Chăm sóc bàn chân người bị tiểu đường
Người bệnh tiểu đường nên rửa sạch, giữ ấm chân, chăm sóc vết chai, cắt móng chân, không mang dép xỏ ngón hay giày cao gót…
Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và đoạn chi không do chấn thương tại Việt Nam. Việc chăm sóc kỹ bàn chân ở người bệnh đái tháo đường rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng loét bàn chân có thể gây tàn phế suốt đời.
Hướng dẫn tự chăm sóc bàn chân:
Tự khám bàn chân mỗi ngày
Người bị tiểu đường tự khám bàn chân bằng cách kiểm tra có chỗ nào bị chai, vết nứt, trầy xước, nốt phồng hay sưng đỏ không và xem sự phát triển của móng chân. Nếu có bất thường nên đến khám tại các cơ sở y tế ngay. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần ổn định đường – huyết, phối hợp ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ.
Rửa sạch chân, giữ ấm
Người bệnh nên dùng nước ấm và xà phòng trung tính vỗ nhẹ vào da, sau đó lau khô, đặc biệt vùng kẽ ngón, cuối cùng thoa chất làm ẩm da. Lưu ý không nên chà mạnh, ngâm chân trong nước nóng, nước muối, dung dịch tẩy rửa hay thoa chất dưỡng ẩm vào vùng kẽ ngón.
Chăm sóc vết chai
Video đang HOT
Sau khi người bệnh tắm xong, để da đủ mềm, dùng đá bọt, bàn mài chà theo một hướng. Lưu ý không nên cắt gọt vết chai bằng vật sắc nhọn hay cắt vào gốc móng.
Cắt móng chân
Bệnh nhân tiểu đường nên cắt móng chân theo hướng vòng cung, dũa tròn các góc và khóe móng mỗi tuần một lần. Không nên cắt ngang, lấn sâu vào móng hay móc khóe chân.
Mang vớ và giày
Nên mang vớ mềm, vừa vặn, không quá bó, làm bằng sợi tự nhiên như bông sợi, len. Người bệnh có thể dùng miếng lót hỗ trợ giúp phân bố đều lực và giảm sang chấn. Nên trang bị hai đôi giày trở lên để thay đổi mỗi ngày, lưu ý kiểm tra dị vật bên trong trước khi mang giày.
Bệnh nhân không nên đi chân đất, kể cả trong nhà, không mang giày chật làm trầy gót hoặc ngón chân. Sau mỗi giờ mang giày nên cởi ra, để chân bên ngoài một thời gian sau đó mới mang giày tiếp.
Chọn giày thích hợp
Người bệnh nên mua giày vào buổi chiều tối. Giày phải mang thoải mái ngay từ lúc mới mua. Tốt nhất nên đặt riêng một đôi giày cho mình. Lưu ý, giày phải kín ngón và gót, bên trong mềm mại, không bị gồ, chất liệu bằng da nên được ưu tiên. Không mang dép xỏ ngón hay giày cao gót.
Vận động
Khi ngồi nên kê chân cao, tránh ngồi xổm, xếp bằng, bắt chéo chân lâu, hạn chế vận động khi đau chân.
Cẩm Anh
Theo VNE
Dấu hiệu bệnh trĩ
Triệu chứng của bệnh trĩ là đi tiêu ra máu, đặc biệt máu đỏ tươi sau phân, lượng máu tùy theo mức độ của bệnh.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết bệnh trĩ hay dân gian còn gọi là lòi dom, là một bệnh khá phổ biến mà tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có nguy cơ mắc phải. Trĩ được hình thành do dãn nở quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh trĩ giai đoạn sớm thường không có biểu hiện khó chịu gì đối với người bệnh. Giai đoạn sau, bệnh nhân có triệu chứng đi tiêu ra máu, đặc biệt là máu đỏ tươi sau phân. Lượng máu theo phân tùy theo mức độ bệnh và ít khi gây ra mất máu ồ ạt.
Sau một thời gian, búi trĩ sẽ to lên, sa ra ngoài. Lúc đầu, hiện tượng này chỉ xảy ra khi đi đại tiện, nhưng về sau sẽ xảy ra liên tục. Giai đoạn trĩ lòi ra, người bệnh có cảm giác đau, vùng hậu môn bị sưng, phù nề, ngứa. Sau vài ngày sẽ bớt đau và sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Một số trường hợp búi trĩ bị lở loét hoặc hoại tử từng vùng, thậm chí tạo ra áp xe vùng hậu môn và vùng chậu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt không điều độ, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, đặc biệt là người làm việc văn phòng. Người bệnh chèn ép, gây áp lực lên hậu môn, mắc tiêu chảy kéo dài, xơ gan, táo bón lâu ngày không điều trị dứt điểm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Cơ thắt hậu môn bị thoái hóa, nhão, đặc biệt là ở người già. Quá trình mang thai, sinh nở là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.
Bệnh trĩ có thể kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống và thuốc. Cách điều trị:
Theo y học hiện đại
Bác sĩ chủ yếu dùng các thuốc có tác dụng làm bền thành mạch, dẫn xuất từ flavonoid. Cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, nguyên nhân gây ra bệnh là do khí huyết không lưu thông, những thói quen không tốt hoặc do những bệnh lý nội thương. Vì vậy, điều trị bệnh trĩ thường dùng phối hợp các thuốc có tính hoạt huyết, khử ứ, bổ huyết bổ khí. Một số loại thuốc được nghiên cứu có thành phần hoạt chất như các thuốc y học hiện đại giúp bền thành mạch gồm hoè hoa, kim ngân hoa.
Người bệnh cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như táo bón, ngồi lâu, điều trị các bệnh lý đi kèm. Tập một số động tác tăng cường cơ vùng hậu môn, thay đổi chế độ ăn phù hợp. Uống thuốc hoặc thoa từ dược liệu góp phần cải thiện tình trạng ứ trệ tĩnh mạch vùng hậu môn.
Bác sĩ Sơn khuyên người bệnh nên đến khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Cẩm Anh
Theo VNE
Ung thư vòm họng là gì? Dấu hiệu ung thư vòm họng thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác như xuất hiện khối u ở mũi hoặc cổ, đau họng, khó nói, mất thính lực... Ảnh minh họa Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết ung thư vòm họng là loại hiếm gặp trong các ung thư...