Cha mẹ đừng vội trách mắng khi con không chịu chào hỏi người lớn: Theo các chuyên gia, đó là điều bình thường
Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ không muốn chào hỏi mọi người chỉ là khả năng tự bảo vệ của trẻ.
Đứng trước cửa thang máy chờ để đưa con đi học, cùng với mẹ con bé Linh là vài người hàng xóm đợi thang cùng. Mẹ bé Linh sau khi vui vẻ chào hỏi mấy người hàng xóm đã nhắc con chào mọi người. Thế nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng từ cô bé 4 tuổi.
Mẹ bé Linh đành cười ngượng và có ý trách mắng con không lễ phép. Dù vậy mẹ càng nói thì bé Linh lại càng tỏ ý phản kháng.
Trong thực tế, sẽ rất nhiều bố mẹ gặp cảnh con không chịu chào người lớn dù đã được nhắc nhở. Phản ứng của cha mẹ lúc đó thường là cảm thấy xấu hổ vì nói con không nghe lời, con không lễ phép. Họ thấy mình đã dạy con chưa tốt và bắt đầu quay sang đổ lỗi cho đứa trẻ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường.
Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường (Ảnh minh họa)
Các nhà tâm lý cho rằng những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và sẽ dễ thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này.
Tuy nhiên, một số trẻ, có tính cách nhút nhát, ngại ngùng khi đối diện với người lạ nên thường tỏ ra né tránh, không chào hỏi dù được nhắc nhở. Với những bé như vậy, cha mẹ không nên trách mắng con hay tỏ ra thất vọng, bởi cha mẹ càng phản ứng tiêu cực, con sẽ càng tự ti. Đừng vội vàng gắn cho con cái mác không lễ phép trong tình huống này!
Thay vào đó, cha mẹ nên giảng giải cho con từ từ về việc tại sao nên chào hỏi mọi người, nhất là người lớn tuổi khi gặp mặt, tại sao nên cởi mở và cách để tạo thiện cảm với người xung quanh ra sao…
Sự sợ hãi và nhút nhát trước người lạ là khả năng tự bảo vệ của trẻ. Bạn nên nhớ, trước khi trẻ 5 tháng tuổi, bất cứ ai cũng có thể bế. Nhưng từ 5 tháng tuổi trở đi, ngoại trừ mẹ và những người thân, ai bế bé cũng đều khóc.
Chúng ta đều biết đó là lúc trẻ biết lạ và khóc là phản ứng để tỏ rõ sự lo lắng. Nỗi lo lắng này sẽ dần mất đi sau khi bé tròn tuổi nhưng không biến mất hoàn toàn cho tới khi lên 3 hoặc 4. Đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển tâm lý cho thấy trẻ dần bắt đầu có ý thức “tôi”. Chúng bắt đầu học cách phân biệt người quen, người lạ và bắt đầu hiểu sự tự bảo vệ.
Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con có phép tắc, lịch sự, biết chào hỏi khi gặp người lớn, nhưng trẻ con vẫn chưa hiểu đó là một nghi thức xã hội cần có. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dạy trẻ những quy tắc giao tiếp giữa các cá nhân và từ từ hướng dẫn trẻ.
Video đang HOT
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dạy trẻ những quy tắc giao tiếp. (Ảnh minh họa)
Không được gán mác cho trẻ
Đừng tự ý gán mác “bất lịch sự” cho con và đừng nói với con rằng “không chào hỏi là thô lỗ”, “mọi người sẽ không thích con nếu con không chào”, “mẹ sẽ không cho con kẹo nếu con không biết chào khi gặp người lớn”…
Đôi khi cha mẹ thấy, việc gán mác con không có gì là sai, không ảnh hưởng gì tới tâm lý của trẻ. Nhưng những lời đe dọa hay gán mác nói trên lại khiến trẻ càng trở nên chống đối và nếu có phải làm theo ý bố mẹ, chúng cũng chỉ làm một cách miễn cưỡng.
Dạy con phép lịch sự là quá trình bố mẹ dạy cách tương tác giữa các cá nhân chứ không phải là dùng biện pháp ép buộc hay đe dọa. Cha mẹ dạy con với thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng, trẻ sẽ thấm và thuận theo hơn là đe dọa hay trách mắng.
Nói với con tầm quan trọng của lời chào
Với những bé ở độ tuổi mầm non cha mẹ nên giảng giải một cách đơn giản cho con về tầm quan trọng của lời chào. Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt, nên làm và là một hành động giúp tăng cường kết nối mọi người với nhau.
Hãy để trẻ hiểu cảm xúc mà lời nói và hành động chúng ta mang lại cho người khác. Khi con chào hỏi mọi người, con sẽ khiến cho mọi người vui vẻ và giúp cho con cùng người đó có cảm tình và thân thiện với nhau hơn.
Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt. (Ảnh minh họa)
Thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác
Đối với trẻ, nhất là những bé nhút nhát và hướng nội, khi nhìn thấy người lạ, phản ứng của chúng sẽ có phần đề phòng. Nếu cha mẹ yêu cầu con chào hỏi, trong đầu trẻ sẽ có câu hỏi: “Đây là ai, tại sao mình phải chào họ?”.
Để tránh trường hợp đó xảy ra, cha mẹ nên giới thiệu cho trẻ trước như: “Đây là một người bạn của bố mẹ, đây là cô/chú A, B, C ở cùng tầng chung cư nhà mình, con có thể nói lời chào khi gặp cô/chú được không?”.
Khi được biết rõ người lạ là ai, bé sẽ không còn cảm giác lạ lẫm, bớt ngại ngùng và sẵn sàng nói lời chào.
Bố mẹ phải là tấm gương tốt
Muốn giáo dục con tốt, cha mẹ phải là tấm gương tốt. Ví dụ như, nếu bố mẹ nhìn thấy người hàng xóm, người quen biết nhưng lờ đi không chào hỏi thì cũng không làm cách nào dạy con phải biết chào hỏi người lớn.
Hơn nữa, muốn dạy con cách chào hỏi lễ phép, đầu tiên bạn cần có thái độ khoan dung và kiên nhẫn. Nếu ngay lúc đó trẻ thực sự không muốn, hãy tôn trọng trẻ và giải thích dần cho trẻ hiểu sau đó.
Ngoài ra, ở cương vị là một người lớn, khi gặp trẻ hãy chào trẻ trước, cho trẻ thấy rõ sự thiện cảm và nồng ấm từ phía mình. Và từ đó, trẻ sẽ vui vẻ chào hỏi mọi người và tạo thành thói quen tốt sau này.
An Nhiên
Trẻ con thật "đáng sợ", nếu không tin thì cứ nhìn "thảm cảnh" của ông bố này là biết
Ông bố chẳng hé răng phản kháng nửa lời, chỉ đành bày ra vẻ mặt cam chịu số phận.
Trẻ con đứa nào cũng nghịch ngợm cả. Đặc biệt, có một số đứa trẻ, sự tinh nghịch quá mức của chúng còn khiến cha mẹ nhiều phen phải đau đầu nhức óc. Với các ông bố chiều con gái thì tình trạng các ông bố này bị con bắt nạt dường như đã chẳng còn hiếm lạ!
Gần đây, một video được đăng tải trên MXH Trung Quốc về khoảnh khắc bố và con gái trong gia đình nọ đã khiến cư dân mạng không thể nhịn được cười vì quá đáng yêu. Cô con gái chỉ khoảng 1 tuổi, "đành hanh" tới mức trèo hẳn lên mặt, lên đầu bố "tác oai tác quái". Còn ông bố này thì chỉ biết cắn răng chịu trận chứ chẳng dám quát nạt hay đẩy con xuống.
Hình ảnh khiến người xem không thể nhịn được cười.
Câu chuyện là, ông bố này đang muốn nằm nghỉ ngơi một lúc, trên tay anh cầm sẵn ipad để lướt mạng giải trí. Nhưng muốn thực hiện được "ý đồ" này thì điều kiện tiên quyết là phải được sự cho phép của con gái anh đã. Mà cô bé thấy việc bố làm thật chẳng ra làm sao, bố phải chơi với mình mới là đúng đắn nhất!
Chính vì thế, cô bé liền gọn gàng leo lên giường rồi trèo lên đầu bố ngồi, sau đó vặn vẹo mông, rung lắc vô cùng hăng say. Khuôn mặt của ông bố đã bị che kín nên anh làm gì còn cơ hội xem ipad, đành buông thõng 2 tay đầy "bất lực".
Ông bố cam chịu số phận chẳng hé răng phản kháng nửa lời.
Trong quá trình cô con gái nhỏ "tác oai tác quái", thi thoảng khuôn mặt của người bố mới được lộ ra. Nhìn rõ vẻ mặt đau khổ cam chịu số phận, cư dân mạng không thể nhịn nổi cười vì quá đáng yêu.
Người xem rôm rả để lại bình luận:
- Lũ trẻ con thật đáng sợ! Ha ha!
- Đứa bé này lắc người rất có nhịp điệu, tiết tấu. Sau này có khi lại trở thành vũ công ấy chứ!
- Ông bố hẳn thấy choáng váng còn hơn uống rượu nhỉ!
- Em bé thật là có uy, ông bố không hề dám chống lại mảy may!
- Xem ra ở nhà này ông bố đã quen bị con gái bắt nạt, nhìn vẻ mặt cam chịu của anh ấy thật buồn cười!
Qua đoạn video dễ dàng thấy được ông bố là một người có tính khí rất tốt, chiều chuộng con gái rất mực. Có lẽ anh hiểu, nghịch ngợm là thiên tính của trẻ nhỏ và anh sẽ không ngăn cản hay trách móc con. Nhưng cha mẹ lưu ý, nếu sự tinh nghịch của con có khả năng gây ra sai lầm thì cha mẹ phải kịp thời uốn nắn, nhắc nhở để con không tái phạm lần sau.
Thực tế cuộc sống không thiếu bậc cha mẹ cho rằng "làm người lớn phải có cái uy của người lớn", như thế trẻ mới ngoan và nghe lời. Song quan niệm đó không đúng hoàn toàn. Cha mẹ nên tích cực chơi đùa, trò chuyện và đồng hành cùng con trong suốt quá trình con trưởng thành. Điều đó giúp mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái ngày càng thân thiết, trẻ được lớn lên trong niềm vui, hạnh phúc, có một tuổi thơ ấm áp bên cha mẹ.
Tú Cầu
1001 thắc mắc: Vì sao linh cẩu được coi là loài động vật máu lạnh và tàn nhẫn? Linh cẩu là loài động vật máu lạnh tàn nhẫn, có thể ăn thịt đồng loại, thậm chí cả những con non không có sức phản kháng. Linh cẩu có lẽ là một trong những loài động vật bị ghét nhất trên thế giới bởi chúng thực chất là một loài động vật máu lạnh và tàn nhẫn vô cùng. Nguồn: Africa Geographic....