Cha mẹ hãy thương con đúng cách
Không khí náo nức của những ngày khai giảng đầu năm học mới đã lắng dịu nhưng với các bậc phụ huynh, vẫn còn nhiều suy ngẫm từ bức thư dành cho cha mẹ học sinh của PGS. Văn Như Cương. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS. Văn Như Cương cho biết, ông rất mừng vì nhận được nhiều phản hồi tốt sau bức thư của ông.
- Phải chăng bức thư của PGS đã chạm đúng bản chất và đúng thực tế những sai lầm trong giáo dục hiện nay?
- Từ ngày xưa, tôi đã nhận được sự giáo dục rất nghiêm khắc từ gia đình. Bố tôi là thầy giáo làng, mẹ tôi làm ruộng. Theo quy tắc trong gia đình, con cái không được cãi lại bố mẹ, cho ăn gì thì ăn nấy, được mặc cái gì thì mặc cái đó… Nhưng những điều như thế không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện nay. Vậy thì cần thay đổi cách giáo dục như thế nào cho nó mới, nó hợp và đúng thời đại thì rất khó. Tôi vẫn thường nhận được tâm sự của phụ huynh, họ nói “dạy con bây giờ khó lắm thầy ơi!” vì bây giờ trẻ con trưởng thành, độc lập suy nghĩ, có quyền phát biểu ý kiến của mình. Chung quy tôi chỉ muốn trao đổi những tâm sự của mình với phụ huynh về cách dạy con nên đã viết bức thư đầu năm học mới như vậy.
Video đang HOT
- Những lời gửi gắm của PGS mong phụ huynh đừng quá thương con đến mức không để chúng đụng chân, đụng tay làm bất cứ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử…?
- Đúng là điều khiến tôi lo lắng nhất hiện giờ là trẻ con không được học cách lao động, làm việc và không biết tự học. Đây là hai khía cạnh mà với kinh nghiệm của một nhà giáo nhiều năm dạy học tôi thấy ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục cho học sinh thành người. Điều này thấy rõ qua việc phổ biến vai trò của người giúp việc và gia sư trong các gia đình. Có người giúp việc, trẻ con ngày nay không biết quét nhà, dọn dẹp, ăn uống xong bỏ bừa ra đấy. Ngay việc lao động để phục vụ bản thân mình mà cũng không biết cách làm. Còn gia sư thì khiến trò không thiết học. Có bài tập khó, thông thường trò phải suy nghĩ, tìm cách làm, không làm được thì hỏi thầy, hỏi bạn, nhưng có gia sư rồi thì lại ỉ vào gia sư, thậm chí là đọc chép, làm hộ…
- Nhưng PGS cũng biết, nếu không đầu tư thời gian cho con học thêm thì với cách dạy và học hiện nay phụ huynh nào cũng sợ con em mình sẽ thua thiệt?
- Đúng là có phụ huynh phản hồi là “thầy ơi, nếu con chúng tôi không đi học thêm thì sẽ bị điểm kém vì dạng bài này chỉ có những bạn học thêm mới được luyện”. Hiện tượng ấy đúng nhưng tôi muốn phụ huynh hiểu rằng đó chỉ là cái lợi trước mắt. Con các vị được 9, 10 điểm vì đã được ôn luyện thì chỉ là lợi trước mắt nhưng nguy hại lâu dài của nó là các cháu không biết tự học, không biết độc lập suy nghĩ. Vậy sau này ra đời con của các vị sẽ ra sao? Đó mới là điều cần quan tâm.
- Ngay từ đầu bức thư PGS đã nói các bậc phụ huynh hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình.
- Tôi đã gặp không ít ông bố, bà mẹ luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem nó là đồ bỏ đi, không được tích sự gì… Lối suy nghĩ này rất nguy hại cho trẻ con, vì cũng làm nó cho rằng, nó là đứa trẻ vô tích sự, có cố gắng cũng không bao giờ hài lòng bố mẹ. Chính vì vậy tôi muốn chia sẻ rằng nghệ thuật làm cha, làm mẹ là phải biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục những điểm yếu của nó mà không vùi dập. Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu giáo dục của chúng ta.
Vinh Hương (Thực hiện)
Theo ANTD
"Giải cứu" nguồn lao động có trình độ
Theo thống kê thì 24.956 học sinh, sinh viên tỉnh Thanh Hóa hiện ra trường chưa xin được việc làm. Còn tại tỉnh Nghệ An con số chưa đầy đủ là hơn 11.000 người, tỉnh Đồng Tháp 2.000 người... Thống kê ban đầu của tỉnh An Giang cho thấy hiện khoảng 300 cử nhân của tỉnh chưa có việc làm; trong đó phần lớn là cử nhân sư phạm...
Sau hơn 4 năm dùi mài kinh sử, nhiều cử nhân, tiến sĩ đi xin việc mà chẳng nơi nào nhận đành phải bươn trải với đủ nghề tạm bợ mà vẫn không đủ sống. Không ít gia đình nghèo đã bán đất, vay mượn tiền bạc cho con ăn học để rạng danh gia đình, dòng họ cùng với hy vọng con cái sẽ giúp họ đổi đời, nhưng rồi tất cả cùng hụt hẫng cay đắng khi tấm bằng đại học, cao học cầm trong tay đã trở nên vô dụng.
Theo kết quả khảo sát của một Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực ở TP.HCM thực hiện trên 100.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012 và quý I/2013 thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH-CĐ chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ, tay nghề. Điều đó cho thấy, khi hệ thống giáo dục mở rộng, cử nhân không còn là của hiếm nữa thì bằng cấp đã mất dần giá trị. Còn tại Đà Nẵng, mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, trong khi nhu cầu về cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%. Thế nhưng hơn 8 trường ĐH của thành phố này đều đặn mỗi năm làm lễ tốt nghiệp cho hàng chục nghìn cử nhân nên thất nghiệp là điều khó tránh. Đã đến lúc các bậc phụ huynh không nên để con chạy đua vào ĐH nữa vì tấm bằng không phải chỉ là "đồ trang sức" của các bậc cha mẹ, mà điều quan trọng là con em họ sẽ học và làm được gì sau khi tốt nghiệp. Mùa thi ĐH,CĐ sắp đến cũng là lúc các bạn trẻ sắp tốt nghiệp PTTH và gia đình bình tâm suy xét để không đi vào ngõ cụt vừa tốn tiền của, vừa lãng phí thời gian và sức lực.
Tại sao cho đến giờ chưa thấy cơ quan nào thống kê, đánh giá mức độ lãng phí tiền của do sinh viên ra trường không tìm được việc làm? Để xảy ra hiện trạng như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Giáo dục - Đào tạo. Cử nhân thất nghiệp quá nhiều vì quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ không ăn nhập với nhu cầu của thị trường lao động. Các trường ĐH,CĐ mọc lên như nấm, tỉnh nào, ngành nào cũng có trường đại học với nhiều chương trình học từ chính quy, đến tại chức, liên thông... Đào tạo tràng giang đại hải nên mới thừa. Thậm chí theo kết quả khảo sát về tình hình việc làm của cử nhân ra trường trên 2.948 sinh viên tại ĐHQG HN, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, có 18% sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi không tìm được việc vì các nhà tuyển dụng đã không thể hiểu được những cử nhân này được đào tạo về... cái gì! Các trường chỉ chăm chăm đào tạo những ngành mà trường có điều kiện chứ không phải là ngành xã hội cần, khiến hàng trăm hàng nghìn cử nhân đang hụt hẫng, bế tắc vì thất nghiệp. Đồng thời cũng từ đây nảy sinh các hành vi tiêu cực trong xin việc, tuyển dụng. Để tồn tại, các cử nhân phải làm những công việc không có liên quan gì đến ngành nghề được đào tạo chính quy. Thật lãng phí vô cùng khi mà đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của.
Chưa khi nào tình trạng cử nhân thất nghiệp lại nhiều như hiện nay, nguyên nhân, lý do nào cũng có nhưng biện pháp để giải quyết điều này thì chưa thấy. Đã đến lúc phải triển khai các giải pháp "giải cứu" nguồn lao động có trình độ này.
Theo ANTD
Vụ clip dạy học sinh bằng roi: "Rất đau lòng!" Ông chủ Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 tại TP.Thái Nguyên thừa nhận "phương pháp giáo dục" bằng roi của người dạy, đồng thời thời cho biết, rất đau lòng trước sự việc này. Tại TP Thái Nguyên, gần như hầu hết các em học sinh và bố mẹ có con đang học cũng như từng học đều biết đến tên...