Cha mẹ héo mòn vì con nghiện game
Bệnh nằm một chỗ, đưa tiền nói con đi mua đồ ăn, chị Hải đau đến nghẹt thở khi đứa con từng yêu thương mẹ hết mức lại cầm số tiền đó… vào thẳng quán game, bỏ mặc mẹ đói.
Mẹ đổ bệnh vì con ngoan hóa… hư
Chị Hải (ngụ ở P.11, Q.Tân Bình, TPHCM) từng rất tự hào về con trai của mình, hiện cháu đang học lớp 7. Cháu từng học rất giỏi, ngoan ngoãn và điều chị Hải hãnh diện nhất là tình cảm của cháu với bố mẹ. “Còn nhớ hồi đó cháu mới học lớp ba thôi, mẹ ốm cháu đã tự đi chợ mua lá xông về nấu, nấu cháo cho mẹ…”.
Nói đến đó người phụ nữ này bật khóc. Bởi chỉ cách đây vài hôm – vẫn đứa con đó – khi chị bị bệnh, cháu đã “cuỗm” ngay số tiền mẹ nhờ đi mua đồ ăn rồi trốn biệt ở quán điện tử.
Một người mẹ tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý vì con nghiện game (Ảnh: Hoài Nam)
“Cách đây hơn một năm, tôi phát hiện ra cháu hay trốn học, lấy tiền của bố mẹ chơi game. Về nhà, cháu cũng trốn trong phòng để đánh điện tử. Có lần cháu nó mất tích cả ngày, gia đình đổ xô đi tìm thì thấy cháu đang trốn quán ở quán internet. Thật kinh khủng, cháu nó ngồi trong cái phòng đó bấm bấm gõ gõ từ 7 giờ sáng đến tận 9 giờ tối, đến mức bà chủ quán còn nói mình mua gì cho nó ăn không là nó xỉu”, chị Hải kể.
Video đang HOT
Chị lại nấc lên không hiểu tại sao con lại ra nông nỗi đó: “Gia đình từ dỗ ngọt đến đánh đập có đủ mà kiểu nào cháu cũng trốn đi đánh game bằng được”.
Đứa con trai út 18 tuổi tên Đ, nghiện game hơn 4 năm trời và cũng chừng đó thời gian chị Xuân (nhà ở Thủ Đức) sống trong buồn bã, héo mòn, sức khỏe lẫn tinh thần của chị đều bị suy sụp. 3 đứa con trong nhà từ trước tới nay chưa bao giờ khiến vợ chồng chị phải phiền lòng. Hai cô con gái đều du học ở Mỹ với học bổng toàn phần nên không có lý do gì mà họ không kỳ vọng vào cậu út lực học vốn vượt hai chị.
Chị đớn đau khi đứa con vốn rất hiếu thảo có thể cầm tiền đi mua cháo cho mẹ để vào quán game (Ảnh: Hoài Nam)
Nhưng rồi chị Xuân bàng hoàng khi con vướng vào game online. “Chuyện học hành đâu còn gì để nói vì mấy năm nay cháu không hề động đến sách vở nữa rồi, chỉ đến lớp cho có vậy thôi. Cháu nó bỏ nhà đi suốt, chỉ biết đến quán net. Bố mẹ khuyên răn và cả đánh mắng nhưng không ăn thua gì”, chị Xuân mệt mỏi.
Những cố gắng của gia đình cứ dần bị dập tắt khi đứa con chẳng còn biết gì ngoài game, rủ đi du lịch, vui chơi cháu đều từ chối. Sau những giờ chơi game dài dằng dặc, Đ trở về nhà chợp mắt, tỉnh dậy lại đi ngay. “Nhà như đang có một đứa con nghiện heroin vậy, năn nỉ con đi cai game nhưng cháu không chịu, thậm chí còn chửi cả bố mẹ. Cứ mỗi lần nghĩ con mình ảnh hưởng từ game có thể… phạm tội như mấy trường hợp đọc trên báo, tôi chỉ muốn chết”, chị Xuân khóc.
Đàn ông cũng khóc
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Phòng tư vấn Tâm Lý Trẻ) cho hay mỗi phụ huynh có con sa vào nghiện game, đặc biệt game online, đều có những câu chuyện hết sức đau lòng. Khi đứa con sa sút học hành, sức khỏe suy sụp, có em còn bỏ nhà đi bụi, chẳng còn thiết tha gì ngoài game, nhiều ông bố bà mẹ đã buông xuôi, thậm chí có người còn xem như đã mất đi một đứa con.
Bố mẹ cần phải hết lòng, xả thân và kiên trì để giúp con “đoạn tuyệt” với game (Ảnh: Hoài Nam).
Đến một chuyên gia tâm lý chuyên về nuôi dạy con như bà Huệ mà nhiều khi cũng bàng hoàng về sự “hủy diệt” tinh
thấn bố mẹ khủng khiếp của “vấn nạn” con nghiện game. Ngoài nước mắt, sự chán nản, buông xuôi của những người mẹ, bà cũng không thể quên tiếng khóc giữa đêm của một người đàn ông. Người cha đau khổ ấy nói rất ngắn gọn: “Game là gì vậy cô? Chẳng lẽ tôi phải mất một một đứa con vì cái mà người ta gọi là trò chơi ư?”. Vì nghiện game, đứa con của ông đã bỏ đi khỏi nhà cả tuần không về.
Chuyên gia Minh Huệ phân tích, trẻ nghiện game là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai nhưng bố mẹ hầu như không phát hiện kịp thời để giúp con không bị cuốn vào trò chơi này mà chỉ đến khi trẻ đã nghiện nặng mới thốt lên: “Không ngờ”.
Kể cả khi phát hiện con nghiện game, mới đầu có người vẫn chưa lường hết được mức độ nguy hiểm để giúp con mà vẫn còn lần lữa vì nhiều lý do. Có người thấy con nghiện quá rồi thì lại “xuống nước”, buông xuôi… hoặc vẫn cho rằng trách nhiệm cai game là của con chứ không phải việc của mình nên chỉ quát mắng, đánh đập chứ chưa có hành động gì thiết thực.
Bà Huệ lắc đầu buồn bã: “Có người mẹ gọi đến khóc lóc, nói tôi chỉ muốn chết thôi vì cháu như vậy, rồi xin được gặp mình trực tiếp để tư vấn. Đến giờ hẹn, mình chờ hoài không thấy, gọi lại thì họ tỉnh bơ: “Tôi bận mất rồi”.
Theo bà Huệ, thật ra lúc nghiện game, trẻ cũng hiểu rằng đó là điều không hay, không tốt nhưng lại không đủ sức để thoát khỏi cám dỗ. Bố mẹ phải hiểu trẻ rất cần được bố mẹ giúp đỡ để lấy lại cuộc sống, tương lai. Vì thế, bố mẹ cần phải hết lòng, xả thân và kiên trì để giúp con “đoạn tuyệt” với game.
Theo Dân Trí
Cuộc sống ảo khiến trẻ ích kỷ, lệch lạc và hung hãn
Giờ đây, hiện tượng "nghiện" chơi game của trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh trung học đang là một vấn đề xã hội bức xúc. Cuộc sống "ảo" nhiều hơn cuộc sống thực khiến nhận thức, hành vi của trẻ rất dễ mắc sự lệch lạc, ích kỷ...
Vì sao con cái xa bố mẹ?
Chia sẻ vấn đề này, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng: Trước sự mở rộng, giao lưu của xã hội ngày càng mạnh mẽ, gia đình - tế bào của xã hội cũng tất phải có những đổi thay so với gia đình truyền thống. Gia đình cần "mở" hơn, hướng ngoại để phù hợp với xu thế xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, tính hướng ngoại trong gia đình hiện đại đã không còn cân đối với tính hướng nội, mà lấn át nhiều hơn. Thực tế dễ nhìn nhận, hiện trẻ em thành phố không có những ngày hè, ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa bên cha mẹ mình.
Theo TS.BS Tuấn, ở thành phố, có nhiều ông bố bà mẹ đi làm cả ngày, giao con cái cho người giúp việc, học hành thuê gia sư hoặc đẩy đến các lớp học thêm, học năng khiếu... Ở nông thôn, không ít gia đình lại càng khó đoàn tụ, bởi không bố thì mẹ đi làm ăn xa, thậm chí cả bố mẹ đi làm ăn, để con cho ông bà chăm sóc. Không có điều kiện tiếp xúc nhiều khiến sự gắn kết giữa con cái - bố mẹ ngày càng trở nên lỏng lẻo. Trẻ cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không có người để trò chuyện, tâm giao nên trở thành bạn thân thiết của máy tính, internet, game, truyện...
Dường như chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính, các em mới có cảm giác giành lại được khả năng kiểm soát mọi thứ. Dù đó là thế giới ảo, song những cảm xúc mà các em thấy được khi say sưa bấm phím hoặc di chuyển con trỏ thì lại là thật. Các trò chơi hiện nay được thiết kế sống động như thật. Khi trò chơi được hiển thị lên màn hình, các em có thể điều khiển các nhân vật trong trò chơi tuân theo ý muốn và trí tưởng tượng của mình. Cảm giác làm chủ giả tạo này có sức hấp dẫn như ma lực, đưa các em vào trong thế giới ảo do chính mình tạo ra một cách đam mê, thoả thích.
Một lý do khác khiến giới trẻ thích trò chơi điện tử là vì nó mang lại kết quả tức thì. Chỉ trong nháy mắt, với vài thao tác đơn giản, chúng có thể trở thành "người quan trọng hơn", "giàu có hơn", "thành công và giỏi giang hơn"... Game đặc biệt có sức hấp dẫn với những đứa trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng trong cuộc sống do thiếu sự quan tâm, thương yêu của bố mẹ, bị bạn bè bắt nạt, học kém bị thầy cô khiển trách.
Các trò chơi trong thế giới ảo mang lại cho những đứa trẻ bị tổn thương này cảm giác lấy lại những điều đã mất và chúng trở thành "người hùng" oai phong, chiến thắng, không bị ai coi thường, sẵn sàng xử lý những kẻ thù đáng ghét. Chưa kể điều tai hại là các nhà thiết kế sản xuất, kinh doanh game càng ngày càng cung cấp nhiều sản phẩm game độc hại như: chương trình game kích thích tính dữ dằn, hiếu chiến, bạo lực. Đặc biệt, game kích thích các hành vi khiêu dâm, trụy lạc, các trò chơi cờ bạc, đỏ đen...
Cân bằng thế giới ảo - thực
Khi ở thế giới ảo, trẻ không được rèn các kỹ năng nói, nghe, ứng xử trong đời sống thực của gia đình, xã hội, nên trẻ tự đưa ra những ứng xử theo phán đoán, suy nghĩ của mình. Trong thế giới ảo, trẻ tự chủ mọi vấn đề, thích đọc, thích xem cái gì là quyền của trẻ. Thói quen này dần tạo cho trẻ hành vi, lối sống, suy nghĩ mình là trung tâm. Nếp quen nghĩ mình là trung tâm sẽ khiến trẻ bất chấp tất cả để thoả mãn, trẻ trở thành đứa bé ích kỷ, chỉ biết bản thân.
Nghiên cứu mới của tổ chức Kidscape (Anh) với nhan đề "Sống ảo" qua khảo sát 2.300 hoạt động trực tuyến của trẻ em từ 11 đến 18 tuổi đã phát hiện, 45% các em cảm thấy hài lòng trên mạng hơn là trong đời thực. Bác sĩ tâm lý Peter Bradley, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Không thể cho phép các thế giới ảo trở thành nơi hạnh phúc hơn xã hội thực của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên "lạc lõng" trong cộng đồng".
Chỉ khi được sinh ra, lớn lên, được giáo dục nhận thức trong thế giới thực, trẻ mới rèn được cách sống thực, chứ không phải là trong môi trường ảo. Hành vi của trẻ cần được điều chỉnh bởi cuộc sống thực, bởi chính sự uốn nắn của bố mẹ, ông bà, người thân, chứ không phải là ti vi, máy tính, gấu bông hay truyện tranh. Thế giới tưởng tượng rất tốt cho phát triển tư duy, nhận thức của trẻ, nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Trong đó, bố mẹ phải là cầu nối cho con giữa hai thế giới ảo - thực đó.
Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, xã hội thực sẽ giúp trẻ có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp - bác sỹ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng khẳng định.
Theo ANTD
Đắk Nông: Bắt con bò trên đường gần 1km vì mê game Chiều 10/6, tại đường Hai Bà Trưng, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), nhiều người qua lại đã chứng kiến và rất bất bình với cảnh một người cha ngồi trên xe máy luôn miệng chửi bới, quát nạt, bắt hai cậu con trai phải bò bên vệ đường gần 1 km. Theo phân trần của ông bố thì ông phạt con vì...