Cha già ‘xuống tay’ với nghịch tử
Bị cáo sai rồi! Bị cáo mong được sớm về để trông cháu cho các con đi làm kiếm tiền”, ông Mến thổn thức khi ngồi trong vành móng ngựa khai nhận hành vi đâm chết đứa con trai ngỗ ngược.
Bà Yên lủi thủi đi vào tòa dự phiên xử chồng là Nguyễn Trọng Mến mang tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống khiến chiếc áo nâu của người phụ nữ gày gò ướt sũng. Con dâu bà – vợ của nạn nhân cũng đến tòa.
Phiên xử ông Mến bắt đầu muộn. Người đàn ông hốc hác, đen đúa ngồi run rẩy trong vành móng ngựa. Nhìn thấy vợ, các con có mặt đông đủ trong phòng xử, ông ngoái lại buồn rầu, mắt ngơ ngác. Do sức khỏe yếu, bị cáo được phép ngồi trả lời các câu hỏi của HĐXX.
63 tuổi nhưng ông Mến hom hem, già nua. Bị cáo phải vịn vào thành móng ngựa, khó nhọc trình bày trước tòa hành vi đâm chết con trai Nguyễn Trọng Quý (35 tuổi, ở xã Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội).
Vợ chồng ông có 3 người con, Quý lớn nhất nên khi lập gia đình vẫn ở với bố mẹ. Gia đình ông thuộc diện khó khăn trong thôn. Do sức khỏe ông yếu nên công việc đồng áng đều một tay vợ, con dâu làm. Hàng ngày, ông Mến chỉ ở nhà trông nom hai đứa cháu nội, con của vợ chồng Quý.
Giữa hai bố con thường xảy ra mâu thuẫn. Quý coi thường bố, không ít lần chửi lại và đánh ông Mến. Anh còn xưng hô bằng vai phải lứa với đấng sinh thành. Hàng xóm nhìn vào cho rằng, Quý là đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu.
Ông Mến sám hối trước vành móng ngựa trong phiên sơ thẩm chiều 7/9. Ảnh: Việt Dũng.
Video đang HOT
“Bị cáo thỉnh thoảng uống rượu nên cũng mắng chửi con”, ông Mến thừa nhận. Nhưng cũng do không kiếm được tiền, hàng ngày chỉ ở nhà nên ông Mến bị Quý coi thường ra mặt. Biết tâm tính đứa con trai, lắm lúc bị Quý chửi mắng lại, ông Mến cũng đành nín nhịn.
Giọng khó nhọc, ông Mến kể về buổi trưa định mệnh khiến con chết, bố phải vào tù. “Sáng 26/1, Quý và đứa con trai thứ hai của bị cáo đòi đưa sổ đỏ để đặt, lấy tiền chuộc xe máy”, bị cáo vừa thở, vừa trình bày. Ông kiên quyết không đưa và mang lên nhờ phó công an xã cầm giúp sổ đỏ vì sợ hai đứa con lấy trộm.
Trưa cùng ngày, khi ông đang đứng ngoài sân, Quý đi uống rượu về và xưng hô ngang hàng với bố. Anh ta bảo bố không chịu cấy ruộng và mắng ông Mến “chết đi”. “Bị cáo nín nhịn vì sợ Quý đánh nên vào nhà ngồi uống nước, còn nó đi chơi”, người cha khắc khổ thều thào trình bày.
Một tiếng sau, Quý về, người sặc men rượu, đòi bế con đi chơi. Lúc đó, chị vợ và mẹ của anh ngăn cản. Ông Mến ngồi ở bàn uống nước, thấy giọng Quý lè nhè, nói vọng vào buồng: “Mày là loại gì, mày là loại súc sinh, mày mang con đi bán lấy tiền chơi bạc à”. Quý cũng chửi lại bố mình.
“Đang châm lửa hút điếu thuốc, Quý từ trong buồng chạy ra túm tóc bị cáo giật ngược lên”, ông Mến khai. Đứa con bất hiếu còn tát bố, kèm theo lời lẽ ngỗ ngược. Anh ta chạy ra ngoài lấy chiếc hót rác bằng tôn, cán tre rượt đuổi bố. Lúc đó, ông Mến vớ được con dao, vừa chạy vừa cầm theo.
Quý tiếp tục xô đẩy bố mình ra ngoài hiên. “Bị cáo không biết làm sao nên gọi vợ ra can ngăn”, người cha nói. Theo lời ông Mến, lúc đó, ông phải ngồi thụp xuống, trốn phía sau vợ. Mặc cho mẹ can ngăn, Quý vẫn lao vào, phanh ngực thách thức và đấm, đá vào sườn bố. “Bị cáo đau lắm vì Quý đá rất mạnh”, ông trình bày.
Khi Quý lao vào tiếp, ông Mến đưa cánh tay có con dao lên đỡ và đâm trúng ngực con. Anh Quý được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do mất máu cấp. “Trong thời gian tạm giam, bị cáo nghĩ nhiều lắm, bị cáo sai rồi”, ông Mến rớt nước mắt, gục đầu sau lời sám hối.
Phía sau, bà Yên ngồi nức nở. Bà tâm sự, sau khi ông Mến đi kháng chiến chống Mỹ năm 1968 đến năm 1976, hai người nên duyên vợ chồng. Sau khi xuất ngũ, sức khỏe của ông suy yếu. Con trai thứ hai ra ở riêng, vợ chồng Quý sống cùng với ông bà. Mất sức nên hàng ngày ông Mến ở nhà trông nom cháu. “Hai bố con không hợp tính nhau nên thỉnh thoảng xảy ra to tiếng”, bà Yên nghẹn ngào. Mỗi lần thấy con trai chửi bố, bà đau xót nhưng cũng chỉ biết can ngăn. Không ít lần, bà chứng kiến cảnh đứa con ngỗ nghịch thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chồng.
Giờ ra tòa, nhìn người chồng sức khỏe ngày càng yếu ớt, bà không kìm lòng. “Thôi thì con đã mất, ông ấy cũng già yếu, kính mong quý tòa xem xét cho chồng tôi được hưởng án treo, sớm trở về với gia đình”, bà Yên trình bày. Con dâu cũng đứng ra xin giảm nhẹ hình phạt cho bố chồng. Chị tâm sự: “Ông thường bế đứa con thứ hai mới gần 2 tuổi cho tôi đi làm. Chỉ mong ông sớm được về và sửa đổi tâm tính uống rượu, mắng chửi con dâu để ba mẹ con tôi được nhờ”.
Phần thẩm vấn kết thúc nhanh chóng. Trong lời nói sau cùng, ông xin được giảm nhẹ hình phạt để về “bế cháu nội”. HĐXX đã tuyên phạt ông Mến một năm tù, thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát (30-34 tháng). Tính từ ngày bị bắt, chỉ còn một thời gian ngắn, ông Mến sẽ được ra tù. Bà Yên khóc đưa chồng ra xe chở phạm nhân, mưa vẫn đổ dưới sân tòa.
Theo VNE
Bi kịch đến từ... con ngan và nỗi đau của người cha già
Chỉ vì giây phút không kiềm chế được cơn nóng giận mà giờ đây, bi kịch đã ngự trị trong căn nhà nhỏ: Vợ chết, chồng lĩnh án 10 năm tù, 2 đứa con thơ dại và một người cha già không ai chăm sóc.
Bi kịch đến từ con ngan
Khoảng 14h ngày 29/1/2010, Nguyễn Hữu Huệ (35 tuổi, ở Quyết Thượng, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) đã tát vợ là chị Đỗ Thị Nhàn (30 tuổi) hai cái vào mặt khiến chị Nhàn bị ngã ra sân, ngất xỉu. Huệ đưa vợ đi cấp cứu nhưng chị Nhàn tử vong do chấn thương sọ não.
Thật đáng buồn khi nguyên nhân của sự việc đau lòng lại bắt nguồn từ chuyện tưởng như là rất nhỏ. Nhà có 5 sào ruộng, đang vào vụ cấy nên vợ chồng Huệ - Nhàn thuê thêm 3 người cấy vào sáng 29/1/2010. Đến trưa Huệ bảo vợ về giết ngan để làm cơm cho con trai ăn và phục vụ 3 người cấy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại sắp đến thời kỳ đóng học phí cho người con trai nên Nhàn không đồng ý vì chị định để con ngan ấy bán đi lấy tiền đóng học cho con. Bất đồng ý kiến, hai vợ chồng đã lời qua tiếng lại ngay tại cánh đồng gần nhà. Sau đó, Huệ tức quá, bỏ về giết ngan làm cơm. Câu chuyện tưởng chỉ đến thế là xong vì trưa hôm ấy, chị Nhàn không về nhà ăn cơm. Thế nhưng 14h chiều hôm ấy, khi về nhà, thấy chồng đã trái lời mình, xót của, hai vợ chồng lại to tiếng cãi vã. Trong lúc nóng giận, Huệ đã tát chị Nhàn hai cái khiến chị ngã ngửa, đầu đập vào thành giếng.
Ông Nguyễn Hữu Rụ, 60 tuổi, bố của Nguyễn Hữu Huệ nhớ lại: "Hôm đó là vào mùa đông, trời rét căm căm. Tôi đang ngồi trong nhà thì có người chạy đến báo thằng Huệ giết vợ. Tôi giật mình không tin vì từ trước đến nay, Huệ vốn là người có tiếng hiền lành, chịu thương, chịu khó. Hai vợ chồng lại chẳng mấy khi cãi vã nhau bao giờ. Nhưng rồi theo phản xạ, tôi vội chạy ngay sang nhà con mình để biết rõ sự việc. Khi đến nơi, tôi đã thấy Nhàn nằm bất động tại sân giếng, mặt tím tái, tối sầm lại. Thằng Huệ thì ôm vợ sợ hãi. Tôi hô hoán mọi người đưa con Nhàn lên Bệnh viện Hà Đông cấp cứu. Nhưng đến nơi, các bác sĩ kết luận: "Nhàn đã tử vong trên đường đến bệnh viện do chấn thương sọ não".
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Chương Mỹ có mặt tại hiện trường bắt và khởi tố Nguyễn Hữu Huệ với tội danh: cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Sau đó, tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ tuyên phạt Nguyễn Hữu Huệ 10 năm tù giam.
Ông ứa nước mắt chăm cháu thơ dại
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Hữu Huệ vào buổi chiều hè oi ả. Trong căn nhà tuềnh toàng, tay run run rót chén nước mời khách, ông Rụ chia sẻ về cuộc sống hiện tại của 3 ông cháu. Ông ngậm ngùi: "Có lẽ trời bắt tội gia đình tôi, khi sự việc xảy ra chưa đầy một tháng sau thì bà nhà tôi do suy nghĩ nhiều quá cũng bỏ tôi mà đi, để tôi lại một mình chăm sóc hai đứa cháu. Từ đó, tôi đã chuyển ra ở hẳn nhà con trai để tiện đường chăm sóc hai cháu".
Và người đàn ông đã từng kinh qua chiến trường, những vất vả về cơm áo gạo tiền hàng ngày dường như không nặng nề bằng những cực nhọc về tinh thần, bằng những dằn vặt hàng đêm. Ông Rụ tâm sự: "Bố mẹ chăm con đã khó khăn, gà trống nuôi con đã cực nhọc, huống chi bây giờ là ông chăm cháu. Tôi là người lính đã từng nếm mật, nằm gai ngoài chiền trường nhưng không gì khổ bằng cảnh ông chăm cháu, anh ạ. Nhiều đêm nằm trong căn nhà ôm hai cháu mà nước mắt cứ ứa ra vì thương con, thương cháu".
Khi Huệ đi tù, đứa con thứ 2 là cháu Nguyễn Thị Huyền mà được 9 tháng tuổi. "Nhiều khi cháu khát sữa mẹ đòi bú, không làm sao được, tôi phải đưa vú mình ra để cho cháu bú, nó bú được một lúc nhưng không có sữa, có khi nó cáu lên cấu đến rách cả áo nhưng vẫn phải chịu. Hiện tại, cuộc sống của 3 ông cháu chỉ biết trông chờ vào 3 sào ruộng, tôi có nuôi thêm mấy con vịt để lấy tiền nuôi hai đứa" - ông Rụ ngậm ngùi.
Đến nay, Huệ đi tù đã được 3 năm rồi, nhưng ông mới chỉ có điều kiện vào thăm con được 1 lần còn hai đứa nhỏ thì chưa vào lần nào. Ông Rụ bảo, mỗi lần đi như thế rất tốn kém, cũng không có thời gian rảnh rỗi mà vào thăm con được. Ở ngoài này công việc đồng áng quanh năm bận rộn, ngoài ra ngày hai bận, ông còn phải đạp xe đưa đón hai cháu đi học.
Niềm vui duy nhất của ông Rụ bây giờ là 2 cháu ông đều ngoan ngoãn, chăm chỉ. Đứa lớn năm nay đã học lớp 5, luôn là học sinh tiên tiến của lớp. Đứa bé đã lên 3, cũng không còn quấy ông lúc nửa đêm nữa. "Giờ tôi chỉ mong sao có được sức khỏe để làm lấy tiền nuôi dạy hai cháu đến khi bố nó trở về", ông Rụ nói.
Rời căn nhà nhỏ khi trời đã đứng bóng, hình ảnh người ông mái tóc bạc liêu xiêu chăm cháu hàng đêm với hai hàng nước mắt cứ ám ảnh tôi. Giá như vợ chồng nhà Huệ - Nhàn, mỗi người biết nhường nhịn nhau một chút, thì thảm cảnh đau lòng đã không xảy ra..
Theo ANTD
Gánh nặng trên vai người cha già Cô con gái lớn vì hám lợi, câu kết với nhóm buôn người lừa 4 thiếu nữ bán sang Trung Quốc, rồi sa vào vòng pháp luật. Hai đứa con đang tuổi ăn học được để lại cho người cha già nghèo khó nuôi nấng. Người đàn ông dáng gày gò, đen đúa, đôi mắt trũng buồn vội bước qua cổng TAND Hà...