“Chấm dứt nhận ôtô doanh nghiệp tặng” là chỉ đạo kịp thời
“Việc địa phương nhận xe sang của doanh nghiệp tặng, chưa ai đánh giá có tính chất vụ lợi nhưng nói rằng động cơ trong sáng thì không thuyết phục”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nói.
Tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấm dứt việc tiếp nhận ôtô của doanh nghiệp biếu, tặng. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Chiếc ôtô doanh nghiệp tặng, đã được Đà Nẵng trả lại. Ảnh: Nguyễn Đông
Vừa qua báo chí đưa tin nhiều tỉnh, thành nhận quà tặng của doanh nghiệp là ôtô. Ông nghĩ sao về việc này?
- Nhiệm kỳ trước, khi còn ở Uỷ ban về các vấn đề xã hội, chúng tôi đi giám sát, báo cáo chính thức của các tỉnh, thành cho thấy các doanh nghiệp đều có ủng hộ, tài trợ cho nhiều hoạt động ở địa phương. Đó là những việc ủng hộ vì lợi ích chung như tặng nhà văn hoá hay công trình giáo dục, y tế… Những món quà rất đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin rằng các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ tốt với người có thẩm quyền ở địa phương, bằng hiện tượng quà cáp, biếu xén. Nhưng với phản ánh này thì chúng tôi không thể sử dụng vào báo cáo kết quả giám sát của mình, vì không địa phương nào sử dụng thông tin đó làm tài liệu chính thức.
Video đang HOT
Cũng trong những lần đi giám sát, tôi có thấy một thực trạng là đâu đó có chuyện cán bộ lãnh đạo cấp huyện muốn gặp lãnh đạo tỉnh, nếu đăng ký qua văn phòng thì rất lâu mới được gặp, nhưng nếu thông qua doanh nghiệp có khi rất nhanh. Đây là hiện tượng không bình thường.
Vì vậy, việc một số địa phương nhận xe sang của doanh nghiệp tặng mà báo chí phản ánh gần đây, có thể chỉ là phần nổi của tảng băng.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng.
Các địa phương thường giải thích rằng xe tặng dùng cho mục đích công. Ông nhìn nhận thế nào về việc này dựa trên cả hai góc độ đạo lý và pháp lý?
- Mới đây, đoàn thanh niên điện lực TP HCM tổ chức sửa chữa điện miễn phí cho các hộ dân huyện Cần Giờ, đặc biệt là những hộ nghèo. Quà tặng này rất đặc biệt, vì nó là mồ hôi, công sức, lao động chuyên môn và là món quà quý giá đối với người dân. Với những món quà này, không ai nghi ngờ động cơ hay mục đích vụ lợi.
Theo báo cáo, hiện Cà Mau còn 9,94% hộ nghèo, tức là gần 30.000 hộ. Đà Nẵng dù là đô thị phát triển nhưng theo chuẩn mới vẫn còn 9,18% hộ nghèo. Chúng ta biết rằng hai địa phương này đã nhận ôtô doanh nghiệp tặng và sau đó trả lại. Nếu nói tặng quà cho địa phương để lãnh đạo đỡ vất vả hơn, đặt bên cạnh nhu cầu về giảm nghèo, mà thiết yếu là về nhà ở, học hành, chữa bệnh của hộ nghèo thì mức độ yêu cầu rất khác nhau.
Nếu doanh nghiệp muốn giúp cho địa phương, cho người dân thì có lẽ còn nhiều cách giúp đỡ mà dư luận hoan nghênh hơn nhiều. Vì vậy, việc tặng và nhận xe xét ở góc độ đạo lý thì dư luận còn băn khoăn.
Còn ở góc độ pháp lý, liên quan đến vấn đề này có nhiều quy định, trực tiếp là Bộ luật dân sự (ở góc độ xác lập quyền sở hữu), rồi ở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật quản lý tài sản nhà nước, đặt biệt Luật phòng chống tham nhũng. Điều 40 của luật này nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đến phạm vi quản lý, lĩnh vực công việc mà họ có trách nhiệm giải quyết. Vì vậy, việc tặng và nhận quà như vậy không đến mức vi phạm nhưng có khía cạnh không ổn.
Các văn bản dưới luật quy định rõ hơn, như quyết định 64 của Thủ tướng ban hành năm 2007, quy định rõ các cơ quan nhà nước không được nhận quà trong 3 trường hợp gồm: Không rõ mục đích, có tính chất vụ lợi, hay liên quan đến tham nhũng. Ở đây chưa ai đánh giá là liên quan đến tham nhũng hay vụ lợi, nhưng nói rằng tặng xe là động cơ hoàn toàn trong sáng, vì sự phát triển của địa phương thì không thuyết phục người dân.
Có ý kiến lo ngại nếu không chấm dứt tặng và nhận xe sang thì có thể dẫn đến trường hợp biến tướng, thậm chí lợi ích nhóm. Ông thấy sao?
- Bản thân việc nhận quà tặng trị giá hàng tỷ đồng đã là một lợi ích, mà lợi ích thì có ràng buộc. Có người còn cho rằng đây là chưa hẳn chỉ là quà tặng, mà là cách đầu tư của doanh nghiệp. Trong cuộc sống, đầu tư đúng địa chỉ thì hiệu quả có thể rất cao.
Một vấn đề nữa cũng cần nói đến là sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không tặng xe cho chính quyền địa phương có phải tặng quà khác không? Và nếu không tặng thì có bị phân biệt đối xử không? Vì không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tặng quà, mà quà tặng lại chỉ được sử dụng cho một số chức danh lãnh đạo.
Từ những giả thuyết trên, nếu ai đó lo ngại việc tặng và nhận quà là xe sang có liên quan đến nhóm lợi ích, không phải không có cơ sở.
Thủ tướng đã yêu cầu yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấm dứt việc tiếp nhận ôtô của doanh nghiệp biếu, tặng. Ông bình luận gì về quyết định này?
- Nơi nào đã nhận xe doanh nghiệp tặng, có nhiều cách xử lý như trả lại xe cho doanh nghiệp, hay ghi nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng sử dụng, chuyển thành tiền và đưa vào ngân sách… Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh vụ việc vừa rồi thì Thủ tướng yêu cầu như vậy là hoàn toàn kịp thời, hợp lý.
Quyết định của người đứng đầu Chính phủ sẽ tạo ra tiền lệ tốt, cũng là sự cảnh báo cho những sự việc tương tự có thể xảy ra ở những địa phương khác. Hơn nữa, nó cũng sẽ tạo cơ sở cho việc hoàn thiện khung pháp lý trong thời gian tới.
Những thay đổi nào là cần thiết trong bối cảnh việc cơ quan công quyền nhận quà tặng của doanh nghiệp không phải cá biệt, thưa ông?
- Tôi luôn mong muốn hoạt động của cơ quan nhà nước cần minh bạch hơn, và những người đứng đầu chính quyền chủ động thực hiện sự công khai.
Luật tiếp cận thông tin đã yêu cầu cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin do mình tạo ra, nắm giữ. Điều 18 luật này cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công khai quyết định hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quyết định nhận quà tặng là xe ôtô của doanh nghiệp không phải quyết định hành chính cá biệt đơn thuần, mà là quyết định hành chính phạm vi áp dụng rộng nên cần công khai. Ở đây, lâu nay chỉ khi báo chí vào cuộc dư luận mới biết được. Vì vậy tôi mong muốn và yêu cầu cơ quan nhà nước cần minh bạch hơn hành động của mình.
Theo tôi, Nhà nước cũng cần quy định rõ ràng hơn khung pháp lý những việc có tính chất tương tự. Hiện có nhiều luật, văn bản dưới luật quy định nhưng việc tặng và nhận xe này vẫn có 2 luồng ý kiến: đồng ý vì cho rằng đúng pháp luật, và luồng khác khẳng định không đúng với pháp luật hiện hành. Sở dĩ có hai luồng ý kiến như vậy vì quy định pháp lý chưa rõ ràng. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung để khung pháp lý rõ ràng hơn.
Doanh nghiệp tặng hai xe tiền tỷ cho huyện miền núi Ông Lã Trường Sinh, Bí thư Huyện ủy Nho Quan (Ninh Bình) vừa cho biết, hai cơ quan Huyện uỷ và UBND huyện này được một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tặng ôtô. Đơn vị tặng xe cho huyện Nho Quan là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long (đóng tại xã Xích Thổ). Hai chiếc xe doanh nghiệp tặng gồm một xe Toyota Fortuner, sản xuất năm 2014, đăng ký lần đầu ngày 7/11/2014, được UBND huyện Nho Quan làm thủ tục tiếp nhận đăng ký lần 2 ngày 18/1/2016, mang BKS 35A – 016.66. Chiếc thứ hai là Mazda CX5 (sản xuất năm 2014), đăng ký lần đầu ngày 22.7.2014, được Huyện ủy Nho Quan đăng ký lần 2 ngày 18.1.2016, mang BKS 35A – 018.88. Hai chiếc xe này được Huyện ủy và UBND huyện Nho Quan sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại, làm việc của lãnh đạo. Định Bình – Lê Hoàng
Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress)