CDC Mỹ khẳng định vaccine Pfizer bảo vệ trẻ em trước biến chứng nặng COVID-19
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer vẫn có hiệu quả bảo vệ đối với trẻ em từ 5 tuổi trở lên trước nguy cơ nhập viện và tử vong, ngay cả khi biến thể Omicron xuất hiện và gây ra ảnh hưởng lớn đến nhóm đối tượng này.
Bé Landon Torrence, 5 tuổi, chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 ở Skippack, Pennsylvania, ngày 3/11/2021. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, dữ liệu mới của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ được đưa ra 1 ngày sau khi kết quả từ một nghiên cứu đối với trẻ em New York cho thấy vaccine không hiệu quả đối với nhóm trẻ em 5-11 tuổi như những nhóm trẻ em lớn hơn. Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu rằng liều vaccine tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi hiện giờ có phải là quá thấp nên mới gây ra tình trạng thiếu hiệu quả trong việc ngăn chặn các biến chứng nặng hơn.
Tuy nhiên, CDC cho rằng vấn đề mà nghiên cứu chỉ ra không nằm ở độ tuổi trẻ em hay liều lượng vaccine đưa vào cơ thể, thay vào đó là vì sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi chỉ bắt đầu triển khai vài tuần trước khi biến thể Omicron lây lan.
“Là một bà mẹ có con rất nhỏ, tôi sẽ làm mọi thứ để con mình không phải đi cấp cứu vào nửa đêm. Những gì chúng ta thu được từ dữ liệu cho thấy vaccine vẫn hiệu quả trong việc bảo vệ trước COVID-19 và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng hơn”, nhà dịch tễ học CDC Ruth Link-Gelles cho hay.
Video đang HOT
Vị chuyên gia khẳng định các kết quả nghiên cứu có thể khiến phụ huynh lúng túng song họ cần hiểu tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ các con hiện nay.
“Nếu như được tiêm phòng, các bạn sẽ chỉ có thể có triệu chứng nhẹ và chúng ta phải học cách chung sống với điều đó”, Tiến sĩ Paul Offit tại bệnh viện trẻ em Philadelphia nhận định.
Ông cho rằng quy mô nghiên cứu tại New York là quá nhỏ để đưa ra kết luận. Bác sĩ này chỉ ra những bệnh nhi mắc COVID-19 nhập viện vì chuyển biến nặng đều là những em chưa tiêm vaccine.
Theo thống kê của CDC Mỹ, từ tháng 4/2021 đến đầu tháng 1/2022, nước này ghi nhận 9 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong độ tuổi 5-17 đã tiêm vaccine. Trong khi đó, con số này ở các em cùng độ tuổi chưa tiêm vaccine là 121 ca.
Tại Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, tính đến đầu tháng 1, chỉ 22% trẻ em từ 5-11 tuổi và chỉ hơn một nửa số trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, gần 3/4 người lớn được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Chuyên gia Canada khẳng định sự cần thiết đeo khẩu trang ở trường học
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện mặc dù vaccine ngừa căn bệnh này đã giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người một cách đáng kể.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở British Columbia, Canada. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Số liệu thống kê cho thấy trẻ vị thành niên chưa tiêm phòng có nguy cơ nhập viện cao gấp 10 lần so với những trẻ đã được tiêm chủng. Mặc dù vậy, trong số tất cả các trẻ em đã nhiễm virus SARS-CoV-2 - kể cả đã được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng, vẫn có khoảng 1% số trường hợp phải nhập viện điều trị do bệnh nặng và cần phải can thiệp y tế để đảm bảo sự sống.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh do nhiễm biến thể Omicron dần lắng dịu, chính phủ nhiều nước bắt đầu tranh luận về sự cần thiết của các biện pháp phòng dịch, bao gồm cả các yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học. Liên quan vấn đề này, bác sĩ Julian Daniel Sunday Willett làm việc tại Đại học McGill (Canada) khẳng định việc đeo khẩu trang và duy trì giãn cách ở trường học sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ trẻ em mắc COVID-19, theo đó cũng sẽ giảm số ca trẻ em phải nhập viện vì căn bệnh này.
Theo bác sĩ Willett, việc đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách vật lý an toàn với người đối diện sẽ mang lại sự bảo vệ cần thiết cho mỗi chúng ta và tầm quan trọng của những biện pháp này đã và đang được chứng minh một cách liên tục trong suốt đại dịch COVID-19, do có thể ngăn chặn trực tiếp con đường lây truyền của virus.
Bác sĩ Willett giải thích, việc duy trì khoảng cách vật lý an toàn sẽ hạn chế việc chúng ta dung nạp virus từ người khác, do virus đã bị phát tán và loãng ra trong không khí. Trong khi đó, khẩu trang có thể ngăn chặn các giọt bắn hô hấp khi giao tiếp, thông qua việc tạo thành một vách ngăn giữa dịch tiết đường hô hấp của người này và đường hô hấp của người kia.
Bác sĩ Willett khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang tại học đường sẽ cho thấy lợi ích rõ ràng khi cân nhắc việc bảo vệ trẻ em, và cả gia đình của các em, khi trẻ phơi nhiễm và mang virus về nhà.
Hồi tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đã công bố hai báo cáo khoa học về việc đeo khẩu trang ở trường học. Nghiên cứu đầu tiên cho thấy ở các hạt của Mỹ mà trường học có quy định học sinh phải đeo khẩu trang, số ca trẻ em mắc COVID-19 đã giảm ít nhất 50%.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai, tập trung vào các hạt ở bang Arizona, cũng khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang giúp trẻ em an toàn hơn, khi các trường học không yêu cầu học sinh đeo khẩu trang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 cao gấp 3 lần so với các trường học áp dụng quy định này.
CDC và Học viện Nhi khoa Mỹ hiện vẫn đang khuyến cáo tất cả trẻ em trên 2 tuổi và học sinh ở các trường học nên đeo khẩu trang, bất kể tình trạng tiêm chủng của các em như thế nào.
Cha mẹ hối hả đưa con đi tiêm vaccine COVID-19 tại Hong Kong Các bậc phụ huynh tại Hong Kong (Trung Quốc) đã nhanh chóng đưa con đến các trung tâm tiêm chủng trong tuần này sau khi giới chức y tế hạ độ tuổi tiêm vaccine COVID-19. Nhân viên y tế hướng dẫn tại điểm tiêm chủng quận Sha Tin (Hong Kong). Ảnh: Reuters Chính quyền Hong Kong đã phê duyệt tiêm vaccine Sinovac cho...