Cha mẹ tốt luôn có ‘khoá’ trên miệng khi nói chuyện với con
‘Chiếc khoá kéo’ để cha mẹ không nói những lời tổn thương con trẻ trong phút tức giận, bởi bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Bài viết là quan điểm của Zhang Xuyu, một chuyên gia về giác quan nổi tiếng của Đài Loan, đang được chia sẻ nhiều. Zhang Xuyu rất giỏi trong việc giúp các bậc phụ huynh tìm ra những lợi thế của con cái và nuôi dưỡng chúng.
Mới đây tôi vô tình xem một bộ phim tuyên truyền về bạo lực ngôn ngữ mà người lớn dành cho trẻ nhỏ. Trong video, một tội phạm vị thành niên kể câu chuyện của chính mình ở trại giam. “Khi tôi 12 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Mẹ mỗi ngày đều mắng tôi, muốn tôi đi chết đi, nói tôi là đồ vô dụng, rác rưởi. Từ trước đến nay chưa từng khen tôi. Rất nhiều lần mẹ mắng tôi là đồ óc lợn. Sau đó tôi đã cầm súng tìm đến một sòng bạc và giết người”.
Chàng thiếu niên bị đẩy vào cảnh tù tội, một phần lớn do tuổi thơ bị mẹ bạo lực ngôn ngữ. Ảnh: Sina.
“Ngược đãi tâm lý trong thời thơ ấu là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến phạm tội”, video kết bằng câu đơn giản nhưng khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Tôi từng tiếp nhận trường hợp một cô con gái 5 tuổi không muốn nói chuyện với bố mẹ, nhưng bé thường tự nói chuyện với gấu bông của mình. Cha mẹ nghĩ đứa trẻ bị trầm cảm và rất lo lắng nên tìm cách chữa trị. Sau nhiều lần điều trị tâm lý, cô con gái nói một lời khiến bố mẹ rơi nước mắt ngay tại chỗ: “Bởi vì đồ chơi sẽ không mắng con”.
Hoá ra, mẹ con gái là một người nóng tính và thường vô tình nói với con các câu như: “Con đừng làm loạn”, “Khóc gì mà khóc?”, “Tại sao con lại ngu ngốc như thế?”, “Rốt cuộc con biết làm những cái gì hả?”… Những lời trách mắng trong lúc tức giận của người mẹ không ngờ lại gây tổn thương nghiêm trọng đến đứa trẻ.
Video đang HOT
Cách đây một thời gian, để làm hoà dịu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái một cách hiệu quả, tôi đã triệu tập một buổi họp lớp. Đầu đề đặt ra là những lời nói và việc làm nào của đối phương khiến bạn buồn. Khi đầu đề được đưa ra, những đứa trẻ ở đó thi nhau giơ tay, còn phụ huynh đưa mắt nhìn nhau lo lắng. Họ sợ các con “bán đứng” mình.
Cha mẹ tưởng con bị trầm cảm nhưng hoá ra bé không nói chuyện vì hay bị mẹ mắng. Ảnh: Sina.
Một học sinh nữ đưa ngón trỏ tay phải đập vào trán một bạn học bên cạnh, cau mày và nghiến răng: “Mỗi ngày chỉ biết ăn và chơi, nhìn con nhà người ta, quay lại nhìn mày giống như một con lợn. Khóc gì mà khóc, cút đi đọc sách ngay!”. Nói xong, học sinh này đảo mắt và lướt điện thoại, miệng vẫn không quên mắng: “Lúc đầu thực sự không nên sinh ra mày”.
Một nam sinh khác cũng mô phỏng cha mình, cậu hét to lên: “Mày thật vô dụng, học thì dốt, một tí việc cũng làm không tốt, lần sau còn như vậy thì cút đi cho tao”…
Buổi diễn xuất kết thúc, phản ứng của các bậc cha mẹ rất khác nhau. Họ thậm chí còn không nhớ mình thực sự đã có những lời nói và hành động này.
Một nhà tâm lý học từng nói câu này mà tôi thấy rất có lý: “Bố mẹ tốt trên miệng đều có ‘một chiếc khoá kéo’, để không bao giờ nói những lời tổn thương khi tức giận đến con cái. Đánh, mắng chỉ có thể khiến trẻ ngừng sai phạm trong giây lát, nhưng mãi mãi sẽ không có một đứa trẻ ngoan nếu giáo dục theo cách này”.
Có một từ trong tâm lý học gọi là “Hiệu ứng gió phía nam”, nói về gió bắc và gió nam xem ai có thể cởi áo khoác của người đi bộ. Gió bắc thổi một cơn gió lạnh và kết quả khiến người đi bộ quấn chặt áo hơn vì sợ lạnh. Gió nam thổi một làn gió nhẹ, người đi bộ cảm thấy ấm áp, sau đó mở nút và cởi áo khoác ra. Điều này cũng giống với việc giáo dục trẻ em. Cha mẹ tốt nhất không bao giờ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi. Một gia đình hạnh phúc sẽ không có những lời chửi mắng trong lúc giận dữ. Sự ấm áp trong lời nói, đó là món quà tốt nhất cha mẹ tặng cho con cái để trưởng thành.
Theo giadinh.net.vn
Chơi một mình
Đang lúc khá riêng tư, đứa em hỏi: "Chị biết chơi một mình từ bao giờ?". Chị thảng thốt. Chơi một mình cũng là một năng lực sao? Mấy ai "có điều kiện" để chơi một mình được như chị?
Đánh mất tình bạn
Hồi sinh viên, chị cũng được tiếng hòa đồng. Các cuộc tụ tập thường quanh chuyện phấn son. Chuyện cây son Mac, hộp má hồng Dior... ban đầu cũng khá thú vị, kiểu "mở mang" cho chị về thú vui của bạn bè cùng trang lứa; rồi dần kém vui khi bạn bè giục chị xài hàng hiệu, phải biết tôn trọng, yêu bản thân và làm nên giá trị của bản thân... Về sau, khi chúng bạn càng ổn định cuộc sống, nỗi ám ảnh phấn son cũng bớt mãnh liệt và câu chuyện chuyển sang đề tài... lấy chồng, sinh con.
Mỗi lần có một người bạn kết hôn, chị lại rộn ràng nhớ bao nhiêu kỷ niệm, mơ ước thời son rỗi chị từng trải qua cùng cô bạn sắp là cô dâu mới. Nhưng những cảm xúc vu quy của chị bị chìm trong cái hối hả, giục giã "lấy chồng đi" từ bạn bè. Khi chia sẻ suy nghĩ về sự "tùy duyên", chị làm bạn bè... mất vui. Hội bạn lại giảng giải và thuyết phục chị về "lẽ đời", về tuổi xuân, trách nhiệm với cha mẹ...
Chị cũng từng có mẹ mỗi lần muốn trút cạn hoang mang. Nhưng mẹ chị cũng không vượt qua nổi áp lực "con gái có thì". Chị "đánh mất tình bạn" với mẹ vào ngày chia tay anh người yêu sau tám năm gắn bó. Trong lúc chị ngơ ngác đau khổ, mẹ chị như "phát cuồng". Mẹ tìm gặp chị, liên tục gọi điện, nhắn tin; còn nhờ cả chị gái, anh rể, bạn bè của chị. Tất cả như sẵn nỗi ấm ức, đồng thanh phản đối chị. Lúc đó, chị như "trốn lệnh truy nã", một mình lên Lâm Đồng ở mười ngày. Khi đã "bình phục" sau chia tay, chị vẫn giữ liên lạc với bạn bè, vẫn hòa hiếu với anh chị, vẫn đều đặn về chơi với mẹ mỗi tuần - nhưng sự gần gũi thì đã mất.
Ảnh minh họa
Học cách chơi một mình
Câu hỏi về sự "biết chơi một mình" chắc nảy sinh khi cô em thấy chị - một người đàn bà có chồng và có vẻ hạnh phúc - hay đi chơi một mình, ở nhà một mình và thường làm mọi thứ một mình. Chính chồng chị nhiều lúc cũng nói, "em chẳng giống phụ nữ".
Anh chị có một gia đình chung, một đứa con chung và khá nhiều niềm vui chung để san sẻ. Nhưng anh và chị, mỗi người cũng có những niềm vui riêng mà người kia không thể cùng tận hưởng. Ví như anh thích chơi golf, chị lại không thích. Chị thích núi non và mê đắm cái lạnh cao nguyên, nhưng anh không chịu được lạnh. Cũng có người "giải mã" mối quan hệ vợ chồng lạ lùng này là "do anh chị không đủ yêu nhau". Nếu yêu nhau là phải như hình với bóng thì quả là chị không đủ yêu anh thật. Nhưng lạ là, ngay cả khi để anh đi dã ngoại hay phải rời anh để đi công tác dài ngày, chị vẫn thấy mình đang tận hưởng tình yêu. Nhiều lúc chị cũng "nổi lòng tham", muốn giữ chồng ở nhà, cùng xem một bộ phim cuối tuần, nhưng nghĩ người kia đang "ham chơi" quá, nếu vì nể mình mà ở nhà thì... tội, nên chị tha.
Lần khác, chị định đi cắt tóc ngắn kiểu đàn ông. Mẹ chị cuống quýt can: "Thằng Thắng cưới một đứa con gái tóc dài, giờ lại thành ra một con vợ tóc đàn ông, có tội nó không". Chị kể với chồng, anh nói: "Tóc của em, chỉ cần em thích là đủ. Anh quen với tóc dài, nhưng nếu em thích tóc ngắn thì anh... từ từ làm quen với em tóc ngắn thôi". Thế là chị được "một mình thích", "một mình quyết định".
Chị thấy mình may mắn khi kết duyên với anh. Đó không phải là kiểu một mình vì bị bỏ rơi, mà là cái một mình vì tôn trọng. Nó là trạng thái tự do, ung dung nhất, ngay giữa yêu thương. Nó cho phép chị và cả anh được "thuận buồm xuôi gió" trong hành trình khám phá mình; để chị được là chị, anh được đúng là anh. Có thể một lúc nào đó, khi họ đạt đến "cảnh giới" đó, người này sẽ nhận ra người kia không đúng là người mình kỳ vọng. Thì thôi, còn hơn là sống bên nhau một cách gắng gượng. Thật may, chắc vì đã chọn đúng người nên càng nhìn nhau thả lỏng mà trưởng thành, anh chị càng thấy yêu nhau.
Nhưng, chị biết chơi một mình từ bao giờ, khi ngày xưa chị cũng từng đau khổ - lúc cô bạn thân... có bồ, khi cô bạn đồng nghiệp "hủy kèo" đi du lịch, khi mẹ chị không đủ kiên nhẫn lắng nghe chia sẻ của chị... Có lẽ chính những thất vọng đó đã dạy cho chị sự khác biệt bất khả xâm phạm giữa từng người. Chị ngừng kỳ vọng, ngừng tạo ra chuẩn mực, ngừng can thiệp vào lựa chọn đời sống của người thân và cũng ngừng thất vọng. Chị học cách yêu họ như đó là chính họ, với những lựa chọn đôi khi ngốc nghếch, điên rồ và có thể là ích kỷ của họ.
Từ lúc biết chơi một mình, chị không bị phụ thuộc niềm vui vào lựa chọn của người khác. Một mình quả thực là một năng lực, khi nó khiến chị không dựa dẫm, không tạo gánh nặng gắn bó cho người thân. Riêng trong mối quan hệ vợ chồng chị, từng cá thể trưởng thành và độc lập kết hợp với nhau bằng tất cả sự chủ động, chứ không vì cái nắm níu nương nhờ nhân danh một mối quan hệ. Từ lúc hiểu cái "là một", "là riêng" đó, chị đã không còn sợ bơ vơ. Mọi gắn bó ở đời là vô thường. Trải nghiệm một mình khiến chị thấu hiểu, trân trọng và yêu thương sâu sắc hơn từng con người quanh chị.
Thanh Tân
Theo phunuonline.com.vn
Thèm... cha Vừa làm cha vừa làm mẹ, chị dành tất cả tình yêu cho con. Con gái của chị không thiếu bất cứ thứ gì. Ai ngờ bây giờ chị phát hiện con cần thứ vô cùng quan trọng mà chị không có. Đi làm về, chị ngạc nhiên khi thấy con gái tháo tung chiếc xe đạp, bày từng mớ lộn xộn các...