Chăm sóc “cụ Rùa”
Nhà có bố mẹ già, nhất là khi có cụ lại quá già (được con cháu ví như cụ Rùa) là một cái phúc. Song, phụng dưỡng các cụ là một bổn phận thì bao giờ cũng thật nặng nề. Tuy nhiên, nhìn theo góc độ nào đó thì các cụ luôn mang lại niềm vui cho con cháu.
Cụ Rùa năm nay đã trên trăm tuổi. Trộm vía, hầu như các “bộ máy” của cụ vẫn hoạt động tốt. Cụ luôn làm các bác sĩ sảng sốt khi họ kiểm tra sức khỏe cho cụ: huyết áp luôn là 110/70, nhịp tim thường từ 72 – 75. Vào năm ngoài 90 tuổi, cụ bị ngã, đầu đập xuống đất chảy máu. Bác sĩ khám rồi hỏi: “Cụ có thấy chóng mặt không?”. Cụ ngơ ngác nhìn bác sĩ hỏi lại: “Thế nào là chóng mặt?”.
Cho đến nay, thỉnh thoảng cụ ăn cháo cho vui chứ bữa nào cụ cũng giải quyết rất nhanh một ô tô cơm và thức ăn (chưa kể đường, sữa, bánh, kẹo, hoa quả là các bữa phụ trong ngày).
Có những chuyện từ ngày xửa, ngày xưa cụ nhớ như in, như chuyện làng, chuyện nước. Có lần, bạn của con đến chơi, nghe ra đấy là ai, cụ hỏi luôn:
- Nhà anh hồi xưa phải làm thêm cái gác xếp, giờ anh vẫn ở đấy chứ?
Anh bạn kinh ngạc vì chuyện đó cụ chỉ nghe anh kể chứ chưa hề nhìn thấy.
Video đang HOT
Vậy mà đến lúc cụ lẫn thì lẫn kinh khủng. Ngày nào cụ cũng ăn cơm với con cháu nhưng có hôm cụ nhìn cô con dâu một cách âu yếm, nói rất cảm động:
- Chị là ai mà tốt thế, chị cho tôi ăn ngon quá.
Khách ở quê ra, vừa lúc trước cụ còn trò chuyện sôi nổi, rành rẽ hỏi về từng cụ trong họ, lát sau cụ lại ghé tai khách thì thầm vẻ bí mật:
- Nó (tức là cô giúp việc) chưa cho mình ăn gì từ sáng đến giờ. Nó thâm độc lắm thấy mình già hết tác dụng rồi định “khử” mình đấy!
Những lúc ấy, dù có giải thích thế nào cụ cũng khăng khăng rằng chỉ có mình nhận ra, con cháu một lũ không biết gì cả.
Một hôm, con trai cả của cụ gọi các em sang thông báo: Từ sáng đến giờ cụ không chịu ăn gì. Cụ bảo: “Người ta thông báo 26 này làm đám tang cho mình. Đằng nào cũng “đi”, nhịn ăn cho sạch ruột”. Con cháu nài nỉ thế nào cụ cũng quyết không ăn. Mãi sau anh con trai thứ nghĩ ra một mẹo. Anh nói:
- Bố ơi, sáng nay người ta bảo lại cho con rồi, vì nghĩa trang hết chỗ nên hoãn đám tang của ông lại, năm năm nữa mới gọi ông đi.
Cụ nghe chăm chú rồi phán:
- Không phải, nếu đúng thế phải có văn bản chứ.
Anh vội sai cậu con trai chạy về lấy văn bản. “Văn bản” là giấy mời họp của anh, có đóng dấu đỏ chót. Mắt cụ không nhìn rõ, chỉ thấy lờ mờ con dấu đỏ. Anh dõng dạc đọc: “Hà Nội, ngày… tháng… năm… Kính gửi cụ… Hiện nay do phải mở rộng nghĩa trang thành phố nên tạm dừng gọi các cụ trong năm năm tới. Đề nghị các cụ giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, tập luyện chăm chỉ để vui cùng con cháu…”
Cụ phấn khở reo to gọi con trưởng:
- Con ơi, bố được hoãn năm năm rồi. Khi cả nhà vỗ tay mừng cụ thì cụ chén hết bát mì to và lại đứng lên tập vẫy tay.
Cụ rất thích được trò chuyện, hễ có đối tượng để nói chuyện, cụ có thể nói suốt ngày. Trưa nào cô con dâu cũng vừa nấu cơm vừa xem ti vi. Dạo ấy đang có bộ phim dài tập nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn. Có hôm, cụ chống gậy vào bếp thuyết trình:
- Con ạ, ông giáo sư Phạm Khuê bảo, người già cần hai thứ: Một là thức ăn vật chất, hai là thức ăn tinh thần. Thức ăn vật chất là gì, là những thứ ra ăn hàng ngày, nhưng con đừng cho ăn nhiều thịt mà phải tăng đạm thực vật. Đạm thực vật ở đâu, ở rau, đỗ, đậu, lạc… Thức ăn tinh thần là gì, là được vui vẻ cùng con cháu, được tập luyện, không được để bị sờ – trét…
Sốt ruột vì phim đang hay, mắt nhìn ti vi, đang sắp cơm, miệng lại thỉnh thoảng dạ vâng cho cụ vui lòng, trong khi cụ nói như… Đức Khuê. Cô lẩm nhẩm: “Ông ơi, ông mà không để con xem đoạn gay cấn này thì còn sờ – trét đấy ông ạ!”.
Thấy con dâu không mặn chuyện, cụ bỏ ra ngoài, lát sau, cô nghe cụ kêu toáng lên: “Ối giới ơi, tôi bị đứt mạch máu não rồi!”. Cô chạy ra bảo: “Con đưa ông đi cấp cứu nhé”. Cụ đáp: “Không cần, tôi tự cứu lấy tôi thôi”.
Hồi trước, khi cụ còn khỏe, chưa cần người giúp việc, con trai mua cái chuông điện đưa cho cụ. Anh giải thích: “Cái chuông để ở phòng con. Đêm ông cần gì thì bấm vào đây, con sẽ sang, ông không phải gọi”. Cụ ngạc nhiên vì cái phương tiện hiện đại này. Đêm đầu tiên nghe chuông, con trai chạy sang hỏi cụ, cụ đáp: “Không có gì, bố thử chuông thôi”. Đêm thứ hai, anh lại chạy sang, cụ nói: “Bố muốn biết con còn thức không”. Đêm thứ ba thì cụ thanh minh: “Bố chạm tay vào nó chứ không định gọi con”.
Chuyện về cụ Rùa thì phải kể nhiều tập nhưng sống với cụ, con cháu được lợi nhiều bề. Thứ nhất là rèn luyện tính kiên trì, thứ hai là trở thành những người thông minh, hài hước (nhiều lần, cả nhà phải đóng kịch theo tình huống cụ đặt ra) và thứ nữa là phải chăm rèn luyện để có sức khỏe mà… theo hầu cụ.
Theo Thùy Dương