“Chả thân gì, chúc tết cả trăm triệu là vô lý”
Chuyện đưa tiền nong lạc hậu lắm rồi, quà tặng bây giờ đã biến tướng thành dự án, nhà cửa, đất đai…
Quà tặng biến tướng thành dự án, nhà cửa, đất đai (ảnh minh họa)
“Việc tặng quà không thiếu gì thời gian, địa điểm để tặng. Nhưng lợi dụng tết sẽ dễ chấp nhận hơn cho cả người đưa và người nhận. Người ta bảo tặng quà tết chứ ai thừa nhận hối lộ hay có ý gì. Nhưng thực ra bên trong có ý cả. Chả thân thiết gì nhau mà chúc tết tới trăm triệu thì đó là vô lý và bất thường, không thể nói là tình cảm”. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), mở đầu cuộc trao đổi xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng.
Tặng quà trở thành “luật chơi”
Phóng viên: Theo một khảo sát mới đây do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, 70% số doanh nghiệp (DN), cán bộ, công chức được hỏi cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc và việc tặng quà đã trở thành thông lệ, thậm chí là “luật chơi”. Nhiều DN tặng quà để không bị phân biệt đối xử, trong khi cán bộ, công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện “sự biết điều”. Ông nhìn nhận gì về điều này?
- Ông Phạm Trọng Đạt: Khảo sát trên đã phản ánh đúng thực tế đang diễn ra, việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên đã trở thành “nếp” rồi. Đặc biệt, cứ ngày tết là phải thống kê danh sách để đi biếu ông này ông kia, cơ quan này cơ quan kia. Họ lo ngại bây giờ không biếu nữa thì người ta sẽ nghĩ sao, cấp trên có đánh giá là “không biết điều” hay có ý gì không.
Cho nên Thủ tướng chỉ thị cấm địa phương về Hà Nội chúc tết, biếu quà chính là mở cửa, giải thoát cho tư tưởng cấp dưới không phải lên cấp trên, không phải tới bộ này bộ khác để biếu xén gì cả.
Nhiều ý kiến cho rằng quà biếu, quà tặng chính là biến tướng của tham nhũng. Việc biếu xén đang diễn ra ngày càng tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Cá nhân ông từng nhắc tới việc mời đi ăn cơm bụi nhưng có thể tặng nhau cả ngàn đôla để dẫn chứng…
Video đang HOT
- Đây là một thực tế đang diễn ra. Người ta lợi dụng ngày tết để tặng quà, để đưa hối lộ cũng có. Nhưng cũng có lúc mời nhau uống cốc nước chè, tách cà phê là “giải quyết” xong. Chỉ cần một cú điện thoại nói “Hôm nay đi uống cà phê nhé” là người ta hiểu cà phê để làm gì rồi. Sự dàn dựng đó đã thành ý thức trong đầu, cả người đưa và người nhận quà đều hiểu điều đó có nghĩa là gì.
Hay gặp nhau ở một hội nghị nào đó, người ta chuyển giao quà cho nhau như là chuyển tài liệu chứ có vấn đề gì đâu. Cần gì phải đến nhà, đến phòng làm việc.
Biến tướng thành… dự án, nhà cửa
Những việc này ông nghe người khác nói lại hay bản thân ông được chứng kiến?
- Tôi biết thông tin qua tin báo của người dân, biết thông tin từ lực lượng của mình. Biết rồi nhưng xử lý thế nào, giải quyết thế nào là cả một vấn đề, phải theo quy định của pháp luật. Việc này thực sự không dễ dàng bởi nhiều việc giữa hiện tượng và bản chất chằng chịt lẫn nhau, biến tướng, che đậy lẫn nhau, để làm rõ rất khó khăn.
Chẳng hạn, họ gặp nhau tại cuộc họp, đưa tài liệu cho nhau thì biết thế nào. Người ta đã dày công chuẩn bị thì hết sức tinh vi, cần gì gói to mới gọi là quà. Thậm chí là chuyển khoản, giúp đỡ con cái ra nước ngoài học…, quà ở đây được quy thành một dạng khác như thế. Đây là một thực tế mà không dễ kết luận.
Thậm chí sinh nhật, ma chay, hiếu hỷ… chả ai cấm chuyện tặng quà. Đấy là tình cảm của người ta. Thế nhưng người ta lợi dụng tình cảm ấy để giải quyết mục đích mà hai bên đều thấy rằng là đúng. Những chuyện này nhiều lắm.
Nói thật, bây giờ đưa tiền nong là lạc hậu lắm rồi, quà tặng bây giờ đã biến tướng thành dự án, nhà cửa, đất đai… Rất nhiều thứ chứ không chỉ có tiền!
Tặng quà quá mức, cần quy tội hối lộ
Giải quyết căn cơ nạn quà biếu, quà tặng không đơn giản, ông có hiến kế gì không?
- Để giải quyết căn cơ vấn đề này đòi hỏi nhiều giải pháp tổng hợp. Trong đó, cần sửa các bộ luật khác chứ không riêng Luật Phòng, chống tham nhũng, chẳng hạn Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…
Để cán bộ không dám tham nhũng, không được tham nhũng, không thể tham nhũng thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm chứ không riêng gì thanh tra. Đồng thời cũng phải sửa chính sách cán bộ, làm sao thu nhập phải đủ sống để làm việc, chứ bây giờ ai “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nữa, làm gì có chuyện đó!
Vấn đề quan trọng là cơ chế giám sát, cái này mình có hết rồi, từ Đảng, Quốc hội, MTTQ, người dân đều tham gia giám sát cả.
Nhưng giám sát chỉ là một việc thôi. Cho nên thông điệp của Thủ tướng cũng bao hàm ý xác định trách nhiệm của người đứng đầu phải làm, phải thực hiện, chỉ đạo làm cho tốt. Thủ tướng nêu gương trước, các bộ trưởng, thứ trưởng cũng phải nêu gương. Các bộ không nhận quà của địa phương, người dân…
Song song với đó là xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Kể cả người đứng đầu vi phạm cũng phải xử lý, chứ cấm người ta mà anh vi phạm thì làm sao? Hoặc là không nhận ở trên này nhưng xuống địa phương nhận thì cũng phải xử.
Chúng ta đã có quy chế về quà tặng nhưng dường như quy chế này “bị ngó lơ”, thưa ông?
- Bao nhiêu năm nay quy chế về tặng quà khó thực hiện được là do không có chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không nêu gương, khi phát hiện không xử lý nghiêm. Nếu chỉ xử lý hành chính sẽ không giải quyết triệt để được tệ nạn này đâu! Ở một mức nào đó phải xử lý hình sự như nước ngoài, nếu nhận quà biếu, quà tặng quá quy định, họ cho đấy là tội nhận và đưa hối lộ.
Tới đây, khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ đưa hành vi tặng quà trái quy định vào và xem xét lại mức quà tặng thế nào cho phù hợp. Nếu quá mức quy định phải xem là tội hối lộ và phải xử lý hình sự.
. Xin cám ơn ông.
Theo ĐỨC MINH (Pháp luật TP.HCM)
Đua nhau săn quà độc siêu đắt làm quà biếu
Nhiều món quà độc, siêu đắt được mua để làm quà biếu. Từ củ sâm giá hàng trăm triệu đên gà Đông Tảo, Yến huyết đều khiến người nghe phải giật mình.
Sâm thượng đẳng giá chát
Nói về quà Tết độc và khủng, anh Ngô Quốc Hưng, chuyên bán sâm Ngọc Linh đến từ Hà Nội cho biết, đây còn được gọi là sâm Việt Nam, được phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận giáp ranh của tính Kon Tum và Quảng Nam, là một trong 5 loại nhân sâm thượng đẳng trên thế giới.
Con gà Đông Tảo ở trang trại của anh Thanh.
Anh Thanh kể, vừa có một đại gia đặt con gà Đông Tảo nặng 6,5 kg. Con gà này cặp chân khủng (đường kính 7 cm), giá mười mấy triệu đồng. Vị này mua gà chỉ để tặng vợ làm cơm cúng đêm giao thừa.
Không chỉ bán lẻ, có doanh nghiệp còn tới đặt mua buôn gà Đông Tảo của anh Thanh để biếu đối tác. Họ đặt luôn một lúc mấy cặp gà, đều đòi hỏi rất khắt khe như: Phải nặng trên 6 kg, chân thật to, lông đỏ mướt, thời gian nuôi khoảng 1,5 năm tuổi.
Yến kim tơ sợi vàng đã tinh chế là một trong những món quà Tết sang chảnh
Theo anh Chánh, ngoài các đại gia chọn mua Yến cực phẩm số lượng lớn biếu Tết, anh còn có đối tượng khách hàng khác là dân công sở. Những vị khách này do thu nhập vừa phải nên chủ yếu đặt mua loại tổ yến giá thành khoảng 2 triệu đồng/lạng.
Thị trường tổ yến dịp cận Tết thượng vàng hạ cám, giá thành chất lượng rất khó đoán. Chính vì thế, người mua yến chủ yếu là khách quen do người thân, bạn bè giới thiệu./.
Theo_VOV
Thị trường quà Tết 2016: chuộng hàng Nhật, ưa giá Việt Nhu cầu mua quà biếu tặng dịp Tết chưa bao giờ giảm nhiệt. Ước tính, số lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng khoảng 80% so với ngày thường. Hàng hóa càng nhiều, lựa chọn thế nào để có được món quà ý nghĩa, trọn tình lại càng khó. Theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, thị trường quà biếu tặng...