“Cha đẻ” ATM gạo: “Tôi nghĩ cho “cần câu” vẫn hơn cho “con cá”
Sau sự việc một cô gái bị từ chối nhận gạo hỗ trợ gây ồn ào dư luận, anh Hoàng Tuấn Anh nhận được những tin nhắn, cuộc gọi nặc danh xúc phạm, dọa giết gia đình. Đã có lúc, cha đẻ máy ATM gạo mệt mỏi, rệu rã đến mức nghĩ tới việc buông xuôi tất cả…
Muốn sửa sai bằng cách trao tặng “cần câu”
Những ngày qua, một video ghi lại cảnh cô gái tên T.T.N.H (15 tuổi) bị từ chối nhận gạo ở điểm phát Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM) được tung lên mạng xã hội khiến dư luận dậy sóng.
Hình ảnh cô gái trẻ bị từ chối phát gạo trong video trên MXH.
Nhiều người đã chỉ trích cho rằng phía nhân viên “ATM gạo” đã phân biệt đối xử, hay có những lời lẽ xúc phạm, miệt thị đối với cô gái trẻ. Nhiều người đã tìm đến tận nhà để chia sẻ và giúp đỡ cô gái vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch.
Khi sự việc vẫn chưa lắng xuống, Facebook lại xuất hiện tài khoản tên Vũ Uyên Nhi đăng dòng tâm trạng phân trần rằng, nhân viên từ chối phát gạo do công ty tín nhiệm nên được giao toàn quyền quyết định khiến nhiều người càng bức xúc, vì cho rằng đơn vị phát gạo đã có sự phân biệt đối xử với người nhận gạo.
Tài khoản Facebook này cho biết, nếu thấy ai nhận gạo nhiều lần hoặc có ý định trục lợi, nhân viên sẽ mời ra khỏi khu vực nhận gạo. Người này còn hướng dẫn người đến nhận gạo nên ăn mặc giống người nghèo, tốt nhất đi bộ hoặc đi xe đạp… để lọt qua sự “kiểm soát”.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Hoàng Tuấn Anh – người sáng chế ra cây ATM gạo Vườn Lài đã lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi T.T.N.H.
Anh Tuấn Anh cho biết sự việc xảy ra khoảng 10 ngày trước. Anh khẳng định không hề có chuyện phân biệt đối xử trong việc phát gạo miễn phí, những lời lẽ gây kích động trên mạng xã hội xuất phát từ những tài khoản giả mạo.
“Thời điểm đó, áp lực rất lớn. Mỗi ngày, ATM gạo Vườn Lài tiếp nhận 5.000 – 6.000 người đến nhận gạo miễn phí, có thể gây quá tải công việc. Thời gian hoạt động lên đến 24/24h nên việc điều hành có vấn đề. Chúng tôi rất mong mọi người thông cảm và xin khẳng định khi phát gạo, chúng tôi không phân biệt giàu nghèo, mà bất cứ những người gặp khó khăn trong mùa dịch đều được nhận”, anh Tuấn Anh bày tỏ.
Video đang HOT
Anh Hoàng Tuấn Anh – người sáng chế ra ATM gạo bị nhiều người đe doạ những ngày qua. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Khi sự việc xảy ra, công ty đã họp online chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng tương tự. Anh Tuấn Anh cho hay phía ATM gạo chưa kịp trao đổi, em H đã lên xe ra về, kèm theo việc bị một số người ghi hình một đoạn hình ảnh rồi phát tán lên mạng.
Hiện, phía anh Tuấn Anh đang nỗ lực liên hệ với H để gửi lời xin lỗi. Nếu cô bé đồng ý và có sức khỏe phù hợp, có thể đến công ty anh làm việc, gắn bó lâu dài ngay cả sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.
“Tôi nghĩ cho “cần câu” vẫn hơn cho “con cá”, “cần câu” có hạn và chỉ dành cho những người trẻ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Ông chủ ATM gạo cũng cho biết, hiện tại, công ty đang tuyển hàng chục lao động làm việc tại các điểm phát gạo tự động miễn phí. Do vậy, những người trẻ có sức khỏe khi đến ATM gạo, phía công ty sẽ tiếp cận và tạo điều kiện cho họ làm việc.
Đề nghị công an vào cuộc
Sau vụ việc ồn ào, những dòng trạng thái phản cảm đăng tải trên mạng được nhiều người cho rằng của nhân viên công ty, anh khẳng định là do ai đó cố tình bịa đặt. Nhân viên công ty không có ai tên Vũ Uyên Nhi.
Cũng chính vì thông tin bịa đặt này, nhiều nhân viên không liên quan đến sự việc còn bị các đối tượng xấu tấn công, phát tán thông tin cá nhân và nhắn tin đe dọa. Chính người nhà anh Tuấn Anh cũng bị nhiều người nhắn tin dọa nạt, chửi bới. Hiện, anh đã gửi các thông tin liên quan đến cơ quan chức năng để xử lý.
Hiện tại, 3 nhân viên của công ty đã xin nghỉ vì áp lực và sợ hãi. Nhiều người nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới và chặn xe trước cửa không cho về. Bản thân anh Tuấn Anh và người nhà cũng bị hăm dọa giết.
“Cha đẻ” của ATM gạo miễn phí mong muốn gạo sẽ đến tay những người thực sự cần. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
“Áp lực từ cộng đồng mạng quá lớn. Mấy ngày qua, tôi không ngủ được và từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Tôi đã nói với tất cả nhân viên là sắp xếp công việc, thu dọn mọi thứ để nghỉ. Nhiều nhà hảo tâm đã động viên chúng tôi tiếp tục đến những ngày cuối cùng. Về những người đe dọa và giả mạo thông tin, chúng tôi đã yêu cầu Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú vào cuộc điều tra”, anh Tuấn Anh thông tin.
Chia sẻ thêm về công việc, anh Tuấn Anh cho rằng cần nhìn vào bức trang tổng thể, bởi những ngày vừa qua, trường hợp người nghèo bị bỏ sót rất ít, rất nhiều người thực sự cần đã được hỗ trợ.
Tuy nhiên, cũng đã có hiện tượng “xin gạo chuyên nghiệp” xảy ra. Cụ thể, có những nhóm 5-10 người đi từ điểm này sang điểm khác để nhận hàng trăm ký gạo. Thậm chí họ mang theo cả túi quần áo để cải trang.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người này gây ảnh hưởng rất lớn đến những người khác. Anh cho biết sẽ khắc phục bằng cách nâng cấp hệ thống máy móc, đồng thời làm nhiều điểm hơn, ở nhiều tỉnh để nhiều người khó khăn có thể nhận gạo hỗ trợ.
“Nhà hảo tâm bỏ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ ra để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và tin tưởng tôi đang trao tặng gạo đến đúng người. Nếu mỗi ngày thất thoát vài tấn gạo tại các điểm phân phát thì đồng nghĩa với việc người hàng nghìn người khó khăn sẽ mất đi phần gạo này. Đây là thời điểm không dư dả, mình cần phải cần kiệm, phát cho đúng người. Nếu lúc khác, mình cho ai, bao nhiêu chẳng được”, chủ nhân cây ATM gạo trải lòng.
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh là người đầu tiên thực hiện mô hình máy ATM gạo cho người nghèo từ giữa tháng 4 tại quận Tân Phú (TP.HCM), khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ngừng các hoạt động buôn bán không thiết yếu để tránh lây lan Covid-19.
Hiện, các máy “ATM gạo” đã được lắp đặt thêm ở nhiều địa điểm tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu của anh Tuấn Anh và cộng sự là hoàn thành 100 máy để lắp đặt từ Bắc vào Nam.
Với mục đích ý nghĩa và cách làm sáng tạo, những chiếc máy phát gạo miễn phí được nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như Reuters (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), EFE (Tây Ban Nha) dành lời khen ngợi.
Quỳnh Nguyễn
Gia Lai: Khai trương thêm ATM gạo giúp người nghèo vượt Covid-19
Ngoài 4 ATM gạo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sáng 23/4 có thêm một ATM gạo do các doanh nghiệp đóng góp đã khai trương tại xã Biển Hồ, TP.Pleiku để giúp người nghèo vượt Covid-19.
UBND xã Biển Hồ tiếp nhận ATM gạo từ doanh nghiệp
Sáng 23/4, thêm một ATM gạo tại UBND xã Biển Hồ (TP.Pleiku, Gia Lai) khởi động, do tiệm vàng Ngọc Diệp và các doanh nghiệp khác đồng tài trợ. Gạo được phát 2 lần/ngày, từ 8h đến 17h hằng ngày. Ngoài gạo, chương trình còn phát miễn phí mỗi người thêm 5 gói mì tôm, 5 quả trứng, 1 chai nước mắm, xúc xích và 1 chai dầu ăn.
Người dân nhận gạo từ máy phát gạo.
Cùng với hoạt động cấp phát gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo, chương trình tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ, dự kiến sẽ kéo dài cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hoặc sử dụng hết quỹ quyên góp.
Trong quá trình phát gạo, để đảm bảo trật tự và an toàn y tế trong mùa dịch, ban tổ chức cùng UBND xã Biển Hồ đã bố trí nơi tập trung và nhân viên hỗ trợ. Yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như phát khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, xếp hàng theo thứ tự và giãn khoảng cách 2m theo đúng quy định.
Ngoài gạo, người dân còn được nhận thêm mì tôm, xúc xích, nước mắm và dầu ăn.
Ông Đặng Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Biển Hồ cho biết: "Người dân địa phương đa số là lao động chân tay, nghèo khó nhưng cũng không loại trừ khả năng một số người không thực sự khó khăn cũng trà trộn vào nhận gạo. Do vậy xã đã sử dụng khẩu hiệu: "Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần - Nếu bạn ổn xin nhường người khác" nhằm nâng cao ý thức chung tay vượt qua thời điểm khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm trong quá trình cấp phát gạo
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có tổng cộng 5 máy phát gạo được đặt tại các địa phương thuộc huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai... và kéo dài cho đến khi sử dụng hết quỹ.
Thùy Dương
'ATM gạo' đầu tiên ở Sóc Trăng hỗ trợ người nghèo Sáng ngày 22/4, "ATM gạo" đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đặt tại trụ sở Hội Chữ Thập đỏ thành phố (số 15, đường Tôn Đức Thắng, phường 6, TP Sóc Trăng) đã hoạt động. Ngay trong ngày đầu tiên, có 6 tấn gạo được phát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Văn Trí -...