(CĐ 18) Kỳ 101 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Người mũi to
Nửa đầu thập niên 1930, Grigory Besedovsky giữ chức vụ cao là đại biện lâm thời. Lợi dụng quỹ tiền bí mật nhận được từ Moskva, hắn đã cẩn thận cất tiền, cùng các tài liệu quan trọng nhất vào một vali nhỏ và chạy vào vòng tay hiếu khách của người Pháp.
Sự khởi đầu (54)
Nhưng hắn vẫn còn phải tìm cách “hạ cánh” tốt đẹp hẳn xuống bên kia hàng rào. Vì điều đó, Besedovsky đã làm tất cả những gì có thể như bán các bí mật của sứ quán và cáo giác các cán bộ tình báo mà hắn biết. Bao người đã chết, hoạt động bị tổn hại nghiêm trọng. Sau đó, dùng tiền mà kẻ thù nay đã đổi thành bạn và người che chở trả cho hắn, Besedovsky đã xuất bản một cuốn sách. Stalin đã chăm chú đọc cuốn sách này và viết lên lề hai từ duy nhất: “Móc lại”. Hai từ đó xuất hiện đối diện với đoạn kể về một chuyện đã xảy ra ở sứ quán Liên Xô tại Paris và bị tên phản bội tiết lộ.
Besedovsky viết rằng, vào năm 1928, một người thấp lùn, tóc đen có chiếc mũi đỏ, mặc bộ quần áo kẻ ô màu xám gắn một bông cẩm chướng đỏ ở khuy áo và mang theo một chiếc cặp to màu vàng đã đến sứ quán Liên Xô. Người lạ mặt xin gặp tuỳ viên quân sự Liên Xô. Khi ngồi một mình với tuỳ viên quân sự, ông ta lôi từ cặp ra những quyển sách và vở bìa đen, rồi nói: “Đây là các loại mật mã của Italia. Chúng đáng giá 250 ngàn Franc Pháp. Khi nào các mật mã mới được đưa vào sử dụng, ngài sẽ nhận được chúng, nhưng lại với 250 ngàn. Giá trị của tôi không phải ở chỗ các ông được nhận tận tay các chìa khoá mở hòm bí mật của một nước thù địch với các ông mà là ở khả năng sử dụng nguồn tin đó trong nhiều năm. Hiển nhiên là các ông có điệp viên của mình tại bưu điện Paris và sẽ thu được mọi bức điện mật mã, kể cả của sứ quán. Tôi tin ông. Ông hãy cầm lấy mấy quyển mã này vào phòng cơ yếu của ông và giải mã vài bức điện mật mã của Italia. Khi nào ông tin chúng là thật thì ta sẽ thanh toán”.
Vị tuỳ viên đi sang phòng bên và vì biết chắc các mật mã là thật nên đã chụp ảnh chúng, sau đó trả lại cho người lạ, đuổi ông ta khỏi sứ quán và quát lên rằng, ông ta là tên lừa đảo, kiểm tra cho thấy các tài liệu đó là vô dụng và nếu ông ta không khôn hồn cuốn xéo thì sẽ gọi cảnh sát. Người lạ sửng sốt nhún vai và nói: “Ông đã cướp của tôi 250 ngàn Franc. Đối với một người thì mất mát này là lớn, nhưng đối với một nước lớn thì món tiền này là chuyện vặt. Nhưng chính ông đã vứt bỏ một nguồn tin giá trị hiếm có và như vậy đã chứng tỏ các ông không phải là tình báo mà là những gã bủn xỉn, những kẻ buôn bán nhỏ bịp bợm hạ tiện thiếu tầm nhìn quốc gia”.
Các ảnh chụp mật mã đã được gửi về Moskva với bản báo cáo thành tích đắc thắng về thành công của một chiến dịch đã mở cho tình báo Liên Xô các bí mật về đường lối của Mussolini và tiết kiệm được một khoản tiền to cho Nhà nước Xô-viết. Vị tuỳ viên quân sự được tặng huân chương vì thành tích hoạt động, còn người Italia thì lập tức thay đổi mật mã và toàn bộ thắng lợi tan biến như bong bóng xà phòng.
Đọc xong câu chuyện này trong sách của Besedovsky, Stalin nổi cơn tam bành. Lời phê của ông “móc lại” trong cuốn sách của kẻ phản bội có nghĩa là mệnh lệnh mà OGPU phải hoàn thành bằng mọi giá. Kết quả là Dmitri Aleksandrovich Bystroletov đã được triệu hồi khẩn cấp về Moskva.
Về đến Moskva, Bystroletov nhận được tận tay cuốn sách đen đủi của Besedovsky có chữ phê của lãnh tụ cùng mệnh lệnh tìm cho ra người đã đến sứ quán Liên Xô ở Paris với đề nghị khác thường đến thế. Người ta đã mở cho ông một tài khoản không hạn chế cho một thời gian rất hạn chế và hạ lệnh rời Moskva ngay trong đêm đó. Điểm đến không được nói rõ – điều đó hoàn toàn do Bystroletov xem xét quyết định.
Video đang HOT
Đó là một nhiệm vụ kỳ cục – tìm cho ra trên trái đất một người lạ từng xuất hiện trước mắt tuỳ viên quân sự Liên Xô ở Paris mà chỉ biết ông ta là người thấp nhỏ, có chiếc mũi đỏ. Bởi vậy, theo Bystroletov nhớ lại, ông cũng thực hiện nhiệm vụ đó một cách kỳ cục. Ông ngồi trên bờ hồ Geneva và cho những con thiên nga trắng ăn. Phải lưu ý là hồ Geneva chứ không phải hồ Chuda hay Ladoga và chỉ có những con thiên nga trắng chứ không phải đen. Có lẽ chính điều đó đã giúp ông, sau khi loại trừ từng nước một, từng sứ quán một, từng cương vị một, từng người một, đã tìm ra người có chiếc mũi đỏ – đó là viên sĩ quan quân đội Thuỵ Sĩ hồi hưu Rossi, người gốc Italia và có quan hệ lớn ở Roma.
Tiếp đó, Bystroletov phải mạo hiểm bởi thú nhận với “Mũi to” rằng mình là tình báo viên Liên Xô là không thể được. Vì quá uất ức với thủ đoạn ở sứ quán Liên Xô tại Paris, ông ta sẽ không tin các điệp viên Liên Xô nhất so với bất cứ ai. Nên Bystroletov đã quyết định đóng vai một điệp viên Nhật. Bởi lẽ, người Nhật không thể tự tiến hành hoạt động bí mật của mình ở châu Âu do khe mắt và màu da, do đó họ phải làm việc đó qua những kẻ đánh thuê da trắng bằng cách trả hậu hĩnh cho hoạt động gián điệp của họ.
“Mũi to” cho biết chính bá tước Conte di Cortellazzo Galeazzo Ciano (1903-1944), ngoại trưởng Italia, chồng của Maphalda Mussolini, con gái tên độc tài Italia Benito Mussolini, là kẻ tổ chức buôn bán mật mã. Theo giao phó của ông ta, “Mũi to” đi khắp các cường quốc, kiếm lấy vài triệu, rồi sang các nước tầm tầm để bán mật mã với giá rẻ hơn kiếm lấy độ 100 ngàn một lần, sau khi đi hết các nước tầm tầm thì hạ cố đến các tiểu quốc để bán tống bán tháo cho họ mật mã với giá tầm 10 ngàn một lần. Khi cả địa cầu đều đã đọc được điện tín ngoại giao của Italia thì bá tước Ciano cho thay đổi mật mã và “Mũi to” lại lên đường làm một vòng ghé thăm các khách hàng.
Sau khi cuốn sách của Besedovsky được xuất bản, bá tước Ciano đã tổ chức một vụ khiêu khích để làm mất các quyển mã tại một sứ quán Italia, rồi đột ngột đến đó thanh tra và buộc tội một người ngẫu nhiên nào đó đã lấy cắp. Người vô tội kia đã bị thủ tiêu, còn Ciano lại nổi lên như một chiến sĩ đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng và phản bội.
Bystroletov không phải buồn chán với “Mũi to”. Một lần, sau khi nhận được một tệp tiền, ông ta hít hít tiền và hỏi liệu chúng có thật không. Sau khi chắc chắn tiền là thật, “Mũi to” bất ngờ nói: “Người Nhật các anh thật là ngốc! Anh hãy viết để họ nhanh nhanh tự in lấy đô la, với kỹ thuật tinh vi mà họ có thì việc đó sẽ rất ngon lành. Ông hãy trả tôi không phải là 200 ngàn Franc thật mà một triệu đô la tiền giả – và chúng ta hoà nhau!”.
“Mũi to” là kẻ khéo xoay xở và nhanh trí. Lợi dụng sự cách trở địa lý của Nhật và quan hệ rộng rãi của mình, ông ta ban đầu bán các mật mã cho người Nhật ở Tokyo, sau đó cho “điệp viên” Bystroletov của họ ở Berlin. Căn cứ vào danh sách các nước đã mua mật mã, “Mũi to” rốt cuộc cũng hiểu ra Bystroletov là tình báo viên Liên Xô và ông ta đã xám mặt vì tức giận vì té ra mình lại bị xỏ mũi lần nữa! Tức giận đã làm mờ cả lý trí của ông ta, ông ta đã kiếm cớ lừa Bystroletov đến biệt thự của mình để thanh toán. Nhưng chính vào thời điểm gay cấn nhất thì trên phố lân cận vang lên tiếng còi ôtô ngắn và to – thành phố đang thức dậy, mọi sự bắt đầu chuyển động.
Bystroletov lập tức trấn tĩnh và nói: “Đó là các bạn của tôi đến và phát tín hiệu cho tôi đấy: nếu sau 10 phút nữa mà tôi không ra, họ sẽ xông vào đây và băm nát ông không một tiếng độn. Chúng tôi mạnh hơn. Ông hiểu chứ? Tôi nhắc lại, đừng dại dột! Thế mà ông đòi làm tình báo! Thậm chí ông còn chả nhận thấy một chiếc ôtô thứ hai bám sau chúng ta ngay từ Berlin. “Mũi to” bối rối làu bàu cái gì đó về chuyện thiếu tiền. Bystroletov hứa sẽ cho thêm tiền và nhanh chóng chuồn khỏi biệt thự, đồng thời ghi nhớ số nhà và tên phố. Thế là cái biệt thự đã trở thành khởi điểm để tìm hiểu rõ hơn các quan hệ của “Mũi to”.
Tiếp đó, để đền bù cho điều đã xảy ra, “Mũi to” đã giới thiệu Bystroletov với một gián điệp Pháp cáo già, một ông già có vẻ dữ tợn, kẻ buôn bán mật mã của người khác. Ông già kể chuyện vui cho Bystroletov về việc thời chiến tranh thế giới thứ I, ông ta đã lừa qua biên giới Pháp-Tây Ban Nha và tự tay bắn chết bất kỳ tên vô danh tiểu tốt khả nghi nào. Đồng thời, ông người Pháp còn hào phóng chiêu đãi Bystroletov rượu và mời cùng sang Pháp chơi. Vô tình, để có quan hệ hữu hảo với tình báo Nhật, tay gián điệp già người Pháp đã cung cấp cho “điệp viên” Nhật này mấy loại mật mã rất cần thiết.
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 98 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Chiếc mũ nhỏ
Đầu thập niên 1920, GPU (một tên viết tắt cũ của KGB sau này) có cơ hội tuyển mộ vị lãnh sự Afghanistan ở Tashkent.
Sự khởi đầu (51)
Điệp viên mật đã tiến hành điều tra sơ bộ để tuyển mộ vị lãnh sự đã đặt cho ông ta biệt hiệu Shapochka (chiếc mũ nhỏ) bởi vì người Afghanistan này đội chiếc mũ lông cừu non màu đen cùng bộ đồ Âu, kể cả khi ở nhà. GPU rất quan tâm đến vị lãnh sự Afghanistan vì nhiều lý do.
Một là lãnh sự quán Afghanistan ở Tashkent luôn nắm được toàn bộ chính sách của nước này đối với Turkestan. Hai là Afghanistan là nước thực hiện chính sách của Anh ở khu vực này. Ba là người ta ở Kabul lắng nghe tiếng nói của vị lãnh sự khi đưa ra các quyết định chính trị quan trọng có liên quan đến Turkestan.
Vị lãnh sự Afghanistan đồng ý cung cấp tin về những ý kiến chỉ đạo không thân thiện đối với nhà nước Xô-viết của chính phủ Afghanistan mà ông biết được nhờ chức trách. Ông đề nghị đổi quyền tiếp cận điện tín mật của lãnh sự quán và khoá mã của mật mã liên lạc giữa ông ta và Kabul đổi lấy quyền tị nạn trong trường hợp ông từ chối trở về nước, cộng thêm 10 ngàn rúp vàng. Vấn đề tế nhị về quyền tị nạn chính trị lẫn vấn đề khoản tiền lớn đòi hỏi phải có sự thống nhất của Uỷ ban Trung ương Đảng và Bộ Dân uỷ Ngoại giao.
Ban lãnh đạo đảng đã cho phép xuất ra tổng cộng chỉ 1 ngàn rúp, còn cơ quan ngoại giao Xô-viết gọi đề nghị của "Chiếc mũ nhỏ" là sự phiêu lưu có thể phá hỏng hẳn quan hệ với chính phủ Kabul.
Bởi vậy, GPU đã quyết định sử dụng cách khác, tin cậy hơn để tiếp cận các tài liệu mật của lãnh sự quán Afghanistan. Họ biết rằng, xâm nhập vào toà nhà lãnh sự quán là dễ dàng vì ở đó có ít người, còn tài liệu của lãnh sự quán thì được cất giữ trong một tủ chống cháy, mà chìa khoá thì tổng lãnh luôn treo ở cổ. Cần bí mật đánh cắp chìa khoá này, rồi dùng nó để xâm nhập vào toà nhà lãnh sự quán lúc không người, lấy tài liệu khỏi tủ, chụp ảnh tài liệu và trả về chỗ cũ. Sau đó thì bí mật trả lại chìa khoá cho chủ nhân nó.
Chiến dịch đã diễn ra thuận buồm xuôi gió. Viên thư ký có tuổi của lãnh sự quán ít khi ở chỗ làm mà để giành toàn bộ thời gian tại căn hộ của một phụ nữ Nga. Người phụ nữ này đã được GPU gọi đến và được lệnh làm sao phải giữ cho được gã bạn trai nước ngoài của cô ta nghỉ lại trong buổi tối sắp tới. Vào ngày đó, trong một căn hộ xa hoa do GPU giao cho, bên chiếc bàn nhỏ đã diễn ra một tối vui có sự tham gia thoải mái của vị tổng lãnh sự Afghanistan.
Gần nửa đêm, ông tổng lãnh sự đã sừng sừng vì rượu còn bị nhồi thêm thuốc ngủ vào cốc. Khoảng 10 phút sau, các nhân viên Cheka đã có trong tay chiếc chìa khoá hằng mơ ước kia để đột nhập vào nơi đó trước 5 giờ sáng, chụp ảnh mật mã và các tài liệu cất trong két. Và chỉ vào 10 giờ sáng, mật mã lấy cắp được đã được dùng để giải mã bản sao các điện mật mã của Afghanistan thu được trước đó.
Một thập niên sau, nhiệm vụ lấy trộm mẫu các chìa khoá của sứ quán Afghanistan ở Moskva đã được giao cho nữ quản gia và bảo mẫu Ye.Ya. Shevtsova làm việc ở đó. Để tăng sức nặng cho yêu cầu làm việc này, người ta còn đe doạ trừng phạt nếu từ chối và hứa cho con trai bà Shevtsova đi điều trị tại bệnh viện trung ương.
Rõ ràng là cây gậy chính trị và củ cà rốt đã có tác dụng vì không lâu sau Shevtsova đã được chuyển sang làm việc ở sứ quán Italia. Người phụ nữ này đã phải thường xuyên sống trong sợ hãi và một lần đã kể hết cho người em gái khiến cô ta rất lo lắng vì điều đó có thể cản trở đường binh nghiệp đang tốt đẹp của con trai cô ta là Oleg Vladimirovich Penkovsky (Sau này là đại tá tình báo GRU, tên phản bội tồi tệ nhất trong lịch sử tình báo Liên Xô và Nga, bị xử bắn vì tội phản quốc - ND).
(Còn tiếp)
Ban biên tập
Theo NTD
(CĐ 18) Kỳ 99 Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Điệp viên xuất hiện tình cờ Đầu thập niên 1930, nhờ hiện tượng mà trong thực tế điệp báo có tên gọi là "điệp viên xuất hiện tình cờ", OGPU thành công trong việc phá giải các mật mã ngoại giao của Anh và lần đầu tiên xâm nhập vào Foreign Office (Bộ Ngoại giao Anh). Sự khởi đầu (52) Năm 1929, Ernst Halloway Oldham, nhân viên cơ yếu...