CEO tài chính cam kết trả lương hưu cho ông lão Hy Lạp “bật khóc”
James Koufos, một CEO tài chính đến từ Sydney cho biết anh sẽ bay tới Athens trong những ngày tới sau khi đã tìm được Giorgos Chatzifotiadis – cụ ông 77 tuổi trong bức ảnh giờ đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp – thông qua mạng xã hội.
Cụ ông người Hy Lạp ngồi khóc sau khi không rút được tiền lương hưu. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Kể từ khi bức ảnh ông Chatzifotiadis ngồi khóc bên ngoài một ngân hàng ở Thessaloniki được lan truyền trên toàn thế giới, anh Koufos đã tìm hiểu được rằng ông Chatzifotiadis chính là một người bạn của người cha quá cố của anh và rằng hai người đã từng học cùng nhau trong cùng một ngôi làng ở Hy Lạp.
Ông Chatzifotiadis đã xếp hàng tại 4 ngân hàng trong thành phố với hy vọng rút được 120 euro tiền lương hưu, nhưng đã bật khóc khi cả 4 ngân hàng đều không thể giúp ông rút tiền.
Bức ảnh ông ngồi khóc trên vỉa hè, và sau đó được một cảnh sát cùng một người đàn ông mặc vest đỡ đứng dậy chính là một hình ảnh lột tả được sự khó khăn của người dân Hy Lạp trong bối cảnh nền kinh tế của nước này rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
“Nhìn những bức ảnh này, tôi đã rất cảm động,” anh Koufos chia sẻ với tờ Daily Mail Australia. Ban đầu, anh chưa hề biết rằng ông Chatzifotiadis chính là một người bạn cũ của cha anh.
“Thật là một cơ hội tuyệt vời và hiếm có để có thể thực sự giúp đỡ một ai đó… chúng tôi đã được chỉ bảo tận tình về nơi ở của ông ấy. Mẹ tôi (hiện vẫn đang sống tại Hy Lạp) đã rất xúc động khi biết chuyện, và tôi cũng vậy. Câu chuyện đã mang lại động lực cho tôi để làm một điều gì đó.”
“Tôi sống một cuộc sống tương đối tiện nghi ở Sydney – nhìn thấy một người đã làm việc chăm chỉ cả đời mà vẫn không thể lấy được tiền lương hưu để trang trải cho gia đình, điều này thật không phải.”
Mặc dù anh đã có địa chỉ của Chatzifotiadis, song cuộc khủng hoảng đã gây nhiều khó khăn trong việc liên hệ với ông.
Vào sáng thứ Hai, anh Koufos đã kêu gọi mọi người giúp đỡ anh tìm ông Chatzifotiadis thông qua Facebook. Chỉ trong vài giờ, anh đã tìm được ông và mẹ anh đã cho anh biết về mối liên hệ của ông với gia đình.
Video đang HOT
Trong bài đăng trên Facebook của mình, anh viết: “Tôi kêu gọi tất cả những người bạn trên Facebook của mình hãy giúp chúng tôi tìm kiếm người đàn ông này… đây là việc rất khẩn cấp! Ông ấy là một người bạn học cũ của cha tôi! Tôi sẽ trả trợ cấp lương hưu cho ông ấy trong 12 tháng tới! Chừng nào vẫn còn cần thiết!”
“170 euro một tuần? Chúng tôi sẽ tặng ông ấy 250 euro! Tôi không chấp nhận việc phải nhìn thấy một đồng bào Hy Lạp chăm chỉ phải nhịn đói!”
Anh Koufos dự định sử dụng một phần số tiền thừa kế từ cha mình để giúp ông Chatzifotiadis, và cho rằng đó là điều mà cha anh sẽ muốn anh làm. Kể từ khi đăng bài viết trên Facebook vào sáng thứ hai vừa qua, anh đã nhận được “khoảng 4 hoặc 5 ngàn euro” từ những người hảo tâm khác.
“Tôi đã nhận được rất nhiều sự chú ý vì việc này, nhưng việc này không phải là vì tôi, tôi không muốn mọi người tập trung chú ý vào mình,” anh Koufos cho biết.
“Tất cả chúng ta đều là con người và đôi khi có những việc khiến bạn phản ứng lại mà không suy nghĩ gì cả – đó là điều đã xảy ra với tôi khi tôi nhìn thấy bức ảnh. Tôi biết rằng mình phải cố gắng làm điều gì đó.”
Câu chuyện này xảy ra trong bối cảnh người dân Hy Lạp từ chối những điều khoản của gói cứu trợ từ các chủ nợ, làm lung lay vị trí của nước này trong khu vực đồng euro và gây bế tắc đối với các nước cho vay.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh vào thứ ba để thảo luận về bước tiếp theo sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp nghiêng hoàn toàn về câu trả lời “Không.”
Các chuyên gia kinh tế cho biết tác động của cuộc khủng hoảng tới thị trường Australia vẫn chưa được xác định cụ thể.
“Có một số mối liên hệ… Chúng tôi nhập khẩu một số mặt hàng như dầu oliu và quả oliu, ngoài ra người Australia cũng tới Hy Lạp du lịch rất nhiều,” tiến sỹ Shane Oliver cho biết trên tờ Daily Mail Australia.
“Chúng tôi có rất nhiều người Australia gốc Hy Lạp – Melbourne là thành phố có dân số là người Hy Lạp lớn thứ hai thế giới.”
“Nhưng khi nói về những tác động kinh tế trực tiếp, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Tác động chính đối với kinh tế và xuất khẩu của Australia chính là những bất ổn có thể xảy ra tại châu Âu sau khi Hy Lạp gặp khủng hoảng.”
James Koufos, một CEO tài chính đến từ Sydney.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã đột ngột tuyên bố từ chức chỉ vài giờ sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp được công bố.
Varoufakis cho biết trong khi những buổi ăn mừng sau chiến thắng áp đảo 61% số phiếu của chiến dịch “không” đang diễn ra, ông đã được biết rằng các Bộ trưởng Tài chính châu Âu không muốn ông tham gia vào việc quyết định tương lai tài chính cho Hy Lạp nữa.
Varoufakis đã tuyên bố về vụ từ chức trên một bài blog, với kết luận rằng ông sẽ “coi sự thù ghét của những chủ nợ là một niềm tự hào,” và tiết lộ rằng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng việc ông từ chức “có thể giúp đạt được một thỏa thuận.”/.
Theo My Nguyễn (Vietnam )
Chủ nợ "khủng bố", cụ ông Hy Lạp khóc trước ngân hàng
Bức ảnh cụ ông ngồi bệt khóc lớn bên ngoài ngân hàng Hy Lạp vì không rút được 120 euro phản ánh tình cảnh khốn cùng của người dân nơi đây.
Ông Giorgos Chatzifotiadis đã phải xếp hàng tại ba ngân hàng ở thành phố Thessaloniki- Hy Lạp vào ngày 3/7 vừa rồi với hy vọng rút được 120 euro (133 USD) tiền trợ cấp cho vợ mình, nhưng vô ích. Khi nhận được câu trả lời tương tự ở ngân hàng thứ tư, ông đã gục xuống và khóc.
Những người về hưu chờ đợi bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng Quốc gia Hy Lạp
Cụ ông 77 tuổi chia sẻ rằng ông đã bật khóc vì: "Tôi đã thấy đồng bào mình đi xin một vài xu để mua bánh mì. Tôi đã thấy có ngày càng nhiều vụ tự tử. Tôi là một người nhạy cảm. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này".
"Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy buồn bã đến vậy, hơn cả vì những vấn đề của cá nhân tôi", ông Chatzifotiadis chia sẻ.
Nền kinh tế Hy Lạp đã suy sụp ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý quyết định về chương trình cải cách và các điều khoản thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới vào ngày 5/7.
Các cửa hàng cạn kiệt lương thực thực phẩm và thuốc men, ngành du lịch đối mặt với làn sóng hoãn, hủy chuyến và các ngân hàng chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự đến hết cuối tuần.
Athens đã áp đặt lệnh kiểm soát vốn và đóng cửa tất cả các ngân hàng bắt đầu từ 29/6 vừa qua để ngăn chặn chảy máu tiền mặt, nhưng đã cho phép một số chi nhánh mở cửa trở lại vào hôm 1/7 để những người về hưu có thể tới ngân hàng để rút tiền lương hưu với giới hạn là 120 euro.
Các ngân hàng Hy Lạp cho biết họ chỉ còn 1 tỷ euro tiền mặt cho đến hết cuối tuần - tương đương vỏn vẹn 90 euro mỗi đầu người ở đất nước 11 triệu dân này. Cho dù cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 cho kết quả như thế nào thì các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ phải cần tới sự trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào đầu tuần tới.
Cũng trong ngày 3/7, cảnh sát Hy Lạp đã phải bắn lựu đạn gây lóa và đụng độ với những người biểu tình ở trung tâm thủ đô Athens, giữa lúc đang diễn ra một cuộc tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý tới liên quan đến vấn đề nợ của nước này.
Nói về cách đối xử của bộ ba chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU) trên tờ El Mundo của Tây Ban Nha số ra ngày 4/7, Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói: "Những gì họ đang hành xử với Hi Lạp có một tên gọi: chủ nghĩa khủng bố".
Ông lý giải: "Tại sao họ lại bắt chúng tôi phải đóng cửa các ngân hàng? Để làm người dân sợ hãi? Và gieo rắc nỗi sợ hãi theo kiểu khủng bố!". Ông này cũng nói "bộ ba chủ nợ" đã muốn "sỉ nhục người dân Hy Lạp".
Bà Vicky Pryce, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Trung tâm Nghiên cứu thương mại và kinh tế, cho rằng một kết quả "không" trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp sắp tới sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ bởi nó gần như đồng nghĩa với việc các ngân hàng phá sản, Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hoạt động kinh tế đình đốn nhanh hơn bởi đồng nội tệ drachma khi được lưu hành trở lại sẽ nhanh chóng mất giá.
Theo nhà kinh tế gốc Hy Lạp này, một kết quả "có" sẽ giữ cho các ngân hàng tiếp tục mở cửa và tạo cơ sở cho một thỏa thuận dựa trên thực tế mới của Hy Lạp cũng như bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ mà mọi nhà kinh tế đều biết là không bền vững.
Bà Pryce đánh giá một kết quả "có" sẽ là ánh sáng cuối đường hầm, còn một kết quả "không" sẽ đẩy Hy Lạp vào nhiều năm khủng hoảng kinh tế.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Cựu binh Trung Quốc đòi quyền lợi Các cựu binh Trung Quốc trong tuần này đã tập hợp ở thủ đô Bắc Kinh để phản đối việc chính quyền không thực hiện các cam kết về lương hưu, bảo hiểm y tế và những phúc lợi khác. Các cựu binh Trung Quốc phản đối việc chính quyền không thực hiện các cam kết về lương hưu, bảo hiểm y tế...