CĐV và CLB Nam Định có thể bị xử phạt vụ đốt pháo sáng ra sao
Sau sự cố đốt pháo sáng gây thương tích cho một khán giả trên sân Hàng Đẫy, CĐV và CLB Nam Định đang đối diện án phạt nặng
Tối 11/9, trên sân Hàng Đẫy, một số cổ động viên Nam Định đã để lại hình ảnh không đẹp trong trận đấu của đội nhà trước CLB Hà Nội. Một trong số những quả pháo sáng được đốt đã bay thẳng từ khán đài B sang khán đài A và gây thương tích cho một nữ cổ động viên.
Căn cứ vào các Quy định Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi bổ sung năm 2018), các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gây rối, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và điều hành giải đấu có thể bị xử phạt theo các hình thức từ phạt tiền, cấm khán giả vào sân, thi đấu trên sân trung lập đến xử thua tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
CĐV Nam Định nhiều lần đốt pháo sáng ở V.League 2019. Ảnh: Kiệt Trần.
Riêng hành vi đốt pháo sáng, Điều 68 – Vi phạm công tác tổ chức nêu rõ: “BTC trận đấu để xảy ra sự việc đốt lửa, đốt pháo nổ các loại, thuốc pháo nổ hoặc để xảy ra các sự việc khác trong sân vận động gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác, thì sẽ bị phạt tiền 20 triệu đồng”.
“Trường hợp vi phạm nhiều lần trong trận đấu, vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu sẽ nâng mức phạt lên từ 30-70 triệu đồng. Nếu lỗi do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách sẽ bị xử lý kỷ luật như trên”.
Ở đây, nhóm CĐV Nam Định đã nhiều lần đốt và ném pháo sáng xuống khu vực thi đấu trên sân Hàng Đẫy. Một quả pháo sáng bay từ khán đài B sang khán đài A khiến một nữ khán giả bị bỏng nặng, vết thương sâu vào tận xương đùi.
Nữ khán giả đã phải nhập viện phẫu thuật ngay trong đêm 11/9. Hành vi của nhóm CĐV Nam Định nêu trên hoàn toàn có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Nạn nhân của quả pháo sáng được đưa vào viện. Ảnh: Kiệt Trần.
Đây không phải lần duy nhất các CĐV Nam Định có hành vi gây rối ảnh hưởng đến công tác tổ chức và điều hành giải đấu. Lần gần đây nhất, Ban tổ chức SVĐ Thiên Trường bị phạt 35 triệu đồng do để khán giả chạy xuống sân gây rối vào ngày 28/7.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, cá nhân bắn pháo sáng hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự vì pháo sáng bị cấm sử dụng, hành vi bắn pháo sáng gây rối an toàn, trật tự công cộng và gây nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng người khác.
Hành vi của CĐV bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A làm một cô gái bị bỏng. Một cảnh sát khi vào dập tắt pháo cũng bị thương. Việc làm này của người bắn pháo đã có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù chung thân.
“Tỷ lệ thương tích của người bị hại là căn cứ xử lý người gây ra hậu quả, tương ứng với định khung hình phạt”, ông Thơm nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo Zing
Pháo sáng và mối họa cần loại bỏ khỏi bóng đá Việt Nam
Sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy tối 11/9 một lần nữa đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và ảnh hưởng của loại hình cổ vũ thiếu văn hóa này tới bóng đá Việt Nam.
Anh Phạm Long (25 tuổi, Hà Nội) chưa hết bàng hoàng khi trả lời về quả pháo sáng bắn từ khán đài B sang khán đài A trong trận đấu giữa CLB Hà Nội với Nam Định tại sân Hàng Đẫy, điều anh thấy trực tiếp từ khu vực khán đài của hội CĐV CLB Hà Nội.
"Tôi chưa từng thấy điều gì điên rồ như vậy", anh quả quyết. "Tôi từng đi xem trận Derby giữa Gamba Osaka và Cerezo Osaka khi còn sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Không khí rất cuồng nhiệt nhưng tuyệt nhiên không có pháo sáng".
Anh Long không phải người duy nhất bất ngờ và hoảng hốt. Ít nhất 10 quả pháo sáng được các CĐV Nam Định ném xuống sân Hàng Đẫy. Một trong số đó bay gần như song song với mặt sân và nhắm thẳng vào khu vực khán đài A.
Cú pháo sáng được "bắn" đi từ khán đài B sang thẳng khán đài đối diện, xuyên qua sân nơi các cầu thủ đang thi đấu. Ảnh: Kiệt Trần.
Quá nguy hiểm để tồn tại
Nếu gạt bỏ khung cảnh sân bóng và chỉ nhìn vào quỹ đạo của quả pháo sáng này, người ta hoàn toàn có thể hiểu lầm đây là viên đạn được phóng đi từ 1 khẩu rocket. "Viên đạn" ấy đi xuyên qua sân đấu, và va thẳng vào nữ khán giả ở khán đài đối diện, khiến cô bị bỏng tới tận xương đùi và sẽ cần ít nhất 2 cuộc phẫu thuật để khử sạch lưu huỳnh.
Dưới sân đấu, CLB Hà Nội đè bẹp Nam Định 6-1 và chiếm lợi thế lớn trong cuộc đua vô địch V.League 2019, nhưng sự chú ý của tất cả đã hút theo vệt khói cắt ngang sân Hàng Đẫy của quả pháo sáng kinh hoàng kia.
CĐV Việt Nam thực ra không lạ gì pháo sáng. Thứ "đồ chơi" này từng đi theo rất nhiều CĐV cuồng nhiệt trong mỗi trận đấu của đội bóng con cưng ở cả sân nhà lẫn sân đối phương.
Nữ khán giả bị thương sau khi dính quả pháo sáng và được đưa tới viện cấp cứu. Vết thương nặng đến mức bỏng vào tận xương Ảnh: Kiệt Trần.
Cảnh tượng pháo sáng bị ném xuống sân cũng không phải điều quá xa lạ với khán giả trên màn ảnh nhỏ hay với những người trực tiếp tác nghiệp trên sân, trong cả vai trò bảo vệ lẫn đưa tin cho trận đấu.
Dẫu vậy, sự cố pháo sáng diễn ra tại Hàng Đẫy hôm 11/9 thì chưa từng có tiền lệ.
Pháo sáng trên lý thuyết được sử dụng trong hoạt động cứu nạn trên biển vì khó bị dập tắt ngay cả khi dính nước. Pháo sáng có chứa hóa chất, có thể cháy lên đến 1.600 độ C và vì thế làm chảy thép.
Vậy mà quả pháo sáng được đốt cháy ấy đã được phóng đi với lực hệt như một quả rocket xuyên từ khán đài B sang khán đài A sân Hàng Đẫy.
Văn Quyết hay những cầu thủ khác của CLB Hà Nội hay Nam Định đều có thể là nạn nhân của những quả pháo sáng với quỹ đạo như thế nếu tình trạng tiếp tục diễn ra. Ảnh: Kiệt Trần.
Quả pháo ấy cũng hoàn toàn có thể hướng thẳng xuống sân, nơi những cầu thủ đang thi đấu và biến một trận đấu thể thao thành thảm họa có màu sắc khủng bố.
Ngay cả trên bình diện thế giới, độ táo bạo và điên rồ từ quỹ đạo của nó cũng khiến nhiều người bất ngờ. Trên trang mạng xã hội thu hút 17 triệu lượt theo dõi của Goal, các CĐV nước ngoài liên tục dùng những từ ngữ biểu cảm mạnh mẽ khi nói về tình huống này.
"Không thể tin nổi", "Quá sức điên rồ. Họ thật sự đã bắn ra thứ đó ư?", "Cầu mong cho cô gái ấy không làm sao"... là một vài phản ứng về đoạn video ghi lại cảnh tưởng đáng quên này.
Cần phải loại bỏ pháo sáng
Trên thế giới, pháo sáng từng là biểu tượng của thời kỳ bóng đá cuồng nhiệt. Song thời gian chứng minh pháo sáng là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá nhiều nơi trên thế giới trở nên kém hấp dẫn và suy yếu.
Một trong những sự cố pháo sáng nổi tiếng nhất là tại tứ kết Champions League 2004/05, CĐV Inter Milan vì phản đối ý kiến của trọng tài đã ném pháo sáng thẳng vào vai thủ thành Dida của AC Milan. Inter sau đó bị xử thua 0-3, bị phạt tiền bởi UEFA. Còn thủ thành Dida của Milan sa sút không phanh.
Hình ảnh Marco Materazzi đứng cạnh Manuel Rui Costa trong khung cảnh San Siro ngập tràn pháo sáng cũng là biểu tượng cho sự sa sút về vị thế của bóng đá Italy ở châu Âu. Ảnh: Getty.
James Richardson, chuyên gia bóng đá Italy khi ấy thừa nhận với BBC: "Các CĐV luôn muốn ném thứ gì đó xuống sân. Vài năm trước, họ định mang hẳn một chiếc xe máy đang cháy vào sân để làm điều tương tự".
Pháo sáng hay chiếc xe máy đang cháy dở mà James nhắc tới chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho sự quá khích của các CĐV Italy hay nhiều nơi khác trên toàn thế giới, những người coi bóng đá là cả cuộc đời của họ.
Lực lượng an ninh tại Italy và nhiều quốc gia khi đó đứng ngoài cuộc chơi bạo lực của các CĐV quá khích (ultras). "Họ không muốn bước tới khu vực ấy. Họ e ngại sự xuất hiện của mình có thể gây ra nhiều bạo loạn hơn", James tiếp tục. Trong nhiều thập kỷ, đó là cách mà lực lượng an ninh tại Italy đối mặt với nạn ultras, làm ngơ và cầu trời mình không bị đụng tới.
Bóng đá Italy giờ không còn pháo sáng, những di chứng về quá khứ vàng son và cả tai tiếng bởi thứ đồ chơi này khiến Serie A không thể sánh vai với Premier League về sức hút.
Pháo sáng hay CĐV quá khích từng báo hại Serbia thua trận và bị trừ 3 điểm tại vòng loại Euro 2016. Ảnh: Reuters
Trong các trận đấu quốc tế, pháo sáng hoàn toàn bị cấm. Những trường hợp để lọt pháo sáng vào sân đều bị xử phạt nặng.
Tại vòng loại Euro 2016, trận đấu giữa Serbia và Albania đã bị hủy chỉ sau 42 phút thi đấu vì các CĐV đội chủ nhà ném pháo sáng cũng như buông các lời kích động tới Albania. Đội chủ nhà sau đó bị xử thua 0-3.
Năm 2015, trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2018 đã phải dừng lại sau khi CĐV Malaysia ném pháo sáng xuống sân. Malaysia bị xử thua 0-3, LĐBĐ Malaysia bị phạt 180.000 ringgit (khoảng 900 triệu đồng), bị cấm thi đấu 1 trận trên sân nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng pháo sáng là hình ảnh biểu tượng cho sự cuồng nhiệt trong bóng đá. Không còn pháo sáng hay CĐV quá khích thì bóng đá sẽ mất đi ít nhiều giá trị. Tại Pháp, không ít CLB chịu nộp phạt để giữ lại sự cuồng nhiệt này.
Khung cảnh pháo sáng trên sân cỏ V.League cần phải chấm dứt. Ảnh: Minh Chiến.
Dẫu vậy thì sự việc diễn ra tại Hàng Đẫy tối 11/9 buộc tất cả phải nghĩ lại (một lần nữa) về pháo sáng: "Sự cuồng nhiệt" trong bóng đá quan trọng hơn hay tính mạng của con người quan trọng hơn?
V.League đang dần thu hút khán giả đến sân sau hơn một năm đại thành công của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG và U23. Sự tích cực tự nhiên ấy từ khán giả là nguồn sống của bất kỳ giải đấu nào ở bất kỳ quốc gia nào chứ không riêng gì Việt Nam.
Pháo sáng có thể là hình ảnh biểu tượng cho quá khứ nào đó, nhưng khi nó dần trở thành vũ khí gây nguy hiểm tới tính mạng của con người thì cần phải triệt để loại bỏ.
Bóng đá Việt Nam đang hướng tới tương lai tươi sáng với những thế hệ cầu thủ tài năng cùng những CLB có khả năng cạnh tranh tầm cỡ châu lục.
Tương lai ấy không cần có pháo sáng.
Theo Zing
VPF lên tiếng sau sự cố pháo sáng khiến cổ động viên nữ nhập viện Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lên án hành vi đốt pháo sáng của các CĐV quá khích trên sân Hàng Đẫy tối 11/9, trong trận đấu bù vòng 22 V-League giữa CLB Hà Nội và Nam Định, khiến một CĐV nữ bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu. Không ngoài dự đoán, pháo sáng đã xuất...