Chăm sóc phụ nữ mang thai cách ly y tế
Phụ nữ có thai (PNCT) nếu tiền sử dịch tễ có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cũng phải chấp hành cách ly y tế. Trong điều kiện cách ly, các dịch vụ chăm sóc trước sinh sẽ bị gián đoạn. Vậy chăm sóc PNCT đang trong thời gian cách ly như thế nào?
Với những người tiền sử dịch tễ có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, cách ly y tế là giải pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus ra cộng đồng. Hiện nay, tại Việt Nam đang áp dụng 4 loại hình cách ly y tế, bao gồm: Cách ly y tế tại nhà hoặc nơi cư trú; cách ly y tế tại cộng đồng; cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung; cách ly tại các cơ sở y tế. Với PNCT, dù áp dụng hình thức cách ly nào thì các dịch vụ chăm sóc trước sinh cũng sẽ bị gián đoạn và có những điều cần chú ý đặc biệt.
Virus SARS-CoV-2 lây từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với đồ vật nhiễm giọt bắn đường hô hấp của người nhiễm, do vậy, trong thời gian cách ly, đặc biệt là khi cách ly tại nơi tập trung hoặc ở cơ sở y tế, nên bố trí PNCT được ở phòng riêng. Nếu phòng có nhiều người thì cần bố trí các giường cách nhau tối thiểu 2m, có chỗ treo quần áo, tư trang riêng của mỗi người, có rèm hoặc vách ngăn để PNCT có không gian riêng tư.
Phòng ở của PNCT cần đảm bảo thoáng khí và có nhiều ánh sáng. Ánh sáng vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa giúp cho cơ thể tự tổng hợp vitamin D. Nếu không thể mở cửa (vì lý do nào đó như thời tiết chẳng hạn), nên dùng quạt thông gió để thông khí. Phòng của PNCT cần đảm bảo tính riêng tư, an toàn và có thể dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh trong trường hợp cần thiết. Tốt nhất trong phòng có khu vệ sinh khép kín với đầy đủ nước sạch, xà phòng, nước rửa tay, dụng cụ và chất tẩy rửa, chỗ treo khăn tắm, khăn mặt riêng.
Nền, tường nhà cần được lau hằng ngày bằng dung dịch nước lau sàn có chứa xà phòng. Đồ vật, nhất là những đồ vật nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, công tắc điện, điều khiển TV, điện thoại bàn, vòi nước… cần được khử trùng ngày tối thiểu 2 lần bằng các dung dịch có chứa tối thiểu 70% cồn y tế. PNCT nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các hoá chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính vì có có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Thiết bị vệ sinh cần được cọ rửa hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy, xả kỹ bằng nước sạch. Trong trường hợp không có khu vệ sinh riêng, cần làm sạch bằng xà phòng, khử trùng thiết bị vệ sinh bằng dung dịch chứa tối thiểu 70% cồn y tế trước và sau khi sử dụng.
Bé trai chào đời an toàn tại khu cách ly.
Chế độ dinh dưỡng
PNCT tại nơi cách ly cần có một chế độ ăn riêng, đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thai, trong đó đặc biệt chú ý tới các khoáng chất, vi chất cần thiết như canxi, sắt, axit folic (vitamin B9), vitamin C…
Đặc biệt, do phải hạn chế ra ngoài nên những PNCT đang phải cách ly cần được bổ sung thêm vitamin D – một loại viamin cần thiết cho sự hình thành hệ xương của thai nhi.
Chăm sóc về tinh thần
Video đang HOT
Trong điều kiện cách ly, nhất là cách ly xa gia đình, PNCT rất dễ bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, chăm sóc tinh thần đối với PNCT trong hoàn cảnh này là rất quan trọng. Nhân viên y tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cách ly, đặc biệt là gia đình cần quan tâm đặc biệt đến PNCT, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ, phát hiện các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thông báo cho các cơ sở y tế để có những xử trí hoặc trị liệu phù hợp. Đặc biệt, các cơ sở cách ly cần giúp PNCT giữ mối liên hệ với gia đình, người thân, điều đó rất quan trọng.
Những dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian cách ly
Khám thai định kỳ có thể bị gián đoạn trong thời gian cách ly, do vậy, PNCT và gia đình cần tự theo dõi để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi để kịp thời báo cho nhân viên y tế. Dưới đây là một số dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ:
Đau bụng: Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần, có thể kèm theo ra máu âm đạo thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.
Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sẩy thai, sẩy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Ra máu, ra nước: Ra máu, ra nước âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài dạ con, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, rau tiền đạo, rau bong non, rỉ ối… Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu, ra nước và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.
Đau đầu, nhìn mờ: Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, PNCT cần được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
Lưu ý đối với phụ nữ có thai 3 tháng cuối
Việc khám thai trong 3 tháng cuối rất quan trọng, vì vậy PNCT cần nói với nhân viên y tế phụ trách việc cách ly liên hệ giúp với cơ sở chăm sóc sản khoa để đặt lịch thăm khám phù hợp. Tuỳ theo từng điều kiện cách ly và tình trạng của PNCT, việc thăm khám có thể thực hiện tại nơi cách ly hoặc tại cơ sở y tế, nhưng dù thực hiện ở đâu cũng cần tuân thủ đầy đủ các quy định về vận chuyển người nghi nhiễm SARS-COVI-2 và áp dụng các biện pháp phòng hộ cần thiết, an toàn cho sản phụ và người thực hiện khám thai.
Ngoài việc tự phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm như đã nêu ở phần trên, PNCT 3 tháng cuối cần tự theo dõi dấu hiệu cử động thai (thai máy, thai đạp): Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như “tôm búng” trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 7. Nếu thai đạp nhiều hơn mọi ngày, có thể do người mẹ mệt mỏi, thiếu ô xy. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Bạn cần liên hệ với nhân viên y tế để kiểm tra nếu theo dõi liền trong 6h không thấy thai cử động.
PNCT 3 tháng cuối cũng cần theo dõi để tự phát hiện dấu hiệu chuyển dạ. Nếu có dấu hiệu đau bụng từng cơn tăng dần, kèm theo có ra dịch hồng, ra nước hoặc chất nhầy (như nhựa chuối), có thể bạn đã chuyển dạ, khi đó cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Gần đến ngày sinh, PNCT đang trong thời gian cách ly nên được chuyển đến cơ sở sản khoa có đủ năng lực xử trí chuyển dạ cho sản phụ nghi mắc COVID-19 để theo dõi và chuẩn bị cho cuộc đẻ. Do các nhân viên y tế tham gia xử trí ca đẻ (hoặc mổ đẻ) cũng sẽ phải cách ly cùng với bà mẹ và sơ sinh nghi nhiễm cho đến khi khẳng định chắc chắn không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nên cơ sở y tế cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nhân lực và trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế trong cuộc đẻ và chăm sóc bà mẹ, sơ sinh sau đẻ.
Tóm lại, cách ly y tế bắt buộc là một giải pháp cần thiết, áp dụng với tất cả mọi đối tượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 để đề phòng lây lan ra cộng đồng, PNCT đang trong thời gian cách ly cần được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, bản thân mỗi PNCT khi phải thực hiện cách ly cũng cần tự tìm hiểu các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho thai nhi.
BS. Đinh Anh Tuấn
Đi khám thai mùa dịch, bác sĩ sản khoa nhắc mẹ bầu 4 nguyên tắc phải ghi nhớ
Bác sĩ Trần Trung Đạo khuyến cáo mẹ bầu ngoài lúc đi khám thai nên ở nhà nhiều nhất có thể để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh dịch ngoài cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, ở Việt Nam cũng ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh, mẹ bầu và gia đình sẽ không tránh khỏi lo lắng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, "ở yên trong nhà" là một trong những biện pháp cơ bản và hữu hiệu để phòng dịch. Vậy nhưng nhiều mẹ bầu lại đặt ra câu hỏi: " Vậy có nên đi khám thai theo đúng lịch đã được chỉ định, cần làm gì để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm khi đi ra ngoài khám thai?".
Mới đây, bác sĩ Trần Trung Đạo (bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) đã đưa ra những lời khuyên cho mẹ bầu về vấn đề đi khám thai mùa dịch và những biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 cho bà bầu.
COVID-19 ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi thế nào?
Trước tiên, bác sĩ Đạo khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học riêng biệt và rõ ràng nào về ảnh hưởng của Covid-19 đến đối tượng phụ nữ mang thai. Theo quan sát của bác sĩ về những ca bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, bà bầu bị nhiễm bệnh về cơ bản không có gì khác so với những đối tượng khác.
"Cũng chưa có nghiên cứu rõ ràng nào để trả lời câu hỏi Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không nhưng đã có một số báo cáo về việc có thể tăng nguy cơ sinh con", bác sĩ Đạo cho biết.
Hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng riêng biệt của COVID-19 đối với bà bầu và thai nhi. (Ảnh minh họa)
Bà bầu cần làm gì để đề phòng COVID-19?
Để đề phòng nguy cơ nhiễm Covid-19, bác sĩ khuyến cáo thai phụ cũng cần đảm bảo các nguyên tắc chống dịch như những đối tượng khác, bao gồm:
- Ở nhà nhiều nhất có thể;
- Rửa tay bằng xà phòng, ít nhất 20 giây/lần hoặc rửa tay bằng nước sát khuẩn đạt chuẩn khi tiếp xúc với vật dụng;
- Không đưa tay lên chạm mắt, mũi, miệng;
- Giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2m khi ra ngoài;
- Tránh tiếp xúc người đang bệnh;
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, bác sĩ khuyên mẹ bầu nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hãy chú trọng tới việc nghỉ dưỡng và thư giãn tinh thần để có được một sức khỏe tốt nhất - đây chính là liều thuốc tối ưu giúp cơ thể chống lại mọi bệnh tật.
Mẹ bầu nên ở nhà nhiều nhất có thể và đảm bảo đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người khác khi đi khám thai.
Nguyên tắc khi đi khám thai cho bà bầu trong mùa dịch
Tuy cần đảm bảo hạn chế ra ngoài nhưng bà bầu vẫn nên đảm bảo khám thai đầy đủ và đúng lịch. Theo bác sĩ Đạo, khi đi khám thai trong mùa dịch, các bà bầu nên tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Gọi điện báo trước cho các bác sĩ để sắp xếp lịch hẹn cũng như có sự chuẩn bị.
2. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với người bệnh, cần báo trước cho bác sĩ để được hướng dẫn và sắp xếp nếu đến khám.
Đồng thời, hãy gọi đường dây nóng cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (1900 3223 hoặc 1900 9095) để được tư vấn thêm và lưu ý với họ rằng bạn đang mang thai.
3. Trong quá trình di chuyển đi khám nên sử dụng phương tiện riêng để tránh lây nhiễm chéo.
4. Khi đến khám cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m với người khác và sát khuẩn tay liên tục. Luôn chuẩn bị sẵn và mang theo khăn giấy, nước rửa tay và khẩu trang bên mình.
Ngọc Linh
10 điều người dân cần 'nằm lòng' để phòng chống COVID-19 Bộ Y tế đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống COVID-19. Đến sáng nay 6-4, nước ta ghi nhận 241 ca nhiễm, 91 ca đã được công bố khỏi bệnh và ra viện. Đồ họa: VIỆT THÁI