Chấm dứt dự án thép Guang Lian, Đài Loan ở KKT Dung Quất
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy thép Guang Lian có tổng vốn đăng ký lên hàng tỉ đô la Mỹ tại khu kinh tế này sau khoảng mười năm dây dưa, chậm chạp.
Thông tin này được một nguồn tin có thẩm quyền của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất chia sẻ với TBKTSG Online vào tối hôm nay, 7-8. Theo nguồn tin trên, quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư này được ban hành vào tháng 7 rồi với lý do nhà đầu tư đã vi phạm Luật Đầu tư và Luật Đất đai sau khoảng 10 năm cấp phép đầu tư và điều chỉnh thay đổi nhiều lần.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án thép Guang Lian Dung Quất. Báo cáo kết luận của thanh tra cho thấy có đủ điều kiện để cơ quan quản lý ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Suốt 10 năm qua, tiến độ xây dựng dự án quá chậm, chỉ mới có cọc sắt trên những bãi đất trống rộng hàng trăm héc ta, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai…
Dự án thép Guang Lian dang dở chiếm 337 héc ta đất tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: báo Thanh tra.
Theo nguồn tin trên, sau quyết định trên sẽ còn một số thủ tục khác như thanh lý tài sản của nhà đầu tư để sau đó ra quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Guang Lian Steel (VN).
Vào giữa năm ngoái, Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư chính của dự án thép Guang Lian cũng đã chính thức thông báo với cơ quan quản lý về việc không thể thu xếp tài chính để tiếp tục thực hiện dự án nói trên.
Như vậy sau 10 năm số phận của một dự án bê trễ, liên tục thay đổi các kế hoạch và giấy phép đầu tư đang dần đi đến hồi kết.
Video đang HOT
Thực tế khả năng tiếp tục triển khai dự án này được giới phân tích trước đó đánh giá là rất thấp sau khi tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản JFE tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án từ tháng 9 năm 2014.
Con đường gập ghềnh của dự án thép Guang Lian
Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được hình thành từ năm 2006, khởi đầu là do Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất. Dự kiến nhà máy sẽ có công suất 5 triệu tấn thép/năm và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ.
Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là Công ty E-United. Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.
Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm; đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất này của nhà đầu tư đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.
Mất một khoảng thời gian khá dài, việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được tập đoàn JFE (Nhật Bản) “để mắt” tới. JFE được đánh giá là tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới, có năng lực tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép.
Tháng 4-2012, tập đoàn JFE cùng E-United đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác; theo đó JFE sẽ nghiên cứu tính khả thi của dự án, xác nhận các vấn đề liên quan đến thiết bị, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, điều kiện ưu đãi đầu tư… trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến tháng 9-2014 JFE chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.
Sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỉ đô la Mỹ.
Theo Báo Sài Gòn Times
Dấu hiệu chuyển giá ở Formosa Hà Tĩnh
Theo một nguồn tin từ Cục Hải quan Hà Tĩnh, Formosa đang nằm trong danh sách đen bị nghi ngờ có hoạt động chuyển giá để trốn thuế.
Formosa Hà Tĩnh đang trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy
Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh , cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Cty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng địa phương phát hiện ra các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh ngay trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy. Vào tháng 5/2015, Cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đã phát hiện việc DN này cố tình nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, kể từ năm 2013 đến nay, một loạt những sai phạm khác liên quan đến vấn đề đóng thuế của Formosa Hà Tĩnh cũng đã được phát hiện.
Là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất cả nước về vốn đăng ký đầu tư, gần 10,6 tỷ USD, dự án thép Formosa Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của miền trung nói chung và riêng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng dự án đã không khỏi đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?
Những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng đã đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở VN không?
Trong một văn bản gửi Tổng Cục Hải quan năm 2015, Cục Hải quan Hà Tĩnh thậm chí còn nêu thẳng vấn đề rằng cơ quan này "nhận thấy có những vấn đề nghi vấn về việc chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào" của Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Cục Hải quan Hà Tĩnh phát hiện các trường hợp nâng giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn giá trị thực. Ví dụ được cơ quan hải quan Hà Tĩnh đưa ra là trong một tờ khai ngày 7/10/2014, Formosa Hà Tĩnh có nhập khẩu bộ phận "Vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với trị giá là hơn 1,63 triệu USD. Trong khi đó, trị giá của thiết bị này được khai báo trong đăng ký danh mục miễn thuế lại chỉ hơn 1,47 triệu USD. Như vậy đã có sự chênh lệch trị giá hơn 154 nghìn USD.
Mặc dù Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra lời giải thích do thời gian đăng ký danh mục miễn thuế và thời gian nhập khẩu cách xa nhau dẫn đến sự chênh lệch về giá, nhưng Cục Hải quan Hà Tĩnh vẫn đặt vấn đề nghi vấn Formosa Hà Tĩnh khai tăng giá trị hàng hóa để chuyển giá.
Thực tế việc thu hút một dự án đầu tư quy mô lớn như Formosa Hà Tĩnh vào Việt Nam có thể nói là điều cần thiết, đặc biệt là Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất những sản phẩm thép dùng cho các ngành công nghiệp mà Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu. Mới đây nhất, Formosa đã tuyên bố sẽ lui thời điểm khánh thành nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã được dự kiến trong mùa hè này, trong bối cảnh dự án này đang bị thanh tra về các vấn đề liên quan đến môi trường. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Formosa Hà Tĩnh vẫn sẽ hoạt động, bởi số tiền mà tập đoàn này cùng các đối tác như China Steel và JFE Steel đã đổ vào đây là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, những nghi vấn này lại đặt ra câu hỏi phải quản lý và giám sát thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được dự án này một cách hiệu quả nhất lại đang là vấn đề hóc búa.
Theo Như Ngọc
Diễn Đàn Doanh nghiệp
Doosan Vina xuất hơn 350 tấn hàng đầu năm Công ty TNHH Doosan Vina, tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi vừa xuất lô hàng đầu năm Bính Thân. Chuyến hàng có trọng lượng 350 tấn được xuất cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đặt tại tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là chuyến xuất hàng thứ 12 trong 17 chuyến hàng mà Doosan Vina ký kết cung cấp...