Cha mẹ ở Pakistan có thể bị phạt tù nếu không đưa con đi tiêm vaccine bại liệt
Theo luật mới được ban hành ở tỉnh Sindh (Pakistan), các bậc phụ huynh có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù nếu từ chối cho con đi tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm.
Trẻ em được tiêm vaccine bại liệt ở Karachi. Ảnh: EPA
Trang The Guardian (Anh) đưa tin các bậc phụ huynh không đưa con mình đi tiêm chủng có thể bị kết án 1 tháng tù và bị phạt 50.000 rupee Pakistan (khoảng 4 triệu đồng). Đây là đạo luật đầu tiên của Pakistan liên quan đến vấn đề tiêm chủng. Luật mới đã được thông qua vào tuần trước và sẽ có hiệu lực trong tháng này.
Động thái ban hành luật là một trong nỗ lực nhằm loại trừ bệnh bại liệt – căn bệnh đặc hữu ở Pakistan – khỏi đất nước này. Luật mới cũng quy định bắt buộc tiêm các loại vaccine phòng bệnh khác cho trẻ – gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, quai bị và rubella.
Bà Shazia Marri, cựu quan chức phụ trách xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh Sindh, bình luận: “Luật mới sẽ được sử dụng như một biện pháp ngăn chặn tình trạng từ chối tiêm chủng. Phải có một số biện pháp đặc biệt để đảm bảo loại trừ loại virus bại liệt khỏi Pakistan. Có nhiều lý do khiến loại virus này vẫn còn lưu hành ở nước ta và chúng ta cần giải quyết tất cả những nguyên nhân đó”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Pakistan và Afghanistan là hai quốc gia còn lại trên thế giới vẫn còn bệnh bại liệt. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, Pakistan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dã, trong khi năm 2022 ghi nhận tới 20 trường hợp. Tỉnh Sindh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bại liệt nào trong năm nay.
Tuy nhiên, có tới trên 62.000 phụ huynh, hầu hết sống ở tỉnh Sindh, đã từ chối tiêm vaccine bại liệt cho con trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt trên toàn quốc vào tháng 1 năm nay.
Nhân viên y tế cho trẻ uống vaccine bại liệt ở Karachi. Ảnh: AFP
Video đang HOT
Tâm lý bài tiêm chủng ở Pakistan đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Các giáo sĩ đã truyền bá tư tưởng cho rằng vaccine là một âm mưu của phương Tây nhằm triệt sản trẻ em Hồi giáo. Ở một số khu vực, nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng, thường là phụ nữ, cần phải có nhân viên bảo vệ đi cùng để đảm bảo an toàn. Một số nhân viên y tế đã thiệt mạng.
Anh Junaid Khan, 36 tuổi, cha của 5 đứa trẻ sống tại miền đông Karachi, cho biết luật pháp không thể bắt buộc anh phải tiêm phòng bệnh bại liệt cho con mình.
“Chúng tôi không tin tưởng loại vaccine này. Tại sao chính phủ buộc chúng tôi phải tiêm chủng cho con em mình? Tôi thà ngồi tù còn hơn là cho con tôi tiêm vaccine bại liệt”, anh Khan nói.
Ông Osama Malik, chuyên gia pháp lý ở Pakistan, cho biết nhiều người đã bị cảnh sát bắt giữ vì từ chối tiêm vaccine theo luật hình sự.
Cảnh sát bảo vệ nhân viên y tế khi cho trẻ uống vaccine bại liệt ở Karachi. Ảnh: AFP
Năm 2015, chính quyền thành phố Peshawar, phía bắc Pakistan, đã bắt giữ 471 phụ huynh vì “gây nguy hiểm cho an ninh công cộng” khi từ chối tiêm chủng, nhưng đã trả tự do cho họ ngay trong ngày.
Trong đại dịch COVID-19, các quan chức của tỉnh Sindh từ chối tiêm vaccine phòng bệnh cũng sẽ bị trừ một tháng lương.
Chuyên gia pháp lý Malik cho rằng luật mới “khá nghiêm khắc” và nói thêm: “Sẽ tốt hơn nếu giới chức tặng tiền để khuyến khích các bậc cha mẹ nghèo tiêm chủng cho con cái họ”.
Tuy nhiên, ông cho biết tình hình bệnh bại liệt ở Pakistan khá nghiêm trọng, vì vậy quyền tự do cá nhân của một số ít người phải xếp sau nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung.
New York (Mỹ) ban bố tình trạng khẩn cấp vì bệnh bại liệt
Thống đốc New York ngày 10/9 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt khi có bằng chứng cho thấy virus này đang lây lan khắp tiểu bang.
Các quan chức y tế ở New York đang tìm cách tăng tỷ lệ tiêm chủng ngừa bại liệt. Ảnh: AFP
Giới chức y tế Mỹ cho biết những mẫu nước thải lấy tại thành phố New York và 4 quận lân cận đã cho kết quả dương tính với một loại virus bại liệt.
Mặc dù cho đến nay, New York mới chỉ ghi nhận một trường hợp mắc bại liệt, nhưng đây là ca bệnh đầu tiên xảy ra trên cả nước Mỹ trong gần một thập kỷ qua.
Bệnh bại liệt phần lớn đã được xóa bỏ tại Mỹ nhờ chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ năm 1955. Đến năm 1979, quốc gia này được tuyên bố xóa sổ bệnh bại liệt.
Nhưng theo các quan chức New York, tỷ lệ tiêm chủng bại liệt ở các vùng của tiểu bang này là quá thấp, và tuyên bố khẩn cấp hôm 10/9 là nhằm mục đích nâng cao tỷ lệ trên.
Không có cách chữa khỏi bệnh bại liệt, nhưng nó có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Căn bệnh nguy hiểm này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, gây ra yếu cơ và tê liệt, và thậm chí là tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Sở Y tế New York đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tiêm chủng từ mức trung bình hiện tại của toàn bang là khoảng 79% lên trên 90%.
"Đối với bệnh bại liệt, chúng ta không thể mạo hiểm.Nếu bạn hoặc con bạn không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh bại liệt là có thật", Ủy viên Y tế, Tiến sĩ Mary Bassett nhấn mạnh.
Bà nói thêm rằng cứ một ca bệnh bại liệt được ghi nhận thì có thể có hàng trăm người khác bị nhiễm bệnh.
Vaccine bại liệt bất hoạt được sử dụng ở cả Mỹ và Anh như một phần của chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại Mỹ, khoảng 93% trẻ mới biết đi đã được tiêm ít nhất ba liều vaccine bại liệt.
Các quan chức New York bắt đầu giám sát nước thải trong bang để tìm virus bại liệt sau khi một người đàn ông không được tiêm phòng ở Hạt Rockland, phía Bắc thành phố New York, bị nhiễm virus vào tháng 7 và bị liệt. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận kể từ năm 2013.
Tình trạng khẩn cấp do Thống đốc Kathy Hochul ban hành hôm 10/9 là lệnh khẩn cấp y tế thứ ba của bang trong năm nay, bên cạnh các lệnh về COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.
Tình trạng này cho phép các nhân viên y tế khẩn cấp, nữ hộ sinh và dược sĩ tham gia vào mạng lưới triển khai tiêm vaccine bại liệt.
Mozambique ban bố tình trạng khẩn cấp y tế do bệnh bại liệt Cơ quan y tế Mozambique mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sau khi xác nhận 1 trường hợp trẻ em mắc bệnh bại liệt tại huyện Changara, phía Tây tỉnh Tete hôm 14/5. Cho trẻ em uống vaccine phòng bại liệt. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cơ quan y...