng Giêng hằng năm thường diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian, tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Hà Đông, khuyến khích sự học. Vào dịp tháng 7 âm lịch hằng năm tổ chức phát thưởng Giải thưởng Phan Chu Trinh - giải thưởng cao nhất của TP. Tam Kỳ về khuyến học, tổ chức các hoạt động như tổ chức đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian giải trí...
Sân đình của Khu di tích Văn Thánh - Khổng Miếu.
Ngôi nhà chính (miếu chính), được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian hai chái, trên mái trang trí hình "nhị long tranh châu", bốn góc mái có gắn hình tượng những đám mây cách điệu, trước hai đầu bậc cấp vào miếu cũng như hệ thống cột tròn chính giữa của miếu ở mái hiên trước đều được trang trí hình rồng. Kiến trúc miếu thờ chính bao gồm các cột được đặt trên đá táng có hình thức trang trí, bờ quyết gắn hình rồng cuộn cách điệu từ dây cuộn lá, hai phần đầu hồi được tạo gờ xi măng hình cuốn sách có gắn mảnh sành sứ mô tả con nai gặm cỏ. Nối tiếp với tòa chính điện là hậu điện ba gian hai chái, được liên kết với nhau bằng xuyên và xà, tại các khoảng trống của các ô xuyên có gắn các tấm bảng gỗ sơn son thếp vàng. Hậu điện được bài trí điện thờ đức Khổng Tử, các vị Tiên triết, Tiên hiền và Tiên nho.
Trong những năm gần đây, Văn Thánh - Khổng Miếu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc. Du khách đến đây có thể tìm về với những ký ức hoài cổ xưa và chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tinh tế qua những nét điêu khắc chạm trổ tinh xảo trên các cấu kiện gỗ, kiến trúc mỹ thuật, họa tiết xây dựng tượng hình mô tả độc đáo được trang trí ở các ngôi nhà cổ, cổng ngõ, tháp chuông, tháp trống, chính điện, hậu điện...
7 kỳ quan thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng của nước Mỹ Nước Mỹ sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà bất cứ ai cũng mong muốn đến một lần trong đời. 7. Yellowstone National Park Hồ nước nóng đầy màu sắc ở Grand Prismatic Spring, lưu vực Norris Geyser, Công viên quốc gia Yellowstone. Ảnh:Kane513/Shutterstock.com Công viên quốc giaYellowstone là một trong những địa điểm đầy mê hoặc thu hút khách...