Cha già 73 tuổi mong một ngày con có thể tự xúc cơm ăn
Tuổi già, người làm cha làm mẹ đáng lẽ được hưởng phước từ con cái thì người cha 73 tuôi ấy vẫn không ngừng “nuôi” ước mơ cho cậu con trai 36 tuổi: Ước một ngày con có thể tự xúc ăn, tự lo vệ sinh cá nhân…
Năm nay đã bước qua tuổi 73, sức khỏe và thời gian của đời người không cho phép ông có thể nắm mãi tay con.
36 năm bước trên… tay cha
Nhiều năm nay, hình ảnh ông Huỳnh Văn Ẩn với mái tóc bạc trắng, sáng nào cũng tập đi cho cậu con trai Huỳnh Lê Võ tại khuôn viên Nhà thiếu nhi quân Gò Vấp, TPHCM trở nên quen thuộc với nhiều người. Chỉ sau 5 – 10 phút, hai cha con đã đẫm mồ hôi, nhất là người cha phải dùng hết sức đỡ đứa con tật nguyền nặng nhọc mỗi bước đi.
Vậy nhưng buổi tập nào của hai hai con cũng kéo dài từ 6h30 đến 8 giờ sáng. Khi nghỉ, ông lại lấy nước rót nhẹ vào miệng con, cầm khăn lau mồ hôi cho con trong khi mặt mũi, chiếc áo trên người mình đã ướt nhẹm.
Anh Huỳnh Lê Võ chào đời năm 1977, khi nằm trong bụng mẹ chưa được 8 tháng. Người mẹ mang bầu nhưng mỗi ngày từ sáng đến đêm vẫn trằn mình bên chiếc xe đẩy bán bò bía ở khu vực hồ Con Rùa (Q.1). Ngày bà đau bụng sinh, lẽ ra phải mổ nhưng do để muộn nên thai bị ngạt, đứa trẻ bị sang chấn não và rối loạn chức năng vận động.
Ngày ra đời đứa bé tím tái, không có lấy một tiếng khóc, lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 nuôi trong lồng kính gần tháng trời. Người cha hàng ngày đã đứng ngoài cửa kính nhìn đứa con của mình với những lo lắng ngổn ngang…
Từ nhỏ, tay và đầu đứa bé đã co rút nghiêng hẳn về phía sau, mọi bộ phận gần như không hoạt động như đôi chân co quắp, không cười, không nói và chỉ có thể di chuyển bằng cách… lăn. Sau đó là những ngày tháng miệt mài vợ chồng ông đưa con đi chữa trị, tập vật lý trị liệu. Mỗi lần đưa con vào viện, ông Ẩn lại cần mẫn học từ bác sĩ cách luyện tập phù hợp để về tập cho con.
Lúc đó, ông làm việc ở tận Bình Dương, mỗi ngày đi hàng chục cây số nhưng sáng nào ông cũng dành thời gian tập đi cho con.
Nhờ gần gũi với con, người cha nhận ra mắt con có thể nhìn, tai có thể nghe và đầu óc vẫn hiểu chuyện. Ông quyết định dạy học cho con bắt đầu từ những chữ cái, những phép tính. Không ít người ngạc nhiên hỏi cháu bị như vậy, không đi lại được, cử động cũng rất khó, không thể tự chăm sóc bản thân thì học để làm gì.
36 năm nay, ông Huỳnh Văn Ẩn bước theo từng bước đi của con.
Chỉ với tấm lòng người cha như ông mới biết mình đang làm gì: “Không như những đứa trẻ khác, con tôi không thể đến trường, việc có thể ra khỏi nhà, tiếp xúc với bên ngoài cũng rất khó. Nên cháu cần được mở mang kiến thức qua sách vở, qua vô tuyến để thấy cuộc sống bên ngoài như thế nào và có thêm động lực để sống cho mình”, ông Ẩn lý giải.
Bệnh tình như vậy nhưng điều kỳ diệu chỉ sau một thời gian được cha dạy, anh Võ có thể đọc chữ, đọc sách, làm toán… Cho dù lời anh nói rất nặng nhọc, chỉ có bố mẹ mới nghe được, hiểu được anh muốn nói gì.
Video đang HOT
Nuôi ước mơ cho con để an lòng nhắm mắt
Một đứa con bệnh tật là quá sức với một gia đình kinh tê hạn hẹp như nhà ông Ân. Vợ chồng ông cùng lúc phải gánh nhiều lo toan. Bà ngoại ông Ân bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm trời. Bà mất không lâu thì đến lượt mẹ ông Ân nằm một chỗ cũng vì căn bệnh này.
Vợ chồng ông hàng ngày thay phiên nhau ở nhà để chăm sóc người bệnh. Chồng đi làm về, có người “thế chân” người vợ mới tranh thủ đi bán bò bía. Hai vợ chồng chưa từng có lấy giây phút nghỉ ngơi vẫn không thể cáng đáng nổi tiền ăn uống, thuốc thang trong nhà.
Kinh tế gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Đến năm 2004, ông nói với vợ: “Bán nhà thôi bà nó à!”. Căn nhà ở Tân Định, nơi ông sinh ra và gắn bó hơn 60 năm, bán đi chuyển về Gò Vấp sinh sống chẳng khác nào cắt đi một khúc ruột.
Mọi sinh hoạt cá nhân, anh Võ đều nhờ vào đôi tay của người cha già.
Cơ cực là vậy nhưng vợ chồng ông Ân không xem việc chăm sóc bà, mẹ, hay đứa con tàn tật là gánh nặng. Ngược lại, đó là một phần cuộc sống để họ yêu thương nên ngay cả những lúc bế tắc nhất vợ chồng vẫn không buông xuôi, không lời oán trách mà còn như có thêm sức mạnh để sống.
Từng ngày sát cánh bên con, chỉ cần một tiến bộ rất nhỏ của con cũng đủ làm cho ông Ẩn thấy hạnh phúc. Trước đây tay và đầu của anh Võ nghiêng hẳn về sau, sau nhiều năm luyện tập anh đã có thể nhìn thẳng đầu và thả lỏng hai tay phía trước nên việc tập đi đỡ phức tạp hơn, anh đã có thể tự đi một đoạn đường ngắn. Tuy vậy, ông Ẩn vẫn phải luôn dang tay đứng cạnh đề phòng con ngã.
Với người cha, đó là một kỳ tích. Cho dù đến nay đã hơn 36 năm vợ chồng thay nhau đút cho từng muỗng cơm, chăm lo mọi vệ sinh cá nhân và họ vẫn đang tiếp tục công việc này.
Sống đến tuổi này, người cha vẫn chỉ có một ước mơ duy nhất: “Con có thể cầm muỗng xúc đồ ăn, có thể chăm sóc vệ sinh cá nhân trước khi tui nhắm mắt”.
Nuôi con chừng này tuổi ai cũng mong con thành ông này bà nọ, giàu có, báo hiếu cha mẹ thì với ông, ở tuổi gần đất xa trời vẫn chỉ nuôi một mong ước duy nhất thay con: “Một ngày thằng Võ có thể cầm muỗng tự ăn, biết làm vệ sinh cá nhân… trước khi tui về thế giới bên kia”.
Có lẽ vì vậy càng lớn tuổi ông lại càng hăng say tập cho con đi. Chỉ ngày chủ nhật hay hôm nào trời mưa, cha con họ mới vắng mặt tại Nhà thiếu nhi. Kể cả hôm mệt trong người, ông vẫn ráng đưa con ra sân tập bởi hơn ai hết ông hiểu, không tập ngày nào là cơ hội của con ít đi ngày đó… Thời gian và sức khỏe không cho phép ông chờ đợi.
Cuộc sống gia đình đến nay của vợ chồng ông còn nhiều khó khăn nhất là khi tuổi già đã đến, ốm đau bệnh tật và cảnh nằm một chỗ đang chờ đợi sẽ trông hết vào cậu con trai cả năm nay 43 tuổi vẫn chưa dám nghĩ đến việc lấy vợ. Ông vẫn lạc quan nói rằng, con mình sinh ra không được may mắn, cha mẹ nghèo khó nhưng gia đình mình trọn vẹn khi đủ hạnh phúc và tình yêu thương.
Theo Dantri
Thương bé gái cả ngày ngồi trên đống giẻ
Mang trong mình bệnh thận ứ nước độ 3 và liệt đôi chân, bé Phương Anh không thể kiểm soát việc tiêu tiểu. Nhà nghèo không có tiền mua tã nên cô bé phải ngồi trên đống giẻ cả ngày, ướt tấm này thì thay tấm khác.
Xóm Sở Thùng (cạnh đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) là "vương quốc" của rác. Mặc dù bãi rác nổi tiếng này đã đóng cửa từ lâu nhưng vẫn là nơi cư ngụ của hàng chục hộ dân, trong đó có gia đình bé Phương Anh (6 tuổi).
Nhà có 4 anh chị em, 2 người đi theo xe rác và làm ở lò gạch, còn lại bé Công Hậu (12 tuổi) và Phương Anh ở nhà với mẹ. Hàng ngày mẹ bé cũng đi nhặt rác, cha làm bảo vệ cho một cửa hàng bánh. Cuộc sống chật vật trôi qua dưới mái tôn dột nát của ngôi nhà thuê trên khu đất sắp bị giải tỏa tại xóm Sở Thùng.
Mải lo chạy ăn từng bữa nên thỉnh thoảng chị Lâm Thị Thu Tím mới đưa Phương Anh đi khám bệnh. Lần khám gần đây nhất là tháng 4/2013, bác sĩ siêu âm ở BV Nhi Đồng 1 kết luận cả 2 quả thận của Phương Anh bị ứ nước độ 3 và giãn niệu quản đến mặt sau bàng quang.
Nước tiểu rỉ rả cả ngày nên bé Phương Anh phải ngồi trên tấm giẻ
Vết phẫu thuật ở thắt lưng từ lúc mới lọt lòng, đến nay Phương Anh chưa được tái khám
Còn nguyên nhân khiến đôi chân bé Phương Anh bị liệt, chị Tím chỉ nhớ mang máng: "Lúc đó tôi sinh bé ở BV Nhân dân Gia Định. Vừa lọt lòng là bé được chuyển cấp cứu qua BV Chợ Rẫy để phẫu thuật cục u ở thắt lưng. Bác sĩ đó tên là Cần, có hẹn rằng đợi bé 4-5 tuổi thì quay lại tái khám, có thể bác sĩ sẽ bắt con ốc gì vào xương để bé đi lại được".
Ngày tái khám trôi qua đã mấy năm nhưng chị Tím đành lỗi hẹn với đôi chân bại liệt của con gái vì: "Cái ăn còn không đủ, nếu phải mổ xẻ gì nữa thì kiếm đâu ra tiền?". Chỉ khi nào bé ốm sốt, tiêu tiểu khó khăn thì chị đưa con đến BV Nhi Đồng 1. Khi hết thuốc cũng chẳng mua thêm, nghe người ta nói cỏ lồng chầu tốt cho bệnh của bé nên chị hái về nấu nước cho con uống.
Cứ thế, bé Phương Anh đành phải "sống chung với giẻ", nước tiểu thấm ướt hết tấm này thì chị Tím thay tấm khác chứ không có tiền mua tã. Chị Tím lo lắng: "Năm nay bé 6 tuổi, tình trạng như thế này làm sao đến lớp học tình thương được? Cũng may là hè này có mấy em sinh viên đến nhà dạy học cho bé".
Không có tiền mua thuốc nên chị Tím nấu nước cỏ lồng chầu cho con gái uống
Ngôi nhà thuê của gia đình chị Tím ở xóm rác Sở Thùng
Đường đến với con chữ của các bé ở xóm Sở Thùng lắm nỗi gian nan, vì đa phần các hộ dân ở đây là dân lưu trú hoặc lang thang, địa phương gần như không (và không thể) bao quát. Vậy nên, việc xin cho các em vào học ở trường là điều bất cập. Các bé thường học ở lớp tình thương trong chùa hoặc học nhóm do các tình nguyện viên lập ra.
Bé Công Hậu - anh trai của Phương Anh, mãi đến năm 10 tuổi mới may mắn được trường tiểu học Phan Văn Trị nhận vào học. Cậu bé nghịch ngợm, hay nói chuyện nhưng có tư chất thông minh, lại được các anh chị sinh viên kèm cặp nên 3 năm liền đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Nhưng khả năng theo đuổi việc học của Hậu rất mong manh, vì nếu gia đình vẫn thiếu đói thì Hậu sẽ bỏ học để theo mẹ đi nhặt ve chai.
Chị Tím chia sẻ: "Biết thằng Hậu học được nhưng tôi không thể lo cho nó học hành tới nơi tới chốn. Còn bé Phương Anh, tôi cũng mong muốn đưa con đi điều trị lắm, nhưng nghe nói phải phẫu thuật thì tôi đành chịu thua. Mai mốt khu này giải tỏa, vợ chồng con cái còn chưa biết chuyển đi đâu".
Hàng ngày, lúc mọi người đi vắng, bé Phương Anh ngồi trên giẻ chơi cùng bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Cô bé 6 tuổi đã biết xấu hổ, mỗi khi người lớn nhấc bổng bé lên cho khách lạ quan sát vết phẫu thuật, tuy không đau nhưng cô bé rấm rứt khóc mãi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, không chỉ tổn hại đến sức khỏe, tuổi dậy thì sẽ là những năm tháng tồi tệ với bé Phương Anh. Chị Tím cũng nghĩ đến việc này nhưng chẳng biết phải làm sao.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1040: Chị Lâm Thị Thu Tím: 348/3D khu Sở Thùng, phường 13, quận Bình Thạnh. (Bạn đọc không nên gửi tiền qua bưu điện vì đây là khu vực sắp giải tỏa).
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359 Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002 Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Theo Dantri
Xót thương cậu bé 7 tuổi quên mình lao xuống giếng cứu em Ngay khi thây câu em họ bị rơi xuống giếng, câu bé Đức không ngần ngại lao mình xuống theo để cứu em. Sau cuộc vật lộn với "Hà Bá", em của Đức đã được cứu sông còn Đức ngạt nước dẫn tới tử vong. Hai ngày sau khi tai nạn thương tâm xảy ra, những gì còn đọng lại nơi xóm nhỏ...