(CĐ 18) Kỳ 99 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Điệp viên xuất hiện tình cờ
Đầu thập niên 1930, nhờ hiện tượng mà trong thực tế điệp báo có tên gọi là “điệp viên xuất hiện tình cờ”, OGPU thành công trong việc phá giải các mật mã ngoại giao của Anh và lần đầu tiên xâm nhập vào Foreign Office (Bộ Ngoại giao Anh).
Sự khởi đầu (52)
Năm 1929, Ernst Halloway Oldham, nhân viên cơ yếu của Cục Thông tin liên lạc Bộ Ngoại giao Anh khi đó đang ở Paris cùng phái đoàn thương mại Anh đã đến cơ quan tuỳ viên quân sự Liên Xô, tự xưng là Scott và xin gặp tuỳ viên quân sự. Thay vì gặp tuỳ viên quân sự, ông ta đã được sĩ quan OGPU Vladimir Voinovich, tự xưng là thiếu tá Vladimir, tiếp. Oldham nói anh ta làm việc ở Foreign Office và có mang theo mật mã ngoại giao của Anh mà ông ta chào mời tình báo Liên Xô mua với giá 2 ngàn đô la Mỹ.
Voinovich đã nhận mật mã mang biến sang phòng bên và chụp ảnh mật mã này. Nghi ngờ đây là vụ khiêu khích, Voinovich đã quay lại với Oldham đang chờ và ra vẻ tức giận buộc tội ông ta lừa đảo và đuổi ông ta khỏi sứ quán.
Tại Moskva, các chuyên gia mã thám Liên Xô đã xác định mật mã do Oldham mang đến là thật. Trung ương tình báo đã cảnh cáo nghiêm khắc Voinovich vì anh ta đã không trả tiền cho Scott và không thiết lập liên lạc với ông ta. Voinovich đã nhận được từ Trung ương tình báo 2000 đô la và mệnh lệnh trả số tiền này để khôi phục quan hệ với Scott. Thật đáng hổ thẹn cho Voinovich là cả nhân viên Cheka được anh ta giao nhiệm vụ theo dõi Oldham khi ông này từ sứ quán Liên Xô trở về nhà lại ghi sai địa chỉ và không nhớ được chỗ ở của Scott.
Phải nhờ nhiều nỗ lực trong thời gian dài của Hans Galleni, một tình báo viên bất hợp pháp của OGPU ở Hà Lan, tình báo Liên Xô mới tìm ra Oldham ở London vào năm 1930. Galleni đã chặn Oldham trên đường từ cơ quan về nhà, gọi tên ông ta và nói một đoạn ngắn chuẩn bị sẵn: “Tôi tiếc là chúng ta đã không gặp nhau ở Paris. Tôi đã biết sai lầm nghiêm trọng của thiếu tá Vladimir. Anh ta đã bị đuổi việc và kỷ luật. Tôi đến để đưa cho ông cái ông có quyền hưởng”. Vừa nói, Galleni vừa giúi vào tay Oldham chiếc phong bì, rồi đi ngang đường và biến mất trong đám viên chức. Những người đi ngang thấy Oldham ôm ngực, khuỵu gối đã vội chạy đến giúp đỡ. Oldham bối rối làu bàu mấy lời cảm ơn, rồi đi về nhà. Về đến nhà, mở phong bì, ông ta thấy có 2 ngàn đô la và chỉ dẫn liên lạc lần tới với Galleni.
Oldham đã đến cuộc gặp tiếp theo với ý định từ chối làm việc cho Galleni. Nhưng Galleni đã thuyết phục được Oldham lại nhận tiền và cung cấp thông tin mới về các loại mật mã và chế độ bảo mật của Foreign Office, cũng như về các đồng nghiệp của ông ta trong Cục Thông tin liên lạc. Mặc dù Galleni đã cố động viên Oldham bằng cách mời vợ chồng ông ta đến những nhà hàng đắt tiền, nhưng cuộc sống hai mặt là quá căng thẳng đối với ông. Tháng 9 năm 1933, người ta phát hiện thấy Oldham trong tình trạng bất tỉnh trên sàn nhà tắm ở nhà mình và đưa ngay tới bệnh viện. Nhưng ông đã chết trên đường đi. Điều tra cho thấy Oldham, trong trạng thái tâm thần kích động, đã tự sát bằng cách đầu độc bằng gas.
Video đang HOT
OGPU đã lợi dụng thông tin do Oldham cung cấp về các nhân viên của Cục Thông tin liên lạc của Foreign Office để thực hiện vụ tuyển mộ mới. Hai tình báo viên bất hợp pháp của OGPU đã được phái đến Geneva, nơi có một số đồng nghiệp của Oldham làm nhân viên cơ yếu trong phái bộ Anh ở Hội Quốc Liên. Một trong hai cán bộ tình báo bất hợp pháp này là một cựu thuỷ thủ từng sống ở Mỹ một thời gian đã quá vụng bề nhanh chóng khiến các thành viên phái bộ Anh nghi ngờ làm việc cho tình báo Liên Xô.
Tình báo viên thứ hai là Henry Christian Peack, một hoạ sĩ Hà Lan thành đạt và quảng giao, vào những thời gian khác nhau đã làm việc cho Hans Galleni và các tổ trưởng tình báo Liên Xô khác. Dưới sự chỉ đạo của họ và nhờ sự hấp dẫn của mình, Peack đã trở thành một nhân vật quen thuộc trong đông đảo quan chức và phóng viên Anh ở Geneva. Ông đã mời một số nhân viên cơ yếu đến nhà ở La Hay chơi để chiêu đãi trọng thị và cho vay tiền.
Peack đã chọn đại uý John Herbert King, người vào làm cho Cục Thông tin liên lạc của Foreign Office với tư cách nhân viên tạm thời vào năm 1934 (nhân viên tạm thời không được quyền nhận lương hưu) là ứng cử viên thích hợp nhất để tuyển mộ. Anh ta sống ly thân với vợ và đang ở với nhân tình người Mỹ. Rõ ràng King túng thiếu với mức lương eo hẹp. Peack rất kiên nhẫn và khôn khéo phát triển quan hệ với King. Một lần, ông mời King và nhân tình của anh ta đi nghỉ ở Tây Ban Nha. Tại đó, họ trú tại những khách sạn sang trọng nhất và vui chơi không tiếc tiền.
Quý bà Peack sau này đã nhận xét về chuyến đi này như một thử nghiệm thực thụ, còn về King và cô nhân tình – thì như những người buồn tẻ vô tưởng. Peack không định tuyển mộ King ở Geneva, mà đợi cho đến khi anh ta trở về Anh vào năm 1935 và đến thăm anh ta ở London. Thậm chí ở đây, Peack cũng che giấu liên hệ của mình với NKVD. Thay vào đó, ông nói với King là có một chủ nhà băng Hà Lan đặc biệt quan tâm đến thông tin mật về quan hệ quốc tế sẵn sàng trả cho cả hai một khoản tiền lớn nếu King cung cấp những thông tin đó. King đã nhận lời.
Để có lý do tồn tại ở London, Peack đã đề nghị một chuyên gia người Anh về nội thất cửa hàng Konrad Parlanti mà ông gặp trong nhóm nhân viên cơ yếu Anh thành lập một hãng trang trí nghệ thuật cho các cơ sở thương mại. Peack hứa sẽ tự kiếm tiền. Parlanti nhất trí và đôi bạn làm ăn này đã thuê một ngôi nhà trên phố Burkingham Gate ở London. Trên tầng mà Peack ngồi có một căn phòng khoá kín được Peack dùng làm nơi chụp ảnh các tài liệu do King cung cấp. Một số trong các tài liệu đó cực kỳ quan trọng nên được báo cáo trực tiếp cho Stalin. Trong số đó có bản rõ các bức điện mật mã mà sứ quán Anh ở Berlin gửi đi về kết quả các cuộc gặp với Hitler và các nhà lãnh đạo khác của nước Đức.
Ngày 2 tháng 9 năm 1939, Valter Germanovich Krivitsky, nguyên tổ trưởng tình báo NKVD ở Hà Lan, 5 tháng trước đã phản bội và được tị nạn ở Mỹ, đã đến sứ quán Anh để cảnh báo. Krivitsky đã làm việc mật thiết một thời gian dài với những người đã tuyển và chỉ đạo King. Foreign Office đã xem thường, bỏ qua lời cảnh báo đó của tên phản bội. Tuy nhiên, sau hai ngày suy nghĩ về tin tức chỉ điểm về một điệp viên Liên Xô có biệt hiệu “Nhà Vua” mà Krivitsky cung cấp, Bộ Ngoại giao Anh đã kết luận là đã xảy ra sự rò rỉ thông tin từ Foreign Office trong 4 năm gần đây và trên thực tế nó là do hành vi xấu của kẻ nào đó trong Cục Thông tin liên lạc của bộ này. Không lâu sau, King bị phát giác, bị bắt và kết án 10 năm tù.
Mãi đến năm 1956, tin tức về vụ King mới được tiết lộ cho công luận ở Mỹ trong các buổi điều trần của thượng viện Mỹ về bối cảnh Nhật tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Trân Châu Cảng.
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 93 Tình báo điện tử Anh: Thảm kịch Canada
Điều được đề cập ở trên liên quan đến các trường hợp làm gián điệp trong GCHQ mà Anh xem là chắc chắn cho tình báo Liên Xô. Thế còn những vụ "không công khai"?
Một trong những vụ đó có liên quan đến Lesley Benneth, người giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong GCHQ. Chức vụ cuối cùng là trưởng phòng Cận Đông của GCHQ. Năm 1954, Benneth đã di cư sang Canada và tại đó ông lãnh đạo một phòng của cơ quan an ninh quốc gia Canada.
Trong thập niên 1960, sau một loạt chiến dịch do thám chống Liên Xô bị bại lộ, người ta đã tiến hành theo dõi Benneth. Do không có những chứng cứ trực tiếp nên vụ việc đã biến thành vô lý. Những thám tử của đơn vị theo dõi ngoài Canada đã nảy sinh nghi ngờ Benneth sử dụng bồ câu đưa thư để liên lạc với KGB. Bởi vậy, họ đã nhiều lần bám theo ông ta từ nhà đến những cánh rừng nhỏ, nơi Benneth thường lấy từ cốp xe ôtô ra một tấm lưới thép.
Những kẻ theo dõi không dám đến gần Benneth quá để nhìn rõ ông ta thả con gì ra khỏi lồng, nhưng họ phỏng đoán điều tồi tệ nhất. Trên thực tế Benneth chỉ bắt những con sóc sinh sôi nảy nở trong vườn nhà ông và vốn là người tốt bụng nên ông sau đó lại thả chúng vào rừng.
Khi đó, các thợ săn gián điệp Liên Xô không mệt mỏi ở Canada quyết định quăng lưới bắt Benneth. Ông đã bị bơm tin giả nói rằng một kẻ đào tẩu Xô-viết sẽ bay đến Montreal. Như thế nếu như các nhân viên KGB xuất hiện tại sân bay để theo dõi kẻ đào tẩu thì điều đó có nghĩa Benneth đã báo tin này cho họ. Nhưng cơn bão tuyết dữ dội đột ngột ở Monttreal đã phá hỏng tất cả. Trong bão tuyết, người ta không thể xác định là có nhân viên KGB náo đến điểm gặp ở sân bay hay không.
Năm 1972, Benneth trải qua cuộc thẩm vấn gay go nhất, nhưng ông không hề khai nhận gì. Và tuy Benneth đã vượt qua cuộc kiểm tra trên máy phát hiện nói dối và thề không bao giờ là gián điệp của Liên Xô, nhưng sau nhiều năm làm việc, ông vẫn bị sa thải khỏi cơ quan và đã sang Australia sinh sống. Cho đến nay vẫn chưa rõ ông có phải là một tình báo viên thay đổi chỗ làm theo lệnh của cấp trên ở Moskva không, hay chỉ là nạn nhân vô tội của một âm mưu hiểm độc.
Trường hợp Benneth không phải là điển hình đối với cộng đồng tình báo Anh. Những tin tức phát giác ra điệp viên nước ngoài ít khi được đưa ra công luận. Trong toàn bộ lịch sử GCHQ, chỉ có một lần một nhân viên cơ quan này bị tuyên bố là điệp viên của tình báo Liên Xô.
Cần phải ghi nhận là GCHQ luôn bảo vệ cẩn mật các bí mật của mình trước tai mắt người ngoài. Trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này có lẽ là việc GCHQ bất lực trong việc kịp thời phát hiện điệp viên nguy hiểm nhất trong số nhân viên của mình là Prime. Prime bị bắt hoàn toàn do lệch lạc tình dục. Cũng có thể liệt vào đây việc xuất bản cuốn sách của Nigel West "GCHQ. Cuộc chiến vô tuyến bí mật (1900-1986)" với chủ đề chính là lịch sử ngành tình báo vô tuyến điện tử Anh, kể cả một biên niên sử những hành động vinh quang của GCHQ.
Đầu thập niên 1980, việc giải mật các tài liệu lưu trữ liên quan đến tình báo vô tuyến điện tử thời chiến tranh thế giới thứ II đã dẫn tới lời hứa của chính phủ Anh cũng làm như vậy với tài liệu lưu trữ thời chiến tranh thế giới thứ I. Tuy vậy, chính phủ Anh kiên quyết từ chối không cho tiếp cận các tài liệu chặn thu tích trữ ở Anh trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến thế giới.
Kết quả là trong thập niên 1980 đã hình thành một tình huống oái oăm khi nội dung chặn thu từ các kênh liên lạc của Pháp đầu thập niên 1920 lại còn bí mật hơn những cái thu được từ các kênh liên lạc của Đức đầu thập niên 1940. Người đưa ra lời giải thích chính thức cho sự dị thường này là Robert Armstrong, thư ký nội các Anh hồi đó. Ông ta tuyên bố chính phủ Anh coi bất kỳ tài liệu nào về hoạt động do thám mà các cơ quan tình báo phải báo cáo với mình trong thời bình còn bí mật hơn các tài liệu về hoạt động tình báo chống lại kẻ thù trong thời chiến. Và chấm hết.
Như vậy là các bồi bút hiếu động cố sưởi ấm tay nhờ các sự việc được "xào nấu" từ lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Anh, cũng đã có thể khỏi phải lo lắng và thanh thản đợi đến chiến tranh thế giới thứ III. Nếu họ không sống đến lúc đó thì họ cũng sẽ tìm thấy cái gì đó để kể cho những người còn sống bởi vì xét tổng thể, chính các kênh liên lạc sóng điện và hữu tuyến mới là chiến trường cho các trận đánh quyết định trong cuộc chiến nhằm giành quyền thống trị thế giới đó.
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 90 Tình báo điện tử Anh: Những quan hệ đặc biệt Cả NSA cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ bí mật cho GCHQ. Lý do rất đơn giản. Vấn đề là ở chỗ, vào năm 1934, Mỹ đã thông qua luật liên bang cấm chặn thu điện tín từ các kênh liên lạc của Mỹ. Với sự tham gia thụ động của GCHQ, lợi dụng thực tế là đa số điện tín...